Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Sơ đồ tư duy) 4 Dàn ý & 15 mẫu phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
TOP 15 bài Phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ hay nhất, kèm theo 4 dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 9 cảm nhận được rõ nét cảm xúc của nhà thơ Thanh Hải trước khung cảnh mùa xuân của đất nước.
Với giọng thơ vừa tha thiết vừa sôi nổi, trang trọng, hai khổ thơ 2 và 3 Mùa xuân nho nhỏ đã vẽ nên khung cảnh tươi đẹp, tràn đầy sức sống của mùa xuân đất nước. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com để ngày càng học tốt môn Văn 9
Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Dàn ý phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (2 mẫu)
- Dàn ý cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (2 mẫu)
- Sơ đồ tư duy phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn
- Phân tích khổ 2, 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất (9 mẫu)
- Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Cảm nhận khổ 2, 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Cảm nhận khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
- Đoạn văn phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
- Một số từ ngữ, hình ảnh cần lưu ý khi phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
Dàn ý phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
1. Mở bài:
- Giới thiệu về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
- Giới thiệu về tác giả Thanh Hải.
- Giới thiệu về khổ thơ cuối bài.
2. Thân bài:
a) Nội dung khổ 2, 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
* Vẻ đẹp của mùa xuân:
- Hình ảnh:
- “Lộc” - “Người cầm súng”: người chiến sĩ ra trận, trên lưng có cắm nhiều cành, lá cây để ngụy trang.
- “Lộc” - “Người ra đồng”: người nông dân trên cánh đồng làm việc, cấy lúa, tạo ra lương thực cho mọi người.
- Điệp từ: “Mùa xuân”, “lộc” mang đến không khí mùa xuân, vạn vật sinh sôi, lộc non trải đầy khung cảnh.
- “Hối hả”, “xôn xao”: mang đến không khí rộn rã, vui tươi.
- Điệp từ “tất cả”: ai cũng hăng hái, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần nhỏ bé để giữ gìn và xây dựng đất nước.
* Niềm tin vào tương lai của đất nước
- “Đất nước bốn ngàn năm/Vất vả và gian lao”: Nói lên thời gian 4000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta tuy khó khăn nhưng luôn dũng cảm, kiên cường.
- “Đất nước như vì sao”:
- Ước mong đất nước mãi trường tồn như vì sao.
- Đất nước sẽ tỏa sáng như vì sao, sánh vai cùng cường quốc năm châu.
- “Cứ đi lên phía trước”: sự phát triển ngày càng lớn mạnh của đất nước.
b) Nghệ thuật khổ 2 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
- Sử dụng hình ảnh tiêu biểu, gợi cảm, dễ liên tưởng.
- Các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, điệp từ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về khổ 2 và 3 của bài thơ.
Dàn ý cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và dẫn dắt vào khổ thơ 2 và 3.
2. Thân bài
a. Khổ thơ thứ hai
- “Lộc” ở đây có thể hiểu là sức mạnh dân tộc, “lộc trải dài nương mạ” là sự hối hả xôn xao cho một mùa màng mới, cho đồng ruộng vẫn mãi mãi bạt ngàn một màu xanh.
- “Người cầm súng và “người ra đồng” là hai lực lượng chính dựng xây Tổ quốc. Đây là mùa xuân trách nhiệm gắn với ý thức bảo vệ dân tộc. Người ra trận phải đổ máu, người ra đồng phải đổ mồ hôi nước mắt. Máu, mồ hôi, nước mắt của nhân dân ta đã góp phần giữ lấy mùa xuân mãi mãi của dân tộc.
- Từ “cứ” đặt đầu câu thơ như một sự khẳng định, thể hiện một chân lí đơn giản mà thiêng liêng. Có thể nói bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay của dân tộc được đáp lại bằng những mùa xuân tiếp nối vô tần.
b. Khổ thơ thứ ba
- Nhà thơ Thanh Hải đã nhắc lại chặng đường 4000 năm của đất nước thông qua hệ thống các tính từ "vất vả", "gian lao" từ đó có thể cho thấy chặng đường dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một chặng đường đầy những gian nan, khó khăn và thử thách, mất mát.
- Hình ảnh so sánh "đất nước như vì sao" đã mở ra nhiều liên tưởng độc đáo và giàu ý nghĩa. Hình ảnh so sánh ấy vừa gợi đến nguồn sáng trường tồn mãi với không gian, thời gian, vừa gợi lên niềm tin của tác giả về một tương lai tươi sáng, rộng mở của đất nước với khí thế mạnh mẽ không gì cản nổi.
- Cấu trúc song hành "đất nước bốn ngàn năm", "đất nước như vì sao" đã diễn tả sự vận động đi lên của lịch sử và là lời khẳng định về sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước. Cụm từ "cứ đi lên phía trước" khép lại khổ thơ như một lời khẳng định, một sự thể hiện ý chí và lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và của cả dân tộc về tương lai tươi sáng, tốt đẹp của quê hương, đất nước.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của 2 khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung.
Sơ đồ tư duy phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn
Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm văn học quý giá trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ". Bài thơ đã thể hiện hình ảnh thiên nhiên của đất nước khi vào xuân. Điều này được thể hiện rõ qua khổ thơ thứ hai và ba của bài. Mở đầu khổ thơ hai là hình ảnh của đất nước vào mùa xuân:
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao..".
Nhà thơ đã thật tài tình khi đặt hai hình ảnh "người cầm súng" và "người ra đồng" ngay trong cùng một khổ thơ. Đây đều là những người làm nên màu xuân của đất nước. Nếu những người cầm súng là những người bảo vệ Tổ quốc, đem lại cuộc sống yên bình, ấm no cho nhân dân thì những người ra đồng lại là những người làm ra trái ngọt, hạt gạo để nuôi những "người cầm súng". Hơn thế nữa, các hình ảnh này còn được kết hợp với "lộc giắt đầy quanh lưng" và "lộc trải dài nương mạ". Điều này vừa làm nên cái hay, cái đẹp cho câu thơ vừa nhấn mạnh những gì mà hai con người này tạo ra chính là "lộc" của đất nước.
Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ điệp cấu trúc "tất cả như" kết hợp với hai từ láy "hối hả" và "xôn xao" vừa tạo nhịp điệu cho câu thơ vừa thể hiện tâm trạng, cảm xúc của thi nhân. Đến khổ thơ thứ ba, tác giả đã bày tỏ niềm tự hào, niềm tin của mình vào một tương lai ngày mai tươi sáng, tốt đẹp:
"Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước"
Cụm từ "bốn ngàn năm" đã thể hiện truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Chưa dừng lại ở đó, với biện pháp so sánh cùng hệ thống tính từ "vất vả, gian lao" không chỉ khiến câu thơ thêm tính gợi hình, gợi cảm mà còn thể hiện những khó khăn, gian khổ mà đất nước đã và đang phải trải qua. Nhưng dù con đường ấy có chông gai như thế nào, thì đất nước ta vẫn tiến lên phía trước.
Phân tích khổ 2, 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Mùa xuân luôn là đề tài bất tận để các nhà thơ tìm cảm hứng và sáng tác. Thông qua những vẻ đẹp trong cảnh sắc mùa xuân, các nhà thơ gửi gắm vào đó những tâm tư tình cảm, những bài học triết lí từ cuộc sống. Mùa xuân trong cách nhìn của Mãn Giác thiền sư, một cao tăng thời Lý, là bài học về sự tuần hoàn của tạo vật, một triết lí sâu xa về nhân quả luân hồi của nhà Phật.
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai” – (Có bệnh bảo mọi người)
Mùa xuân qua cảm nhận của những nhà thơ mới trước Cách mạng tháng Tám là nỗi chán chường tuyệt vọng:
“Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu” (Chế Lan Viên, Xuân)
Riêng ở nhà thơ Thanh Hải, mùa xuân là tất cả những vẻ đẹp vốn có của cuộc đời, là nhịp sống đang vươn lên mà tác giả khát khao được hiến dâng, hoà nhập. Những cảm xúc ấy được tác giả thể hiện rõ trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Trong đó, không khí tưng bừng náo nức và nhịp sống đi lên của đất nước vào xuân được thể hiện rõ nhất qua khổ thơ hai và ba của bài thơ:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Từ hình ảnh mùa xuân thiên nhiên, tác giả đột ngột chuyển mạch sang miêu tả hình ảnh mùa xuân đất nước - mùa xuân Cách mạng:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ"
Trong nhịp sống đi lên của đất nước, nhà thơ chọn lọc hai hình ảnh tiêu biểu “ Người cầm súng - Người ra đồng”. “Người cầm súng” ra tiền tuyến, chiến đấu chống kẻ thù chung để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập tự chủ của nước nhà. “Người ra đồng” ở lại hậu phương tham gia sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Hai hình ảnh, hai lực lượng, hai nhiệm vụ tiêu biểu của công cuộc cách mạng đổi mới đất nước được tác giả xây dựng theo hình thức sóng đôi, đối xứng nhau một cách hài hoà như nhịp bước song hành của đất nước đi lên.
Tuy nhiên, phát hiện đầy sáng tạo và độc đáo nhất của nhà thơ lại thể hiện qua hình ảnh lộc xuân. “Lộc” vừa có nghĩa là chồi non, “lộc” cũng có nghĩa là sự may mắn theo quan niệm dân gian. Lộc là những đám nương mạ trải dài xanh mướt, lộc là cành lá ngụy trang trên lưng người chiến sĩ biên cương, mùa xuân qua hình ảnh lộc non trải dài từ hậu phương ra tiền tuyến. Những đám nương mạ xanh tốt là tín hiệu cho một vụ mùa thắng lợi, cành lá ngụy trang che mắt quân thù đem lại bình yên cho người lính. Như vậy, dù ở tầng nghĩa nào, hình ảnh lộc non cũng mang đến cho mọi người những niềm vui, hạnh phúc.
Từ đó, nhà thơ miêu tả cả dân tộc cùng bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương tưng bừng nhộn nhịp:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Những từ gợi tả “ hối hả”, “ xôn xao” cùng với điệp ngữ “ tất cả như” làm cho câu thơ vang lên nhạc điệu vui tươi mạnh mẽ khác thường. Nhịp sống của đất nước, của cuộc cách mạng lúc nào cũng gấp rút, rộn ràng, luôn tiến về phía trước. Đọc câu thơ ta cảm nhận được tâm trạng vui sướng dạt dào của nhà thơ trước cuộc sống lúc xuân về.
Sang khổ thơ thứ ba, âm điệu câu thơ từ sôi nổi hào hùng bỗng chuyển sang trầm lắng suy tư như bâng khuâng, ngẫm nghĩ:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao”
Nhà thơ đang đứng trên trục thời gian để nhìn lại quá khứ bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Suốt chặng hành trình ấy, lịch sử đã có không ít những trang vàng và những điểm son chói lọi, cũng không phải không có những giai đoạn tăm tối đến tột cùng. Bất giác, chúng ta liên tưởng đến những câu thơ trong Đọc Kiều của Chế Lan Viên:
“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên”
Từ điểm nhìn của hiện tại, nhà thơ xoay hướng đến tương lai:
“Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Nhịp thơ hào hứng vui say trở lại khi tác giả nhìn thấy tương lai huy hoàng của Tổ quốc. Sử dụng nghệ thuật so sánh, tác giả đã cụ thể hóa đất nước như một vì sao tỏa sáng trên bầu trời, cứ tiến mãi về phía trước. Tư thế của nhà thơ trong khổ thơ là vẻ đẹp hào hùng của một người sống giữa cuộc đời tự do, đang vươn lên làm chủ cuộc đời. Hình ảnh này, chúng ta cũng đã bắt gặp trong những vần thơ mùa xuân của Tố Hữu:
“Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông đến mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”
(Bài ca xuân 1961)
Chỉ có hai khổ thơ thôi, tác giả Thanh Hải đã giúp người đọc cảm nhận được một cách sống động bức tranh đất nước vào xuân. Cả đất trời và con người đều tưng bừng rộn rã chào đón một mùa xuân tươi đẹp. Vẻ đẹp của đất nước vào xuân qua những chi tiết, hình ảnh và giai điệu của thơ làm ta say sưa, ngây ngất.
Nói tóm lại, những bài thơ hay viết về mùa xuân từ xưa đến nay không ít. Nhưng miêu tả mùa xuân gắn liền với nhịp sống sôi động đang tiến lên, đặc biệt là sự phát hiện độc đáo qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ ta chỉ có thể bắt gặp được ở trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Chúng ta càng xúc động hơn khi được biết rằng bài thơ ra đời trong lúc tác giả đang nằm trên giường bệnh trước khi mất chẳng bao lâu.
Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất
Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 1
Mỗi mùa xuân về, lời ca ngọt ngào sâu lắng lại vang vọng khắp nơi khiến ta bồi hồi nhớ nhà thơ Thanh Hải. Trước khi ra đi, ông đã để lại một thi phẩm sống mãi với thời gian - bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Bài thơ là niềm yêu mến thiết tha với cuộc sống, với đất nước và nguyện hiến dâng những gì đẹp đẽ nhất cho đất nước của nhà thơ. Trong đó, khổ thơ thứ hai và thứ 3 của bài đã thể hiện một cách tinh tế, sâu lắng cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước.
Bài thơ ra đời tháng 11/1980- 5 năm sau ngày đất nước giành được độc lập.Và đây cũng là một hoàn cảnh rất đặc biệt đối với nhà thơ Thanh Hải. Ông đang bị bệnh nặng phải điều trị ở bệnh viện trung ương thành phố Huế, và một tháng sau ông qua đời. Có hiểu cho hoàn cảnh của nhà thơ trên giường bệnh ta mới thấy hết được tấm lòng tha thiết với cuộc sống, với quê hương đất nước của nhà thơ.
Từ những cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, Thanh Hải tiếp tục bộc lộ những cảm xúc của mình khi đất nước bước vào một mùa xuân mới:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
…
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Trước tiên, nhà thơ cảm nhận mùa xuân đất nước qua hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng” : Biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng của đất nước ta là cùng chiến đấu ở tiền tuyến và lao động xây dựng hậu phương vững chắc. Hình ảnh “người cầm súng” đi liền với hình ảnh “lộc giắt đầy trên lưng” gợi liên tưởng đến vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ đang nảy những chồi non, lộc biếc cùng các anh ra trận để bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh “người ra đồng” đi liền với hình ảnh “lộc trải dài nương mạ” gợi liên tưởng đến những cánh đồng màu mỡ, xanh tươi của những bàn tay khéo léo gieo trồng. Điệp ngữ “lộc” không chỉ là hình ảnh tả thực mà con mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. “Lộc” là nhành non chồi biếc của cỏ cây trong mùa xuân. Đối với người chiến sĩ, “lộc” là cành lá ngụy trang chemắt quân thù trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đầy cam go và ác liệt. Đối với người nông dân “một nắng hai sương”, “lộc” là những mầm xuân tươi non trải dài trên ruộng đồng bát ngát, báo hiệu một mùa bội thu. Nhưng đặc biệt hơn cả, “lộc” còn là sức sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù, hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành quả hôm nay và niềm tin, hi vọng ngày mai.
Từ những suy nghĩ rất thực về đất nước, nhà thơ khái quát:
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Điệp ngữ “tất cả”, các từ láy biểu cảm “hối hả”, “xôn xao”, nhịp thơ nhanh => nhà thơ đã khái quát được cả một thời đại của dân tộc. “Hối hả” diễn tả nhịp điệu khẩn trương, tất bật của những con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thời đại mới, trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Còn “xôn xao” lại bộc lộ tâm trạng náo nức rộn ràng.Ý thơ khẳng định một điều: không chỉ cá nhân nào vội vã mà cả đất nước đang hối hả, khẩn trương sản xuất và chiến đấu. Tất cả đều náo nức, rộn ràng trong mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, của đất nước. Thanh Hải đã rất lạc quan, say mê và tin yêu khi viết nên những vần thơ này.
Xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước khi bước vào mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải bày tỏ niềm tự hào và niềm tin vào tương lai tươi sang của đất nước:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Với nghệ thuật nhân hóa qua hệ thống tính từ "vất vả”, “gian lao” tác giả đã làm hiện lên chặng đường dựng nước và giữ nước với biết bao thăng trầm, thử thách. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, đất nước ta đã trải qua biết bao đau thương và mất mát, xong đã khẳng định được sức mạnh, ý chí và bản lĩnh của dân tộc mình như nhà thơ Huy Cận đã viết:
“Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”.
Đặc biệt, phép tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc –“Đất nước như vì sao/Cứ đi lên phía trước”. Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế, là tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng. Điệp ngữ “đất nước” được nhắc lại hai lần kết hợp với cụm từ “cứ đi lên” thể hiện sâu sắc ý thơ: trải qua những gian truân, vất vả, đất nước vẫn toả sáng đi lên không gì có thể ngăn cản được. Ta cảm nhận được niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam. Âm thanh mùa xuân đất nước vang lên từ chính cuộc sống vất vả, gian lao mà tươi thắm đến vô ngần.
Như vậy, bằng biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, điệp ngữ, cùng các từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị gợi tả, hai khổ thơ 2 và 3 đã giúp người đọc cảm nhận được những cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước. Đó là niềm tin, niềm vui, niềm tự hào khi đất nước bước vào xuân. Và đằng sau những vần thơ ấy, ta nhận ra ở Thanh Hải là niềm yêu đời, yêu cuộc sống, là tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với quê hương đất nước. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao.
Đoạn thơ kết thúc nhưng dư âm vẫn vang vọng trong lòng mỗi người. Tình yêu tha thiết với cuộc đời và niềm tin mãnh liệt vào tương lai đất nước của nhà thơ vẫn khiến lòng người xao xuyến. Cảm động trước tấm lòng nhà thơ, mỗi chúng ta hãy trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên và chung tay xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu.
Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 2
“Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác năm 1980, khi nhà thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ không chỉ là cảm xúc về một mùa xuân tươi xanh mà còn là lẽ sống cao đẹp cùng với tình yêu quê hương, đất nước thiết tha. Lẽ sống và tình yêu ấy được nhà thơ thể hiện hết sức chân thành và cảm động ở khổ thơ 2 và 3 của bài thơ.
Bài thơ bắt đầu bằng những cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên, trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên tươi xanh, gieo vào lòng người sức sống tràn trề của hoa tươi, cỏ biếc. Từ vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất trời, nhà thơ nghĩ ngợi về mùa xuân của đất nước, mùa xuân trong lòng người:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”.
Mùa xuân của đất nước với hai hình ảnh rõ nét nhất là “người cầm súng”, “người ra đồng”. Hai hình ảnh ấy biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động xây dựng đất nước. Một mặt, ý thơ nói lên một tinh thần yêu nước của mỗi con người; mặc khác, ý thơ cũng khắc họa rõ hình ảnh các chiến sĩ và các nông dân vẫn miệt mài làm việc chỉ mong đất nước được bình yên và gia đình được ấm no. Mượn ảnh “lộc” non của mùa xuân nhằm ca ngợi người cầm súng, người ra đồng quả thực rất mới lạ, tinh tế và tài tình của nhà thơ.
Có phải mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non đã theo “người cầm súng”, “người ra đồng” hay chính là họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước? Con người, trong cuộc sống lao động và chiến đấu đang góp phần làm nên một mùa xuân yên ổn, ấm no cho dân tộc. Không khí mùa xuân với nhịp điệu vừa hối hả vừa những âm thanh con xao. Một không khí khẩn trương lại sôi động của cuộc sống mới.
Đất nước đã độc lập nhưng kẻ thù vẫn còn âm mưu phá hoại. “Cầm súng” và “ra đồng” khẳng định tư thế chủ động, tinh thần sẵn sàng của nhân dân trước kẻ thù. Cuộc đời đã đổi mới nhưng khó khăn, gian khổ vẫn còn. Đất nước vẫn cần nhiều cống hiến, nhiều hy sinh hơn nữa để vươn lên.
Chắc chắn rằng, hình ảnh “lộc” kia là sức sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù,hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành quả hôm nay và niềm tin, hy vọng ngày mai. “lộc” cùng chính là niềm vui mới của con người trong mùa xuân tràn trề niềm vui và sức sống, là niềm tự lớn lao, là khát vọng cống hiến, hy sinh để giữ vững mùa xuân của dân tộc.
Sau bao nhiêu năm tháng vất vả, đau thương, hôm nay, dân tộc ta đón chào mùa xuân bằng một tấm lòng yêu nước nồng nhiệt. Mỗi con người yêu nước một cách sâu sắc, xem đất nước như một điều gì đó thiêng liêng quá thể:
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
“Bốn nghìn năm” vĩnh tồn, đất nước như những vì sao càng ngắm nhìn càng thấy tỏa sáng, càng thêm tự hào. Một quá trình vất vả và gian lao để có thể tồn tại lâu như thế. Ta cũng có thể hiểu rằng tác giả mong muốn đất nước ta sẽ có một tầm nhìn lạc quan và tươi sáng. Mong muốn rằng tương lai đất nước sẽ ngày một tỏa sáng hơn.
Câu thơ “Cứ đi lên phía trước” nghe thấy cứ như một câu khuyên nhủ ta cứ bước đi. Chỉ cần một câu nói ấy đã có thể khích lệ tinh thần cho các chiến sĩ bên ngoài chiến trường. Điều đó cũng thể hiện dân tộc Việt Nam yêu nước một cách sâu sắc và cũng biết quan tâm tới nhau. Tình cảm giữa người với người đã được hiện hữu đâu đây. Đó là một điều tuyệt vời mà Thanh Hải đã ẩn chứa trong bài thơ.
Ý thơ khẳng định một điều: không chỉ cá nhân nào vội vã mà cả đất nước đang hối hả, khẩn trương sản xuất và chiến đấu. Tất cả đều náo nức, rộn ràng trong mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, của đất nước. Với nghệ thuật nhân hóa, Tổ quốc như một người mẹ tần tảo,vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm.
Qua lời thơ giản dị mà đằm thắm yêu thương, dạt dào tin tưởng, ta cảm nhận được niềm tấm lòng gắn kết của tác giả với tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam. Âm thanh mùa xuân đất nước vang lên từ chính cuộc sống vất vả, gian lao mà tươi thắm đến vô ngần.
Hai khổ thơ đã khắc họa nên một khung cảnh mùa xuân tươi xanh trong thời kỳ chiến đấu cực khổ. Biết bao năm tháng trôi đi nhưng ta vẫn cứ mãi lưu luyến mùa xuân. Một mùa xuân hạnh phúc cuốn trôi hết tất cả nỗi muộn phiền của mỗi con người. Đó là khúc ca đầy tin tưởng vào nhân dân và tương lai đất nước của nhà thơ trong những ngày tháng cuối của cuộc đời.
Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Mẫu 3
Mùa xuân vốn là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Với bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nhà thơ Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, chân thành và cảm động qua lời thơ bình dị mà hết sức sâu xa.
Trước cảnh sắc đất trời mùa xuân rừng rực sức sống, dù đang ở trên giường bệnh, Thanh Hải vẫn hướng lòng mình về với cuộc đời rộng lớn, gắn kết mình với đất nước.
Từ cảm xúc trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước, tác giả thể hiện khát vọng được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Đây là mùa xuân của con người đang lao động và chiến đấu, của đất nước vất vả và gian lao đang đi lên phía trước. Hình ảnh “người cầm súng, người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động dựng xây lại quê hương sau những đau thương mất mát. Ai cũng có nhiệm vụ của mình: người lính tiếp tục bảo vệ quê hương, vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ đang nảy những chồi non, lộc biếc như mang theo cả mùa xuân cùng các anh ra trận.
Người nông dân ra đồng làm nên hạt lúa, trên nương mạ, ruộng lúa của bác nông dân, mầm non, sức sống thanh xuân đang đua nhau trỗi dậy, giục giã, thôi thúc lòng người. Sức gợi cảm của câu thơ được thể hiện qua hình ảnh “lộc” của mùa xuân gắn với người cầm súng, người ra đồng. “Lộc” là chồi non, nhưng “lộc” còn có nghĩa là mùa xuân, là sức sống, là thành quả hạnh phúc. Câu thơ vừa tả thực, vừa tượng trưng cho sức sống của mùa xuân đất nước, sức sống của mỗi con người.
Âm hưởng thơ hối hả, khẩn trương với nhiều điệp từ, điệp ngữ láy lại ở đầu câu. Từ “xôn xao” không chỉ đơn giản là gợi âm thanh của thiên nhiên hoặc của con người. Nó còn gợi lên âm thanh rộn ràng của cuộc sống nhộn nhịp lao động khẩn trương của đất nước sau thống nhất, những xúc cảm mãnh liệt, phấn chấn trước mùa xuân thiên nhiên, trời đất tươi đẹp của con người.
Sức sống của mùa xuân đất nước không chỉ cảm nhận trong nhịp điệu hối hả, trong âm thanh xôn xao. Mà đất nước được hình dung bằng một hình ảnh so sánh đẹp:
“Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
Hình ảnh so sánh gợi liên tưởng đến vẻ đẹp, ánh sáng và hy vọng. “Đất nước bốn nghìn năm”, hóa thành những vì sao đi lên, bay lên, ngời sáng lung linh. Cảm xúc của nhà thơ đối với đất nước: say mê, tự hào, tin tưởng con người và cuộc sống của quê hương, đất nước khi vào xuân.
Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Sự chuyển đổi đại từ nhân xưng “tôi” sang “ta” đó không phải là sự ngẫu nhiên vô tình mà là dụng ý nghệ thuật tạo nên hiệu quả sâu sắc. Đó là sự chuyển từ cái “tôi” cá nhân nhỏ bé hoà vào cái “ta” chung của cộng đồng, nhân dân, đất nước.
Trong cái “Ta” chung vẫn có cái “tôi” riêng, hạnh phúc là sự hoà hợp và cống hiến. Thể hiện niềm tự hào, niềm vui chung của dân tộc trong thời đại mới. Sự chuyển đổi diễn ra rất tự nhiên, hợp lý theo mạch cảm xúc đã thể hiện được tâm niệm của nhà thơ: là khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Một con chim hót để cất tiếng thơ ngợi ca đất nước, làm một nhành hoa để đem lại hương thơm cho cuộc đời. Bao trùm tất cả, ông ước nguyện hóa thành “một mùa xuân nho nhỏ”, lặng lẽ, âm thầm dâng hiến toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, sức lực và cả sự sống của mình góp cùng mọi người: “Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc”.
Những hình ảnh bông hoa, tiếng chim hót được tác giả phác hoạ ở phần đầu bài thơ giờ đây lại trở lại trong khổ thơ này trong giọng thơ êm ái, ngọt ngào. Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa tỏa hương sắc cho đời.
Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp, chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Và cái “ta” vốn chỉ để nói về mình bỗng như trở thành cái “ta” chung của nhiều người, khát vọng của nhiều người. Điệp ngữ “dù là” như một lời tự khẳng định, tự nhủ với lương tâm, khẳng định sự kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật để mãi làm một “mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước. Giọng thơ nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn.
Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời. Thế nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn giữ được nét riêng mỗi người…
Từ khát vọng và ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải, tuổi trẻ hôm nay trước vận hội mới cũng cần làm tròn trách nhiệm của mình với cuộc đời, với đất nước. Tuổi trẻ với sinh lực và trí tuệ mới góp sức lao động làm giàu cho bản thân, quê hương, giữ gìn, bảo vệ đất nước; đồng thời không ngừng khẳng định vị thế của đất nước trên thế giới.
Không có gì cao thượng bằng tình yêu tổ quốc. không có lý tưởng nào cao quý hơn lý tưởng sống vì tổ quốc. Không tổ quốc, cuộc đời người cũng vô nghĩa. Tổ quốc là mẹ vĩ đại, là ngôi nhà chung, là nơi cuối cùng ta trở về nương tựa khi sự sống chấm dứt. Đó không chỉ là tâm sự của nhà thơ Thanh Hải mà còn là ý niệm tinh thần muôn đời của dân tộc ta.
....
Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Thanh Hải viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” vào tháng 11-1980 trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách, không đầy một tháng trước khi nhà thơ qua đời. Bài thơ như một lời tâm niệm chân thành, gửi gắm tha thiết của nhà thơ để lại với đời. Từ vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ liên tưởng đến mùa xuân đất nước. Cảm xúc ấy thể hiện chân thành và cảm động qua khổ thơ 2 và 3 của bài thơ.
Vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân chuyển hóa vào lòng người, gắn với hình ảnh con người lao động và chiến đấu:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Mùa xuân của đất nước càng thêm rạo rực với hình ảnh người cầm súng (những người làm nhiệm vụ chiến đấu) và hình ảnh “người ra đồng”. Từ “lộc” biểu hiện của niềm hi vọng tươi sáng đang theo con người đi khắp nơi hay hay chính họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.
Khi xưa, trong đêm đen của kiếp sống nô lệ, nhà thơ Tố Hữu, một người con xứ Huế đã từng viết:
“Tôi nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi
Không gian sặc sụa mùi ô uế
Như nước dòng Hương mãi cuốn đi”
Đó là Huế trong quá khứ nô lệ đen tối, lầm than. Trong hiện tại, Huế đã đổi khác, đang hối hả nhịp chiến đấu, xây dựng cùng đất nước. Không phải ngẫu nhiên trong khổ thơ lại xuất hiện hình ảnh“người cầm súng” và “người ra đồng”. Họ là những con người cụ thể, những con người làm nên lịch sử với hai nhiệm vụ cơ bản của đất nước ta trong suốt quá trình phát triển lâu dài: chiến đấu và sản xuất, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Mùa xuân đến mang đến tiếng gọi của những cố gắng mới và hi vọng mới, mang đến tiếng gọi của đất nước, của quê hương đang trên đà đổi thay, phát triển. Những tiếng gọi lặng lẽ tới từ mùa xuân làm thức dậy con người, làm trái tim con người như bừng lên rạng rỡ trong không khí sôi nổi của đất nước, của muôn cây cỏ đã đi theo người lính vào chiến trường, sát kề vai,đã cùng người lao động hăng say ngoài đồng ruộng.
Mùa xuân không những chắp thêm đôi cánh sức mạnh cho con người mà còn chuẩn bị cho con người những “lộc” non tươi mới, căng tràn nhựa sống. “Lộc” không chỉ là hình ảnh tả thực mà con mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng. “Lộc” là nhành non chồi biếc của cỏ cây trong mùa xuân. Đối với người chiến sĩ, “lộc” là cành lá ngụy trang che mắt quân thù trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đầy cam go và ác liệt.
Đối với người nông dân “một nắng hai sương”, “lộc” là những mầm xuân tươi non trải dài trên ruộng đồng bát ngát, báo hiệu một mùa bội thu, là khát khao một cuộc sống ấm no, hạnh phúc sắp trở thành hiện thực. Nhưng đặc biệt hơn cả, “lộc” là sức sống, là tuổi trẻ, sức thanh xuân tươi mới đầy mơ ước, lí tưởng, đầy những hoài bão và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, sôi nổi trong mỗi tâm hồn con người – tâm hồn của người lính dũng cảm, kiên cường nơi lửa đạn bom rơi – tâm hồn của người nông dân cần cù, hăng say tăng gia sản xuất. “Lộc” chính là thành quả hôm nay và niềm tin, hi vọng ngày mai.
Từ những suy nghĩ rất thực về đất nước, nhà thơ khái quát:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Bằng cách sử dụng điệp ngữ “tất cả”, các từ láy biểu cảm “hối hả”, “xôn xao”, nhịp thơ nhanh, nhà thơ đã khái quát được cả một thời đại của dân tộc. “Hối hả” diễn tả nhịp điệu khẩn trương, tất bật của những con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thời đại mới, trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Còn “xôn xao” lại bộc lộ tâm trạng náo nức rộn ràng. Ý thơ khẳng định một điều: không chỉ cá nhân nào vội vã mà cả đất nước đang hối hả, khẩn trương sản xuất và chiến đấu. Tất cả đều náo nức, rộn ràng trong mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên, của đất nước. Nhà thơ Thanh Hải đã rất lạc quan, say mê và tin yêu khi viết nên những vần thơ này.
Từ xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước khi bước vào mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có cái nhìn sâu sắc và tự hào về lịch sử bốn nghìn năm dân tộc:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Với nghệ thuật nhân hóa, Tổ quốc như một người mẹ tần tảo,vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam:
“Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”.
(Huy Cận)
Đặc biệt, phép tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc: “Đất nước như vì sao/Cứ đi lên phía trước”. Sao là nguồn sáng bất diệt của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. So sánh như thế, là tác giả đã ngợi ca đất nước trường tồn, tráng lệ, đất nước đang hướng về một tương lai tươi sáng. Điệp ngữ “đất nước” được nhắc lại hai lần thể hiện sâu sắc ý thơ: trải qua những gian truân, vất vả, đất nước vẫn toả sáng đi lên không gì có thể ngăn cản được.
Từ giọng thơ khoáng đạt, hình ảnh thơ kì vĩ, ta cảm nhận được niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam. Âm thanh mùa xuân đất nước vang lên từ chính cuộc sống vất vả, gian lao mà tươi thắm đến vô ngần. Niềm tự hào về đất nước cứ lâng lâng chảy trào trong huyết mạch khiến nhà thơ bồi hồi nghĩ về bổn phận đối với nhân dân, với quê hương, đất nước, sống làm sao cho xứng đáng với truyền thống và lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Khổ thơ đã khép lại nhưng cảm xúc mãi cuộn trào mãi không thôi
Với thể thơ năm chữ, gần với các làn điệu dân ca, lời thơ giàu nhạc điệu, âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết, kết hợp những hình ảnh tự nhiên, giản dị, từ thiên nhiên với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, khái quát, cấu tứ chặt chẽ, sự phát triển tự nhiên của hình ảnh mùa xuân với các phép tu từ đặc sắc, khổ thơ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ thể hiện niềm tự hào lớn lao của Thanh Hải và lòng tha thiết yêu mến, ước muốn gắn bó với nhân dân, đất nước, với cuộc đời biết bao tươi đẹp.
Cảm nhận khổ 2, 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Nhắc đến Thanh Hải là nhắc đến bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất trong phong cách sáng tác thơ của ông và đã từng được phổ nhạc cho bài hát cùng tên. Mùa xuân nho nhỏ chứa đựng rất nhiều hình ảnh, nhạc điệu cũng như cảm xúc chân thành của ông. Tuy nó vô cùng đằm thắm, nhẹ nhàng thế nhưng lại đi vào lòng người và để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Tác phẩm được biết đến như ra đời vào cuối những năm cuối cùng của cuộc đời ông. Mùa xuân nho nhỏ xuất hiện giống như sự tổng kết về cuộc đời của nhà thơ và gửi gắm vào đó niềm tin cũng như lẽ sống cao cả, đẹp đẽ. Điều đó được thể hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối, từ khi bắt đầu cho đến cả những dòng chữ cuối cùng.
Với khổ thơ đầu tiên, khán giả đã tưởng tượng ra được khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và rạng rỡ. Ở hai đoạn tiếp theo, ta vẫn sẽ thấy mùa xuân xuất hiện nhưng với một góc nhìn khác, là xuân của dân tộc, của đất nước:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.
Trong bài có xuất hiện hai hình ảnh vô cùng ấn tượng: “người cầm súng” vào” người ra đồng”. Chúng dường như chẳng liên quan thế nhưng lại có nét gì đó phối hợp rất ăn ý, giúp ta phần nào nhìn ra được những suy nghĩ của Thanh Hải và cách ông tái hiện mùa xuân của đất nước.
Đặt vào bối cảnh đất nước khi ấy, dân tộc ta đang phải đối mặt với kẻ thù vô cùng hung hãn và nguy hiểm. Ở một đầu của chiến tuyến phải chiến đấu hết sức mình, đầu còn lại lao động sản xuất để xây dựng hậu phương vững chắc. Giữa mùa xuân của đất trời, dường như tác giả cũng cảm nhận được chút nào đó tươi mới dù cả trong chiến tranh vô cùng khắc nghiệt.
Hình ảnh người lính cầm súng được gắn với những câu lục lạc giắt đầy quanh mình. Nó khiến người ta liên tưởng đến những vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận, và bao bọc các anh là những chồi non mơn mởn. Những chồi non ấy theo từng bước chân mà mang mùa xuân đến với mọi nẻo đường.
Với người ra đồng, mùa xuân dường như cũng đã đến rồi. Lộc trải dài trên từng nương mạ như miêu tả cây lúa, cánh đồng xanh thắm và màu mỡ được chăm sóc bởi bàn tay khéo léo, chăm chỉ của người lao động. Bao công sức, vất vả cuối cùng đã thấy được thành quá ngay trước mắt.
Một bức tranh mùa xuân tràn đầy sức sống, tươi mới vào tuyệt diệu vô cùng được xây dựng bằng những hình ảnh và sự kết hợp độc đáo của chúng. Nó như báo hiệu một khởi đầu mới, một thành quả sắp đạt sau bao lâu cố gắng sẽ thay đổi tất cả mọi thứ, mang đến một năm mới tốt đẹp hơn.
Khung cảnh được tô điểm thêm rõ nét bằng điệp từ “lộc” và điệp từ “mùa xuân” khiến ta tưởng tượng ra những chồi non nảy lộc. Không những thế còn gợi lên thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. "Lộc" có nghĩa đen là một chồi xanh, non tơ, biểu tượng sức sống khi mùa xuân đến. Ở đây, từ "lộc" biểu hiện cho một niềm tin, một thành quả đo cách mạng đem lại, là kết quả.
Kết thúc khổ thơ thứ hai là một điệp từ “tất cả”. Sự xuất hiện với tần suất lớn của các điệp từ lại luôn được đi liền của từ láy như “Hối hả”, “xôn xao”. Qua đó nhịp thơ được đẩy lên gấp gáp hơn nhiều lần, giống như lối sống hối hả, sôi động, nhiệm vụ khẩn trương trong nhiệm vụ mà đất nước và Đảng giao phó.
Qua ấy ta thấy rằng mọi người dân lao động đều mong muốn mình phải cống hiến sức lực, tài năng, để lao động xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc. Từ khung cảnh đó. trong lòng tác giả dấy lên một niềm tự hào, niềm tin vào ngày mai tươi sáng tốt đẹp của Tổ Quốc
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Chỉ vài dòng thơ ngắn ngủi Nhà thơ Thanh Hải đã Rất nhiều tính từ được nhắc đến trong đây như “vất vả”, “gian lao” như diễn tả một chặng đường không hề dễ dàng, phải trải qua rất nhiều thử thách, gian nan và mất mát.
Bao nhiêu những anh hùng đã hi sinh mô hôi, xương máu chỉ để giành được độc lập và có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay. Thế nhưng nhưng điều này không hề vô dụng. Phải có nó thì ý chí, sức mạnh và bản lĩnh dân tộc mới được tôi luyện và thể hiện ra từng ngày. Và cũng phải nhờ nó mà dân tộc ta mới biết yêu quý và trân trọng những gì mình đang có.
Có lẽ cũng để chứng minh cho điều đó, một hình ảnh vô cùng độc đáo đã được xuất hiện trong đoạn thơ: “Đất nước như vì sao”. Chỉ từ hình ảnh này, bao nhiêu liên tưởng độc đáo và ý nghĩa đã được xuất hiện. Những vì sao kia như những nguồn sáng trường tồn mãi với không gian và thời gian, có lẽ đã chứng minh được niềm tin của tác giả đối với tương lai của đất nước.
Tương lai đất nước ta sẽ vô cùng tươi sáng và rộng mở, không gì có thể ngăn cản nổi, đất nước ta sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian. Điều này được nhấn mạnh thêm một lần nữa thể hiện qua cấu trúc song hành “Đất nước bốn nghìn năm” và “đất nước như vì sao”. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam sẽ luôn song hành với sự vật động của lịch sử, không bao giờ ngơi nghỉ .
Kết thúc khổ thơ thứ 3 là cụm từ “cứ đi lên phía trước”. Đây như một lời khẳng định một thể hiện ý chí và lòng quyết tâm của dân tộc. Nó cũng là niềm tin sắt đá của nhà thơ đối với tương lai tươi sáng tốt đẹp của quê hương và đất nước.
Từ “cứ” đặt đầu câu thơ như một sự khẳng định, thể hiện một chân lí đơn giản mà thiêng liêng. Có thể nói bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay của dân tộc được đáp lại bằng những mùa xuân tiếp nối vô tần.
Tóm lại giọng thơ trong 2 khổ 2 và 3 của bài Mùa Xuân nho nhỏ có sử dụng rất nhiều những nghệ thuật độc đáo. Có rất nhiều từ láy,cấu trúc song hành điệp từ cùng với giọng thơ vừa tha thiết lại sôi nổi trang trọng. Từ đó đó đã đủ vẽ lên khung cảnh tươi sáng, tràn đầy sức sống của nhân dân, đất nước. Trong đó dường như như còn ẩn chứa niềm yêu mến tự hào, tin tưởng của tác giả vào một tương lai tươi sáng và rực rỡ.
Nhìn chung, Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh túy của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Và cả khổ thơ 2, 3 cũng đề thể hiện rất tốt tinh thần chung của bài khi phác họa nên cảnh tượng đất nước, cũng như niềm tin vào tương lai tươi sáng của chính nó.
Cảm nhận khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết rằng: “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân”. Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, cây trái đâm chồi nảy lộc, con người hân hoan vui vẻ tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Hòa chung với không khí ấy, nhà thơ Thanh Hải đã viết “Mùa xuân nho nhỏ”. Trong khổ hai và khổ ba, thi nhân đã diễn tả khung cảnh lao động của con người khi mùa xuân tới với niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của đất nước.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Thanh Hải đã sử dụng hai hình ảnh giàu biểu tượng đó chính là “người cầm súng” và “người ra đồng” để viết về mùa xuân. “Người cầm súng” chính là những người chiến sĩ, người lính trên chiến trường. Họ có “lộc” giắt đầy quanh lưng - những cành lá dùng để ngụy trang khi chiến đấu với kẻ thù. Những cành lá ấy ra những chồi xanh mơn mởn như thể hiện sức sống mãnh liệt của người lính, đồng hành cùng họ trên chặng đường gian nan. “Người ra đồng” ở đây là người nông dân đang hăng say lao động. Những hạt giống, mầm cây họ gieo trồng đang dần đâm chồi nảy lộc, báo hiệu một vụ mùa thắng lợi. Bộ đội và nông dân chính là hai lực lượng chính để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của nước ta thời bấy giờ. Đó là vừa chiến đấu với kẻ thù nơi tiền tuyến, vừa tham gia lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh. Điệp ngữ “mùa xuân” và “lộc” đã nhấn mạnh vào khung cảnh tươi đẹp của thiên nhiên đất trời. Đồng thời, biện pháp tu từ này cũng gợi lên thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khổ thơ khép lại bằng biện pháp tu từ điệp ngữ “tất cả” kết hợp với hai từ láy “hối hả” và “xôn xao” khiến cho nhịp thơ gấp gáp. Điều này đã gợi cho ta khung cảnh về một nhịp sống hối hả, ai ai cũng khẩn trương, mọi người cùng nhau chiến đấu và lao động. Ai cũng mong muốn góp một phần sức lực của mình cho đất nước. Tất cả như một thước phim đẹp, hài hòa: Trong khung cảnh mùa xuân rực rỡ, con người cùng nhau thi đua lao động, tạo ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ cảnh đẹp như mơ ấy, tác giả đã bày tỏ niềm tin của mình vào ngày mai tươi sáng:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
Đầu tiên, nhà thơ đã gợi nhắc lại quá khứ hơn 4000 năm dựng nước giữ nước của ông cha ta. Quá trình đó có rất nhiều đắng cay, vất vả, thế nhưng dân tộc ta vẫn anh dũng, kiên cường, hiên ngang bất khuất. Biết bao nhiêu con người đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, cũng biết bao người dám đứng dậy chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ. Vậy nên mới có đất nước Việt Nam ngày nay. Vì những phẩm chất đặc biệt chảy trong máu của dân tộc ta, tác giả đã so sánh “Đất nước như vì sao” nhằm thể hiện niềm tin vào tương lai phía trước. Những vì sao thực chất là những hành tinh nhỏ bé nằm trong dải ngân hà. Chúng luôn ở đó, không bị mất đi. Mỗi đêm, những vì sao nhỏ bé lại lấp lánh trên bầu trời lung linh. Phép so sánh này như muốn khẳng định rằng đất nước Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian. Không những thế, ta sẽ ngày một phát triển giàu mạnh, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi.
Trong hai khổ thơ ngũ ngôn ngắn ngủi, tác giả Thanh Hải đã sử dụng rất nhiều những hình ảnh tiêu biểu, gợi cảm dễ liên tưởng cùng với các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ xuất hiện dày đặc để nói về mùa xuân. Với giọng thơ đầy háo hức, sôi nổi, tin yêu, nhà thơ đã giúp người đọc được ngắm nhìn bức tranh hài hòa, sống động giữa thiên nhiên và con người, từ đó, gieo vào lòng người đọc niềm tin về tương lai rộng mở của đất nước.
Bằng tài năng của mình, Thanh Hải đã viết nên một “Mùa xuân nho nhỏ” đầy chân thành, giản dị nhưng gửi gắm nhiều ước mơ, khát vọng to lớn. Chúng ta, những thế hệ tương lai cũng cần biết tin tưởng vào tương lai của đất nước, hành động bằng cách nỗ lực học tập, trau dồi để đưa Việt Nam tiến ra biển lớn.
Đoạn văn phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
Mùa xuân luôn là đề tài rộng mở cho người nghệ sĩ sáng tác nên thơ văn. Một trong những bài thơ nổi bật về chủ đề đó là “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải. Trong khổ 2 và khổ 3 của bài, nhà thơ đã miêu tả rất chân thực cuộc sống của con người ngày xuân và niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước. Biện pháp điệp từ “mùa xuân”, “lộc” đã thể hiện một khung cảnh tươi non mơn mởn vào mùa đầu tiên của năm, tạo cho ta thêm nhiều niềm hi vọng vào một khởi đầu mới. Tác giả đã lấy hai lực lượng tiêu biểu thời đó để mô tả. Đó chính là người lính bên ngoài chiến trường, chiến đấu để giành lại nền độc lập và người nông dân ngoài đồng ruộng lao động sản xuất để tạo ra lương thực. Họ đại diện cho sự hăng hái, phấn khởi lao động, làm việc của cả một dân tộc. Điều đó được thể hiện qua điệp từ “tất cả” và hai từ láy “hối hả”, “xôn xao”. Khổ thơ cho ta thấy không khí hăng say, vui tươi, rộn ràng của mọi người, chờ đón một mùa xuân mới. Ở khổ thứ ba, nhà thơ đã nhắc lại công lao dựng nước và giữ nước của cha ông ta trong suốt 4000 năm lịch sử của dân tộc. Từ đó thể hiện niềm hi vọng “Đất nước như vì sao” sẽ mãi trường tồn và phát ra ánh sáng lấp lánh của sự thịnh vượng, giàu có, phát triển. Chỉ trong hai khổ thơ ngắn ngủi, tác giả đã sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ như: điệp ngữ, ẩn dụ, so sánh. Khung cảnh tươi đẹp của đất nước được vẽ nên để thể hiện niềm yêu mến, tự hào, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của người thi sĩ.
Một số từ ngữ, hình ảnh cần lưu ý khi phân tích khổ 2, 3 Mùa xuân nho nhỏ
Khổ 2
- Lộc: Hình ảnh lộc mang tính biểu tượng cao. Lộc trong "Mùa xuân người cầm súng" là lộc của người lính với cành lá ngụy trang. Lộc trong "Mùa xuân người ra đồng" là lộc trải dài nương mạ của những người nông dân lao động sản xuất.
>> Nhấn mạnh đến sự cống hiến của con người để làm nên mùa xuân đất nước.
Khổ 3
- Đất nước bốn nghìn năm: Nhấn mạnh đến chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với bao thăng trầm, vất vả, gian lao.
- Đất nước như vì sao: Khẳng định niềm tin vững chắc của tác giả với tương lai đất nước tươi sáng, rạng ngời.
...
>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!