Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ (2 Dàn ý + 2 mẫu) Những bài văn hay lớp 12

Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo 2 gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay sát với chương trình học.

Hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn các em xem thêm: phân tích nhân vật A Phủ, phân tích bà cụ Tứ, phân tích cảnh vượt thác sông Đà, phân tích hình tượng người lái đò.

Dàn ý cảm nhận giọt nước mắt của Chí Phèo

1. Mở bài:

– Về Nam Cao

– Giới thiệu về Chí Phèo và hình ảnh giọt nước mắt của hắn

2. Thân bài:

– Nước mắt trong tác phẩm văn học:

  • Nước mắt: Sản phẩm cụ thể của tình cảm, thể hiện tình cảm của con người.
  • Tâm trạng con người khi rơi vào đỉnh điểm của cảm xúc (buồn, vui): bật khóc, òa lên.
  • Gặp nhiều nhân vật với những tính cách khác nhau đã rơi nước mắt như thế (Lão Hạc, vợ nhặt,…)

=> Nước mắt của Chí Phèo thì khác (không biết là nước mắt buồn hay vui)

– Nước mắt Chí Phèo – giọt nước mắt hạnh phúc:

  • Chí Phèo là kẻ cô độc, bị cả làng xa lánh
  • Thị Nở đến với chàng một cách bất ngờ, quan tâm chăm sóc, sưởi ấm trái tim chàng, khiến Chí cảm động.
  • Một người tưởng mình cứng cỏi trong tình yêu (con quỷ), vẫn có thể thấy “mắt ướt” vì cảm xúc => Tình yêu vô bờ bến.

=> Đây là giọt nước mắt hạnh phúc khi được quan tâm, cũng là giọt nước mắt khi lương tâm thức tỉnh.

– Giọt lệ buồn của Chí Phèo:

  • Chí Phèo bị Thị Nở từ chối tình yêu vì định kiến xã hội (dì): “Thị hai tay xoa bẹn, hếch mặt lên,… đổ hết lời dì lên người”.
  • So sánh: “Ướt” giọt lệ vui và “ướt” giọt lệ buồn.
  • Giọt nước mắt ấy là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

Trước khi gặp Thị Nở: Chàng là một yêu tinh, say khướt suốt đời – Thị Nở đến: Đã cứu rỗi linh hồn chàng, chàng lại mở lòng với xã hội.

  • Giờ đây, Thị Nở lại đẩy anh xuống vực thẳm bởi những chuẩn mực xã hội
  • Chí Phèo tìm đến rượu để quên, để lấy lại sức => Càng uống càng tỉnh, thấy “hơi mùi cháo hành” => Con người trong hắn bừng tỉnh.
  • Sự thật đau xót: Muốn làm người nhưng bị cự tuyệt quyền làm người: “Tôi khóc cho cạn nước mắt” => Tiếng khóc của một con người đau đớn tột cùng.

3. Kết bài:

Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.

Dàn ý phân tích chi tiết giọt nước mắt của A Phủ

a. Mở bài:

- Khái quát về Tô Hoài và tóm tắt sơ lược về nội dung chính của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

- Giới thiệu về chi tiết giọt nước mắt.

b. Thân bài:

- Định nghĩa chi tiết văn học: Chi tiết văn học hiểu một cách đơn giản nhất đó chính là những biểu hiện, những tình tiết góp phần xây dựng lên cốt truyện, đồng thời thể hiện được tư tưởng chủ đề của truyện.

- Giọt nước mắt A Phủ là một trong những chi tiết đặc sắc nhất trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:

  • Giọt nước mắt của a Phủ không chỉ thể hiện cảm xúc của nhân vật khi cái chết đang cận kề.
  • Mang sức mạnh của sự thức tỉnh bởi chính giọt nước mắt ấy đã đánh thức sức sống bên trong con người của Mị.
  • Do sơ ý để hổ bắt mất một con bò của thống lí mà A Phủ bị trói đứng ở giữa sân, bỏ mặc đói rét suốt mấy ngày liền.
  • Cũng giống như A Phủ, Mị là cô gái xinh đẹp nhưng gia cảnh nghèo hèn nên đã phải trở thành con dâu trừ nợ cho gia đình thống lí.
  • Sống lâu trong sự đày đọa đã khiến Mị mất đi khả năng phản kháng, sống cam chịu như con rùa nuôi trong xó cửa.
  • Trong những ngày A Phủ bị trói đứng ngoài sân, đêm nào Mị cũng thức dậy thổi lửa hơ tay.
  • Sau mọi nỗ lực tự giải cứu mình nhưng không thành, trong nỗi bất lực, tuyệt vọng đến cùng A Phủ đã khóc.
  • Giọt nước mắt ấy có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Mị, mang đến những thay đổi lớn bên trong người đàn bà bất hạnh ấy.

- Giọt nước mắt của A Phủ đã mang đến sự thay đổi lớn lao trong tâm lí của Mị:

  • Mị nhớ lại mình cũng từng bị trói đứng.
  • Nhớ đến tình cảnh của bản thân, Mị đã đồng cảm sâu sắc với nỗi cô đơn và tuyệt vọng của A Phủ.
  • Hiểu sâu sắc hơn cuộc sống đọa đầy của hiện tại cũng như cảm nhận đến tận cùng sự độc ác của cha con thống lí.
  • Tấm lòng trắc ẩn bên trong Mị đã thức dậy, Mị đã có hành động vô cùng liều lĩnh, cắt dây cởi trói cho A Phủ.

c. Kết bài:

- Giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức sức sống tiềm tàng bên trong con người Mị, Mị đã giải cứu cho A Phủ đồng thời giải cứu cho chính mình khỏi cuộc sống đọa đầy.

Hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ - Mẫu 1

Đề tài về người nông dân từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn. Ngô Tất Tố khắc họa tình cảnh của người nông dân trong nạn sưu cao thuế nặng qua nhân vật Chị Dậu trong “Tắt đèn”. Kim Lân lại viết về cuộc sống nghèo đói của người nông dân trong nạn đói qua “Vợ nhặt”. Cùng chung cảm hứng sáng tác ấy, Nam Cao và Tô Hoài đã tìm đến người nông dân để bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc trước số phận đáng thương của họ mà tiêu biểu là qua hai tác phẩm “Chí Phèo” và “Vợ chồng A Phủ”. Qua truyện mỗi nhà văn không chỉ cho ta thấy được số phận khổ cực của người nông dân mà cao hơn cả là cho ta thấy phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của họ. Điều đó được thể hiện rất rõ khi Nam Cao và Tô Hoài dụng công miêu tả những giọt nước mắt trong hai tác phẩm. Đó là giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ.

Nam Cao và Tô Hoài đều là hai nhà văn tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam. Sáng tác của Nam Cao tập trung ở giai đoạn trước cách mạng với hai đề tài chính là về người nông dân và người trí thức nghèo. Còn Tô Hoài có nhiều sáng tác nổi bật sau cách mạng tháng Tám. Ông có một lượng tác phẩm đồ sộ đạt kỉ lục trong kho tàng văn học Việt Nam. Truyện “Chí Phèo” và “Vợ nhặt” đều viết về cuộc sống khổ cực của người nông dân bị đè nén áp bức. Tuy nhiên ở họ luôn có những phẩm chất cao đẹp. Tiêu biểu cho những con người ấy là nhân vật Chí Phèo và A Phủ. Trong số rất nhiều chi tiết, hình ảnh quan trọng thì hình ảnh giọt nước mắt của hai nhân vật ấy mang lại nhiều sức gợi và gợi nhiều suy nghĩ trong người đọc.

Ta cần hiểu “chi tiết nghệ thuật” là những biểu hiện cụ thể lắm khi nhỏ nhặt nhưng lại mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, tạo ra sức hấp dẫn cho người đọc. Thường có những chi tiết miêu tả thiên nhiên, chi tiết miêu tả không gian, chi tiết miêu tả về hành động, nội tâm của nhân vật…Chi tiết đóng vai trò quan trọng trong một tác phẩm văn học. Nó tạo ra tính hình tượng, thẩm mĩ cho tác phẩm. Chi tiết còn mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ thể hiện quan niệm về con người và cuộc sống của nhà văn góp phần làm nổi bật chủ đề tưởng của tác phẩm. Chi tiết cũng là tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện, là bước ngoặt trong hành động của nhân vật. Như vậy, tất cả các chi tiết ấy đều là kỳ công, tìm tòi, sáng tạo của mỗi nhà văn. Với vai trò quan trọng như vậy, chi tiết nghệ thuật giọt nước mắt trong “Chí Phèo” và “Vợ chồng A Phủ” đã góp phần làm rõ chủ đề tư tưởng, những thông điệp mà mỗi nhà văn muốn gửi tới bạn đọc.

Trước hết đến với hình ảnh trong tác phẩm “Chí Phèo”. Tác phẩm viết về nhân vật Chí Phèo, một người nông dân bị đày đọa đến mức bị tha hóa. Dưới sự tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến, Chí Phèo từ một anh canh điền hiền lành lương thiện bị tha hóa đến cùng đường. Nhưng rồi chính con người ấy lại được thức tình nhờ sự chăm sóc ân cần của Thị Nở. Khi Chí Phèo say, Thị Nở đã mang cho hắn một bát cháo hành làm hắn rất ngạc nhiên “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”.Chí Phèo đã khóc bởi đây là lần đầu hắn được người ta cho. Xưa nay hắn phải đi cướp bóc, dọa nạt người khác chứ đã bao giờ có ai cho không hắn cái gì. Hơn nữa đây lại là của một người đàn bà cho hắn, hắn cầm bát cháo hành khói bốc lên nghi ngút mà lòng bâng khuâng. Lần đầu tiên hắn được ăn cháo hành và cũng là lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Giọt nước mắt ấy thể hiện một niềm vui, xúc động bởi hắn còn được người ta quan tâm. Trong các xã hội làng Vũ Đại hắt hủi, xa lánh, coi Chí như một con quỷ dữ thì vẫn còn có một người như thị quan tâm đến hắn. Hắn xúc động bởi xã hội loài người vẫn đón nhận hắn. Đó còn là giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc bởi hắn thấy mình còn có ý nghĩa trong cuộc đời, cuộc sống vẫn còn có ý nghĩa. Chí vui sướng hạnh phúc khi nghĩ rằng Thị Nở chấp nhận được hắn thì mọi người cũng sẽ yêu quý hắn. Và giọt nước mắt ấy còn khơi nguồn cho sự thức tỉnh bởi chính từ ấy mà Chí đã biết hối hận về tội ác trước đây và có khao khát làm người lương thiện, làm người có ý nghĩa trong cuộc sống. Giọt nước mắt hạnh phúc của Chí Phèo tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Chí. với giọt nước mắt ấy, có lẽ cuộc sống của Chí sẽ đổi khác. Chí sẽ thành người lương thiện được mọi người chấp nhận. Chí muốn làm người lương thiện “Trời ơi hắn thèm lương thiện”, “hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao” và mong muốn Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Con quỷ dữ của làng Vũ Đại ấy đã được thức tỉnh và khát khao được hoàn lương.

Thế nhưng hạnh phúc đến với Chí Phèo chưa được bao lâu thì hắn đã bị hắt hủi, bị Thị Nở cự tuyệt. Chỉ với mấy lời nói tưởng chừng như gián tiếp của bà cô thị đã đẩy Chí một lần nữa vào hố sâu của sự xa lánh, bị tước đoạt quyền làm người. Sau khi bị Thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo đã “ngồi ngẩn mặt ra không nói gì”. Chí Phèo muốn níu kéo Thị Nở nhưng bị thị gạt tay ra, hắn đau đớn “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí Phèo khóc là bởi hắn đã bị Thị Nở cự tuyệt, và cũng đồng nghĩa với việc Chí bị cả xã hội loài người cự tuyệt. Bởi một người xấu ma chê, quỷ hờn như thị mà cũng không chấp nhận Chí thì trong cái xã hội ấy có ai sẽ có thể chấp nhận được y. Chí đã từng mơ ước chính Thị sẽ cái cầu nối đưa hắn trở về với thế giới loài người nhưng bây giờ chính thị lại cắt đứt cái cầu nối kì diệu ấy. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức” bởi cứ thoảng thấy hương vị của cháo hành, hương vị của tình yêu thương, chăm sóc. Càng nghĩ, Chí càng cảm thấy đau đớn, xót xa. Hắn khóc bởi đau khổ, tuyệt vọng. Ý định làm người lương thiện của y vừa mới chớm nở thì nay đã vụt tắt. Giọt nước mắt của Chí còn thể hiện cho sự căm phẫn đối với xã hội bất lương lúc bấy giờ mà tiêu biểu là qua Bá Kiến và bà cô Thị Nở. Đó còn là sự thức tỉnh của Chí Phèo khi nhận ra bi kịch của mình. Hắn nhận ra mình không thể trở thành người lương thiện được nữa. Chí nhận ra kẻ thù của mình chính là Bá Kiến. Đây là những giọt nước mắt đau đớn, giọt nước mắt ấy đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức và hành động của Chí Phèo, từ đó dẫn đến việc Chí tự kết liễu được mình sau khi đâm chết Bá Kiến. Viết về sự thức tỉnh ấy của chí Phèo, Nam Cao thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, nhà văn đã nhận ra bên trong mỗi con người tưởng như đã bị tha hóa, tưởng như đã mất đi phần lương tiện thì ở họ vẫn nhen nhóm lên ánh sáng của lương tri. Nhà văn cũng dụng công khi nói về giọt nước mắt của sự hoàn lương mà ông thường ca ngợi đó là “giọt châu của loài người”. Giọt nước mắt của sự thức tỉnh ấy cũng được Nam Cao nói đến trong tác phẩm “Đời thừa” qua nhà văn Hộ. Nam Cao đã miêu tả giọt nước mắt của nhân vật Hộ “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh người ta bóp mạnh”. “Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”. Hộ khóc vì ân hận khi nhận ra hành động thô bạo của mình với vợ con. Như vậy sáng tác của Nam Cao đều rất dụng công miêu tả sự thức tỉnh nhân phẩm trong mỗi con người.

Đến với nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm viết về cuộc sống đau khổ của người dân miền núi trong đó có A Phủ, họ phải chịu thống trị của bọn phong kiến miền núi. A Phủ vì đánh con quan nên bị bắt và bị nộp phạt và trở thành người ở trong nhà quan thống lí. Một lần chăn bò, A Phủ sơ ý đã hổ bắt mất một con bò, quan thống lý đã trói A Phủ vào cột nhà gần với nơi Mị (người con dâu gạt nợ cho nhà thống lý) thường trở dậy ngồi thổi lửa hơ tay vào mỗi đêm. Giọt nước mắt của A Phủ được cảm nhận bởi Mị khi cô ngồi sưởi lửa. Một lần ngồi sưởi lửa, Mị lé mắt trông sang thấy “Hai mắt A Phủ vừa mở. Một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi của một người đàn ông mà lại là một người gan bướng như A Phủ, Giọt nước mắt ấy thể hiện cho nỗi đau đớn đến tận cùng. Đau đớn vì những sợi dây mây thít chặt vào người nhưng có lẽ đau đớn hơn cả là trong lúc này A Phủ nghĩ đến tình cảnh đáng thương của mình. A Phủ khóc nhưng không hề cam chịu. Đó là giọt nước mắt của con người giàu nghĩa khí. Giọt nước mắt của A Phủ lại “lấp lánh” thể hiện cho khát vọng được sống, được tự do. A Phủ là một chàng trai mạnh mẽ, đã dám đánh lại con quan thống lí Pá Tra mà trong hoàn cảnh này lại khóc. Khát khao được sống, được tự do trong con người của một chàng trai miền núi như đang trào dâng mãnh liệt để rồi nó bật thành những giọt nước mắt. Giọt nước mắt của A Phủ cũng phần nào giống với Chí Phèo bởi nó thể hiện sự căm phẫn tận cùng tội ác của bọn địa chủ phong kiến. Chính bọn địa chủ phong kiến đã tước đi quyền sống của Chí Phèo, của A Phủ và của bao người nông dân khác.

Nhưng nếu như giọt nước mắt của Chí Phèo làm hắn rơi vào bế tắc thì giọt nước mắt của A Phủ đã tìm được sự đồng điệu cảm thông. Nhà văn không để cho nhân vật của mình rơi vào “bước đường cùng” mà giúp cho họ một hướng đi khi đã giúp họ có những thay đổi trong tình cảm và nhận thức. Giọt nước mắt của A Phủ đã tác động đến nhận thức và tình cảm của Mị. Nhìn A Phủ khóc, Mị đã nhớ lại “đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không biết lau đi được”. Cô đồng cảm sâu sắc với A Phủ, đó là niềm đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ. Từ người khác, nghĩ đến hoàn cảnh của mình rồi từ lòng thương mình dẫn đến thương người. Từ đó Mị có sự thay đổi nhận thức rất quan trọng. Mị nhận thấy sự bất công vô lý của xã hội, thấy sự oan ức trong tình cảnh của A Phủ “người kia việc gì mà phải chết”. Mị cũng nhận ra sự tàn bạo của bọn của bọn địa chủ phong kiến “chúng nó thật độc ác”. Như vậy chính từ giọt nước mắt của A Phủ đã làm lay động, thức tỉnh tâm hồn Mị. Đó chính là tiền đề quan trọng để tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Mị và A Phủ. Từ những nhận thức đáng quý ấy, Mị đã có hành động quyết liệt là cứu thoát A Phủ và tự giải thoát cho chính mình. Nếu không có sự thức tỉnh từ giọt nước mắt của A Phủ thì cô Mị không thể có hành động táo bạo và quyết liệt như vậy và cuộc sống của người nông dân miền núi vẫn là sự bế tắc cùng đường. Chi tiết “giọt nước mắt của A Phủ’ là một chi tiết nhỏ nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa, nó góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Hình ảnh đó cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc khi nhà văn đã đồng cảm sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đồng thời Tô Hoài cũng trân trọng khát vọng tự do ở người nông dân. Và chỉ bằng chi tiết nhỏ đó thôi nhà văn cũng đã hé mở về cuộc sống tốt đẹp cho họ.

Như vậy, chi tiết về giọt nước mắt của Chí Phèo và giọt nước mắt của A Phủ đều thể hiện được những nỗi đau và sự bế tắc của những người nông dân trong tình cảnh bị đè nén. Đằng sau đó là một niềm khát khao về sự sống, khát khao tự do. Tuy nhiên hai tác phẩm được viết trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau với dụng ý nghệ thuật khác nhau nên mỗi chi tiết có sức biểu đạt và ý nghĩa riêng. Giọt nước mắt của Chí Phèo thể hiện sự thức tỉnh của người nông dân nhưng cuối cùng lại rơi vào bế tắc. Điều đó thể hiện rõ nét đặc trưng của văn học phê phán thời kì trước cách mạng Tháng Tám. Giọt nước mắt của A Phủ làm lay động thức tỉnh con người và hướng họ đến cuộc đời tươi sáng. Đó chính là dấu ấn của văn học sau 1945, khi các nhà văn đã được cách mạng soi sáng nên nhìn cuộc đời bằng cái nhìn lạc quan để mở ra cuộc sống tốt đẹp cho người nông dân. Qua điều đó Tô Hoài muốn khẳng định chỉ cách mạng mới đem lại cho người nông dân một cuộc đời mới.

Qua việc khắc họa những chi tiết tiêu biểu như trên, nhà văn Nam Cao và Tô Hoài đã khẳng định tài năng của mình trong việc xây dựng các chi tiết điển hình để xây dựng thành công tâm lí nhân vật từ đó mà góp phần quan trọng vào việc khắc họa chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Với ý nghĩa đó, tác phẩm “Chí Phèo”- Nam Cao, “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài trở thành những tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học Việt Nam.

Hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo và A Phủ - Mẫu 2

Có phải đó chăng: "Giọt nước mắt đàn ông không rơi từng giọt." Ở một người đàn ông, nội tâm của họ sẽ khác rất nhiều so với người phụ nữ. Hằng ngày họ vẫn mạnh mẽ lắm, trái tim họ cũng sắt đá, cứng cỏi chẳng khác gì núi sông hùng vĩ. Nhưng đá có thể bị nước mài mòn, tâm hồn của họ dù có bản lĩnh hơn người phụ nữ đến đâu cũng có lúc phải rơi nước mắt, đó là giây phút họ vô tình bị đau thương kéo lọt vào cái hố sâu không đáy của đời sống chật chội không chốn dung thân, vào bi kịch tinh thần và nỗi đau thân xác, nỗi đau về thời thế và thân phận. Nhà văn Nam Cao cũng là một nhà văn nam, ông đã dựng nên rất nhiều nhân vật nông dân trí thức, đặc biệt trong đó là nhân vật Chí Phèo với cái rất cay của đời qua tiếng khóc đầy tội ác của xã hội. Cùng viết về tiếng khóc ấy còn có cả Tô Hoài, ông già văn chương am hiểu văn hóa vùng núi nên đã dựng nên A - Phủ một nhân vật oai dũng, nhưng rồi cũng căm hận đến phát khóc trước sự đời oan trái. Mặc dù cùng viết về tiếng khóc, nhưng chắc chắn rằng, ở mỗi tiếng khóc sẽ là một hoàn cảnh khác nhau, những số phận con người, những người đàn ông đau khổ và bế tắc được thể hiện qua hai phong cách nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

Có ở Nam Cao một cái rất nam nhi và lạnh lùng, khi viết văn, ông luôn cố đẩy nhân vật của mình ra xã thật xa rồi lại kéo họ về bằng một trái tim ấm áp. Nhân vật Chí Phèo cũng được ra đời từ tâm niệm ấm áp và rất đáng mến ấy. Ra đời năm 1936, trước Cách mạng tháng Tám, là cái gì đó cùng quẫn bế tắc của những người nông dân trong xã hội. Tiêu biểu là cái Làng Vũ Đại ngày ấy và anh Chí Phèo và rồi là giai cấp thống trị: Bá Kiến. Nhưng chí Phèo là trung tâm, là cái mà châm ngòi cho phát ngôn của Nam Cao: "Một tác phẩm thật sự giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, nó phải là một tác phẩm viết chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao mạnh mẽ vừa đau đớn lại vừa phấn khởi..." Đấy chính là cái đau đớn ấy mà nhân vật Chí Phèo lại hiện lên một cách bi thảm và khốn cùng. Còn ở A Phủ là bi kịch của người con trai bị thế lực phong kiến miền núi đài đọa. Bài thơ ra đời năm 1953, do vốn hiểu biết và gắn bó với người dân tộc, mà ở tác phẩm là cộng đồng dân tộc H-Mông, với những tục lệ bắt vợ, nhưng ở giai đoạn đó thế lực phong kiến miền núi là thực trạng xót xa nhất. Nên nhà văn Tô Hoài mới rung lên tiếng nói. Dùng giọt nước mắt là chi tiết tiêu biểu cho thân phận người nông dân. Khóc là khi người ta vui đến vỡ òa, đến nổi không thể nói thành lời, hay do quá trái ngang và khốn khổ. Cả hai nhân vật đều thuộc cảm xúc thứ hai. Nên nó mới đau đớn, xé lòng và có giá trị nghệ thuật cao.

Các tác phẩm văn học có hơn nhau hay không là do chi tiết nghệ thuật mà nhà văn sử dụng để lột tả thực trạng mà mình muốn gửi gắm. Ta từng bắt gặp ở "Hai đứa trẻ" chi tiết đoàn tàu đêm khuya thoáng vụt qua phố huyện với đủ thứ âm thanh ánh sáng, từng thấy ở "Vợ nhặt" một bát cháo hành ấm nồng cả con tim. Và giờ đây là chi tiết giọt nước mắt, một chi tiết nghệ thuật sâu sắc ở bề diễn tả và hình thức thể hiện được hai nhà văn vận dụng vắt hết văn từ của mình để nói cho được cái gì đặc sắc ẩn sau những giọt nước mắt tưởng chừng vô giá trị ấy.

Với Chí Phèo, cuộc đời là cả trái đắng xót xa, căm phẫn, đáng lẽ ra một đứa bé chào đón cuộc đời trong hơi ấm của người mẹ, nâng niu trên vòng tay của bố, thay vào đó, Chí Phèo là một đứa trẻ cơ nhỡ, bị vứt bỏ trong tư thế đáng thương "trần truồng, xám ngắt" nơi lò gạch cũ bỏ hoang. Rồi lớn lên trong sự nuôi nấng của dân làng. Tuy mồ côi mẹ, nhưng Chí Phèo không phải là một đứa ăn chơi quậy phá mà là anh canh điền hiền lành, cũng có ước mơ nhỏ nhoi là có một gia đình, "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải", "dư giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Nhưng rồi tất cả đã hóa tan thành bọt nước, từ khi Chí làm canh Điền cho bà ba. Bị lọt vào đôi mắt đen tối của bà ba, anh bị đổ oan và vào tù, đến khi ra tù thì bộ dạng và tính tình cũng thay đổi. Dường như đã bị cướp đoạt cả nhân hình lẫn nhân tính. Lưu lạc giữa cuộc đời mà ai cũng sợ anh như sợ cọp, niềm đau đó chỉ có rượu mới chôn vùi được từ ngày này qua tháng khác. Cho đến một ngày, một ngày mà thị Nở đến bên đời anh như một điều kì lạ. Kì lạ ở chỗ, hai con người xa lạ bỗng nhiên gặp nhau, thay đổi cuộc đời của nhau, Thị Nở đã làm cho Chí nhận ra âm thanh của cuộc sống vẫn luôn vẫy gọi mình "tiếng người đi chợ", "anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá", làm cho Chí ngạc nhiên, các ngạc nhiên vừa dễ thương lại vừa rất người. "Hết ngạc nhiên hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt", đó phải chăng chính là giọt nước mắt thức tĩnh, ý thức được số phận của bản thân "hắn đã đến cái dốc bên kia của cuộc đời" rồi hắn sẽ đơn độc và bọ ghẻ lạnh. Nhưng hôm nay lại khác, hôm nay Chí có thị Nở là người đàn bà đầu tiên đến bên đời Chí với một sự săn sóc hơn cả những gì mà Chí đáng được nhận. Chỉ "ươn ướt" thôi khi ngồi trước mặt thị Nở, vẫn có cái gì yếu lòng mà đầy nam tính. Chí Phèo đã tĩnh với cái bụng dạ trong như suối nguồn. Những ngày tháng cùng khổ kia Chí đã dồn nén để hôm nay được khóc cho thỏa sức, cho quên đi hôm qua và hôm nay phải sống đúng với ước mơ và món quà mà cuộc sống đã ban cho anh lúc bế tắc nhất, đó là: Thị Nở.

Nhưng ai nào ngờ, như một cú trời ván, thị Nở rời xa Chí như chưa bao giờ anh biết trước. Dưới lời dèm pha chỉ trích của bà cô thị, khiến chiếc cầu nối cuối cùng giữa Chí và mọi người ngã ập xuống dòng nước, cuốn trôi và xoáy tít, kêu gào và la hét như tiếng kêu bi phẫn của số kiếp con người. Vì đâu Chí phải gánh chịu điều đó? Nỗi đau quá lớn khiến Chí rơi vào tột cùng "ôm mặt khóc rưng rức" tiếng khóc như oán chỉ những định kiến xã hội xấu xa, mà những lời nói gây gắt của bà cô chính là đại diện: "ai đời lại đi lấy cái thằng không cha, cái thằng chỉ có cái nghề là rạch mặt ăn vạ". Cả một người xấu "ma chê quỷ hờn" như Thị Nở còn bỏ rơi Chí thì ai còn có thể vớt vát mà kéo anh về lại cuộc sống bình thường. Cuối cùng nghiệm ra tất cả đều là một kiếp đời hoang phí, với những tên địa chủ phong kiến rỉa rớm như Bá Kiến, cái chế độ hiểm ác như nhà tù thực dân và những đòn tâm lí của người dân làng Vũ Đại. Không có ánh sáng nào mở ra cả. Chỉ có âm thanh của tiếng khóc cứ vang bên tay, day dứt và ám ảnh. Đấy không phải chỉ là tiếng khóc của riêng Chí Phèo, mà trong muôn vàng nỗi oan ức ức của những người dân "thấp cổ bé họng" ấy, Chí Phèo là đại diện. Mặc dù khóc trong đau thương, khốn cùng, nhưng ta lại thấy những lúc ấy là lúc Chí Phèo càng tỉnh ra, tỉnh ra mới nhận ra được cái bẽ bàng và ngang trái. Cũng cùng ở chi tiết mang yếu tố thức tĩnh, Nam Cao đã để cho nhân vật trí thức Hộ khóc như "nước một quả chanh người ta bóp mạnh". "Hắn khóc. Hắn khóc như thể không ra tiếng khóc". Nam Cao đã dành rất nhiều tình cảm cho nhân vật của mình. Chi tiết ấy làm cho một anh chí Phèo chẳng khác nào một con người ngoài lề xã hội, nhưng ngầm chứa bên trong là cái cảm xúc sâu, rất sâu. Có như thế thì mới không là "người thợ khéo tay làm theo vài kiểu mẫu đưa cho" mà là sáng tạo và tìm tòi.

Còn với A Phủ, một chàng trai miền núi đồi, mạnh mẽ, hào hiệp chẳng khác nào Đăm Săn trong sử thi "A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa, con gái trong làng nhiều người mê, nhiều người nói: "Đứa nào được A Phủ, cũng bằng được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu." Nhưng A Phủ cũng thuộc lớp dân nghèo, không đủ tiền cưới vợ. Nhưng cuộc đời đen đuổi A Phủ đụng phải con của bọn địa chủ, bị bắt về làm trâu ngựa nhà nó. Một lần đi chăn bò A Phủ làm mất một con bò, rồi bị quan thống lí trói lại. Cũng lúc ấy, mỗi đêm Mị đều ra ngồi sưởi cho ấm, mà bắt gặp "Hai mắt A Phủ vừa mở. Một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má xám đen lại". Ai nào ngờ một người đàn ông gan bướng như Chí Phèo lại có thể khóc trong tư thế bị trói như thế. Nhưng đó cũng chính lí do, bởi nỗi đau quá lớn, thắt chặt lại. Vì A Phủ còn một tương lai rất dài, tuổi trẻ và những điều thú vị đang chờ đón, nhưng hiện tại A Phủ bị trói buộc bị bóc lột và không có sự tự do nào chừa lại. Anh là đại diện cho tinh thần của thanh niên miền núi, căm phẫn với cái tàn ác, gan dạ và luôn khát khao tự do.

Nhưng khác với giọt nước mắt bế tắc của Chí Phèo, giọt nước mắt lăn tròn trên hõm má của A Phủ lại nhận được sự đồng cảm thông từ Mị. Nhìn A Phủ khóc Mị lại nhớ về "đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng như thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ mà không biết lau đi được" Từ cái lạnh lùng băng giá, giọt nước mắt của A Phủ dường như rất ấm, ấm đến mức làm tan chảy đấm băng vô hồn kia trong lòng Mị. Từ nỗi thương mình, Mị chuyển sang thương người với một sự cảm thông rất chân thành đối với người cùng khổ. Mị có chết ở đây cũng là điều hiển nhiên, nhưng "người kia việc gì phải chết", câu nói ấy đã đưa đến hành động quả quyết, tháo dây trói cho A Phủ giải thoát cuộc đời nô lệ của cả hai con người. Với một tinh thần yêu cuộc sống rất mãnh liệt. Giọt nước mắt nằm trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" chỉ là một chi tiết nhỏ thôi, nhưng lại góp phần sáng bật tư tưởng cũng không ít. Chính vì thế Tô Hoài là nhà thơ giàu kinh nghiệm, một lối viết rất chuyên nghiệp và tư duy.

Nếu so sánh giọt nước mắt của hai nhân vật, thật ra nó càng tôn vinh lên nét hay và khám mới cho mỗi hàm ý chứ chẳng khập khiễng tí nào. Đầu tiên, ở mặt tích cực, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" có phần nhỉnh hơn, bởi do thời điểm sáng tác là yếu tố tác động, Tô Hoài sáng tác ra tác phẩm này năm 1953, ở thời điểm đó nhà văn đã được giác ngộ lí tưởng cách mạng, đã tin vào một điểm sáng cuối cùng cho hai nhân vật kết lại, nên giọt nước mắt ấy, góp phần mở ra một tương lai rất sáng. Còn nhà văn Nam Cao viết truyện ngắn "Chí Phèo" trước Cách mạng tháng Tám, nên có phần khép và bế tắc hơn. Chí Phèo khóc và rồi kết liễu cuộc đời mình, tức là ôm đau thương chứ không đủ sức bước tiếp. Mặt khác hai giọt nước mắt này lại có giá trị thức tính, phản ánh thực trạng xã hội. Và qua cách thể hiện ta lại thấy được hai phong cách sáng tác hoàn nổi bật và mang những nét riêng. Nam Cao thì sử dụng ngôn từ dân giã miền Bắc, có phần đả kích, xây dựng nhân vật rất điển hình, ngòi bút lạnh lùng, đanh chua mà cũng đầy nhân hậu. Còn Tô Hoài dường như có phần nhẹ nhàng hơn, nhưng của rất trữ tình ngòi bút ấy giàu tình cảm và lạc quan, như những điều mà ta từng thấy trước đó ở "Dế mèn phiêu lưu kí", một tâm hồn trẻ thơ và trong sáng.

M. Gorki từng nói: "Văn học là nhân học", quả thật chẳng bao giờ sai. Qua tiếng khóc ta thấy được rằng, văn học rất nhân văn và rất hiện thực đời sống. Trong cuộc đời, khi đau buồn chúng ta sẽ khóc, nhân vật trong văn học cũng thế thôi, họ đau đớn nên mới khóc. Nhưng cũng có khi khóc ra làm cho họ hạnh phúc và vơi đi nỗi sầu. Thế nên ta mới thấy được hai nhà văn hiện thực của văn học Việt Nam. Tô Hoài với "Vợ chồng A Phủ", Nam Cao với "Chí Phèo" họ đã khiến cho độc giả phải ám ảnh mỗi khi nhắc nhớ về hình ảnh khóc thương của Chí Phèo và A Phủ. Hai tác phẩm ấy chính là một giá trị, chi tiết giọt nước mắt cũng là một thứ đáng chân quý. Và những giá trị ấy tự biết cách khẳng định mình, không để cho quy luật sinh tồn đào thải.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm