Bộ đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2024 - 2025 (Sách mới) 14 Đề thi giữa kì 1 Văn 11 sách KNTT, CTST, Cánh diều
Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 năm 2024 - 2025 tổng hợp 14 đề khác nhau có đáp án giải chi tiết kèm theo bảng ma trận. Qua tài liệu này giúp các bạn học sinh ôn luyện củng cố kiến thức để biết cách ôn tập đạt kết quả cao.
TOP 14 Đề thi giữa kì 1 Văn 11 gồm 3 sách Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và Cánh diều được biên soạn với phần ngữ liệu ngoài chương trình SGK. Hi vọng qua đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 11 sẽ giúp các em học sinh lớp 11 dễ dàng ôn tập, hệ thống kiến thức, luyện giải đề, rồi so sánh kết quả thuận tiện hơn. Đồng thời đây cũng là tài liệu hữu ích giúp giáo viên ra đề ôn luyện cho các em học sinh của mình. Vậy sau đây là trọn bộ 14 đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 năm 2024 - 2025 mời các bạn cùng theo dõi.
TOP 14 Đề thi giữa kì 1 Văn 11 năm 2024 - 2025 (Sách mới)
- 1. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
- 2. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 Cánh diều
- 3. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo
1. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Đề thi giữa kì 1 Văn 11 Kết nối tri thức
SỞ GD & ĐT … TRƯỜNG THPT ……… -------------------- ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ 1 Năm học: 2024 – 2025 Môn thi: NGỮ VĂN. Khối 11 Thời gian làm bài: 90 phút |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:(Lược đoạn đầu: Tân là một chàng trai trẻ sống ở làng quê nghèo. Từ nhỏ, cha mẹ đã gửi Tân ở nhà ông chú trên Hà nội với mong muốn Tân đi học để trở thành thầy thông hay thầy kí. Mười tám tuổi Tân đã thực hiện được điều mà anh và gia đình mong muốn. Anh ở lại Hà Nội làm việc. Khi có nạn kinh tế, Tân mất việc. Cha anh buồn rầu từ trần, anh sống cuộc đời vất vưởng của người thất nghiệp ở Hà Nội mấy tháng trời. Cuối cùng anh quyết định về quê sống.)
Thế là hôm sau, Tân xách khăn gói về. Rồi từ đấy chàng hoàn toàn là một người nhà quê dễ dãi. Mới đầu Tân cũng thấy nhiều sự thiếu thốn khổ sở. Nhưng dần dần chàng nghiệm ra rằng những cái thiếu thốn đó không phải là những cái cần dùng cho cuộc đời, mà là những cái thừa. Sự cần dùng là ăn với mặc, chàng đã có đủ. Dần dần chàng mới thấy cái đời chàng sống trước ở tỉnh thành là một cuộc đời phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ việc có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.
Tân tiếc hồi thuở nhở không sống ở thôn quê để được gần gũi với cảnh vật. Chàng thích sống bên cạnh những người nhà quê chất phác và mộc mạc. Bấy giờ chàng mới biết đến trời đất, đến thời tiết, đến sự thay đổi của mùa nọ sang mùa kia. Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng.
Tân không dửng dưng như trước với những cái chung quanh mình. Tâm hồn chàng có liên lạc và rung động cùng với cảnh vật. Chàng có cái cảm giác rằng mình sống…
Buổi chiều, thửa ruộng của Tân đã gặt xong. Cả một cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ. Bọn thợ gặt đều thu xếp liềm hái để trở về. Trên con đường vào làng, các lực điền gánh những gánh lúa vàng nặng trĩu. Mặt trời đã xế phía bên kia đồi. Ở dưới thung lũng, sương mù lạnh trắng xóa lan ra lẫn với làn khói tỏa ở xung quanh các làng. Cỏ bên đường đi đã ướt. Về phía xa, có ngọn lửa của ai đốt trên sườn rặng núi mờ ở chân trời. Tân với bọn thợ bước đều trở về nhà, ai nấy yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của một ngày tàn. Trong cái thời khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất màu, đã nuôi hạt thóc cho sự sống của loài người.
