Đề cương ôn tập giữa học kì 2 môn Ngữ văn 12 sách Kết nối tri thức Ôn tập giữa kì 2 Văn 12 năm 2024 - 2025 (Cấu trúc mới)
Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 là tài liệu rất hữu ích, gồm 13 trang tóm tắt kiến thức cần nắm và 2 đề kiểm tra minh họa. Qua đó giúp các em học sinh lớp 12 nắm được kiến thức mình đã học trong chương trình giữa kì 2, rèn luyện và ôn tập một cách hiệu quả.
Đề cương ôn tập giữa kì 2 Văn 12 Kết nối tri thức được biên soạn với cấu trúc hoàn toàn mới gồm 100% tự luận. Qua đó giúp giáo viên khái quát được nội dung ôn tập và nâng cao được hiệu quả ôn tập cho học sinh, tránh được tình trạng ôn tập cục bộ hoặc tràn lan. Vậy sau đây là trọn bộ đề cương giữa kì 2 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức mời các bạn đón đọc.
Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức 2025
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO . TRƯỜNG THPT ……………
| NỘI DUNG ÔN TẬP GIỮA KÌ II Môn: Ngữ văn - Khối : 12 Năm học 2024-2025 |
A. TÓM TẮT LÝ THUYẾT VÀ KTCB
I. ĐỌC
1. Truyện và tiểu thuyết
a. Khái niệm
- Tiểu thuyết: tác phẩm tự sự cỡ lớn. Tiểu thuyết có khả năng phản ánh đời sống rộng lớn, không bị giới hạn về không gian và thời gian; cốt truyện phức tạp, được xây dựng trên nhiều sự kiện, cảnh ngộ, nhiều mối xung đột; miêu tả nhiều tuyến nhân vật, nhiều quan hệ chồng chéo với những diễn biến tâm lí phức tạp, đa dạng.
- Truyện ngắn: tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Truyện ngắn hướng tới khắc hoạ một hiện tượng trong đời sống, cốt truyện thường diễn ra trong thời gian, không gian hạn chế, kết cấu không nhiều tầng, nhiều tuyến; thường có ít nhân vật. Truyện ngắn thu hút người đọc bởi nội dung cô đúc, chi tiết có sức ám ảnh, ý tưởng sắc sảo được thể hiện qua tình huống bất ngờ, lời văn hàm súc, mang nhiều ẩn ý.
b. Một số yếu tố đặc trưng của truyện và tiểu thuyết
- Nội dung: đề tài, chủ đề, cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, bối cảnh (không gian, thời gian), ý nghĩa chi tiết, …
- Nghệ thuật: Ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, lời nhân vật, lời người kể chuyện, chi tiết đặc sắc, nghệ thuật xây dựng nhân vật,…
c. Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại truyện và tiểu thuyết
- Phân tích và đánh giá được một số yếu tố về hình thức (các chi tiết tiêu biểu, ngôi kể, điểm nhìn, sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật,…); nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng, triết lí nhân sinh,…) của truyện và tiểu thuyết.
+ Nêu được ý nghĩa, tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.
2. Thơ
a. Khái niệm
- Là một thể loại văn học
- Nội dung: Phản ánh cuộc sống thông qua tình cảm, cảm xúc của người viết về cuộc đời và con người
- Hình thức: Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, sử dụng nhiều hình tượng nghệ thuật, biện pháp tu từ, giàu nhịp điệu,…
- Thơ có yếu tố tượng trưng: là thơ có những hình ảnh mang tính biểu tượng, gợi cho người đọc những ý niệm, hoặc gợi lên một liên tưởng sâu xa.
- Thơ trữ tình hiện đại: là các sáng tác thơ trữ tình có tính chất cách tân, đổi mới so với thơ trung đại. Ở Việt Nam, thơ trữ tình hiện đại xuất hiện vào khoảng đầu thế kỉ XX, phát triển với sự ra đời của phong trào Thơ mới năm 1932. Phá vỡ những quy phạm của thơ trung đại, thơ trữ tình hiện đại đề cao cái “tôi” cá nhân với những cảm xúc đa dạng, phong phú. Vừa tiếp thu những thành tựu của thơ ca phương Tây (tượng trưng, siêu thực,…) vừa hiện đại hoá những thể loại truyền thống, các nhà thơ hiện đại không ngừng tìm tòi, làm mới hình thức câu thơ, hình ảnh thơ, cấu tứ,…
- Thơ có yếu tố siêu thực: là thơ có những hình ảnh hư ảo, mơ hồ, trừu tượng, khó hình dung, lí giải một cách tường minh. Những hình ảnh này là sự thể hiện của thế giới siêu thực – thế giới được cảm nhận trong giấc mơ hoặc tiềm thức.
b. Một số yếu tố đặc trưng của thơ
- Cảm hứng chủ đạo: Cảm xúc mãnh liệt xuyên suốt bài thơ.
- Nhân vật trữ tình: Nhân vật trực tiếp bộc lộ cảm xúc, có thể là tác giả hoặc người đại diện cho quan niệm thẩm mỹ, tư tưởng của thời đại.
- Cấu tứ: cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc của bài thơ; là sự cắt nghĩa, lí giải và khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm.
- Biện pháp tu từ, vần, giọng điệu, nhịp điệu,…
c. Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại thơ
+ Nhận biết và phân tích được các yếu tố cơ bản của thơ: đề tài, cảm hứng chủ đạo, nhân vật trữ tình,…
+ Nhận biết và phân tích được vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ.
+ Nhận biết và phân tích được giá trị thẩm mĩ của các yếu tố cấu tứ, ngôn từ; tình cảm, cảm xúc chủ đạo của người viết.
+ Nhận biết và phân tích được những yếu tố biểu tượng, những yếu tố tượng trưng, siêu thực,…
+ Thiết lập mối quan hệ liên văn bản của văn bản thơ đang phân tích với văn bản có cùng đề tài hoặc chung đặc điểm phong cách của cùng một tác giả.
3. Kí
a. Khái niệm
- Tên gọi một thể loại văn học bao gồm nhiều thể loại / tiểu loại văn xuôi
- Chú trọng ghi chép sự thực: người thật – việc thật và bộc lộ trực tiếp cảm xúc của tác giả.
- Trong kí, hư cấu nghệ thuật vẫn được quyền sử dụng ở những thành phần không xác định nhưng không vi phạm logic khách quan
b. Một số yếu tố đặc trưng của kí
- Sự kết hợp giữa tự sự (kể lại sự việc: bối cảnh, nhân vật, quá trình, kết quả,…) và trữ tình (bộc lộ trực tiếp những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết)
- Sự kết hợp giữa hư cấu (chi tiết, tâm lí nhân vật, sự việc,…) và phi hư cấu (tính xác thực về con người, sự kiện,…)
c. Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng thể loại kí
+ Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa hư cấu và phi hư cấu trong kí.
+ Nhận biết và phân tích được tính phi hư cấu và một số thủ pháp nghệ thuật trong kí.
+ Đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết qua văn bản; phát hiện được giá trị văn hoá hoặc triết lí nhân sinh từ văn bản.
4. Một số thể loại văn bản văn bản văn học khác:
- Văn học dân gian: Thần thoại, sử thi, chèo, tuồng,…
- Văn học viết: Truyện ký, truyện truyền kì, văn tế,…
5. Văn bản nghị luận
a. Khái niệm
- Văn bản nghị luận là văn bản thực hiện chức năng thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề thông qua một hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng chặt chẽ.
b. Một số yếu tố đặc trưng của văn bản nghị luận
- Luận đề, luận điểm, luận cứ, lí lẽ, dẫn chứng.
- Cách sắp xếp, trình bày luận đề, luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng: Trong văn bản nghị luận, luận đề là quan điểm bao trùm toàn bộ bài viết, thường được nêu ở nhan đề hoặc trong phần mở đầu của bài viết. Luận điểm nhằm triển khai làm rõ cho luận đề; số luận điểm nhiều hay ít tuỳ thuộc vào dung lượng và nội dung của vấn đề. Mỗi luận điểm thường được trình bày bằng một câu khái quát và được làm sáng tỏ bởi các lí lẽ, dẫn chứng. Cách sắp xếp, trình bày các yếu tố trên thể hiện bố cục và trình tự, thứ bậc (kết cấu) của hệ thống ý trong bài nghị luận; giúp cho bài viết rõ ràng, mạch lạc và có sức thuyết phục cao.
- Tính khẳng định, phủ định trong văn nghị luận: Văn nghị luận thể hiện rất rõ thái độ, nhận thức, lập trường và quan điểm của người viết. Trước bấn đề nêu lên để bàn luận, người viết cần bày tỏ ý kiến, khẳng định cái đúng, cái tốt; bác bỏ, phê phán cái sai, cái xấu,… Vì thế, ngôn ngữ văn nghị luận thường dùng các từ, các câu khẳng định, phủ định nhằm tạo cho bài văn một âm hưởng, giọng điệu mạnh mẽ, kiên quyết, hào sảng. Tính khẳng định và phủ định không chỉ có trong văn nghị luận xã hội mà trong cả văn bản nghị luận văn học.
A. CẤU TRÚC ĐỀ THI – MA TRẬN
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
- Hình thức: trả lời 05 câu hỏi tự luận ngắn
- Nội dung:
+ Văn bản thuộc thể loại văn bản văn học: thơ, truyện, kí,… hoặc nghị luận văn học
+ Kiến thức về đặc trưng của thể loại văn bản văn học: thơ, truyện, kí,….
+ Kiến thức đọc hiểu văn bản: phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, ý nghĩa hình ảnh, chi tiết đặc sắc, tính phi hư cấu…
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận văn học phân tích và đánh giá một khía cạnh của văn bản hoặc phân tích làm rõ một đặc điểm của thể loại qua văn bản (khoảng 200 chữ).
Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ.
B. LUYỆN TẬP
BẢNG NĂNG LỰC VÀ CẤP ĐỘ TƯ DUY
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2024 - 2025
MÔN: NGỮ VĂN 12
Thời gian làm bài: 120 phút
TT | Thành phần năng lực | Mạch nội dung | Số câu | Cấp độ tư duy (Theo cấu trúc của đề thi TN THPT của Bộ GD&ĐT) | ||||||||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng | Tổng % | |||||||||
Số câu | Tỉ lệ | Số câu | Tỉ lệ | Số câu | Tỉ lệ | |||||||
1 | Năng lực Đọc | - Văn bản văn học ( Thơ/Truyện/Tiểu thuyết/Kí/Kịch…) - Văn bản nghị luận văn học | 5 | 2 | 10% | 2 | 20% | 1 | 10% | 40% | ||
2 | Năng lực Viết | Nghị luận văn học | 1 | 5% | 5% | 10% | 20% | |||||
Nghị luận xã hội | 1 | 7,5% | 10% | 22,5% | 40% | |||||||
Tỷ lệ % | 22,5% | 35% | 42,5% | 100% | ||||||||
Tổng | 7 | 100% |
ĐỀ MINH HỌA
ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
BÀ BÁN BỎNG CỔNG TRƯỜNG TÔI
(Lược trích một đoạn: Trước cổng trường nhân vật tôi có bà bán bỏng tóc bạc phơ, lưng còng, rất hiền hậu. Bà bán hàng thường thêm bỏng cho lũ trẻ nên đứa nào cũng thích mua hàng của bà. Một hôm, thằng Tòng béo lớp tôi phao tin đồn là bà bán bỏng bị ho lao, có thể lây nhiễm. Thế là bọn bạn lớp tôi không còn ra mua hàng cho bà như trước. Tin đó truyền đi khắp trường, hàng bỏng của bà bị ế đến mấy ngày không bán nổi. Thế rồi bà không bán bỏng ở cổng trường nữa. Tôi và lũ bạn cũng chẳng ai nhớ tới bà, chúng tôi chuyển sang mua ô mai, táo dầm)
Một hôm mẹ tôi sai tôi ra chợ mua mớ rau. Tôi bỗng gặp bà bán bỏng, trông bà gầy nhiều, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới, bà chống gậy và đeo một cái bị đi vào hàng cơm, bà lấy trong bị ra một cái bánh mì khô và nói gì nho nhỏ với bà hàng cơm, nghe không rõ. Tôi chỉ nghe tiếng quát mắng to tướng của bà hàng cơm:
Nướng nhanh lên mà đi cho khuất mắt. Trông người chả ra người, như con gà rù thế kia mà ám hàng người ta thì làm sao người ta bán được…
Bà bán bỏng lật đật đến gần bếp lò run rẩy nhét cái bánh mì vào phía dưới lò. Chứng kiến tất cả cái cảnh ấy tự nhiên tôi thấy thương bà quá. Tôi chạy lại gần bà, ấn vội vào tay bà số tiền mẹ tôi đưa mua rau rồi chạy vụt về. Tôi về nhà kể lại với mẹ mọi việc, mẹ tôi không mắng tôi về việc ấy mà lại trách tôi chuyện khác kia. Mẹ bảo:
Con giúp đỡ người nghèo là đúng, nhưng con thử nghĩ xem, với số tiền mua rau ấy bà già chỉ sống được một bữa, còn bữa sau thì sao? Đáng lẽ trước kia con và các bạn con đừng tung cái tin “bà bán bỏng ho lao” ra thì chắc bà vẫn sống được tử tế. Đằng này, vô tình con và các bạn con đã hại bà ấy. Các con chưa hiểu được đâu. Chưa hiểu được một người già mà phải đói khát thì khổ đến thế nào… Mẹ còn nói nhiều nhiều nữa nhưng thấy tôi rân rấn nước mắt nên mẹ thôi. Mẹ lại đưa tiền cho tôi đi mua rau.
Hôm sau đến lớp tôi kể cho các bạn nghe mọi sự việc, kể cả chuyện mẹ tôi đã mắng tôi như thế nào. Các bạn nghe mà ai cũng bùi ngùi cảm thấy mình có lỗi, bỗng có bạn lên tiếng:
- Thế ai bảo cậu Tòng là bà ấy ho lao?
- Ai bảo? Ai bảo?... – Tất cả nhao lên như muốn lên án Tòng.
- Tớ cũng chẳng nhớ. – Tòng trả lời yếu ớt. – Tớ nghe thấy thế.
- Cậu nghe chưa chính xác mà đã nói. Cậu ác thế! Ác thế!
- Khổ thân bà ấy. – Một bạn nói. – Làm thế nào để giúp bà ấy bây giờ? Hay là góp tiền lại đem cho bà ấy.
- Làm thế chẳng được đâu. – Tôi nói. – Mẹ tớ bảo là khi bà ấy ăn hết số tiền mình cho thì bà ấy lại đói. Hay là khi nào tớ gặp bà ấy tớ sẽ bảo: “Bà cứ bán bỏng đi chúng cháu lại mua cho bà” mà tất cả chúng mình phải mua của bà ấy kia, bảo cả bọn lớp khác nữa.”
- Ừ,phải đấy! – Một bạn nói. – Tất cả chúng mình đều
- Tất cả.
- Tất cả. – Các bạn đồng thanh tán thành. Có bạn lại còn đề ra mình sẽ ăn sáng bằng bỏng.
(Theo Xuân Quỳnh, Trời xanh của mỗi người, NXB Kim Đồng, 2017, tr99-106)
Trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 5:
Câu 1 (0,5 điểm): Chỉ ra dấu hiệu xác định ngôi kể của truyện ngắn trên.
Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả ngoại hình “bà bán bỏng” trước khi có tin đồn bà bị ho lao.
Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn sau:“Tôi bỗng gặp bà bán bỏng, trông bà gầy nhiều, lưng còng hẳn xuống, quần áo rách rưới, bà chống gậy và đeo một cái bị đi vào hàng cơm, bà lấy trong bị ra một cái bánh mì khô và nói gì nho nhỏ với bà hàng cơm, nghe không rõ.”
Câu 4 (1,0 điểm): Qua những hành động và việc làm của nhân vật tôi sau khi chứng kiến hoàn cảnh của bà bán bỏng, em thấy nhân vật tôi có những phẩm chất gì?
Câu 5 (1,0 điểm): Từ chủ đề của truyện ngắn, anh/chị hãy chia sẻ góc nhìn của mình về trách nhiệm của việc phát ngôn.
PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về nhân vật “bà bán bỏng” trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4,0 điểm)
Thế kỉ XXI, xã hội có nhiều biến động, nhiều người chủ động để thích ứng nhưng cũng còn một số người e ngại sự thay đổi.
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề trên.
............
Xem đầy đủ nội dung đề cương trong file tải về
Link Download chính thức:
Các phiên bản khác và liên quan:
