Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay (Sơ đồ tư duy) 4 Dàn ý & 25 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất
TOP 25 bài Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo hay nhất, kèm theo 4 dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ những tác hại, hệ lụy mà hiện tượng sống ảo gây ra cho con người.
Sống ảo là hiện tượng con người sử dụng mạng xã hội để khoe khoang, khoa trương bản thân mình. Sống ảo chính là lối sống, phong cách sống không giống với hoàn cảnh thực của con người ở trên mạng xã hội. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com để hiểu rõ hơn thực trạng này:
Nghị luận về hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay
- Sơ đồ tư duy Nghị luận về hiện tượng sống ảo
- Dàn ý nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo (4 mẫu)
- Nghị luận về hiện tượng sống ảo ngắn gọn (5 mẫu)
- Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo chi tiết (18 mẫu)
- Nghị luận về sống ảo
- Suy nghĩ về hiện tượng sống ảo
- Sống ảo là gì?
- Dẫn chứng về sống ảo
Sơ đồ tư duy Nghị luận về hiện tượng sống ảo
Dàn ý nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo
I. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề: Sống ảo là hiện tượng ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ.
Đặt vấn đề: Tuy sống ảo mang lại nhiều lợi ích như giúp con người thể hiện bản thân, nhưng cũng có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.
II. Thân bài:
Ý kiến 1: Lợi ích của việc sống ảo
Ví dụ: Sống ảo giúp mọi người thể hiện cá nhân hóa, sáng tạo và tự do biểu đạt.
Phân tích: Sự sáng tạo và tự do biểu đạt là quan trọng trong việc phát triển cá nhân.
Ý kiến 2: Hậu quả tiêu cực của việc sống ảo
Ví dụ: Sống ảo có thể gây ra áp lực xã hội, tạo ra hình ảnh không thật về cuộc sống.
Phân tích: Áp lực xã hội và hình ảnh không thật có thể gây ra stress và mất lòng tin vào cuộc sống thực.
III. Kết bài:
Tóm tắt: Sống ảo có cả lợi ích và hậu quả tiêu cực.
Đề xuất giải pháp: Cần có sự cân nhắc khi sống ảo, biết phân biệt giữa thực tế và ảo.
Kết luận: Sống ảo không phải là điều xấu, miễn là chúng ta biết cách sử dụng nó một cách lành mạnh và tích cực.
.....
Nghị luận về hiện tượng sống ảo ngắn gọn
Mẫu 1
Xã hội phát triển, công nghệ 4.0 ngày càng bùng nổ mạnh mẽ. Nhiều mạng xã hội ra đời. Nơi đây là nơi tha hồ cho các bạn trẻ được "sống ảo". Mọi người sử dụng từ này rất nhiều nhưng chắc không phải ai cũng hiểu rõ về lối sống ảo" này.
Sống ảo là lối sống, phong cách sống không giống với hoàn cảnh thực của con người ở trên mạng xã hội. Lối sống ấy được giới trẻ thể hiện có phần thái quá, lố bịch. Cụ thể hơn sống ảo cũng có nghĩa là mơ tưởng, ảo tưởng về cuộc sống hiện tại. Hiện nay, sống ảo đã trở thành một xu thế, một trào lưu trong giới trẻ hiện nay. Các bạn trẻ sống ảo ngày càng nhiều, ở tất cả mọi nơi. Chúng ta ít nhất một lần trong ngày bắt gặp các bạn trẻ đang sống ảo. Hiện trạng sống ảo này nguyên nhân là do giới trẻ dành phần lớn quỹ thời gian cho Facebook, muốn thể hiện, khoe khoang bản thân. Muốn trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Và đặc biệt do sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân. Mọi người nghĩ sống ảo không gây tác hại gì thì đó là một sự lầm tưởng quá lớn.
Sống ảo làm bạn tiêu tốn nhiều thời gian vào những việc vô nghĩa, không quan tâm đến cuộc sống ở thực tại. Vậy nên chúng ta cần phải biết cân bằng cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động bên ngoài để giảm thiểu việc sống ảo hàng ngày.
Mẫu 2
Hiện nay, vấn đề "sống ảo" đang thu hút sự quan tâm của cả xã hội, đặc biệt là đối với một số thanh niên. Tuy nhiên, lối sống này mang lại rất nhiều tác động tiêu cực tới cuộc sống của chúng ta.
Theo tôi, "sống ảo" là một lối sống quá phụ thuộc vào mạng xã hội, thiếu sự liên hệ cần có với thực tại. Thanh thiếu niên đắm mình trong một thế giới ảo, nơi mọi thứ đều được chỉnh sửa và hào nhoáng, dễ dàng rơi vào trạng thái ghen tị và tự ti. Hơn nữa, dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe như cận thị và cong vẹo cột sống. Các hệ lụy của lối sống "sống ảo" là rất nghiêm trọng, ví dụ như những vụ việc đáng tiếc với các thanh niên nhảy cầu hoặc tự thiêu sau khi nhận được nhiều lượt thích trên mạng xã hội. Điều này thể hiện rõ ràng những tác động tiêu cực của việc phụ thuộc quá mức vào sự chú ý và lời khen sáo rỗng trên mạng xã hội. Chúng ta cần cảnh giác và tránh xa những tác hại của "sống ảo".
Thay vì dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, chúng ta nên tập trung vào cuộc sống thực tại, học tập và giao tiếp trực tiếp với những người xung quanh. Chúng ta cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và cẩn trọng, trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống.
Mẫu 3
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và cuộc sống của chúng ta cũng đang thay đổi nhanh chóng theo đó. Các công nghệ hiện đại và tinh vi đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, và con người đang tiến sát hơn với chúng. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đồng nghĩa với hiện tượng sống ảo đang lan rộng trong giới trẻ.
Sống ảo đơn giản là thoát ly khỏi thực tại và sống trong một thế giới ảo. Các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram và Zalo đang trở thành nơi tụ tập của những người sống ảo, và đối với nhiều người, đó là cách để khẳng định đẳng cấp của bản thân. Các công nghệ chỉnh sửa ảnh ngày càng phát triển, làm cho các bức ảnh trở nên hoàn hảo hơn bao giờ hết. Những bức ảnh này được chia sẻ trên các trang mạng xã hội kèm theo các trạng thái cảm xúc, và sự quan tâm của người khác khiến người ta mải mê với cuộc sống ảo hơn là cuộc sống thực.
Tuy nhiên, sống ảo cũng là cách để trốn tránh cuộc sống thường ngày. Những khó chịu và bực bội của cuộc sống thật khiến con người cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm nơi để giải tỏa. Mạng xã hội trở thành một loại thuốc giải thần kỳ, giúp họ trốn khỏi hiện thực và tìm kiếm sự an ủi.
Mẫu 4
Hiện nay, khi mạng Internet phát triển với tốc độ chóng mặt thì kéo theo đó có nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra. Một trong số những hiện tượng này mà chúng ta phải kể đến chính là việc sống ảo của giới trẻ hiện nay. Sống ảo là hiện tượng con người sử dụng mạng xã hội để khoe khoang, khoa trương bản thân mình, nói những “điều hay lẽ phải”, những điều không đúng về bản thân mình nhằm mục đích thu hút, tạo sự chú ý với người khác để được họ tán dương, ca ngợi.
Đây là một “căn bệnh” xấu mà con người không nên mắc phải, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay. Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người, muốn mình trở nên xinh đẹp hơn được nhiều người theo đuổi, muốn người khác phải ngưỡng mộ, trầm trồ trước cuộc sống của mình hoặc tệ hơn là để lừa đảo người khác. Tác hại của vấn nạn này vô cùng khó lường: nó khiến người khác hiểu nhầm về bản thân mình và cuộc sống của mình từ đó xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc: từ chối yêu vì không xinh giống như hình ảnh trên mạng…; bị người khác xa lánh vì những thứ hào nhoáng, giả mạo mà bản thân mình tạo ra trong thế giới ảo. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi ngoài thực tế con người khác xa với trên mạng xã hội.
Giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này chính là việc mỗi người hãy chỉ đăng tải những tấm hình, những câu chuyện xác thực, không thổi phồng sự thật, sống đúng với bản thân mình; cùng nhau chung tay bằng những hành động đẹp đẽ để đẩy lùi bệnh sống ảo.
Các cơ quan chức năng cần có những chế tài hợp lí để xử phạt những hành vi sống ảo gây hậu quả thiệt hại cho người khác: sử dụng thông tin giả để chiếm đoạt tài sản,… mỗi người chung tay một hành động nhỏ để có được một kết quả to lớn khiến cho việc sử dụng mạng xã hội ngày càng văn minh, lịch sự hơn.
Mẫu 5
Hiện nay, cuộc sống của chúng ta ngày càng phát triển thuận tiện và nhanh chóng hơn. Con người cũng từ đó mà phát triển về công nghệ - kỹ thuật để phục vụ cho cuộc sống của con người. Thuận tiện là vậy, thế nhưng đi cùng với sự thuận tiện đó lại có một lối sống không lành mạnh xuất hiện, đó là hiện tượng "sống ảo". Sống ảo là một cụm từ để chỉ tới một phong cách sống của con người trong xã hội mạng xã hội đang lên ngôi hiện nay. Họ sống không đúng với thực tế cuộc sống của họ, thậm chí là còn có phần thể hiện thái quá và phản cảm trên mạng xã hội. Họ tự mình xây dựng một cuộc sống "hoàn mỹ" trong mắt mọi người trên mạng xã hội, hạnh phúc khi được đông đảo mọi người biết đến và ca ngợi. Thậm chí, họ còn sử dụng những cách cực đoan để được nổi tiếng. Chính việc đó đã khiến cho họ luôn phải đeo một chiếc "mặt nạ" không thể tháo ra. Cô nàng hotgirl Song Ji A đã nổi tiếng sau khi tham gia chương trình truyền hình Single's Inferno (Địa ngục độc thân) đã bị khán giả quay lưng tẩy chay khi phát hiện ra cô nàng sử dụng hàng nhái của các thương hiệu lớn như Chanel, Prada để xây dựng hình ảnh của bản thân trên trang cá nhân của mình. Tuy vậy, "sống ảo" cũng là một cách để con người tự tin thể hiện bản thân, để thoát ra khỏi những áp lực của cuộc sống thực tế. Những hệ lụy của việc sống ảo ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới bản thân. Không chỉ gây mất thời gian, ảnh hưởng sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe về tinh thần mà nó còn khiến cho tâm lý con người trở nên thất thường, ngày càng bị phụ thuộc vào mạng xã hội. Để có thể thoát ra khỏi cuộc sống "ảo" đó, bạn phải tự mình có kế hoạch để thực hiện phân chia thời gian hợp lý cho cả công việc, học tập,... Không những vậy, hãy thử giới hạn mình với những thông tin mà bạn tiếp xúc trên không gian mạng hằng ngày. Quan trọng nhất, là bạn phải tự tin thể hiện bản thân, có như vậy bạn mới có thể tự mình biết được điểm mạnh của bản thân mình. Để kết lại vấn đề trên, tôi xin mượn những câu thơ trong bài thơ "Lá xanh" của nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại:
Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo chi tiết
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 1
Xã hội phát triển mang đến cho con người rất nhiều lợi ích, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Toàn cầu như xích lại gần nhau hơn nhờ có mạng internet. Những lá thư tay nhường chỗ cho những lá thư điện tử. Chẳng cần ở cạnh nhau, người ta vẫn có thể gọi điện và nhìn thấy nhau bất cứ lúc nào. Có một câu nói vui rằng hiện đại thì hại điện. Nếu nghĩ rộng ra thì câu nói đó không hề sai. Chính vì những tiện lợi mà công nghệ thông tin, mang Internet mang lại, con người dần bị cuốn vào thế giới ảo, rời xa thế giới thực tại. Và chúng ta vẫn gọi những người như vậy là sống ảo.
Những người sống ảo là những người có suy nghĩ hơi hoang tưởng một chút. Họ không sống ở thế giới thực tại mà họ lúc nào cũng như người trên mây. Họ bỏ qua các hoạt động, các chương trình ngoại khóa, không tiếp xúc hay kết nối với bạn bè sống xung quanh mình. Thay vào đó, họ thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,… Họ trao đổi, trò chuyện với những người bạn ở trên đó với tần suất lớn. Không thể phủ nhận những lợi ích mà các trang mạng xã hội này mang đến cho con người. Hiện nay số lượng người sử dụng mạng xã hội rất đông và ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn những người sống ảo đều là lứa tuổi trẻ. Đối với những người này, thế giới ảo thật đẹp đẽ, những người bạn ảo thật tốt bụng. Chắc hẳn chúng ta đã nhìn thấy cảnh các bạn trẻ ngồi với nhau nhưng không ai trò chuyện với ai mà mỗi người cầm một cái điện thoại để lên mạng nói chuyện.
Có những người, bất cứ điều gì trong cuộc sống họ cũng đăng lên mạng. Sáng ngủ dậy đăng một bức hình, trước khi ăn thứ gì đó cũng phải chụp ảnh đăng lên mạng, đi chơi và thậm chí là đi ngủ cũng phải chụp ảnh đăng lên mạng. Mục đích là ngồi chờ người khác vào like ảnh, bình luận ảnh cho mình. Nếu cảm thấy hình ảnh có ít người like, họ có thể sẽ đi nhắn tin cho từng người một và nhờ họ like. Đối với họ, những cái like quan trọng hơn tất cả. Tệ hại hơn, khi ra đường nhìn thấy người bị tai nạn thì việc đầu tiên là rút điện thoại ra chụp hình rồi đăng lên mạng xã hội để câu like. Có những người lại thích khoe khoang những điều không thực tế bởi trên mạng chẳng ai biết họ là ai. Họ vẽ ra cho mình một cuộc sống tốt đẹp, thể hiện rằng mình là một con người tài hoa nhưng sự thực chưa chắc đã là như vậy.