Khi vào đến con đường khuất trong làng, trời nhá nhem tối. Qua hàng rào cây, Tân thấy lấp lánh đèn ở sân các nhà, tiếng néo đập lúa trên cồi đá, tiếng hạt thóc bắn vào nia cót như mưa rào. Đâu đâu cũng thấy tiếng cười nói vui vẻ, cảnh đêm trong làng thôn quê vẫn yên lặng âm thầm thì chiều nay hoạt động vô cùng. Mùi lúa thơm vương lại trong các bụi cây hòa lẫn với mùi đầm ấm của phân cỏ, bốc lên khắp cả.
Về đến sân nhà, mọi người ăn xong lại bắt đầu làm việc. Đàn bà vừa đập lúa vừa hát, còn bọn thợ hái ngồi quây quần bên chiếc đèn con nói chuyện. Ai cũng cười đùa tự nhiên. Họ đã tận tâm làm việc suốt ngày. Những lượm lúa vàng sẫm đem đến cho họ cái vui của ngày được mùa, cái hình ảnh của sự no ấm trong đời.
Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.
Sau khi hẹn thưởng cho bọn thợ nồi cơm nếp mới, Tân bước ra ngõ, nhìn xuống dưới đồi. Trên trời, ngàn sao lấp lánh. Gió dưới ruộng đưa lên mùi rạ ướt và hơi sương lạnh. Cả một vùng đêm rộng rãi và bình tĩnh trên cánh đồng yên lặng.
Tân chợt thấy ở chân trời phía xa, cái khoảng ánh sáng mờ của tỉnh thành Hà Nội.
Chàng sung sướng nghĩ đến những ngày đầy đủ của mình ở chốn quê này. Một cuộc đời mới đang chờ đợi chàng.
(Những ngày mới, Thạch Lam, Dẫn theo Tuyển tập Thạch Lam)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.
Câu 2. Theo đoạn trích, sau khi trở thành một “người nhà quê dễ dãi”, Tân đã nhận ra cuộc sống trước kia ở thành thị là cuộc sống như thế nào?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp liệt kê trong câu sau: Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.
Câu 4. Xác định chủ đề của đoạn trích trên.
Câu 5. Bạn rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) đánh giá chủ đề và nhân vật trong đoạn trích trên.
Câu 2. (4,0 điểm) Đồng cảm và sẻ chia là một nếp sống đẹp trong xã hội hiện nay. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bàn về nếp sống ấy.
Đáp án đề thi giữa kì 1 Văn 11
C1: Xác định ngôi kể: Người kể chuyện ngôi thứ 3
C2: Sau khi trở thành một “người nhà quê dễ dãi”, Tân đã nhận ra cuộc sống trước kia ở thành thị là cuộc sống: phức tạp và vô vị, không có nghĩa lý gì. Chỉ có ăn ở theo mọi người, nghĩ ngợi theo mọi người, và đi tìm cái vui chốc lát trong những cuộc hành lạc để mua lấy cái chán nản về sau.
C3: Tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong câu: Tân thấy mình cũng sung sướng như họ, chàng thấy tấm lòng mình rộng rãi ra, tâm hồn thân thiết, và yêu mến với cả mọi người.
Tác dụng:
+ Liệt kê hàng loạt những trạng thái tâm hồn của Tân nhằm nhấn mạnh niềm sung sướng, rộng mở của Tân khi đã thích nghi với cuộc sống mới ở nơi thôn quê.
+ Thể hiện cảm xúc, thái độ, cái nhìn của tác giả.
C4: Chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích kể về cuộc sống của con người trong thời kì đầu đổi mới đất nước.
Đó là cuộc sống thôn quê tuy lam lũ nhưng thuần hậu, ân tình. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng cuộc sống và con người nơi thôn quê. Đồng thời nhắc nhở con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
C5: Bài học:- Cần có thái độ sống lạc quan
- Lựa chọn cách sống có ý nghĩa: Sống chậm.
- Tránh lối sống hời hợt, vô vị.
- Muốn có một tương lai tươi sáng, cần biết thay đổi và nỗ lực không ngừng.
II. Viết
C1: c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giới thiệu được tác giả, tác phẩm/đoạn trích.
+ Nêu chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích kể về cuộc sống của con người trong thời kì đầu đổi mới đất nước. Đó là cuộc sống thôn quê tuy lam lũ nhưng thuần hậu, ân tình. Qua đó, tác giả thể hiện sự trân trọng cuộc sống và con người nơi thôn quê. Đồng thời nhắc nhở con người dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
+ Truyện được kể dưới góc nhìn của Tân, nhân vật chính của truyện. Tân là một chàng trai trẻ sống ở làng quê nghèo nhưng từ nhỏ đã luôn có khát vọng có cuộc sống thành công và được trải nghiệm những tiến bộ ở thành thị, và ước mơ của anh cũng là ước mơ của cha mẹ anh. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn trong giai đoạn đổi mới Tân phải đối mặt với mất việc làm. Cha anh qua đời và anh quyết định về quê sống một cuộc sống giản dị. Cuộc sống của Tân và những người thôn quê tuy khó khăn, chật vật nhưng họ vẫn luôn tươi vui, yêu thương lẫn nhau, hăng say lao động, biết trân trọng những gì mình có cũng như luôn hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn;
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
C2: c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
- Xác định được các ý chính của bài viết
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài nghị luận:* Giới thiệu vấn đề NL và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề NL:
+ Đồng cảm và sẻ chia: Là biết rung cảm, hiểu, cảm thông chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ người khác,…- Nguyên nhân: Lối sống đồng cảm, sẻ chia bắt nguồn từ truyền thống nhân ái, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách,… của dân tộc ta.
-Ý nghĩa của đồng cảm và sẻ chia:+ Làm cho mọi người gắn kết, yêu thương.
+ Đồng cảm và sẻ chia giúp tinh thần chúng ta luôn vui vẻ, hạnh phúc; giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có thêm sức mạnh, niềm tin, làm vơi bớt nỗi khổ đau của họ.
+ Giúp ta hoàn thiện nhân cách, xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái.
+ Đồng cảm và sẻ chia giúp lan tỏa, nhân rộng những điều tích cực đến với mọi người, giúp xã hội tốt đẹp hơn.
…
- Giải pháp phát huy: Phải biết sống đồng cảm, sẻ chia không chỉ trong suy nghĩ, tình cảm mà phải qua hành động thực tế; có tinh thần giúp đỡ, hi sinh cho những người xung quanh mình.
- Phê phán lối sống ích kỷ, vô cảm do bị cuốn theo những tham vọng vật chất của nhiều người trong xã hội hiện nay.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
.............
2. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 Cánh diều
Đề thi giữa kì 1 Văn 11
SỞ GD & ĐT … TRƯỜNG THPT ……… -------------------- ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ 1 Năm học: 2024 – 2025 Môn thi: NGỮ VĂN. Khối 11 Thời gian làm bài: 90 phút |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau: Chuyện đã xảy ra hơn chục năm, nhưng lão Khổ ngẫm còn đau mãi đến bây giờ.
Vụ lúa chiêm năm ấy, càng về cuối càng thuận. Đúng vào kỳ lúa đỏ đuôi, vòm trời thật nở nang. Nắng đến sướng. Nhờ ông trời cứ kéo cái nắng cho qua kỳ thu hoạch. Chỉ cần lôi được hạt lúa về nhà, còn sau đó, chuyện phơi phóng là chuyện vặt. Từ đồng trên xuống đồng dưới, lúa tràn cả lên bờ. Mỗi lần vác cuốc làm phép đi thăm đồng, lão Khổ lại khấp khởi mừng. Thật là trời giúp lão. Đúng vào năm lão nhiều công nhất thì được mùa.
Mà để có cái ngày sướng con mắt chẳng riêng gì lão, cả gần ngàn dân làng Cổ đã từng héo gan, héo ruột. Những ngày ấy, ruột lão tím bầm. Không biết còn mất mùa đến bao giờ. Nhổ lên cắm xuống có đến vài lượt mà vẫn chỉ thấy đất nổi váng. Mặt ruộng tím tái, se sắt như mặt người sắp chết cóng. Nhiều người khôn ngoan khuyên lão sắm sọt chạy chợ, lão lý lại:
- Hạt thóc chỉ có từ đất. Ai cũng chạy chợ cả thì rồi có lúc đeo vàng mà chết đói.
[…] Bây giờ thì mọi vận hạn đã qua. Lão Khổ đứng giữa đồng lúa, hà hít căng lồng ngực hương thơm ngầy ngậy ngòn ngọt, tâm hồn sảng khoái cực độ. Lão vốn không tin vào trời. Chẳng qua còng lưng ra mà đánh vật với đất, đào xới miếng ăn từ đất chứ cứ ngồi đấy chờ đến số, có mà giã họng!
(Lược một đoạn: Ông Khổ đến nhà Toản – bí thư Đảng ủy, một kẻ tham danh hám vị để bàn chuyện gặt lúa sớm, theo kinh nghiệm các cụ xưa nay đã dạy: “Xanh nhà hơn già đồng”, trời thì nay nắng mai mưa, nên thu hoạch lúa sớm cho đảm bảo. Thế nhưng Toản không đồng ý vì hắn và ủy ban đã có kế hoạch mời cán bộ ở huyện về tham quan xã, để họ thấy xã của ông Khổ làm ăn dưới chỉ đạo của hắn năng suất thế nào, mục đích để khoe khoang).
[…] Tự dưng lão Khổ thấy vô duyên. “Thây kệ chúng mày! Đến lúc dân người ta đào mả chúng mày lên, đừng có trách”.
Nhưng lão cấm chỉ vợ và con cái không được tham gia đón rước gì ráo! Có cái thói đâu chưa làm đã lo không thổi được nhau lên. Ở đâu cũng “tốt đẹp” mà dân cứ đói nhăn ra thì không thấy ai hỏi.
Còn ba ngày nữa đoàn tham quan đến xã. Loa đài gọi ơi ới, ỏm tỏi cả lên. Cửa hàng mua bán mang hàng vào tận làng Cổ, là điều xưa nay chưa từng thấy. Các loại cán bộ tự nhiên đâm ra tận tụy, hết lòng vì dân. Chẳng ai một lần chịu ngước trông trời. Đến khi cơn gió xoáy giật tung mấy băng khẩu hiệu thì chính lão Khổ thất sắc! Đánh nhoàng một cái bầu trời như toàn bằng đá! Mà đá thật. Đá trút xuống ào ào, khua lên mái ngói như sắp đổ sập xuống tất cả. Đá đổ xuống thành lớp, dồn đống lại. Thôi thì đủ thứ kêu gào. Trẻ con nhảy lên vì được ăn đá, dùng đá xát lên mặt rồi xuýt xoa. Người nhiều công điểm như lão Khổ thì ngất đi được. Qua làn đá quất ràn rạt, hàng trăm cặp mắt thất vọng, căm tức hướng về phía những thửa ruộng đầy ắp, đang nát bét dưới tai họa trời giáng!
Chỉ chờ dứt mưa, lão Khổ đâm bổ ra đồng. Hỡi ôi, lão úp tay lên mặt khóc rưng rức. Còn đâu nữa là mùa màng. Thay cho màu vàng óng là màu xám xịt của những cọng rơm ngấm nước, rối vào nhau, đâm chổng lên trời như bị ai vò. Vạch gốc ra, đưa tay sờ thấy một lượt thóc rải xuống bùn, tưởng ruột gan bị đâm bị rạch bằng gai.
Trong làn nước mắt cay đắng, lão Khổ thấy nếp nhà năm gian lão dự định xây bằng thóc thu hoach, vỡ tan như bong bóng.
(Trích: Lũ vịt giời, Tạ Duy Anh, Tuyển tập truyện ngắn 75 gương mặt văn nghệ, tr.561-564)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5
Câu 1. Xác định ngôi kể và điểm nhìn trần thuật của đoạn trích.
Câu 2. Tóm tắt tình huống truyện của đoạn trích.
Câu 3. Em có đồng tình với suy nghĩ của ông Khổ rằng: Hạt thóc chỉ có từ đất. Ai cũng chạy chợ cả thì rồi có lúc đeo vàng mà chết đói? Vì sao?
Câu 4. Nêu cảm nhận của em về chi tiết: Hỡi ôi, lão úp tay lên mặt khóc rưng rức.
Câu 5. Qua đoạn trích, em hiểu như thế nào về cuộc sống người nông dân lúc bấy giờ?
II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về nhân vật ông Khổ trong đoạn văn bản Đọc hiểu.
Câu 2. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hạnh phúc trong cuộc sống.
Đáp án đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11
I. Phần Đọc hiểu
Câu 1.- Ngôi kể: ngôi thứ ba
- Điểm nhìn trần thuật: chủ yếu của người kể chuyện và đan xen điểm nhìn của ông Khổ.
Câu 2. Tình huống truyện: Ông Khổ có vụ mùa bội thu, lúa đạt năng suất cao nhưng do xã không cho gặt sớm, trúng một cơn giông, lúa rụng lẫn bùn khiến ông rất đau khổ.
Câu 3. - HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình. Lí giải hợp lí.
- Đồng tình: vì hạt lúa trồng từ đất, là lương thực chính của người nông dân, họ sống với cây lúa, gắn bó nhiều thế hệ, cây lúa nuôi sống họ. Nếu chạy chợ, bỏ trồng lúa thì mất đi gốc rễ của người nông.
- Không đồng tình: nếu trồng lúa mà không đem lại năng suất cao, không có kinh tế thì có thể chạy chợ để kiếm tiền, dùng tiền đó mua lúa gạo.
Câu 4. Chi tiết ông Khổ úp tay lên mặt khóc rung rức:
+ Đó là giọt nước mắt đau khổ, tiếc nuối khi phải chứng kiến thành quả lao động của mình mất đi.
+ Tức giận vì không thể “làm chủ” được tài sản của chính mình.
+ Bất lực trước thực tại nghiệt ngã.
Câu 5. Cuộc sống của người nông dân khó khăn, cơ cực, thiếu thốn đủ bề, chỉ trông mong vào mấy công ruộng lúa nhưng lại chịu sự áp bức, thống trị của chính quyền, của những kẻ hám danh chuộc lợi. Đời sống túng quẫn, luẩn quẩn không thoát khỏi đói nghèo.
II. Phần Viết
Câu 1
.- Hoàn cảnh của ông Khổ: là người nông dân chất phác.
- Tính cách: thật thà, chăm chỉ lao động, có trách nhiệm cao trong công việc…
- Sự việc diễn ra: Được mùa lúa, ông Khổ rất hứng khởi, vui mừng. Ông lo lắng trời nay nắng mai mưa thất thường, lúa cũng đến thì chín vàng gốc rạ, mong muốn thu hoạch sớm. Nhưng vì xã không duyệt mà gặp trận giông, lúa rụng lẫn vào bùn khiến ông mất mát, đau khổ vô cùng.
- Cuộc đời và số phận của ông như chính cái tên của ông vậy: Khổ.
- Nêu tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm qua hình tượng nhân vật: sự đồng cảm, thấu hiểu…
- Nêu cảm xúc của em về nhân vật:…
Câu 2* Giới thiệu được vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận.
* Triển khai vấn đề cần nghị luận:
- Giải thích:
+ Hạnh phúc là trạng thái vui vẻ, sung sướng khi đạt được những điều mà mình mong muốn. Hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn và tìm kiếm suốt cuộc đời.
+ Hạnh phúc có thể bắt nguồn từ những điều lớn lao, có thể là những điều bình dị. Hạnh phúc nào cũng đáng trân trọng, nâng niu.
- Bày tỏ quan điểm của người viết:
+ Nhận thức được hạnh phúc không phải lúc nào cũng là điều lớn lao, hạnh phúc là những gì gần gũi, bình dị quanh ta, hạnh phúc là khi “có một công việc để làm, có một người để yêu thương, có một nơi để trở về”. Vì vậy, cách đơn giản nhất để có được hạnh phúc là trân trọng, hài lòng với những gì mình đang có.
+ Nhìn cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan, tích cực.
+ Can đảm sống và làm những gì mình yêu thích
+ Tìm ra mục tiêu của cuộc đời, nỗ lực, cố gắng để đạt được mục tiêu dù nhỏ bé hay lớn lao, ta sẽ tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời.
+ Tự tạo cho mình những niềm vui, những hạnh phúc giản dị trong cuộc đời
+ Hạnh phúc là cống hiến, là trao đi yêu thương, là mang lại hạnh phúc cho người khác….
- Lấy được dẫn chứng và phân tích dẫn chứng.
- Mở rộng, bày tỏ quan điểm trái chiều, hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện hơn.
+ Mọi hạnh phúc trong đời đều đáng trân trọng nâng niu, đừng theo đuổi những hạnh phúc xa vời mà quên đi những điều giản dị hiện hữu xung quanh
+ Không nên tìm mọi cách để đạt được hạnh phúc, có những hạnh phúc dù nỗ lực thế nào cũng không thuộc về mình, khi ấy hãy biết buông bỏ để tâm hồn được bình yên
+ Phê phán những người không biết trân trọng hạnh phúc, suy nghĩ tiêu cực….
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân.
.............
3. Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo
Đề kiểm tra giữa kì 1 Ngữ văn 11
SỞ GD & ĐT … TRƯỜNG THPT ……… -------------------- ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ 1 Năm học: 2024 – 2025 Môn thi: NGỮ VĂN. Khối 11 Thời gian làm bài: 90 phút |
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc truyện ngắn sau: Từ ngày rời căn cứ, con voi trở nên ủ rũ. Nó nhớ ông đề đốc, nhớ đời chiến trận, nhớ rừng và gầy rạc đi vì cuộc sống tù túng dưới làng. Nó vẫn giúp người quản tượng phá rẫy, kéo gỗ, nhưng chỉ khuây khỏa những lúc làm việc rồi sau đó lại đứng buồn thiu. Có bận nó bỏ ăn, không đụng vòi đến một ngọn mía, một sợi cỏ.
Người quản tượng hiểu lòng con voi. Nó là nguồn an ủi của ông lúc sa cơ. Ông chưa từng sống với ai lâu như sống với nó. Ông quen nó quá, khó xa rời nó được. Vậy mà, ông vẫn quyết định thả nó về rừng, nơi nó ra đời.
- Một mình ta chịu tù túng cũng đủ rồi – Ngưởi quản tượng thường tự bảo – Còn nó, nó phải được tự do.
Người quản tượng đinh ninh lúc gặp thời vận, Đề đốc Lê Trực sẽ lại dấy quân, lúc đó ông sẽ đón con voi về. Ông để con vật nghỉ hết vụ hè, vỗ cho nó ăn. Ngày nào ông cũng cho nó ăn thêm hai vác mía to, hai thùng cháo. Ông coi con voi như con em trong nhà, giục giã nó:
- Ăn cố đi, ăn cho khỏe, lấy sức mà về. Rừng già xa lắm, phải có sức mới đi tới nơi. Bao giờ chủ tướng dấy quân, lúc đó ta sẽ đón em trở lại.
Con voi đã cố ăn suốt mùa hè nhưng sang đến mùa thu thì không chịu ăn nữa. Trời thu yên tĩnh, gió rì rào đưa về làng hương vị của rừng xa. Con vật cứ vươn vòi đón gió và buồn bã rống gọi. Nó héo hon đi như chiếc lá già.
Người quản tượng biết gió thu nổi lên làm con voi nhớ rừng. Ông quyết định thả ngay cho nó đi. […]
Con voi đi đâu không ai biết, chỉ thấy hàng năm khi sang thu, nó lại xuống làng. Nó rống gọi rộn ràng từ xa, trước khi lội qua bến sông. Nghe tiếng rống, người làng bảo nhau: Ông Một về (Ông Một là tên mọi người đặt cho con voi). Họ nô nức cùng người quản tượng ra đón nó ở tận đầu làng.
Con voi theo người quản tượng về mái nhà cũ, quỳ ở giữa sân. Thấy con vật luyến chủ trở về, mgười quản tượng như trẻ lại. Ông dẫn nó đi tắm rồi hớn hở đưa nó lên nương – ông vẫn trồng sẵn cho nó một nương mía – thết đãi nó những bữa no nê.
Vào những ngày ấy, nhà ông tưng bừng và chật ních người. Lũ trẻ kéo đến xúm xít dưới chân voi, còn các bô lão thì lại như xưa, đem đến cho nó đủ thứ quà.
Con voi thường lưu lại ở nhà người quản tượng vài hôm. Nó giúp ông đủ việc: cuốn các ống bắng (loại ống làm bằng cây tre, cây vầu, dùng để múc nước ở suối đem về nhà) ra sông lấy nước và không cần người đưa dắt, lên nương lấy vòi quắp những cây gỗ mang về. […]
Được mười năm như thế, người quản tượng qua đời. Ông mất giữa lúc đất nước còn tối tăm, thời vận dấy quân chưa tới để ông đi đón con voi trở lại.
Lần ấy, khi con voi xuống làng thì người quản tượng không còn nữa. Không thấy ông ra đón ở đầu làng, con voi rảo bước về nhà. Nó quỳ giữa sân, rống gọi, rền rĩ mãi mà vẫn không thấy người quản tượng đi ra. Khi biết mọi tiếng rống gọi đều vô ích, con voi lồng chạy vào nhà. Cái thân hình to lớn của nó làm sập khung cửa và đổ gãy đồ đạc. Nó hít hơi cái giường cũ của người quản tượng rồi buồn bã đi ra, chạy khắp làng tìm chủ. Các bô lão mang mía cho nó nhưng con voi không ăn mà cứ lồng chạy như voi hoang.
Từ đó, mấy năm con voi mới lại xuống làng một lần. Nó trở nên lặng lẽ, đảo qua nhà cũ của người quản tượng, tha thẩn đi trong sân, vừa tung vòi hít ngửi khắp chỗ vừa khe khẽ rền rĩ rồi âm thầm bỏ đi…
(Phía tây Trường Sơn, Vũ Hùng, NXB Kim Đồng, 2020)
Tác giả: Vũ Hùng (1931 – 2022) Quê quán: làng Láng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Ông là một trong những nhà văn được mệnh danh là nhà văn thiên tài của Việt Nam. Ông là người có tình cảm đặc biệt đối với muông thú và thiên nhiên. Những tình cảm đó đã được ông biến thành nguồn cảm hứng bất tận và đưa vào trong những tác phẩm của mình. Các loài vật trong tác phẩm của ông đều có tâm hồn và tính cách riêng, dù là loài nào cũng đều có tình yêu cuộc sống, tình thương đồng loại. Người đọc như tìm thấy biết bao câu chuyện rất người, rất đời. Qua đó, rút ra được những bài học đầy tính răn dạy và nhân văn cho con người. Những tác phẩm của ông được các bạn đọc nhỏ tuổi rất ưa thích. Không chỉ vậy, những tác phẩm của ông còn được giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?
Câu 2. Đâu là nhân vật trung tâm của truyện ngắn trên?
Câu 3. Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua văn bản?
Câu 4. Anh/chị hiểu gì về chi tiết: “Con voi buồn bã, đau khổ khi trở về làng mà người quản tượng không còn nữa”.
Câu 5. Từ câu nói của người quản tượng: “Một mình ta chịu tù túng cũng đủ rồi. Còn nó, nó phải được tự do”, bạn rút ra được bài học gì về cách đối xử với người khác?
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. ( 2 điểm) Viết một đoạn văn ngắn ( khoảng 150 chữ) nêu tác dụng về ngôi kể và điểm nhìn trong văn bản đọc hiểu
Câu 2. (4 điểm) Viết một bài văn (khoảng 500 chữ về về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước để xây dựng đất nước hôm nay.
Đáp án đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1. Ngôi thứ ba
Câu 2. Ông Một
Câu 3. Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua văn bản là:
- Con người sống phải có tình nghĩa với nhau
- Con người sống cần phải có sự thấu hiểu và chia sẻ.
Câu 4. Hiểu về chi tiết: Sự buồn bã, đau khổ của một con vật khiến ta nhói lòng, rưng rưng cảm động không chỉ vì tình cảm sâu nặng của con voi dành cho chủ, mà còn cảm động vì tấm lòng chân tình, sự yêu thương hết mực mà người quản tượng đã dành cho con voi.
Câu 5. Gợi ý Chúng ta sống cần phải biết thấu hiểu và chia sẻ, phải biết cảm thông, biết hy sinh cho người khác.
Lí giải hợp lí
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Ngôi kể: Truyện được triển khai bằng ngôi kể thứ ba, giúp người đọc hiểu được toàn cảnh sự việc và khái quát được cốt truyện, nhân vật một cách khách quan nhất
Điểm nhìn: Điểm nhìn bên trong, giúp người đọc hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Ngoài ra tác giả còn sử dụng điểm nhìn bên ngoài để thấy được mối quan hệ của các nhân vật, những dòng đời riêng biệt và sự phát triển của cốt truyện
Câu 2. (4 điểm)
I. MB
- Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận: Lịch sử là một dòng chảy, và phát triển là một quá trình có sự kế thừa. Ngày hôm nay luôn được tạo dựng nền móng từ ngày hôm qua. Sự phát triển của một đất nước cũng thế, phải đến hiện đại từ truyền thống. Trong sự kế thừa đó, thế hệ trẻ luôn phải tiên phong.
- Nêu ý nghĩa/ tính cấp thiết/ tầm quan trọng của vấn đề: Do vậy, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tiếp nối truyền thống vẻ vang của của các thế hệ đi trước là một vấn đề rất cần được quan tâm bàn luận.
II. TB
1. Giải thích và nêu biểu hiện của vấn đề:
- Tiếp nối truyền thống có nghĩa là chúng ta cần ghi nhớ, học tập và phát huy những thành quả, những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã gây dựng và trao truyền lại. Chúng ta cũng cần tiếp tục thực hiện những công việc mà cha ông còn dang dở, để xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp hơn.
- Truyền thống vẻ vang của cha ông, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, tinh thần chịu thương chịu khó… Đó còn là những ước vọng lớn lao của cha ông trong việc mong muốn xây dựng một đất nước giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.
2. Bàn luận vấn đề:
- Tuổi trẻ cần ý thức được mình là lực lượng nòng cốt của xã hội, từ đó tự nguyên đưa vai gánh vác trọng trách trong việc kế thừa, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông.
- Mỗi một người trẻ tuổi hôm nay cần nhận thức được công lao, sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước, cần nhận thức được những thành quả to lớn mà cha ông đã để lại, trân trọng những thành quả đó, và trên cơ sở của những thành quả đó mà tiếp tục phát huy, cống hiến để xây dựng đất nước.
- Mỗi người trẻ cần phải ra sức học tập để có kiến thức, kĩ năng, có sự hiểu biết, từ đó kế thừa một cách hiệu quả, phát huy một cách tối đa những di sản tinh thần của cha ông, đồng thời không ngừng sáng tạo để phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
- Mỗi người trẻ cần trau dồi phẩm chất, để thành những công dân gương mẫu, bởi chỉ khi có phẩm chất cao đẹp, chúng ta mới biết yêu quý và trân trọng truyền thống, mới biết tận hiến cho đất nước.
- Mỗi người trẻ cần tuyên truyền cho mọi người về những giá trị to lớn mà cha ông đã để lại, từ đó cùng hợp sức đồng lòng với mọi tầng lớp nhân dân, tạo sức mạnh to lớn để đưa đất nước ngày một đi lên.
- Lấy dẫn chứng
3. Mở rộng vấn đề:
Bên cạnh những con người trẻ đang tích cực kế thừa truyền thống vẻ vang của cha ông, thì lại có một bộ phận người trẻ đang quên đi quá khứ, sống tiêu cực trong hiện tại, không có ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình. Đó là những con người mà chúng ta cần phê phán.
III. KB
- Khẳng định lại vấn đề: Tóm lại, việc tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước là một trách nhiệm cần thiết, cấp bách, vừa lớn lao, nặng nề lại vừa vinh dự, vẻ vang của tuổi trẻ.
- Nêu ý nghĩa thực tiễn của vấn đề: Là thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta cần ra sức học tập và rèn luyện, bồi dưỡng trí tuệ và phẩm chất, để kế thừa xứng đáng truyền thống cha ông, nhằm xây dựng đất nước ngày một mạnh giàu, để thỏa lòng mong ước của cha ông, để báo đáp công ơn của tiền nhân đã đổ biết bao mồ hôi xương máu trong quá khứ.
..........
Tải file tài liệu để xem thêm đề thi giữa kì 1 lớp 11 môn Ngữ văn