Đề cương ôn tập học kì 1 môn Khoa học tự nhiên 6 sách Cánh diều Ôn thi học kì 1 môn KHTN lớp 6 năm 2024 - 2025

Đề cương học kì 1 môn Khoa học tự nhiên 6 Cánh diều năm 2024 - 2025 mang tới các câu hỏi ôn tập học kì 1, giúp thầy cô tham khảo để giao đề cương ôn thi học kì 1 cho học sinh của mình.

Bộ đề cương ôn thi học kì 1 môn Khoa học tự nhiên 6 Cánh diều, hệ thống lại những câu hỏi lý thuyết trọng tâm, cùng các dạng bài tập, giúp các em nắm chắc kiến thức, để ôn thi học kì 1 năm 2024 - 2025 hiệu quả. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm đề cương học kì 1 môn Toán, Ngữ văn 6. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Khoa học tự nhiên 6 sách Cánh diều

Lý thuyết ôn thi học kì 1 môn Khoa học tự nhiên 6

1. Khái quát về khoa học tự nhiên

* Giới thiệu về khoa học tự nhiên

- Khoa học tự nhiên nghiên cứu các sự vật và hiện tượng của thế giới tự nhiên và ảnh hưởng của thế giới tự nhiên đến cuộc sống của con người.

- Khoa học tự nhiên có vai trò cung cấp thông tin mới và nâng cao hiểu biết của con người.

- Khoa học tự nhiên góp phần mở rộng sản xuất và phát triển kinh tế.

- Khoa học tự nhiên bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của con người.

- Khoa học tự nhiên bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Các lĩnh vực nghiên cứu của khoa học tự nhiên:

  • Sinh học nghiên cứu các sinh vật và sự sống trên Trái Đất.
  • Thiên văn học nghiên cứu về vũ trụ (các hành tinh, các ngôi sao, ...).
  • Khoa học Trái Đất nghiên cứu về Trái Đất.
  • Vật lí nghiên cứu về vật chất, năng lượng và sự vận động của chúng.

- Vật sống gồm các dạng sống đơn giản (ví dụ virus) và sinh vật. Chúng mang những đặc điểm của sự sống.

- Vật không sống là những vật không mang những đặc điểm của sự sống.

* Một số dụng cụ đo và quy định an toàn trong phòng thực hành

  • Dụng cụ đo chiều dài là thước
  • Dụng cụ đo khối lượng là cân
  • Dụng cụ đo thể tích chất lỏng là cố, ống đong,...
  • Dụng cụ đo thời gian là đồng hồ
  • Dụng cụ đo nhiệt độ là nhiệt kế
  • Cách sử dụng một số dụng cụ đo thể tích
  • Quy định an toàn trong phòng thực hành
  • Một số kí hiệu cảnh báo trong phòng thực hành

2. Các phép đo

* Đo chiều dài, khối lượng và thời gian

- Đơn vị đo chiều dài

Đơn vịKí hiệuĐổi ra mét
kilômétkm1 000 m
métm1 m
decimétdm0,1 m
centimétcm0,01 m
milimétmm0,001 m
micrômétμm0,000 001 m
nanômétnm0,000 000 001 m

- Người ta dùng thước để đo chiều dài.

- Các bước đo chiều dài bằng thước:

  • Bước 1: Ước lượng độ dài cần đo để chọn thước đo phù hợp.
  • Bước 2: Đặt thước dọc theo chiều dài vật cần đo, sao cho một đầu của vật thẳng với vạch số 0 của thước.
  • Bước 3: Đặt mắt nhìn theo hướng vuông góc với cạnh thước ở đầu còn lại của vật.
  • Bước 4: Đọc và ghi kết quả theo vạch chia gần nhất với đầu còn lại của vật.

- Đơn vị đo khối lượng

Đơn vịKí hiệuĐổi ra kilôgam
tấnt1 00 kg
kilôgamkg1 kg
gamg0,001 kg
miligammg0 000 001 kg

- Người ta đo khối lượng bằng cân

- Các bước đo khối lượng bằng cân đồng hồ:

  • Bước 1: Ước lượng khối lượng vật đem cân để chọn cân có GHĐ và ĐCNN phù hợp.
  • Bước 2: Điều chỉnh để kim cân chỉ đúng vạch số 0.
  • Bước 3: Đặt vật lên đĩa cân.
  • Bước 4: Đặt mắt nhìn theo hướng vuông góc với mặt số.
  • Bước 5: Đọc và ghi số chỉ của kim cân theo vạch chia gần nhất.