Xa đà với thế giới ảo khiến họ quên đi thế giới thực, xao nhãng chuyện học hành, thờ ơ với bạn bè, gia đình. Bản ảo thì chưa thấy đâu nhưng mối quan hệ với bạn bè thực thì ngày càng rạn nứt.
Mạng xã hội thực chất không xấu nhưng một bộ phận giới trẻ sử dụng sai cách nên khiến mạng xã hội trở nên xấu xí. Phải thừa nhận mạng xã hội giúp chúng ta làm quen được với nhiều bạn mới, có thể trò chuyện với người thân ở xa. Nhưng nên dùng mạng xã hội ở mức độ phù hợp vào một thời điểm thích hợp. Chẳng hạn như lên mạng xã hội vào cuối ngày khi đã làm xong bài tập. Có thể sử dụng internet vào mục đích tốt hơn như tìm hiểu kiến thức, tìm đọc tin tức,… Hãy tham gia vào các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn và bạn sẽ thấy cuộc sống thực tại vui hơn rất nhiều so với mạng ảo. Ngoài ra, để tránh hiện tượng sống ảo ở giới trẻ, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn tránh tình trạng con cái xa đà vào thế giới mạng và bị kẻ xấu lôi kéo.
Mạng xã hội giống như một con dao hai lưỡi, nếu bạn sử dụng đúng cách nó sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích nhưng nếu bạn sử dụng sai cách nó sẽ giết chết tâm hồn của bạn. Lựa chọn là ở bạn, hãy tỉnh táo và đừng để mình bị cuốn vào thế giới ảo.
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 2
“Bạn đang sống ảo hay sống thật?” Nếu bạn thực sự có thể nhìn thẳng vào hiện trạng bản thân và đưa ra câu trả lời: “tôi sống ảo” thì bạn có lẽ chính là nạn nhân của một hiện tượng xã hội nghiêm trọng đang lan rộng trong cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ chúng ta hôm nay.
Sống ảo là gì? Sống ảo là một khái niệm chỉ lối sống xa rời thực tế khi con người tìm kiếm niềm vui, sự quan tâm của người khác dành cho mình qua sự liên kết thuận tiện của mạng xã hội, các phương tiện công nghệ kết nối người dùng. Hiện tượng ấy bắt nguồn từ sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại ngày nay. Không còn những rào cản về mặt địa lý cách trở, không còn những trở ngại về thời gian, những phát minh thế kỉ của thời đại đã đưa con người chúng ta đến gần nhau hơn bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Facebook, Zalo, Twitter, hay Instagram,… hàng loạt những ứng dụng trực tuyến, chỉ với chiếc điện thoại mà con người ta có thể bị thu hút bởi những lượt “like”, lượt “share” một cách dễ dàng. Đặc biệt đối với giới trẻ, những cô cậu bé vị thành niên khao khát thể hiện mình mạnh mẽ ở cái tuổi dậy thì đôi mươi thì thế giới ảo ấy mang một sức hút mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao hiện tượng sống ảo trong giới trẻ đã và đang dấy lên những lo ngại trong cuộc sống ngày nay.
Đi bất cứ đâu, thật dễ thấy hình ảnh những người trẻ ‘’dán mắt’’ vào chiếc điện thoại di động thông minh. Dù là nơi công cộng, hay ở nhà, dù là đang đi hay dừng lại, con người ta vẫn không thể nào dời tay khỏi chiếc điện thoại nhỏ bé chứa cả thế giới ấy. Sau cuộc khảo sát với hơn 3500 bạn trẻ ngẫu nhiên, Counterpoint Research đã đưa ra một con số đáng báo động, một người trẻ dành thời gian gần 7 tiếng 1 ngày để sống ảo, tương đương với gần một phần ba thời gian một ngày. Liệu giới trẻ-mầm non tương lai của mỗi quốc gia chúng ta có đang xem thế giới ảo là ngôi nhà của chúng hay không?
Giới trẻ tìm đến với thế giới ảo với mong muốn được giao lưu, tìm tòi, thể hiện bản thân. Đó là nhận định dựa trên lý lẽ thông thường mà đằng sau nó là không ít những hạn chế, tiêu cực mà thế hệ non trẻ có thể sa ngã bất cứ lúc nào. Các bạn trẻ sau sự trải nghiệm, kiếm tìm những quan tâm, sự tương tác từ người khác, họ có thể nảy sinh những ham muốn mãnh liệt hơn, mất thời gian, mất tập trung để suy nghĩ và dày công tạo nên một trang cá nhân tuyệt đẹp, nghĩ xem làm sao để thu hút thật nhiều lời khen ngợi, tâng bốc. Tất cả sự thật và ảo tưởng chỉ cách nhau qua một tấm màn hình. Có những đứa trẻ trầm lặng, im ắng, ít giao tiếp trong cuộc sống thực, nhưng ta không hề hay biết ở một thế giới khác, đứa trẻ ấy là một “anh hùng bàn phím”, đứa trẻ ấy sôi nổi, nhiệt tình như một con người hoàn toàn khác. Có những đứa trẻ vì muốn thể hiện hơn người mà khoe khoang, lừa dối chỉ vì muốn nhận được sự ngưỡng mộ, trầm trồ. Những đứa trẻ đang quên mất chúng sống ở đâu và chúng là ai!
Lối sống ảo còn là một bức tường vô hình giữa giới trẻ và gia đình, người thân. Chưa bao giờ trong cuộc sống con người ta sống gần nhau về địa lý nhưng lại có những khoảnh khắc xa cách, lạnh lùng đến thế. Dành quá nhiều thời gian đắm mình trong thế giới ảo, giới trẻ đang dần đánh mất đi những giá trị thực của cuộc sống. Thay cho một cuộc gặp mặt bạn bè huyên náo, nồng nhiệt là sự tĩnh lặng cùng chiếc điện thoại, thay cho một bữa cơm quây quần xum vầy, sự thân mật, gắn bó với cha mẹ là những bữa cơm có lệ để nhanh chóng hòa nhập vào thế giới riêng của mình. Những người trẻ liệu có nhìn thấy được sự vô nghĩa, vô tâm của bản thân hay không?
Và có lẽ những rủi ro chưa dừng lại ở đó, chúng ta không thể cứ mãi đứng nhìn con trẻ sa ngã vào thế giới vô thực kia. Một hệ thống giáo dục lành mạnh, sự quan tâm thật sự của cha mẹ và thầy cô tạo nên nhận thức lành mạnh và ý thức cảnh giác chính là những điều cần nhất ngay lúc naỳ.
Ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo chỉ cách bằng một bước chân, hãy là chính mình, tỉnh táo, bớt mơ mộng để rồi bị quật ngã trước bức màn màu hồng mà lối sống ảo đang ngụy tạo.
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 3
Thời gian luôn không ngừng trôi và cuộc sống của con người chúng ta cũng không ngừng đổi mới. Bởi vậy, ta không chỉ đơn thuần sống trong môi trường duy nhất mà luôn có sự cọ xát với nhiều môi trường khác nhau. Từ đó mà chúng ta hình thành dần các thói quen sống. Và giới trẻ hiện nay, thói quen sống ảo đang dần phổ biến. Đây là vấn đề nhạy cảm mà mỗi người, đặc biệt giới trẻ chúng ta cần suy ngẫm.
Sống ảo là thói quen sống trong thế giới ảo – bản sao dị dạng của thế giới thực: giả tạo, mơ hồ và đơn độc. Với sự tiếp xúc với các môi trường như truyện tranh, game online, và đặc biệt là mạng xã hội... thói quen sống ảo dần được hình thành. Từ đó xuất hiện hai con người, hai cá tính ảo và thực, có nhiều mặt đối lập hoàn toàn với nhau, nó không giống với hình ảnh "kẻ song trùng". Thói quen sống ảo tựa như một chất gây nghiện nhưng đồng thời mở ra một chân trời mới cho những ai biết vận dụng, kiểm soát nó.
Trong giới trẻ hiện nay, thói quen sống ảo dường như đã trở nên phổ biến. Ta dễ dàng bắt gặp ở những người bạn quanh mình. Đó là những mối tình ảo, các mối quan hệ ảo theo kiểu ngôn tình... Để gây sự chú ý của mọi người, nhiều bạn trẻ đã chìm trong cuộc sống ảo với những trò lố khoe tiền, đồ hiệu, giả chết, khoe những hình ảnh nóng lên các trang mạng xã hội.
Đã có nhiều vụ việc dở khóc dở cười quanh việc sống ảo, có thể kể đến câu chuyện của cô gái Lê Thị Tú Ngà có tài khoản Facebook tên Lê Khả Ái đã làm dậy sóng cộng đồng mạng khi nhìn thấy mặt mộc của cô gái. Những viễn cảnh cuộc sống viển vông, khác xa với cuộc sống thực tại. Thói quen sống ảo đã ăn sâu vào tâm trí một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ và thật đáng quan ngại khi hầu hết ít bạn kiểm soát được.
Tuổi trẻ với nhiều suy nghĩ thiếu sự chín chắn, vậy nên chỉ với những lời khiển trách từ cha mẹ, thầy cô, cả thế giới dường như sụp đổ. Khi đó thế giới ảo là nơi tìm đến của những tâm hồn đang yếu đuối, suy sụp. Lúc đầu, thế giới ảo chỉ là nơi những bạn trẻ tìm đến khi mỏi mệt, để giải tỏa nỗi lòng nhưng dần dần dựa dẫm, lệ thuộc vào nó, hèn nhát đối diện với sự thật. Và như vậy thói quen sống ảo dần hình thành, chi phối cuộc sống không ít bạn trẻ. Đương nhiên cũng không thể chỉ quy chụp nguyên nhân do sự nông nổi của tuổi trẻ, cuộc sống với guồng quay tất bật, trong chúng ta không ai tránh khỏi được những áp lực bủa vây từ việc học tập, bạn bè rồi gia đình. Ngoài ra do sự phát triển của công nghệ thông tin – con dao hai lưỡi, giới trẻ với sự hiếu kỳ, tò mò, những tính năng mới rồi vội chạy đua vô thức theo những giá trị tinh thần mà không có sự kiểm soát của lý trí, ý thức tự chủ còn hời hợt. Sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội còn nhiều thiếu sót cũng là một nguyên nhân.
Nếu thói quen sống ảo nếu không kiểm soát sẽ tác động mạnh tới tâm lý và nhân cách con người như rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, tiêu cực, có thể có hành vi chống đối xã hội, hay dẫn tới tình trạng lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, sống ảo còn tốn thời gian, ảnh hưởng tới sức khỏe, kết quả học tập của chúng, có thể còn phải đón nhận ánh nhìn không mấy thiện cảm từ mọi người. Không những vậy đôi khi còn trở thành cầu nối cho bọn tội phạm. Bởi thế giới ảo và thế giới thực tồn tại mâu thuẫn trong con người bạn nên rất khó để hòa nhập với thế giới thực vốn đầy rẫy những va chạm. Những người chỉ mải mê trong thế giới ảo sẽ dần bị cô lập, thói quen sống ảo dần sẽ bao bọc bạn bởi một vỏ kén vững chắc, và sẽ rất khó khăn để thoát khỏi cái vỏ kén vốn đã quen ấy. Như vậy nếu lý trí ngủ quên, thói quen sống ảo sẽ “siết cổ” dần tuổi trẻ, tương lai và cuộc đời chính cuộc đời của bạn.
Có ai đã từng nói rằng: “Mây được mặt trời chiếu vào mới thành sáng. Suối được treo vào vách mới thành thác nước”. Con người chúng ta cũng vậy, chỉ có sự cọ xát, tiếp xúc, va chạm với nhiều môi trường khác nhau mới lớn lên và trưởng thành được. Thế giới ảo có nhiều điều thú vị, chúng ta không thể áp đặt, quy chụp cho nó tất cả những xấu xa. Song cần nhìn nhận và đánh giá đúng mức. Vấn đề cần chú ý là mục đích, thời gian và cách sử dụng thói mạng xã hội, đòi hỏi ở chúng ta một bản lĩnh. Chúng ta cũng cần phê phán những kẻ lạm dụng việc sống ảo, đồng thời dẫn dắt họ ra khỏi vùng tăm tối đang che mắt họ.
Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, bởi vậy phải sống sao cho xứng với những máu xương mà thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ độc lập hòa bình. Cửu Bá Đao từng viết: “Tuổi thanh xuân của chúng ta như cơn mưa rào, dù bị ướt nhưng ta vẫn muốn quay lại đằm mình thêm lần nữa”. Hãy sống sao để khỏi phải nuối tiếc vì những năm tháng đã sống hoài sống phí.
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 4
Xã hội ngày càng phát triển. Giữa những bạn trẻ ngày nay, thói quen sống ảo trở nên phổ biến. Đây là một vấn đề nhạy cảm mà mỗi người chúng ta, đặc biệt là giới trẻ cần suy ngẫm.
Trong giới trẻ hiện nay, thói quen sống ảo dường như rất nghiêm trọng. Đó là những mối tình ảo, các mối quan hệ ảo theo kiểu ngôn tình hay ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Để gây sự chú ý cho nhiều người, các bạn trẻ đã chìm đắm trong cuộc sống ảo với những trò lố khoe tiền, đồ hiệu, các bức ảnh nóng lên các trang mạng xã hội.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề này. Đâu là lý do mà thói quen sống ảo trói buộc chúng ta đến vậy? Theo quan điểm của tôi, giới trẻ thường có những suy nghĩ bốc đồng. Họ không chịu suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Chỉ một lời chỉ trích từ bố mẹ, thầy cô cũng có thể khiến thế giới của bản thân họ sụp đổ. Và thế giới ảo là sẽ là nơi cho những tâm hồn yếu đuối tìm đến. Hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, là nguyên nhân rất quan trọng. Thay vì giao tiếp với những người khác, tham gia các hoạt động thực tế ngoài cuộc sống, họ chia sẻ những suy nghĩ, bức ảnh lên Facebook và đo lường sự nổi tiếng bằng số lượng thích và chia sẻ. Thiếu sự quan tâm, quản lý và giáo dục từ gia đình, nhà trường cũng là một nhân tố. Bố mẹ và thầy cô giáo nên dành nhiều thời gian để nói chuyện với con mình hơn.
Cuộc sống ảo dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới kết quả học tập. Mọi người cũng không mấy thiện cảm với những bạn trẻ sống ảo. Hơn thế nữa, thói quen sống ảo nếu không được kiểm soát sẽ tác động tới tâm lý và nhân cách như chứng rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, lo âu hay trầm cảm.
Tuổi trẻ là quãng thời gian tuyệt đẹp cho chúng ta mơ ước, học hỏi và trải nghiệm. Hãy tắt điện thoại, máy tính và mở lòng mình ra, bạn sẽ thấy cuộc sống ngoài kia thú vị đến nhường nào. Hãy nhớ: “Càng dành nhiều để lên mạng, thời gian cho cuộc sống thật sự càng ít”.
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 5
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Cuộc sống hôm nay đang dần thay da đổi thịt, con người tiến gần hơn với các phương tiện hiện đại, tinh vi. Nhưng mặt trái đáng buồn của sự phát triển này chính là hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay.
Sống ảo, hiểu một cách đơn giản đó là lối sống thoát ly thực tại, sống không giao tiếp với cuộc sống bên ngoài. Sống ảo là một hình thức phổ biến nhất hiện nay đối với các bạn trẻ, đặc biệt là ở trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo. Sống ảo đang được các bạn trẻ hưởng ứng nhanh chóng và xem đó như một cách thể hiện và khẳng định đẳng cấp của bản thân.
Thực trạng hiện nay có rất nhiều bạn thích sống ảo hơn là sống thật. Khi xã hội phát triển đồng nghĩa rằng các phương tiện truyền thông cũng trở nên đa dạng và phát triển. Các mạng xã hội xuất hiện ngày càng phổ biến và các phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa ảnh ngày càng đa dạng, nó khiến những bức hình trở nên sắc nét hơn, có nhiều hiệu ứng hấp dẫn hơn và nó khác hoàn toàn vẻ mặt mộc thực có ngoài đời. Những hình ảnh đã qua chỉnh sửa ấy được giới trẻ “post” lên các trang mạng xã hội kèm theo “những câu status” tâm trạng để người người “like, comment hay share”. Lượt thích, lượt bình luận hay lượt chia sẻ càng nhiều nó càng khiến con người mải mê, đắm chìm với cuộc sống ảo của mình trên mạng.
Không chỉ dừng lại ở đó, sống ảo chính là một cách để họ trốn tránh hiện thực đời sống thường ngày, họ không dám đối mặt với nó. Những bức bối, những khó chịu của cuộc sống đời thực khiến con người mệt mỏi, bất lực muốn tìm đến một nơi để giải tỏa, để trút hết tâm tư. Và họ tìm đến với mạng xã hội như một thứ thuốc giải thần kì. Từ đó tạo nên sự đối lập sống thật và sống ảo. Một sự thật đang diễn ra khá phổ biến đó là nhiều người ngoài đời thực rất ít nói, kiệm lời nhưng khi lên mạng xã hội thì họ như trở thành một con người khác, hoạt bát, năng nổ, dễ bắt chuyện. Những cô cậu trẻ tuổi với vẻ ngoài bình thường nhưng khi được lên mạng lại trở thành hot girl, hot boy được nhiều người theo dõi. Chính những điều ấy hình thành cho giới trẻ thói quen sống ảo, đóng khép mình với cuộc đời thực ngoài kia.
Sống ảo là một hiện tượng tiêu cực, dễ dàng ảnh hưởng tới sự phát triển của mỗi người. Chẳng ai có thể lường trước những hậu quả khi một người sống quá ảo. Sống xa rời thực tế, họ ngại bắt chuyện với cộng đồng, lúc nào cũng bó mình nơi bốn bức tường với máy tính, smartphone có kết nối Internet. Họ tìm đến những người xa lạ chưa gặp mặt bao giờ để trút bầu tâm sự. Điều đó không những đánh mất đi chính con người thật của họ mà còn là nguyên nhân gây nên chứng bệnh trầm cảm ở giới trẻ hiện nay. Thế giới ảo đầy rẫy những nút like, nút share, là thế giới mà con người kết bạn bốn phương nhưng nói chuyện để rồi quên mà chẳng bao giờ gặp gỡ. Thế giới của những tâm tư, tình cảm, thế giới của những điều huyễn hoặc mà khi con người đắm chìm vào sẽ rất khó để thoát ra, nó như có ma lực khiến con người mê mệt với các trang mạng xã hội.
Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích của truyền thông đa phương tiện đem lại những khi giới trẻ quá sống ảo, con người ta dần mất sự kiểm chứng xác thực với các thông tin trên mạng xã hội, mơ hồ đồn đại và tin rằng đó là thật. Những thông tin sai lệch trên mạng xã hội vô tình đầu độc suy nghĩ con người, khiến con người mất dần lí trí. Ngày hôm nay, ta chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tin tặc lừa đảo, bao nhiêu vụ nghi ngờ lẫn nhau trên facebook rồi hẹn đánh nhau. Biết bao con người đã đi vào con đường lầm lỡ vì tin vào mạng xã hội, vì đắm chìm trong thế giới đó. Học sinh lười học, ngày ngày mải mê bên máy tính, điện thoại, lúc nào cũng chăm chăm làm sao để có những bức hình đẹp mà không suy nghĩ tới bổn phận và trách nhiệm của một người học sinh. Tất cả thực trạng ấy là một giọt nước mắt buồn cho cả một xã hội đang phát triển theo con đường hội nhập.
Nguyên nhân của lối sống này là do xã hội ngày càng phát triển, các máy móc hiện đại ra đời, các ứng dụng được nâng cấp tinh vi, nó thỏa mãn nhu cầu chơi bời, giải tỏa tâm trạng của giới trẻ. Giới trẻ tìm đến mạng xã hội nhiều hơn, đắm chìm vào nó để quên rằng mình đang sống trong một cuộc sống thật với sự tổng hòa các mối quan hệ. Bố mẹ ngày nay có tâm lý chiều con hơn, con thích điều gì là sẽ đáp ứng được, vì vậy giới trẻ dễ đua đòi, sa đọa mà phụ huynh thì mất dần sự kiểm soát. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người trẻ. Họ dễ bị cám dỗ, không làm chủ được mình, không có ý thức sắp xếp thời gian hợp lý, vì vậy vô tình để thế giới ảo điều khiển con người mình.
Thật đáng buồn khi nhìn vào xã hội hôm nay còn một số lượng lớn các bạn trẻ sống ảo mà quên đi thế giới thực ngoài kia mới thật sự đáng sống. Mỗi người cần tự răn đe bản thân trước sự cám dỗ của những nút like, share trên mạng xã hội, hãy hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn, đi ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống muôn màu. Hãy biến mạng xã hội là công cụ giải trí những lúc mệt mỏi, đừng để nó lấn chiếm thời gian và cuộc đời của bạn.
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 6
Cuộc sống hiện đại, phát triển với những thành tựu về khoa học công nghệ, mở ra cho con người nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Bên cạnh một thế giới thực, nó đã mở ra cả một thế giới khác đằng sau những màn hình máy tính mang tên thế giới ảo. Hiện tượng sống ảo của giới trẻ ngày nay đã không còn xa lạ nữa, và nâng lên đến mức báo động.
Cũng như các phần mềm thiết bị công nghệ thực tế ảo, những thứ không nhìn thấy được, sống ảo là hiện tượng những hoạt động của con người được thực hiện trên những trang mạng xã hội, là những hành động phô bày ra những thứ mình không có, không thuộc về mình, những hình ảnh không phải là mình. Hiểu đơn giản, sống ảo là sống không thật với những gì mình đang có trong một thế giới con người ta không thể phân định thật giả, và cũng không ai muốn phân định cả.
Sống ảo không loại trừ ai, chỉ cần họ muốn trở thành những thứ mình không có được. Nhưng nó rất phổ biến trong giới trẻ, ở độ tuổi thanh thiếu niên. Đó là hiện tượng những con người ngày đêm cúi mặt vào màn hình điện thoại mà không biết đến xung quanh. Con nghiện không thể sống thiếu thuốc, và những người này cũng thế. Sự hiện diện của họ trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng bằng sự hiện diện trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram, Tik Tok. Ở đó, họ đăng những tấm hình đã qua chỉnh sửa, những tấm hình mà đến bố mẹ - người cho bạn hình hài như hôm nay cũng không thể nhận ra, lên mạng và ngồi đếm từng lượt thích, lượt thả “tim” và bày tỏ cảm xúc. Ở đó, họ quay những video thật lộng lẫy, đẹp đẽ theo những trào lưu trên mạng để có thật nhiều lượt view, lượt thích và chia sẻ. Ở đó, họ được trở thành những “anh hùng bàn phím” để đánh những con chữ cay độc văng vào mặt người khác. Họ được sống trong những mối tình như mơ, những cuộc trò chuyện vui vẻ với người chưa gặp một lần nhưng ảnh trên mạng. Cuộc sống trên mạng của họ là một cuộc sống đầy màu hồng. Họ được sống với những gì mình ước mơ trong thế giới thực mà không có được. Và hiện tượng giới trẻ ngày càng chìm đắm, không tách rời được thế giới ảo đã không còn xa lạ nữa.
Sống ảo với những người trong cuộc là một cách hay, và cũng tốt nữa - họ cho là vậy. Nhưng thực tế, nó lại chính là tác nhân hủy hoại chính cuộc sống thực của chúng ta. Luôn dán mắt vào những thiết bị khiến cho mắt con người quá sức chịu đựng, những cơ bị tê liệt không hoạt động và ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ của con người. Sống ảo khiến con người ta bằng lòng hơn với chính mình, yêu thích cuộc sống mình tạo ra nhưng lại càng thêm chán ghét cuộc sống hiện tại này. Họ ghét mình ở hiện tại, không bằng lòng với những mối quan hệ, những điều mình có bây giờ, và họ lại càng trốn sâu vào trong thế giới kia. Bản tính hèn nhát, bất lực trước cuộc sống, trước những khó khăn sẽ làm họ ngã gục. Họ đang bỏ phí tuổi trẻ, dập tắt ước mơ, sống vô nghĩa và vô dụng. Những màn hình máy tính đâu thể cho họ biết bầu trời hôm nay đẹp đến thế nào, đâu có những khó khăn để biết thực ra mình cũng làm được, mình cũng có thể thành công, đâu có những thử thách để ta biết đâu là chân tình, là những tình cảm đáng quý thực sự. Đã có biết bao nhiêu người bị “ném đá”, chỉ trích, chửi bới vì để mặt mộc khác xa so với những ảnh hay đăng. Những người đã phải tự tử vì không chịu nổi những lời nói trên mạng, vì những mối tình không thực tan vỡ hay những người nói chuyện hằng ngày, ở đời thực lại không như mình nghĩ. Khi đó, sống ảo lại gây ra hậu quả thực.
Nguyên nhân của chuyện này do chính bản thân mỗi người. Khi những mong muốn muốn được thể hiện, được mọi người chú ý nhưng thực tại thì không được như vậy, không có dũng khí để cố gắng vượt qua. Và họ chọn cách chôn vùi cả thanh xuân, ước mơ và hoài bão vào những dòng chữ, những hình ảnh không có thực. Bên cạnh đó, do gia đình vẫn chưa thực sự theo sát con, không thể hiểu và gỡ rối cho con em trong những lúc đó khiến cho giới trẻ tự đưa mình vào con đường không đúng.
Cuộc sống ngoài kia còn tươi đẹp như thế, bao nhiêu người yêu thương ta, bao nhiêu người có thể khiến ta nở nụ cười và sẵn sàng cùng ta vững bước. Tại sao lại vứt bỏ những hạnh phúc này mà đi tìm những thứ ảo mộng, xa vời vợi? Ngưng sống ảo, sống thật với chính mình, bình thường nhưng không tầm thường. Ngoại hình không đẹp, nhưng ta không cần phải mệt mỏi chỉnh sửa và dấu diếm. Ta không cần phải cố nói chuyện với những người đang tiếp cận ta vì cái ảnh đại diện của mình đẹp. Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, gấp máy tính lại, tắt màn hình để cũng tận hưởng không khí trong lành của cuộc sống thực, của tình người và của hạnh phúc.
Ta chỉ một cuộc đời để sống. Muốn làm hạt cát vô danh hòa vào mênh mông sa mạc hay để lại dấu chân trong cuộc đời mỗi người, bạn chọn đi!
Nghị luận xã hội về hiện tượng sống ảo - Mẫu 7
Xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ càng hiện đại thì cuộc sống con người thuận tiện hơn, nhưng cũng có nhiều mặt trái. Những năm gần đây, khái niệm sống ảo đã ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói, việc sống ảo làm có nguy cơ đánh mất các giá trị thực.
Sống ảo là việc con người sống khác, khác bản thân mình, khác thực tế. Có thể coi sống ảo là một dạng phô bày không giống với sự thật lắm. Sống ảo thường được thể hiện qua các phương tiện của mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Twitter, Weibo... Trên những trang mạng xã hội này người ta thường xuyên đăng tải những bức hình khác thực tế, những dòng trạng thái “status” cũng khác thực tế nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ và nhận thức của mọi người.
Có thể thấy việc sống ảo nhiều nhất là khi các bạn trẻ sử dụng các công cụ make up, chụp hình, chỉnh hình làm đẹp rồi đăng tải trên mạng xã hội khiến mọi người lầm tưởng về vẻ đẹp, ngoại hình của mình. Rồi họ đăng tải những dòng trạng thái cũng giả dối để đánh lừa mọi người chẳng hạn như là “Đang ở một nơi rất xa” (thực ra là ở nhà), “Rảnh được đưa đi ăn” (thực ra là tự đi). Những người sống ảo đăng hình và trạng thái thường nhằm mục đích PR cho bản thân mình, khoe khoang về bản thân: ngoại hình, thành tích, sự giàu có, sự nổi tiếng. Người ta đăng hình ảnh, trạng thái từ không đúng lắm so với thực tế cho đến khác xa thực tế, sai sự thực hoàn toàn để được mọi người, bạn bè trên mạng xã hội trầm trồ, thán phục, khen ngợi.
Sống ảo có tính chất lây lan và gây nghiện. Người sống ảo lâu dần hình thành một thói quen khó bỏ. Trước khi ăn bao giờ cũng phải lôi điện thoại ra chụp lại hình, đi chơi ở đâu bao giờ cũng chụp hình post Facebook đầu tiên. Thậm chí trong những hoàn cảnh không phù hợp cũng lôi điện thoại ra check in sống ảo. Thế giới ảo bao quanh chúng ta, khiến mọi người không còn phân biệt được. Dần dần con người quên đi những giá trị thực tế, quên đi những điều rất bình dị trong cuộc sống. Sống ảo dẫn con người đến những giá trị giả dối, khiến con người dần quên mất thực tại, nhầm lẫn giữa thực tại và thế giới ảo. Nhiều người lợi dụng các công cụ mạng xã hội để bán hàng, lừa lọc bằng những hình ảnh, lời lẽ văn hoa, hào nhoáng. Rất nhiều chàng trai, cô gái đã tỏ ra vô cùng bất ngờ khi người bạn mình gặp gỡ quen biết qua mạng xã hội lại khác xa thực tế. Người ta thất vọng, chê bai thậm chí là làm nhục nhau. Bởi vì quen biết nhau qua những thước hình lung linh trên mạng, không ít bạn trẻ đã bị lừa lọc, bị dụ dỗ dẫn đến những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Bởi vì hiện tượng sống ảo đang ngày càng trở nên phổ biến nên con người cũng dần đa nghi với những gì xảy ra quanh mình. Nhìn một tấm hình, nghe một lời quảng cáo, người ta thường hỏi “Có thật không đấy”, “ở ngoài thế nào”. Có lẽ, vì sống ảo nhiều nên chính ta cũng đang dần mất niềm tin vào con người và dễ thất vọng với những gì xung quanh.
Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, làm đẹp mình cũng là việc nên làm nhưng nếu cứ sống ảo, cứ giả dối như vậy sẽ chỉ khiến chúng ta dần làm mất đi giá trị thật của chính bản thân mình. Vì vậy mỗi người cần sáng suốt, tỉnh táo và nên bài trừ việc sống ảo, hãy để những gì chân thật được trở lại là chính nó.
....
Nghị luận về sống ảo
Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ. Một số lượng lớn mạng xã hội đã ra đời, trở thành nơi mà giới trẻ có thể "sống ảo" tự do. Thuật ngữ "sống ảo" này được sử dụng rộng rãi, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu về ý nghĩa của nó.
"Sống ảo" là một lối sống, phong cách không tương ứng với hoàn cảnh thực tế của con người trên mạng xã hội. Nó thường được biểu hiện một cách thái quá và đôi khi là một hình ảnh hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, "sống ảo" còn ám chỉ việc mơ tưởng và tưởng tượng về cuộc sống hiện tại. Hiện nay, "sống ảo" đã trở thành một xu hướng, một trào lưu phổ biến trong giới trẻ. Các bạn trẻ sống ảo ngày càng tăng, khắp mọi nơi. Chúng ta ít nhất một lần trong ngày có thể bắt gặp các bạn trẻ đang "sống ảo". Hiện trạng sống ảo này có nguyên nhân chính là do giới trẻ dành quá nhiều thời gian trên Facebook, mong muốn khoe khoang và tự thể hiện bản thân. Họ muốn trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Đặc biệt, sự thiếu quan tâm từ gia đình và người thân cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều người nghĩ rằng "sống ảo" không gây hại gì, nhưng đó là một sự hiểu lầm quá lớn.
"Sống ảo" khiến bạn tiêu tốn quá nhiều thời gian vào những hoạt động vô nghĩa và không quan tâm đến cuộc sống thực. Vì vậy, chúng ta cần phải cân bằng cuộc sống và tích cực tham gia vào các hoạt động ngoài trời để giảm thiểu việc "sống ảo" hàng ngày.
Suy nghĩ về hiện tượng sống ảo
Thời gian tuyến tính cứ luôn không ngừng trôi và cuộc sống của con người chúng ta cũng không ngừng đổi mới. Đổi mới lớn nhất trong cuộc sống của con người có lẽ chính là sự xuất hiện của mạng internet và các trang mạng xã hội phổ biến và rộng khắp. Đăng lên mạng xã hội những điều mình mong muốn, chia sẻ những thông tin những xúc cảm cá nhân luôn được mọi bạn trẻ thích thú. Trào lưu sống ảo đang trở thành một làn sóng dữ dội nhất hiện nay.
Trước hết, ta cũng cần phải hiểu như thế nào là sống ảo? Sống ảo chính là một bản sao khác với sống thực, nó như mang lại một cảm giác mơ hồ khó tin, như một sự tò mò không biết đúng sai thực hư như thế nào. Ở đó người sống ảo như một người khác, hoàn cảnh thực tế của người đó trái ngược hoàn toàn với những gì bạn đó đăng lên trên mạng xã hội, nhưng cái hay ở đây là “cộng đồng mạng" lại coi đó là thật. Xã hội khi xuất hiện mạng xã hội nó như một biến chướng của cuộc sống thực tại. “Thời đại cúi đầu” chính là một tên gọi đáng buồn hiện nay, mọi người như chỉ chăm chăm đến việc lên mạng xã hội. Khi đi đâu, làm gì cũng cầm chiếc điện thoại cúi xuống ấn ấn để “sống ảo". Đây quả thực là một hiện tượng đáng buồn hiện nay.
Ta như thấy được rằng chính thói quen sống ảo, nó dường như tựa như một chất gây nghiện nhưng đồng thời nó cũng đã mở ra một chân trời mới cho những ai biết vận dụng, kiểm soát và làm chủ được chính nó.
Thực tế, ta như thấy được trong giới trẻ hiện nay, thì thói quen sống ảo dường như đã trở nên phổ biến hơn bất cứ lứa tuổi nào. Ta cũng thật dễ dàng bắt gặp ở những người bạn quanh mình có thói quen sống ảo, có cả những cuộc tình ảo. Các bạn không ngần ngại chụp những bức ảnh ăn uống và viết trên đó những dòng chữ mang ý nghĩa khoe khoang. Hay thậm chí là để “thả thính”, đó là những từ ngữ mới, những hành động sống ảo thật lố lăng. Cũng đã có rất nhiều những vụ việc dở khóc dở cười quanh việc sống ảo. Sử dụng các thiết bị đời cao để chụp ảnh “tự sướng” nhưng khi ra ngoài đời khiến mọi người choáng váng với khuôn mặt mộc không phấn son của người đó. Nó dường như đã trở thành một làn sóng xôn xao dư luận.
Chúng ta cũng đã thấy được những viễn cảnh cuộc sống viển vông, quả thật nó dường như đã khác xa với cuộc sống thực tại. Ta như thấy được chính thói quen sống ảo đã như ăn sâu, bám rễ vào tâm trí một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ và ta như thấy được thật đáng quan ngại khi hầu hết các bạn trẻ hiện nay có thể kiểm soát được điều đó. Chính những hiện tượng phổ biến này cho nên hiện nay cũng đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh nhưng vấn đề sống ảo của giới trẻ. Nên biết được rằng tuổi trẻ hiện nay thì với nhiều suy nghĩ bốc đồng, và rất nông nổi của tuổi mới lớn cái lứa tuổi mà dường như đã thiếu sự chín chắn cho nên những hành động cũng khó lòng có thể kiểm soát và nhìn nhận một cách thấu đáo được. Trong thế giới ảo thì các em có thể thỏa sức bày tỏ những điều muốn nói, nói với những người lạ mà những điều đó các em chưa bao giờ nói với người thân quen. Điều này cũng có hai mặt nó sẽ thực sự tốt nếu như ta làm chủ được, bởi khi nói với những người xa lạ thì các em không biết họ và họ cũng không biết các em. Những điều chia sẻ đơn giản chỉ là nói được nỗi lòng của mình ra cho đỡ phải suy nghĩ nhiều. Nhưng có bạn lại quá lạm dụng điều này, luôn lên mạng kêu than và nhắn với người xa lạ trong khi quên mất đi mình có nhiều người thân và họ không những sẵn lòng nghe tâm sự của các em mà còn giúp các em vượt qua được khó khăn đó như cha, mẹ mình.
Đáng buồn biết bao nhiêu khi các em lại sống thật trong thế giới ảo và sống ảo trong thế giới thật. Bên ngoài thì nói cười hồn nhiên, nhưng khi lên mạng thì mới nói và bộc bạch những lời tâm sự buồn thảm và chỉ cần nhận được những lượt bình luận là thích thú. Chính việc ngại giao tiếp với những người xung quanh cũng như đã khiến cho các em mất hết kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Một trong số những kỹ năng sống trong cuộc sống có lẽ chính là kỹ năng giao tiếp.
Ai ai trong số chúng ta từng suy nghĩ tới hậu quả? Có chăng, dường như cũng chỉ là thoáng qua rồi chậc lưỡi và cho qua cũng không bao giờ để ý đến hậu quả khó lường của chuyện sống ảo.
Những hệ lụy mà sống ảo gây ra còn là sự tốn thời gian, ảnh hưởng tới sức khỏe. Và chắc chắn là kết quả học tập của chúng ta cũng bị suy giảm đáng kể có thể còn phải đón nhận ánh nhìn không mấy thiện cảm từ mọi người. Và rồi hơn thế nữa đó chính là chúng ta sẽ dần bị cô lập, chỉ vì thói quen sống ảo dần sẽ bao bọc bạn bởi một vỏ kén vững chắc, và sẽ rất khó khăn để thoát khỏi cái vỏ kén vốn đã quen thuộc ấy. Như vậy nếu như lý trí của mỗi người mà bị ngủ quên, thói quen sống ảo sẽ ngự trị trong bạn và bạn cũng chẳng làm được điều gì cả.
Ta phải hiểu được rằng chính thói quen sống ảo nếu không có sự giám sát, quản lý của lý trí, nó sẽ biến thành một loại axit, nó như đã ăn mòn dần tuổi trẻ của chúng ta. Bạn và tôi và cả những người trẻ hãy tự làm chủ cuộc sống của chính mình, hãy bớt sống ảo để nhìn vào hiện thực để có thể cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Sống ảo là gì?
"Sống ảo" là một lối sống, phong cách không tương ứng với hoàn cảnh thực tế của con người trên mạng xã hội. Sống ảo thường được biểu hiện một cách thái quá và đôi khi là một hình ảnh hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, "sống ảo" còn ám chỉ việc mơ tưởng và tưởng tượng về cuộc sống hiện tại.
Dẫn chứng về sống ảo
1. Một hot Tiktoker 12 triệu follow đã đã nhận nhiều “gạch đá” từ cư dân mạng vì “ngáo quyền lực”. Được biết, Hot Tiktoker đó là Võ Thành Ý, cô đã đăng một bài viết chế giễu “Kênh tóp tóp 12M fl đi trả giá quay 3-4M/clip thì tốt nhất mình nên lấy 3-4M đó về mua đồ nướng ăn xong ngủ mơ giúp em”. Bài viết của cô đã nhận được nhiều sự phẫn nộ vì thái độ ngáo quyền lực của mình.
2. Những hình ảnh đẹp đẽ, lung linh qua màn lọc của máy ảnh, filter đã khiến mọi người dần trở nên “ảo”. Không nhìn nhận đúng thực tế của mình. Những hình ảnh khác xa với mạng xã hội, khác xa với tưởng tượng đã khiến mọi người dần trở nên bi quan, tiêu cực.
3. Một số người trẻ có tư tưởng lệch lạc, sai trái như: thay vì ngưỡng mộ nhau trong học tập, công việc thì họ lại ngưỡng mộ vì đối phương nổi tiếng, có nhiều lượt like, tương tác trên mạng xã hội.
4. Nhiều người mượn nhà, mượn xe, để phục vụ nhu cầu sống ảo của mình. Chỉ có 5, 7 nhưng lại sống ảo lên 10, để phục vụ cảm xúc, muốn khoe khoang, không biết tự lượng sức mình.
5. Bảy đối tượng ở tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố, trong đó có lệnh tạm giam đối với 4 đối tượng về hành vi quấy rối trật tự công cộng, điều khiển xe máy, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, đua xe nhằm quay video đăng lên mạng tạo sự thu hút, kích thích tính tò mò của giới trẻ, điều đó khiến nhiều bạn trẻ đang trong tuổi phát triển cá tính cảm thấy thú vị và muốn học theo.
...
>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!