Đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3 sách Kết nối tri thức với cuộc sống Ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 năm 2024 - 2025

Đề cương học kì 1 môn Tiếng Việt 3 sách Kết nối tri thức năm 2024 - 2025 mang tới các câu hỏi ôn tập học kì 1, giúp thầy cô tham khảo để giao đề cương ôn thi học kì 1 cho học sinh của mình.

Đề cương ôn thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 3 KNTT hệ thống lại những câu hỏi lý thuyết trọng tâm, cùng các dạng bài tập, giúp các em nắm chắc kiến thức, ôn thi học kì 1 năm 2024 - 2025 hiệu quả. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm đề cương môn Toán. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:

1. Nội dung ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3

1. Đọc thành tiếng.

Đọc tiếng các bài đọc hoặc học thuộc lòng từ tuần 1 đến hết tuần 16 (phát âm rõ, tốc độ đọc tối thiểu 70 tiếng/ phút, biết ngừng nghỉ sau các dấu câu, giữa các cụm từ; trả lời được 1 đến 2 câu hỏi liên quan đến nội dung bài đọc)

2. Đọc hiểu.

Đọc thầm một văn bản đọc và trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung trong bài đọc (Trả lời câu hỏi xoay quanh nội dung của văn bản đọc.)

BT LTVC (Lồng ghép)

  • Từ loại: tìm từ chỉ sự vật, từ chỉ đặc điểm, từ chỉ hoạt động.
  • Câu giới thiệu, câu nêu hoạt động, câu nêu đặc điểm (đặt câu với một từ cho trước, xác định các kiểu câu)
  • Câu cảm, câu khiến: phát hiện câu cảm (hoặc câu khiến), viết câu cảm (hoặc câu khiến) từ câu kể.
  • Biện pháp tu từ so sánh: tìm các sự vật được so sánh với nhau, tìm câu so sánh, điền bộ phận còn thiếu để hoàn chỉnh câu có hình ảnh so sánh.
  • Dấu câu: điền dấu chấm, dấu phẩy, hỏi chấm, chấm than, hai chấm vào chỗ thích hợp.

3. Chính tả: (Viết đoạn văn xuôi khoảng 4-5 câu hoặc đoạn thơ từ 3-4 khổ thơ)

4. Tập làm văn:

2. Đề ôn tập học kì 1 môn Tiếng Việt 3 năm 2024 - 2025

2.1. Đề ôn 1

A. ĐỌC HIỂU

I. Đọc thầm bài văn sau:

MÀU HOA

Mùa xuân, cô bé đi vào trong vườn, hoa đào đang nở rợp một màu hồng. Cô gọi:

- Đào ơi, sao bạn mang sắc màu đẹp thế?

- Tôi cũng giống như màu đôi môi của bạn ấy mà. Đấy, bạn soi gương xem, giống như đúc phải không?

Đôi môi thường cất lên những tiếng hát líu lo. Đôi môi ấm rực và nở những nụ cười tươi. Mỗi nụ cười tỏa những tia sáng diệu kì làm ấm lòng người. Đấy, tôi cũng mang màu đôi môi của bạn. Và mùa xuân đến, tôi cũng nở những nụ cười. Tôi với bạn là một mà thôi.

Cô bé âu yếm áp nụ cười của mình lên những nụ hoa đào, thầm thì:

- Ừ, hai chúng mình là một.

Đi tiếp vào trong vườn, cô bé lại gặp không biết bao nhiêu là hoa khác nữa.

Cô bé ơi! Tôi là hoa hồng đỏ đây. - Bông hồng nói. - Tôi là màu của mặt trời sau làn sương sớm. Màu ngọn lửa ấm áp trong nắng mùa đông. Màu của lá cờ phấp phới. Màu những giọt máu chảy trong thân thể bạn.... Mặt trời chẳng bao giờ mất. Ngọn lửa chẳng bao giờ tắt. Dòng máu chẳng bao giờ ngừng.... Cô bé ơi, đó là tôi đấy !

Cô bé áp bông hồng vào ngực, một ánh sáng từ đó tỏa bừng trên gương mặt cô.

Cô bé đi tiếp vào khu vườn và ngập chìm trong tiếng nói ríu rít của mọi loài hoa.