- Các bước đo khối lượng bằng cân đồng hồ:

  • Bước 1: Ước lượng khối lượng vật đem cân để chọn cân có GHĐ và ĐCNN phù hợp.
  • Bước 2: Điều chỉnh để kim cân chỉ đúng vạch số 0.
  • Bước 3: Đặt vật lên đĩa cân.
  • Bước 4: Đặt mắt nhìn theo hướng vuông góc với mặt số.
  • Bước 5: Đọc và ghi số chỉ của kim cân theo vạch chia gần nhất.

- Cách đo thời gian bằng đồng hồ bấm giây điện tử:

  • Bước 1: Chọn chức năng phù hợp bằng nút bấm MODE
  • Bước 2: Nhấn nút SPLIT/RESET để điều chỉnh về số 0
  • Bước 3: Sử dụng nút START/STOP để bắt đầu đo.
  • Bước 4: Kết thúc đo bằng cách nhấn START/STOP.
  • Bước 5: Đọc kết quả đo qua số chỉ của đồng hồ.

* Đo nhiệt độ

- Người ta dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ.

- Thang nhiệt độ xen – xi - ớt

- Cách đo nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế y tế:

  • Bước 1: Vẩy mạnh nhiệt kế để thủy ngân tụt xuống dưới vạch thấp nhất (vạch 35).
  • Bước 2: Dùng bông và cồn y tế làm sạch nhiệt kế.
  • Bước 3: Đặt nhiệt kế vào nách, kẹp cánh tay lại để giữ nhiệt kế.
  • Bước 4: Sau 3 phút, lấy nhiệt kế ra. Đọc theo phần chất lỏng nhiệt kế tương ứng với vạch chia gần nhất trên thang nhiệt độ, đặt mắt nhìn vuông góc với mặt số.

3. Các thể của chất

* Sự đa dạng của chất

  • Quan sát xung quanh ta, tất cả những gì thấy được, kể cả bản thân chúng ta, là vật thể.
  • Vật thể được chia thành: vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo.
  • Mọi vật thể đều do chất tạo nên, ở đâu có vật thể ở đó có chất.
  • Một vật thể có thể do nhiều chất tạo nên.
  • Mặt khác, một chất có thể có trong nhiều vật thể khác nhau. - Chất có thể tồn tại ở thể rắn, lỏng, hoặc khí

* Tính chất và sự chuyển thể của chất

  • Để nhận ra chất hoặc phân biệt chất này với chất khác ta dựa vào tính chất của chúng.
  • Tính chất của chất bao gồm tính chất vật lí và tính chất hóa học.
  • Sự chuyển thể của chất bao gồm: sự nóng chảy, sự đông đặc, sự bay hơi, ngưng tụ và sự sôi.

4. Oxygen và không khí

  • Oxygen là chất khí không màu, không mùi, không vị và ít tan trong nước.
  • Oxygen là chất khí không màu, không mùi, không vị và ít tan trong nước.
  • Oxygen với sự cháy và quá trình đốt nhiên liệu
  • Thành phần của không khí được thể hiện trong hình sau:

Oxygen và không khí

  • Không khí là một yếu tố không thể thiếu đối với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật trên Trái Đất. Mỗi thành phần trong không khí có vai trò riêng đối với tự nhiên.
  • Ô nhiễm không khí là khi không khí có sự thay đổi lớn về thành phần, chủ yếu là do khói, bụi hoặc các khí lạ khác.
  • Không khí bị ô nhiễm có thể xuất hiện mùi khó chịu, làm giảm tầm nhìn, gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên và sức khỏe sinh vật.

5. Một số vật liệu, nhiên liệu, nguyên liệu, lương thực - thực phẩm

* Một số vật liệu, nhiên liệu và nguyên liệu

- Các vật thể nhân tạo được làm bằng vật liệu. Các vật liệu được tạo nên từ một hoặc nhiều chất.

- Một số vật liệu thông dụng như: nhựa, kim loại, cao su, thủy tinh, gốm, gỗ,....

- Dựa vào trạng thái, người ta chia nhiên liệu thành 3 loại:

  • Nhiên liệu rắn: than, củi …
  • Nhiên liệu lỏng: xăng, dầu …
  • Nhiên liệu khí: khí thiên nhiên, khí mỏ dầu …

- Một số nhiên liệu thông dụng như: than, xăng, dầu,....

- Phần lớn các năng lượng mà chúng ta sử dụng ngày nay đều đến từ loại nhiên liệu như than, dầu mỏ …. Với tốc độ khai thác và tiêu thụ như hiện nay, các nhiên liệu này đang có nguy cơ cạn kiệt.

- An ninh năng lượng là việc đảm bảo năng lượng dưới nhiều dạng khác nhau, đủ dùng, sạch và rẻ như năng lượng mặt trời, năng lượng gió …

- Sử dụng nhiên liệu an toàn, hiệu quả và đảm bảo sự phát triển bền vững

- Con người khai thác và chế biến các nguyên liệu để tạo nên sản phẩm.

Ví dụ:

  • Quặng bauxite được dùng để sản xuất nhôm
  • Quặng apatite được dùng để sản xuất phân lân;

- Sử dụng nhiên liệu hiệu quả và đảm bảo sự phát triển bền vững

* Một số lương thực – thực phẩm thông dụng

  • Lương thực như gạo, ngô, khoai, sắn … có chứa các tinh bột.
  • Thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa … được dùng để làm các món ăn.
  • Lương thực, thực phẩm cung cấp các chất thiết yếu cho cơ thể con người như tinh bột, đường, chất béo, chất đạm, vitamin, chất khoáng …
  • Lương thực, thực phẩm rất đa dạng. Chúng có thể ở dạng tươi sống (như rau, củ, cá, tôm …) hoặc đã qua chế biến (như cơm, cá rán, thức ăn đóng hộp …)
  • Lương thực – thực phẩm dễ bị hỏng trong không khí do nấm và các vi khuẩn phân hủy nếu không được bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách.
  • Lương thực, thực phẩm cần được bảo quản bằng các cách thích hợp.

6. Hỗn hợp

* Hỗn hợp, chất tinh khiết, dung dịch

- Hai hay nhiều chất trộn lẫn vào nhau được gọi là hỗn hợp. Mỗi chất trong hỗn hợp được gọi là một chất thành phần.

Ví dụ: Nước muối sinh lí là một hỗn hợp với các chất thành phần là natri clorid, nước cất.

- Trong hỗn hợp các chất thành phần vẫn giữ nguyên tính chất của nó.

- Hỗn hợp gồm có 2 dạng: Hỗn hợp đồng nhất và hỗn hợp không đồng nhất

- Chất không lẫn chất nào khác là chất tinh khiết.

Ví dụ: Hầu hết các loại nước như nước sông, nước biển, kể các nước máy sinh hoạt đều có lẫn một số chất khác. Khi loại hết tất cả các chất đó ra khỏi nước thì thu được chất tinh khiết.

- Huyền phù: các chất rắn lơ lửng trong lòng chất lỏng.

- Nhũ tương: chất lỏng lơ lửng trong chất lỏng khác.

- Dung dịch là một hỗn hợp đồng nhất của hai hay nhiều chất hòa tan vào nhau. Chất có lượng (chiếm phần) nhiều hơn thường được gọi là dung môi.

Ví dụ: Muối tan vào nước tạo thành dung dịch nước muối. Nước muối là hỗn hợp đồng nhất, không phân biệt được đâu là muối, đâu là nước.

- Trong thực tế, có chất rắn tan trong nước, có chất rắn không tan trong nước.

* Tách chất ra khỏi hỗn hợp

  • Dựa trên sự khác nhau về tính chất vật lý của các chất, ta có thể tách các chất ra khỏi hỗn hợp bằng các cách đơn giản như: cô cạn, lọc, chiết ...
  • Sử dụng cách cô cạn để tách chất rắn khó tan, khó bay hơi, bền với nhiệt độ cao ra khỏi dung dịch của nó.
  • Người ta sử dụng cách lọc để tách các chất rắn không tan trong chất lỏng ra khỏi hỗn hợp của chúng.
  • Người ta tách các chất lỏng không hòa tan trong nhau và tách lớp bằng cách chiết.

7. Tế bào

* Tế bào – Đơn vị cơ sở của sự sống

- Tế bào là đơn vị cấu trúc của sự sống.

- Tế bào có nhiều loại, từng loại tế bào lại có các hình dạng khác nhau (hình que, hình cầu, hình sao…).

- Tế bào có kích thước rất nhỏ, đa số đều không thể quan sát bằng mắt thường mà phải dùng kính hiển vi để quan sát.

- So sánh tế bào động vật và tế bào thực vật

+ Giống: Tế bào thực vật và tế bào động vật đều được cấu tạo bởi 3 thành phần chính là:

  • Màng tế bào: là lớp màng mỏng, kiểm soát sự di chuyển của các chất vào và ra khỏi tế bào.
  • Tế bào chất: là chất keo lỏng chứa các bào quan và là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sống của tế bào.
  • Nhân tế bào: có màng nhân bao bọc chất di truyền và là trung tâm điều khiển hầu hết mọi hoạt động của tế bào.

+ Khác: Tế bào thực vật có lục lạp còn tế bào động vật thì không

- Cấu tạo của tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực:

Cấu tạo của tế bào nhân sơ và tế bào nhân thực

  • Khi tế bào lớn lên và đạt tới một kích thước nhất định thì chúng sẽ thực hiện quá trình phân chia tạo ra các tế bào mới.
  • Từ một tế bào ban đầu sau mỗi lần phân chia tạo ra hai tế bào mới gọi là sự phân bào.
  • Công thức tính số tế bào (N) sau n lần phân chia: N = 2n

* Từ tế bào đến cơ thể

  • Sinh vật đơn bào là các sinh vật thực hiện các hoạt động sống trong khuôn khổ một tế bào như: lấy và tiêu hóa thức ăn, hô hấp, vận động, sinh sản và trả lời các kích thích từ môi trường bên ngoài.
  • Sinh vật đa bào có cấu tạo phức tạp.
  • Ở sinh vật đa bào, các tế bào được tổ chức theo thứ tự nhất định từ cấp độ thấp đến cấp độ cao: tế bào --> mô --> cơ quan --> hệ cơ quan --> cơ thể

8. Đa dạng thế giới sống

* Phân loại thế giới sống

  • Thế giới sông được chia thành 5 giới: Khởi sinh, Nguyên sinh, Nấm, THực vật, Động vật.
  • Môi trường sống của sinh vật rất đa dạng như: môi trường trên cạn, môi trường nước, môi trường đất hoặc môi trường sinh vật.
  • Mỗi sinh vật có hai cách gọi tên là tên địa phương và tên khoa học

* Khóa lưỡng phân

  • Khóa lưỡng phân dùng để phân chia các sinh vật thành từng nhóm, dựa trên sự giống hoặc khác nhau ở mỗi đặc điểm của sinh vật.
  • Xây dựng khóa lưỡng phân gồm 2 bước

* Virus và vi khuẩn

  • Virus là dạng sống có kích thước rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được.
  • Virus có nhiều hình dạng khác nhau như hình que, hình cầu, hình đa diện,…
  • Virus chưa có cấu tạo tế bào
  • Virus được coi là tác nhân gây bệnh cho thực vật, động vật và con người do chúng có khả năng “sinh sản” và lan truyền rất nhanh từ tế bào này sang tế bào khác.
  • Vi khuẩn là những sinh vật đơn bào rất nhỏ bé, có kích thước khoảng 0,5 – 10 µm
  • Tế bào vi khuẩn có cấu tạo đơn giản nhưng rất đa dạng về hình dạng
  • Vi khuẩn được dùng để chế biến các thực phẩm lên men như làm sữ chua, dưa chua, nước tương…
  • Vi khuẩn làm hỏng thức ăn

* Đa dạng nguyên sinh vật

  • Nguyên sinh vật rất đa dạng với nhiều hình dạng khác nhau. Chúng sống ở môi trường nước mặn và nước ngọt.
  • Nguyên sinh vật là thức ăn của nhiều động vật
  • Một số nguyên sinh vật gây bệnh ở người như: trùng sốt rét, trùng kiết lị,....

* Đa dạng nấm

- Nấm là sinh vật nhân thực, thành tế bào cấu tạo bởi kitin.

- Nấm là sinh vật dị dưỡng, lấy thức ăn là các chất hữu cơ.

- Nấm có thể sống cộng sinh hoặc kí sinh trên cơ thể sinh vật hoặc sống trên đất ẩm, rơm rạ, thân cây gỗ mục…

- Nấm có dạng cơ thể đơn bào và đa bào.

- Vai trò:

  • Nấm phân hủy xác động vật, thực vật, làm sạch môi trường
  • Làm thức ăn cho con người
  • Làm dược liệu

- Tác hại:

  • Nhiều loài nấm có độc, ăn phải gây ngộ độc cho con người
  • Một số loài nấm kí sinh gây bệnh cho thực vật, động vật và con người

Bài tập ôn thi học kì 1 môn Khoa học tự nhiên 6

A. Trắc nghiệm

Câu 1: Cho các vật thể: con chim, con gà, đôi giày, vi khuẩn, máy bay. Những vật sống trong các vật thể đã cho là

A. vi khuẩn, con chim, đôi giày.
B. vi khuẩn, con gà, con chim.
C. con chim, con gà, máy bay.
D. con chim, đôi giày, vi khuẩn.

Câu 2: Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của chất rắn?

A. Có khối lượng, hình dạng và thể tích không xác định.
B. Không có khối lượng, hình dạng và thể tích không xác định.
C. Có khối lượng, hình dạng và thể tích xác định.
D. Không có khối lượng, hình dạng và thể tích xác định.

Câu 3: Dãy gồm các tính chất vật lí của chất?

A. Tính tan, tính dẻo, màu sắc, tính dẫn điện, nhiệt độ sôi.
B. Nhiệt độ nóng chảy, tính cứng, thể tích, năng năng cháy, tính dẫn nhiệt.
C. Khả năng bị phân hủy, tính dẻo, mùi vị, nhiệt độ sôi, tính cứng.
D. Khả năng cháy, khả năng bị phân hủy, tính dẫn điện, tính tan, thể tích.

Câu 4: Quá trình nào sau đây thể hiện tính chất vật lí của chất?

A. Nước vôi trong bị vẩn đục khi sục khí carbon dioxide.
B. Gỗ cháy thành than.
C. Dây xích xe đạp bị gỉ.
D. Hòa tan muối ăn vào nước.

Câu 5: Sự chuyển từ thể rắn sang thể lỏng được gọi là

A. sự ngưng tự.
B. sự bay hơi.
C. sự nóng chảy.
D. sự đông đặc.

Câu 6: Chọn phát biểu sai, khi nói về vai trò của không khí đối với tự nhiên và con người?

A. Oxygen cần cho quá trình hô hấp và quá trình đốt cháy nhiên liệu.
B. Nitrogen cung cấp một phần dưỡng chất cho sinh vật.
C. Carbon dioxide cần cho sự quang hợp.
D. Oxygen dùng để dập các đám cháy.

Câu 7: Quặng nào sau đây được khai thác để sản xuất nhôm?

A. Quặng apatite
B. Quặng bauxite
C. Quặng hematite
D. Quặng titanium

Câu 8: Trường hợp nào dưới đây là chất tinh khiết?

A. Nước khoáng.
B. Nước biển.
C. Sodium chloride.
D. Không khí.

Câu 9: Phát biểu nào dưới đây không đúng?

A. Thực phẩm đóng hộp phải chú ý hạn sử dụng.
B. Thực phẩm bị biến đổi tính chất thì không dùng được.
C. Bảo quản thực phẩm không đúng cách làm giảm chất lượng thực phẩm.
D. Trong thành phần của ngô, khoai, sắn không chứa tinh bột.

Câu 10: Trong các hỗn hợp dưới đây, hỗn hợp nào là hỗn hợp không đồng nhất?

A. Hỗn hợp nước muối.
B. Hỗn hợp nước đường.
C. Hỗn hợp dầu ăn và nước.
D. Hỗn hợp nước và rượu.

ĐÁP ÁN

1B

2C

3A

4D

5C

6D

7B

8C

9D

10C

B. Tự luận

Bài 1:

a) Nêu cấu tạo tế bào và chức năng các thành phần của tế bào?

b) Chỉ ra điểm khác biệt giữa tế bào thực vật và tế bào động vật?

c) Vì sao nói tế bào là đơn vị cấu trúc của sự sống?

Trả lời:

a) Cấu tạo tế bào gồm:

- Màng tế bào: Bảo vệ và cho các chất đi qua.

- Chất tế bào: Chứa các bào quan và là nơi diễn ra các hoạt động sống của tế bào.

- Nhân tế bào: Điều khiển mọi hoạt động sống của tế bào.

b) Khác nhau giữa tế bào thực vật và tế bào động vật:

- Tế bào thực vật: Màng có chứa xenlulozo, trong tế bào chất có chứa lục lạp.

- Tế bào động vật: Màng không có xenlulozo, không có diệp lục.

c) Tất cả các cơ thể sinh vật từ đơn giản đến phức tạp đều được cấu tạo từ tế bào. Vì vậy tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể.

Bài 2:

a) Khí oxygen có vai trò gì?

b) Theo em những hoạt động nào của con người gây ô nhiễm không khí?

c) Đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường không khí?

Trả lời:

a) Vai trò của khí oxygen:

- Khí oxygen là thành phần quan trọng nhất đối với hoạt động hô hấp của con người, động vật và thực vật.

- Khí oxygen duy trì sự cháy.

b) Một số hoạt động của con người gây ô nhiễm không khí:

- Đun nấu sinh hoạt.

- Phương tiện giao thông.

- Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

- Cháy rừng.

- Rác thải.

c) Các biện pháp bảo vệ môi trường không khí:

- Trồng nhiều cây xanh.

- Sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.

- Quản lí rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp.

- Xây dựng hệ thống giao thông công cộng an toàn, thân thiện với môi trường.

- Tiết kiệm điện và năng lượng.

- Tuyên truyền, nâng cao ý thức của con người.

Bài 3:

a) Em hãy kể tên các bệnh do vi khuẩn và virus gây ra cho con người và các sinh vật khác?

b) Hiện nay virus Corona đang gây ra dịch bệnh rất nguy hiểm trên toàn cầu, vậy bản thân em đã làm gì virus nguy hiểm này cho cá nhân, gia đình và cộng đồng?

Trả lời:

a) Những bệnh do vi khuẩn và virus gây nên:

+ Cho con người:

- Do vi khuẩn: uốn ván, thương hàn, bệnh lao…

- Do virus: cúm, đậu mùa, quai bị, sởi, bại liệt, viêm gan, viêm não, hội chứng HIV/AIDS…

+ Cho sinh vật:

- Virus gây bệnh thối rữa ở cây ăn quả; bệnh đốm trắng hoặc nâu trên lá cây; bệnh cúm gia cầm…

- Vi khuẩn gây ra bệnh bạc lá, héo lá ở cây…

b) Bản thân em đã thực hiện:

- Tìm hiểu về dịch bệnh và nắm được diễn biến của dịch bệnh.

- Thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ y tế và các chỉ thị của chính phủ.

- Chủ động tiêm phòng vacxin khi có đủ điều kiện.

Câu 4: Mỗi trường hợp sau diễn ra quá trình chuyển thể nào?

a) Đun cháy một mẩu nến.

b) Sương đọng trên lá cây.

c) Bỏ nước vào ngăn đá tủ lạnh

Trả lời:

a. Nóng chảy

b. Ngưng tụ

c. Đông đặc

Câu 5

a) Trình bày vai trò của nấm?

b) Trong các loại nấm, có một loại nấm có thể “dự báo thời tiết”, vậy loại nấm đó tên là gì và tại sao lại được gọi như vậy?

Trả lời:

a. Vai trò của nấm:

- Tham gia quá trình phân hủy chất thải và xác động vật, thực vật thành các chất đơn giản cung cấp cho cây xanh, làm sạch môi trường.

- Nấm được sử dụng trực tiếp làm thức ăn, sử dụng nấm làm thuốc.

- Trong công nghiệp sử dụng nấm men để sản xuất bánh mì, bia, rượu… nấm mốc dùng để sản xuất tương…

b. Loại nấm đó tên là nấm báo mưa.

Nó được gọi như vậy vì nó chỉ xuất hiện vào mùa mưa, khi không khí rất ẩm, đầy hơi nước. Do đó, nếu thấy nấm này xuất hiện thì ta biết là trời sắp mưa.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm