Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về công dân toàn cầu Những bài văn hay lớp 12
Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về công dân toàn cầu gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.
Suy nghĩ về công dân toàn cầu sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Các em hãy đọc kĩ từng đoạn văn, từng bài văn rồi suy nghĩ, tham khảo, chứ không sao chép một cách máy móc. Ngoài ra các bạn xem thêm: nghị luận về tác dụng của việc đọc sách, nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.
Nghị luận về công dân toàn cầu hay nhất
Dàn ý nghị luận về công dân toàn cầu
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: công dân toàn cầu.
2. Thân bài
a. Giải thích
Công dân toàn cầu là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch mà không bị rào cản về ranh giới, địa lí cũng như văn hóa của các quốc gia trong nhận thức của mình.
Công dân toàn cầu hay con người nói chung cùng nhau chung sống ở trên hành tinh này và chúng ta có trách nhiệm gắn kết với nhau để đưa thế giới phát triển theo hướng văn minh hơn.
b. Phân tích
Công dân toàn cầu chỉ những người sống trên hành tinh này, có ý thức xây dựng và phát triển bản thân cũng như quê hương, đất nước của mình.
Nếu không hòa nhập, con người sẽ khó vươn xa hơn được ra môi trường quốc tế, việc hòa nhập công dân toàn cầu giúp con người có nhiều cơ hội hơn để học tập, làm việc ở những nước phát triển hơn góp phần cống hiến cho nhân loại.
Việc hội nhập, phát triển không chỉ đưa con người lại gần nhau hơn mà nó còn giúp cho mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về sự đoàn kết, yêu thương, hữu nghị của con người trên thế giới làm minh chứng cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc hòa nhập và trở thành công dân toàn cầu. Lại có những người đua đòi, chạy theo lối sống phương tây mà làm mất đi những nét đẹp văn hóa dân tộc,…
e. Liên hệ bản thân
Mỗi chúng ta được sống trong thời buổi hội nhập hiện nay cần cố gắng học tập, trau dồi bản thân, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên hãy luôn tự hào về quê hương, đất nước mình, hòa nhập nhưng không hòa tan.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: công dân toàn cầu.
Suy nghĩ về công dân toàn cầu
Thời đại hiện nay là thời đại của công nghệ 4.0, hội nhập thế giới. Kỉ nguyên công nghệ đem đến cho cuộc sống con người nhiều điều mới mẻ và một trong số đó chính là cụm từ "Công dân toàn cầu".
Công dân toàn cầu là một khái niệm đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Nó đề cập đến những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch mà không bị rào cản về ranh giới, địa lí cũng như văn hóa của các quốc gia khác. Công dân toàn cầu hay con người nói chung cùng nhau chung sống ở trên hành tinh này và chúng ta có trách nhiệm gắn kết với nhau để đưa thế giới phát triển theo hướng văn minh hơn.
Trong thời đại ngày nay, hòa nhập vào thế giới là điều vô cùng cần thiết để có sự kết nối hơn về kiến thức của các ngành nghề. Nếu không hòa nhập, chúng ta có thể bị bỏ lại phía sau và mất cơ hội phát triển. Việc hòa nhập vào thế giới có thể giúp chúng ta tận dụng tối đa tiềm năng của mình và đối mặt với các thách thức toàn cầu. Để trở thành một công dân toàn cầu, ta cần có kiến thức và hiểu biết rõ những giá trị chung của từng khu vực. Tinh thần trách nhiệm và sự tự giác là một điều không thể thiếu trong việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều con người bảo thủ, không hòa nhập để học hỏi, để lĩnh hội tri thức mới. Lại có những người chạy theo lối sống “ngoại”, rồi chê bai truyền thống dân tộc. Cả hai trường hợp này đều đáng bị phê phán.
Xưa kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh bôn ba khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu nước. Trong suốt hành trình của mình, Người đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Người vừa học tập, lĩnh hội tri thức của các đất nước đó, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa người Việt. Bác Hồ được bạn bè quốc tế yêu mến, ngưỡng mộ và được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng. Xa quê là thế nhưng Bác không bao giờ quên đi nguồn cội. Người sống giản dị với nhà sàn, ao cá và ăn những món ăn đạm bạc. Một công dân toàn cầu chính là như vậy. Từ đó, ta có thể thấy việc kết hợp hài hòa giữa tiếp thu tinh hoa nhân loại với phát huy truyền thống dân tộc không phải điều xa lạ, khó thực hiện.
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Chỉ khi chúng ta cùng nhau thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thế giới, và với chính dân tộc mình, chúng ta mới có thể xây dựng được một thế giới bền vững, hòa bình và phát triển.
Nghị luận về công dân toàn cầu
Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ đặt chân tới một vùng đất xa xôi nào đó? Có bao giờ bạn ước mơ được trở thành bạn bè của khắp năm châu bốn bể? Có bao giờ bạn muốn đi và đi thật nhiều? Chắc mọi người đang nghĩ chuyện đó là hảo huyền hoặc nó chỉ dành cho các cậu ấm cô chiêu nào đó. Với xã hội ngày nay, việc hội nhập trở thành công dân toàn cầu là điều vô cùng cần thiết. Đó không còn là viển vông hay ước mơ trong giả tưởng như phần đa mọi người vẫn nghĩ.
Vậy công dân toàn cầu là gì? Và giới trẻ của chúng ta cần làm gì để hiện thực hóa ước mơ đó? Công dân toàn cầu (Global Citizen) là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Họ có thể có một hoặc nhiều quốc tịch. Dựa vào khái niệm trên ta có thể vạch ra bước đi đầu tiên trên hành trình trở thành công dân toàn cầu đó là xóa bỏ mọi rào cản về ranh giới, địa lí cũng như văn hóa của các quốc gia trong nhận thức của mình. Điều này nói thì có vẻ dễ dàng như không phải ai cũng làm được. Và nó sẽ càng khó khăn hơn với những người hướng nội, chỉ muốn bên cạnh những thứ thân quen với mình. Có nhiều người sinh sống ở nước ngoài lâu năm cũng không thể hòa nhập được với con người và nền văn hóa của nước họ. Âu một phần cũng là do bản thân quá cứng nhắc, thụ động trong việc hòa nhập với quốc tế của người Đông Á chúng ta.
Trong cuộc phỏng vấn tại một trường Đại học Úc, mọi sinh viên tại đó đều cho rằng sinh viên Việt Nam có phần rụt rè, ngại tiếp xúc với bạn bè ngoại quốc, họ chỉ hoạt động xung quanh thế giới của riêng họ cùng những người bạn cùng quốc tịch. Vì thế mới hiểu rõ, không phải chỉ cần du học, ra nước ngoài sinh sống là có thể trở thành công dân toàn cầu. Điều đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chúng ta về khái niệm đó. Đương nhiên điều thứ hai phải kể đến cũng vô cùng quan trọng đó chính là khả năng ngoại ngữ. Khi đọc cuốn Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới của ba tấm gương tiêu biểu cho hình ảnh công dân toàn cầu Thu Hương, Phan Linh, Anh Đức. Tôi không khỏi ngưỡng mộ họ không những về niềm say mê, nỗ lực và khả năng hòa nhập cực xuất sắc mà ở họ còn có một nền móng ngoại ngữ khiến ta phải choáng ngợp.
Mỗi cá nhân đều sở hữu trên dưới bốn ngôn ngữ ngoại. Tôi nghĩ họ chắc chắn đã và đang là nguồn cảm hứng và động lực mạnh mẽ với hàng ngàn bạn trẻ khắp đất nước trên con đường vạch lối đi để trở thành công dân toàn cầu của mình. Ngoài hai vấn đề cốt lõi như đã nêu trên, bản thân mỗi bạn trẻ cùng cần phải có niềm đam mê khám phá, trau dồi kĩ năng mềm và đặc biệt là nền tảng kiến thức cơ bản. Tôi xin nhắc lại, vấn đề nhận thức là vô cùng quan trọng. Với những bạn trẻ ngày nay, có thể do quá vội vàng trên hành trình hòa nhập với thế giới mà có cái nhìn sai lệch về công dân toàn cầu. Câu khẩu hiệu rất quen thuộc của chính phủ ta đó là “ hòa nhập nhưng không hòa tan”. Quá sính ngoại mà quên đi cái đẹp cái hay của dân tộc là một hành vi cần phải lên án mạnh mẽ. Học hỏi, hòa nhập một cách có chọn lọc là việc làm khôn ngoan của các công dân toàn cầu tương lai. Bởi lẽ ở mỗi quốc gia đều có cái đẹp và cái chưa được đẹp, có cái phù hợp và cái chưa phù hợp với dân tộc ta.
Nếu các bạn là những người đang còn trẻ, nếu các bạn thật sự nghĩ mình cần phá vỡ ranh giới của riêng bạn. Thì câu nói này của Tony Robbin sẽ là dành cho bạn: “Nếu bạn nói về một điều gì đó thì đó là ước mơ, nếu bạn hình dung ra nó thì nó là có thể, nhưng nếu bạn lên kế hoạch thì đó sẽ là hiện thực.”