Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga (4 mẫu) Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiều
TOP 4 Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga hay nhất, giúp các em thấy rõvẻ đẹp thùy mị, nết na, trọng lễ nghĩa của Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.
Kiều Nguyệt Nga chính là đại diện tiêu biểu cho những người phụ nữ đức hạnh thời phong kiến xưa. Qua đó, Nguyễn Đình Chiểu còn thể hiện mong ước của mình về một xã hội yên bình, nơi công lí lúc nào cũng được thực thi. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Đề bài: Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga - Mẫu 1
Đọc đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" của Nguyễn Đình Chiểu, ta không chỉ ấn tượng với chàng Vân Tiên anh hùng trượng nghĩa mà còn phải cảm mến một Kiều Nguyệt Nga với nhiều phẩm chất tốt đẹp: hiếu thảo, nết na, ân tình. Kiều Nguyệt Nga là một người con hiếu thảo "Làm con đâu dám cãi cha". Trong tư tưởng của nàng, phận làm con không được phép cãi lời cha mẹ, chính vì thế nên khi cha nàng muốn nàng từ quê nhà sang Hà Khê "định bề nghi gia", nàng đã vâng lời, theo xe cùng người hầu đi. Cha mẹ có công lao sinh thành dưỡng dục, phận làm con phải khiến cha mẹ vui lòng, vì thế để làm vui lòng cha mẹ, nàng có thể vượt qua đường xá xa xôi "ngàn dặm đàng xa cũng đành". Là người con gái hiếu thảo ngoan hiền là thế, Kiều Nguyệt Nga còn là người có học thức, có trước sau và rất biết đối nhân xử thế. Qua lời nói thưa gửi trang trọng với Lục Vân Tiên, qua cách xưng hô khiêm tốn "quân tử" với "tiện thiếp" ta thấy Nguyệt Nga rất coi trọng vị anh hào nghĩa hiệp như chàng Vân Tiên. Được Vân Tiên hỏi thăm, nàng trình bày đầu đuôi sự tình, hoàn cảnh rõ ràng, cách nói, cách diễn đạt của nàng vừa đầy đủ thông tin lại đầy sự cảm kích, chân thành với chàng Tiên. Hơn cả lòng cảm kích là sự coi trọng ơn nghĩa của Kiều Nguyệt Nga, nàng không chỉ cảm ơn xuông mà vô cùng áy náy, băn khoăn một mực muốn trả ơn cho Lục Vân Tiên. Hiếm có nhân vật người con gái trong xã hội xưa nào được hoàn mỹ và có vẻ đẹp phẩm chất sáng ngời như Kiều Nguyệt Nga trong truyện của Nguyễn Đình Chiểu. Có thể thấy tác giả đã gửi gắm không ít những khát khao, niềm tin vào sự công bằng, chính nghĩa cũng như truyền thống trọng ơn nghĩa của người dân vào nhân vật này.
Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga - Mẫu 2
Truyện thơ "Lục Vân Tiên" nói chung và đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" nói riêng là tiêu biểu cho phong cách và tài năng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong đoạn trích này, nhân vật Kiều Nguyệt Nga được tác giả xây dựng như một hình mẫu lí tưởng của người con gái trong xã hội xưa, vừa đẹp người, đẹp nết lại rất trọng nghĩa tình. Trong chế độ phong kiến xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, chuyện dựng vợ gả chồng đều do cha mẹ sắp đặt, Kiều Nguyệt Nga chính là người con gái hiếu thuận, nghe theo lời cha, nàng từ Tây Xuyên về tận Hà Khê để "nghi gia". Nàng một lòng hiếu thảo, dù có phải lấy chồng xa xa ngàn dặm nàng cũng vâng theo "Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành". Bên cạnh đó, nàng còn là người con gái rất dịu dàng, ăn nói có trước có sau, vô cùng nhã nhặn và khiêm tốn. Khi nàng nói chuyện với Lục Vân Tiên, cách nhau bức rèm xe ngựa nhưng vẫn thưa gửi đàng hoàng "xin" , "lạy", "thưa". Lời nói của nàng tiểu thư khuê các cho thấy nàng tôn trọng người khác, "quân tử" , "tiện thiếp", văn vẻ của nàng rõ ràng, khúc chiết vừa làm hài lòng Vân Tiên lại cho chàng cảm nhận được sự chân thành, xúc động của mình khi được chàng cứu giúp. Đẹp nhất ở con người Kiều Nguyệt Nga chính là tấm lòng ân nghĩa, đối với Vân Tiên người đã cứu giúp mình, nàng vô cùng biết ơn, không chỉ cúi lạy cảm tạ mà nàng còn rất muốn được trả ơn cho chàng, dù phải trả với giá nào nàng cũng chấp nhận, bởi nàng hiểu Vân Tiên không chỉ cứu nàng mà còn còn trân trọng danh tiếng, phẩm giá của nàng. Chỉ qua những câu nói gần gũi, mộc mạc và đậm phương ngữ Nam Bộ, người đọc đã hình dung ra được một Kiều Nguyệt Nga chuẩn mực người con gái đức hạnh vẹn toàn, hiếu nghĩa vẹn tròn.
Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga - Mẫu 3
Trong đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga", Nguyễn Đình Chiểu không đi sâu khắc họa chân dung, tính cách nhân vật Kiều Nguyệt Nga mà đặt nhân vật trong một hoàn cảnh không may rồi để Kiều Nguyệt Nga tự bộc lộ những phẩm chất, tính cách của mình. Phẩm chất đầu tiên của Kiều Nguyệt Nga là một người con rất mực hiếu thảo, nàng lễ phép và vâng lời cha mẹ, một hai tuân theo ý muốn và sự sắp đặt của cha mẹ "Làm con đâu dám cãi cha". Nghe lời cha, dù thân con gái có phải đi đường xa trắc trở cũng không trái lời "ngàn dặm đàng xa cũng đành". Phẩm chất thứ hai của Nguyệt Nga bộc lộ trong từng lời nói đối đáp với Vân Tiên. Lời lẽ của nàng thể hiện nàng là người con gái không chỉ thùy mị, nết na mà còn có hiểu biết, một thưa hai gửi "xin", "thưa", xưng hô mực thước, gọi chàng Tiên là "quân tử" còn mình chỉ khiêm nhường xưng là "tiện thiếp". Trong hoàn cảnh nguy nan, nàng đã khóc vì sợ hãi nhưng vẫn có thể trình bày hoàn cảnh của mình một cách rõ ràng, tường tận cho Vân Tiên nghe. Cách nói đó của nàng vừa thể hiện sự tôn trọng đối với câu hỏi thăm của chàng Tiên lại thể hiện sự cảm kích, lòng chân thành của nàng đối với người đã cứu mình. Cuối cùng, từ sự cảm kích đó ta thấy được Nguyệt Nga là người con gái rất trọng ơn nghĩa, là người chịu ơn cứu mạng của Vân Tiên, nàng băn khoăn, mong mỏi được trả ơn chàng, dù biết ơn dày khó trả nổi nhưng vẫn muốn được trả cho chàng. Một người con gái như Kiều Nguyệt Nga vừa là hình mẫu lí tưởng lại rất gần gũi, mộc mạc.
Đoạn văn phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga - Mẫu 4
Trong đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga", Nguyễn Đình Chiểu đã thành công khắc họa hình ảnh nàng Kiều Nguyệt Nga với nhiều phẩm chất đáng quý. Đầu tiên chính là lòng hiếu thuận, biết suy nghĩ cho gia đình. Trong xã hội phong kiến cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nàng chia sẻ: "Làm con đâu dám cãi lại cha", chấp nhận "ngàn dặm đàng xa" để nghi gia. Không chỉ vậy, qua cuộc trò chuyện với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga còn thể hiện mình là một người con gái đức hạnh, nết na. Nàng thưa gửi vô cùng phải phép, lễ độ, ăn nói dịu dàng, nhã nhặn và khiêm tốn. Nguyệt Nga xưng mình là "tiện thiếp", gọi Vân Tiên là "quân tử". Dù kinh sợ khôn nguôi trước sự việc vừa xảy ra, nàng vẫn nói năng vô cùng phép tắc. Điều này khiến người anh hùng trượng nghĩa cảm nhận được sự chân thành của thiếu nữ, "động lòng" mà hỏi han. Bên cạnh đó, Kiều Nguyệt Nga còn vô cùng trọng ơn nghĩa. Nàng bày tỏ sự biết ơn với Vân Tiên bằng cả lời nói và hành động: "cúi đầu trăm lạy", "Trước xe quân tử tạm ngồi/Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa", "Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng",... Qua đó, có thể thấy ở Kiều Nguyệt Nga hội tụ những giá trị đạo đức tốt đẹp. Nàng chính là đại diện tiêu biểu cho người phụ nữ lễ tiết, đức hạnh thời phong kiến.