(Nguyễn Phan Hách, Tâm hồn hoa)

II. Khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

Câu 1. Hình ảnh nào tả vẻ đáng yêu của hoa đào và cô bé?

a. Hoa đào đang nở rợp một màu hồng.
b. Cô bé với hoa đào là một mà thôi.
c. Hoa đào và đôi môi cô bé đều ấm rực và nở những nụ cười, mỗi nụ cười tỏa ra những tia sáng diệu kì làm ấm lòng người.

Câu 2. Những hình ảnh nào nói lên vẻ đẹp của hoa hồng?

a. Có màu của mặt trời sau làn sương sớm chẳng bao giờ mất.
b. Có màu của ngọn lửa ấm áp trong nắng mùa đông chẳng bao giờ tắt.
c. Ngập chìm trong tiếng nói ríu rít của mọi loài hoa.
d. Có màu của dòng máu chảy trong thân thể chẳng bao giờ ngừng.

Câu 3. Câu văn nào cho thấy tình yêu của cô bé với vẻ đẹp của hoa?

a. Cô bé âu yếm áp nụ cười của mình lên những nụ hoa đào.
b. Cô bé áp bông hồng vào ngực, một ánh sáng từ đó tỏa bừng trên gương mặt cô.
c. Cô bé đi vào trong vườn hoa.

Câu 4. Bài văn nói lên điều gì?

a. Vẻ đẹp của các mùa trong năm.
b. Vẻ đẹp của cô bé trong vườn hoa.
c. Vẻ đẹp muôn màu của các loài hoa.

Câu 5. Điền tiếp vào chỗ trống để có hình ảnh so sánh.

a. Màu của hoa đào như.......................................................................................
b. Hoa đào nở như .................................................................................................
c. Màu của hoa hồng như ......................................................................................

Câu 6. Câu Cô bé áp bông hồng vào ngực thuộc kiểu câu gì?

a. Ai thế nào?
b. Ai làm gì?
c. Ai thế nào?

Câu 7. Bộ phận được in đậm trong câu Mùa xuân, cô bé đi vào trong vườn trả lời cho câu hỏi nào ?

a, Ở đâu?
b. Khi nào?
c. Vì sao?

Câu 8. Điền dấu phẩy, dấu chấm thích hợp vào ô trống.

Mùa thu ☐ cô bé gặp bao sắc vàng kì diệu: những bông cúc vàng tươi rực rỡ☐ những cánh bướm vàng dập dờn trong nắng ☐ những tia nắng thu vàng như những sợi tơ tằm đang thêu lên tất cả đất trời ☐cây cỏ ☐ Mùa thu thật là đẹp!

B. KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả: Nghe – viết

HÃY CAN ĐẢM LÊN

Tôi say sưa với cảnh đồi núi mãi đến tận trưa mới chịu về. Đang trên đà xuống
dốc thì phanh xe bỗng nhiên bị hỏng. Chiếc xe lao đi vùn vụt như một mũi tên. … Cố gắng cầm ghi đông thật chặt, tôi tập trung chú ý vào đoạn đường mình sẽ qua. Cuối cùng xe cũng vượt qua được đoạn dốc một cách an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm!

II. Tập làm văn: Viết đoạn văn tả một đồ vật mà em yêu thích.

2.2. Đề ôn 2

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- GV cho học sinh bắt thăm đọc một đoạn văn bản trong các phiếu đọc. Đảm bảo đọc đúng tốc độ, thời gian 3 – 5 phút/ HS.

- Dựa vào nội dung bài đọc, GV đặt câu hỏi để học sinh trả lời.

II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)

Đọc bài thơ sau:

ĐÀ LẠT

Đà Lạt nằm ở tỉnh Lâm Đồng với khí hậu mát mẻ và những dòng thác nổi tiếng.

Những du khách đặt chân đến Đà Lạt sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp mộng mơ và rực rỡ của thành phố này. Nơi đây có thời tiết ấm áp vào buổi sáng nhưng lại se lạnh vào buổi tối nên nó được mới được gọi với cái tên mỹ miều là “thành phố của mùa xuân vĩnh cửu”. Ở Đà Lạt có rất nhiều hồ nước đẹp cùng với những khu vườn bạt ngàn hoa. Những thác nước cao vút tuôn trắng xóa mang vẻ đẹp kì ảo cũng là một điểm thu hút khách du lịch ở nơi đây.

Những du khách đến đây rất thích được cưỡi ngựa vòng quanh hồ Xuân Hương hay thưởng thức những bó hoa tươi được người bán hàng gói cẩn thận. Ngoài ra tại Đà Lạt, khách du lịch trong và ngoài nước có thể tham quan những làng dân tộc, cùng người dân bản địa giao lưu và thưởng thức những món ăn truyền thống như thịt lợn rừng hoặc rượu cần…

(Sưu tầm)

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

Câu 1: Thành phố Đà Lạt nằm ở tỉnh nào nước ta? (0,5 điểm)

A. Đà Lạt

B. Lâm Đồng

C. Đắk Lắk

Câu 2: Những du khách đến Đà Lạt bị choáng ngợp bởi điều gì? (0,5 điểm)

A. Khí hậu mát mẻ

B. Vẻ đẹp mộng mơ và rực rỡ

C. Sự thân thiện, nhiệt tình của người dân

Câu 3: Vì sao Đà Lạt được gọi với cái tên là “thành phố của mùa xuân vĩnh cửu”? (0,5 điểm)

A. Vì nơi đây se lạnh vào buổi tối.

B. Vì nơi đây có các loài hoa mùa xuân nở quanh năm.

C. Vì nơi đây có thời tiết ấm áp vào buổi sáng nhưng se lạnh vào buổi tối.

Câu 4: Những du khách tới Đà Lạt thích làm gì? (0,5 điểm)

A. Du khách thích tham quan những làng dân tộc và thưởng thức những bó hoa tươi được người bán hàng gói cẩn thận.

B. Du khách thích được cưỡi ngựa vòng quanh hồ Xuân Hương và thưởng thức những bó hoa tươi được người bán hàng gói cẩn thận.

C. Du khách thích được cưỡi ngựa vòng quanh hồ Xuân Hương và thưởng thức những món ăn truyền thống như thịt lợn rừng hoặc rượu cần…

Câu 5: Đoạn văn trên đã cung cấp cho em những thông tin gì về Đà Lạt? (1 điểm)

........................................................................................................................

........................................................................................................................

........................................................................................................................

Câu 6: Viết 2 – 3 câu nói về một địa điểm du lịch mà em đã đi đến. (1 điểm)

......................................................................................................................

Câu 7: Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp: (0,5 điểm)

Mát mẻ Bó hoa Kì ảo Thành phố Ấm áp

- Từ ngữ chỉ sự vật:..............................................................................................................

- Từ ngữ chỉ đặc điểm:.........................................................................................................

Câu 8: Tìm trong bài thơ một từ có nghĩa trái ngược với từ cẩu thả. (0,5 điểm)

......................................................................................................................

Câu 9: Đặt câu với từ mà em tìm được trong câu 8. (1 điểm)

......................................................................................................................

B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1. Nghe – viết (4 điểm)

Bãi ngô

Bãi ngô quê em ngày càng xanh tốt. Mới dạo nào cây ngô còn lấm tấm như mạ non. Thế mà chỉ ít lâu sau, ngô đã thành cây rung rung trước gió và ánh nắng. Những lá ngô rộng dài, trổ mạnh mẽ, nõn nà. Trên ngọn, một thứ búp như kết bằng nhung và phấn vươn lên. Những đàn bướm trắng, bướm vàng bay đến, thoáng đỗ rồi bay đi. Núp trong cuống lá, những búp ngô non nhú lên và lớn dần.

(Nguyên Hồng)

2. Luyện tập (6 điểm)

Viết đoạn văn ngắn (5 – 7 câu) kể về một hoạt động khi em ở trường học.

Gợi ý:

  • Giới thiệu về hoạt động (thời gian, nơi diễn ra, người tham gia).
  • Diễn biến của hoạt động đó.
  • Suy nghĩ khi thực hiện hoạt động đó.
  • Nêu cảm xúc của em khi hoàn thành hoạt động đó.

Đáp án:

A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm)

B. Lâm Đồng

Câu 2: (0,5 điểm)

B. Vẻ đẹp mộng mơ và rực rỡ

Câu 3: (0,5 điểm)

C. Vì nơi đây có thời tiết ấm áp vào buổi sáng nhưng se lạnh vào buổi tối.

Câu 4: (0,5 điểm)

B. Du khách thích được cưỡi ngựa vòng quanh hồ Xuân Hương và thưởng thức những bó hoa tươi được người bán hàng gói cẩn thận.

Câu 5: (1 điểm)

Đoạn văn cung cấp các thông tin: vị trí, khí hậu, các cảnh đẹp và những hoạt động mà du khách tham quan có thể tham khảo khi đến với Đà Lạt.

Câu 6: (1 điểm)

HS liên hệ bản thân.

Câu 7: (0.5 điểm)

- Từ ngữ chỉ sự vật: thành phố, bó hoa

- Từ ngữ chỉ đặc điểm: mát mẻ, kì ảo, ấm áp.

Câu 8: (0.5 điểm)

Cẩn thận.

Câu 9: (1 điểm)

Ví dụ: Bé Nhiên cẩn thận, nắn nót viết từng chữ,...

B. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)

1. Chính tả (4 điểm)

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):

  • 0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.
  • 0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):

  • Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm
  • 2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;
  • Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.

- Trình bày (0,5 điểm):

  • 0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.
  • 0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.

2. Luyện tập (6 điểm)

Hôm nay, trường em tổ chức một buổi tham quan. Chúng em được đến thăm Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đúng bảy giờ, xe đến nơi. Chúng em đã được tham quan các gian nhà của người dân tộc. Sau đó, cả lớp còn được chơi các trò chơi dân gian. Em đã có một chuyến tham quan rất vui vẻ.

2.3. Đề ôn 3

A. Đọc thầm và làm bài tập:

I. Đọc thầm:

Cây gạo

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen…đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau, trêu ghẹo nhau, trò chuyện ríu rít. Ngày hội mùa xuân đấy.

Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân, càng nặng trĩu những chùm hoa đỏ mọng và đầy tiếng chim hót.

Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo trở lại với dáng vẻ xanh mát hiền lành. Cây đứng im lìm cao lớn, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ.

(Theo Vũ Tú Nam)

II. Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1: Bài văn tả cây gạo vào mùa nào trong năm

A. Mùa xuân.
B. Mùa hạ.
C. Mùa thu
D. Mùa đông.

Câu 2: Từ xa nhìn lại, cây gạo trông giống cái gì?

A. Ngọn lửa hồng.
B. Ngọn nến trong xanh.
C. Tháp đèn.
D. Cái ô đỏ

Câu 3: Các loài chim làm gì trên cây gạo?

A. Làm tổ.
B. Bắt sâu.
C. Ăn quả.
D. Trò chuyện ríu rít.

Câu 4: Những chùm hoa gạo có màu sắc như thế nào?

A. Đỏ chót
B. Đỏ tươi.
C. Đỏ mọng.
D. Đỏ rực rỡ.

Câu 5: Hết mùa hoa, cây gạo như thế nào?

A. Trở lại tuổi xuân.
B. Trở nên trơ trọi.
C. Trở nên xanh tươi.
D. Trở nên hiền lành.

Câu 6: Em thích nhất hình ảnh nào trong bài văn? Vì sao?

…………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………….

Câu 7: Câu “Cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ” được viết theo mẫu câu nào?
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

A. Ai là gì?
B. Ai làm gì?
C. Ai thế nào?

Câu 8: Bộ phận in đậm trong câu: “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.” trả lời cho câu hỏi nào?

A. Là gì?
B. Làm gì?
C. Thế nào?
D. Khi nào?

Câu 9: Em hãy đặt 1 câu theo mẫu “Ai là gì?” để nói về cây gạo.

…………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………….

B. KIỂM TRA VIẾT

I. Chính tả. Nghe – viết

Âm thanh thành phố

Hồi còn đi học, Hải rất say mê âm nhạc. Từ căn gác nhỏ của mình, Hải có thể nghe tất cả các âm thanh náo nhiệt, ồn ã của thủ đô. Tiếng ve kêu rền rĩ trong những đám lá cây bên đường. Tiếng kéo lách cách của những người bán thịt bò khô.

Theo Tô Ngọc Hiến

II. Tập làm văn: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc đối với một người mà em yêu quý. (ông bà, bố mẹ, cô giáo, anh chị em, bạn bè...)

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm