Soạn bài Vợ nhặt Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 11 trang 12 sách Kết nối tri thức tập 1
Truyện ngắn Vợ nhặt sẽ được tìm hiểu là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân.
Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 11: Vợ nhặt với kiến thức hữu ích giúp học sinh chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
Soạn văn 11: Vợ nhặt
1. Soạn bài Vợ nhặt chi tiết
1.1 Tác giả
- Kim Lân (1920 - 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài.
- Quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
- Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có tác phẩm đăng báo trước cách mạng.
- Vốn gắn bó với nông thôn, các tác phẩm của ông chủ yếu chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.
- Ngoài sự nghiệp sáng tác, Kim Lân còn được biết đến với vai trò là một diễn viên (vai Lão Hạc trong Làng Vũ Đại ngày ấy, Lý Cựu trong Chị Dậu…)
- Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
- Một số tác phẩm tiêu biểu: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962)...
1.2 Tác phẩm
a. Xuất xứ
- “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” (1962).
- Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” - được viết ngay sau ngày Cách mạng tháng 8 thành công nhưng còn dang dở và thất lạc bản thảo.
- Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lại truyện ngắn này.
b. Bố cục
Gồm 4 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “ hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần ”: Tràng dẫn người nhợ nhặt về nhà.
- Phần 2. Tiếp theo đến “ đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về ”: Tràng nhớ lại việc mình có được vợ.
- Phần 3. Tiếp theo đến “ nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng ”: cuộc gặp gỡ của bà cụ Tứ và nàng dâu mới.
- Phần 4. Còn lại: cuộc sống của nàng dâu mới ở nhà Tràng trong buổi sáng hôm sau.
c. Tóm tắt
Tràng là một người dân nghèo khổ sống cùng với mẹ già ở xóm ngụ cư. Một ngày nọ, trên đường kéo xe bò vào dốc tỉnh, Tràng tình cờ gặp gỡ với thị. Chỉ với câu đùa và bốn bát bánh đúc, thị đã đồng ý theo làm vợ và theo Tràng về nhà. Khi về đến nhà, bà mẹ của Tràng ban đầu rất ngạc nhiên, sau đó là đón nhận với tấm lòng thương cảm sâu sắc. Sáng hôm sau, Tràng bỗng cảm nhận được bản thân có sự thay đổi. Anh cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới chỉ có vài món ăn đơn giản và một nồi cháo cám mà bà mẹ nói đùa đó là chè khoán. Miếng cám chát, nghẹn cổ nhưng Tràng vẫn cùng vợ hướng về một cuộc sống đổi khác. Cuộc trò chuyện về tiếng trống thúc thuế kết thúc và trong óc Tràng hiện ra đám người đói phá kho thóc và lá cờ đỏ bay phấp phới.
d. Ý nghĩa nhan đề
- Trước hết, từ “vợ” là một danh từ thiêng liêng, dùng để chỉ người phụ nữ trong mối quan hệ được pháp luật công nhận với “chồng”. Theo phong tục, vợ chồng chỉ được công nhận khi có sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm. Còn “nhặt” là hành động cầm vật bị đánh rơi lên.
- Kim Lân đã sáng tạo ra một nhan đề độc đáo. Vì người ta chỉ nói “nhặt” được một món đồ nào đó, chứ không ai nhặt được một con người về làm vợ bao giờ cả. Nhưng qua đây, nhà văn đã thể hiện được cảnh ngộ thê thảm của con người lúc bấy giờ.
- “Vợ nhặt” trước hết khái quát được tình huống của truyện. Đồng thời đó cũng lời kết án đanh thép của Kim Lân đối với chế độ thực dân đã đẩy người nông dân vào tình cảnh nghèo đói, người “chết như ngả rạ”.
- Nhan đề có tính khái quát cao, hoàn cảnh của Tràng chỉ là một trong số đó. Đồng thời, qua nhan đề nhà văn cũng thể hiện sự đồng cảm xót xa cho cảnh ngộ của người nông dân trong nạn đói năm 1945.
1.3 Đọc hiểu
a. Nhân vật người vợ nhặt
* Lai lịch
- Không có quê hương gia đình.
- Tên tuổi cũng không có và qua tên gọi “thị”.
=> Thị cũng chỉ là một trong vô số những người đàn bà trong cảnh đói khổ.
* Chân dung
- Quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp.
- Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt.
=> Sự nghèo khổ đeo bám lấy cuộc sống của thị.
* Hành động
- Lần thứ nhất: khi nghe câu hò vui của Tràng, thị đã vui vẻ giúp đỡ, đây chính là sự hồn nhiên vô tư của người lao động nghèo.
- Lần thứ hai:
- Thị sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ có giá trị hơn, khi được mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”.
- Khi nghe Tràng nói đùa “đằng ấy có về với tớ... cùng về”, thị không nghĩ ngợi gì mà quyết định theo chàng về nhà, mặc kệ ánh nhìn và những lời bàn tán của người dân xóm ngụ cư.
=> Cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người. Người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với thị vì đó không phải là bản chất mà do cái đói xô đẩy.
* Phẩm chất
- Có khát vọng sống mãnh liệt:
- Dù không biết gì về Tràng, cũng như không có tình yêu nhưng vẫn chấp nhận theo không về không cần sính lễ vì thị sẽ không phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ.
- Khi đến nhà thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu”, thị “nén một tiếng thở dài”, dù ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có cơ hội sống.
- Thị là người ý tứ và nết na:
- Trên đường về, thị cũng rón rén e thẹn đi sau Tràng, đầu hơi cúi xuống, thị ngại ngùng cho thân phận của mình.
- Khi vừa về đến nhà, Tràng đon đả mời ngồi, chị ta cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.
- Khi gặp mẹ chồng, ngoài câu chào thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự lúng túng ngượng nghịu.
- Sáng hôm sau, thị dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà hiền hậu, đúng mực.
- Lúc ăn cháo cám, mới nhìn “mắt thị tối lại”, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng thể hiện sự nể nang, ý tứ trước người mẹ chồng, không làm bà buồn.
=> Cái đói không thể cướp đi những phẩm chất tốt đẹp của con người.
- Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hy vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.
b. Nhân vật Tràng
* Giới thiệu đôi nét về Tràng
- Người dân xóm ngụ cư: cha mất sớm, sống cùng mẹ già trong căn nhà tồi tàn.
- Nghề nghiệp: kéo xe bò thuê
- Ngoại hình: xấu xí, thô kệch, “hai con mắt nhỏ tí”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, thân hình to lớn vập vạp, lại thô lỗ…
* Hành động và tâm trạng
- Lần gặp 1: Câu hỏi Tràng chỉ là lời hát vu vơ, không chủ tâm trêu ghẹo tình với cô gái nào.
- Lần gặp 2:
- Khi bị cô gái mắng, Tràng chỉ cười toét miệng và mời cô ta ăn một chặp bát bánh đúc dù không dư dả gì. Đó là hành động của người nông dân hiền lành tốt bụng.
- Khi người đàn bà quyết định theo mình về: Tràng trợn nghĩ về việc đèo bòng thêm miệng ăn, nhưng rồi tặc lưỡi “chậc, kệ”. Đó không phải là quyết định bồng bột mà là thái độ thản nhiên, chấp nhận hoàn cảnh cũng như sâu thẳm trong đó là khát khao hạnh phúc, thương yêu của Tràng.
- Đưa người đàn bà lên chợ tỉnh mua đồ: diễn tả sự nghiêm túc, chu đáo của Tràng trước quyết định lấy vợ.
- Trên đường về
- Vẻ mặt “có cái gì hớn hở khác thường”, “tủm tỉm cười một mình”, “cảm thấy vênh vênh tự đắc”... Tâm trạng hạnh phúc, hãnh diện.
- Mua dầu về thắp để khi thị về nhà mình căn nhà trở nên sáng sủa. Khát vọng về một tương lai tươi sáng.
- Khi về đến nhà:
- Xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà. Hành động ngượng nghịu nhưng chân thật, mộc mạc.
- Khi bà cụ Tứ chưa về, Tràng có cảm giác “sờ sợ” vì lo rằng người vợ sẽ bỏ đi vì gia cảnh quá khó khăn, sợ hạnh phúc sẽ tuột khỏi tay.
- Sốt ruột mong bà cụ Tứ về để thưa chuyện vì trong cảnh đói khổ vẫn phải nghĩ đến quyết định của mẹ. Đây là biểu hiện của đứa con biết lễ nghĩa.
- Khi mẹ về: liền thưa chuyện một cách trịnh trọng, biện minh lý do lấy vợ là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ vun đắp. Khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng Tràng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi.
- Sáng hôm sau khi tỉnh dậy:
- Tràng nhận thấy sự thay đổi kỳ lạ của ngôi nhà (sân vườn, ang nước, quần áo…).
- Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình. Cũng thấy mình trưởng thành hơn.
- Lúc ăn cơm trong suy nghĩ của Tràng là hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới. Đó là hình ảnh báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới.
=> Người vợ đã khiến Tràng thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp.
c. Nhân vật bà cụ Tứ
- Đôi nét về bà cụ Tứ: dáng đi lọm khọm, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già.
=> Một người phụ nữ tần tảo, khổ cực.
- Diễn biến tâm trạng:
- Bà ngạc nhiên trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của người đàn bà lạ.
- Bà hiểu ra “biết bao nhiêu cơ sự”, “mắt bà nhòa đi”: thương cho con trai phải lấy vợ nhặt, mà trong cảnh đói khát mới lấy được vợ, thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà.
- Cách đối xử với con dâu: “Con ngồi đây ... đỡ mỏi chân”, nói về tương lai với niềm lạc quan, bảo ban các con làm ăn...
=> Bà cụ Tứ là người mẹ hiền từ, chất phác, nhân hậu.
1.4 Tổng kết
- Nội dung: Truyện ngắn Vợ nhặt đã miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời tác giả còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của họ.
- Nghệ thuật: Tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tế, đối thoại sinh động.
2. Soạn bài Vợ nhặt ngắn gọn
2.1 Trước khi đọc
Câu 1. Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?
Hướng dẫn giải:
Nạn đói năm Ất Dậu diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 với “địa bàn” chính từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc Bộ với “đỉnh điểm” là tỉnh Thái Bình. Số người chết trong nạn đói đã lên tới khoảng hơn hai triệu người.
Câu 2. Theo bạn, có phải lúc nào nghịch cảnh trong đời sống (như nạn đói, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh,....) cũng chỉ đẩy con người vào tình thế bi quan, tuyệt vọng hay không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Không phải lúc nào nghịch cảnh trong đời sống cũng đẩy con người vào tình thế bi quan, tuyệt vọng. Bởi vì, nghịch cảnh đôi khi trở thành động lực để con người tiến tới thành công. Quan trọng là cách mà con người đối mặt - dám đương đầu với nghịch cảnh, không bị khuất phục trước nghịch cảnh.
2.2 Đọc văn bản
Câu 1. Khung cảnh ngày đói được gợi ra qua những hình ảnh và cảm giác nào?
Hướng dẫn giải:
- Những hình ảnh: Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
- Cảm giác: sợ hãi, rùng rợn trước khung cảnh ngày đói...
Câu 2. Tâm trạng của Tràng và người “vợ nhặt” được bộc lộ qua những biểu hiện bên ngoài (ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ,...) nào?
Hướng dẫn giải:
- Tràng: Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh.
- Người “vợ nhặt”: Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn.
Câu 3. Người dân trong xóm nghĩ và bàn luận gì khi thấy Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về nhà?
Hướng dẫn giải:
Người dân trong xóm nghĩ và bàn luận khi thấy Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về nhà:
Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Họ bàn tán về thân phận của người phụ nữ lạ: có người nghĩ đó là bà con ở dưới quê mới lên, có người nghĩ là vợ anh cu Tràng.
Câu 4. Những chi tiết nào thể hiện sự thay đổi trong tâm trạng của Tràng và người “vợ nhặt” khi về đến nhà?
Hướng dẫn giải:
- Tràng:
- Xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà.
- vỗ vỗ xuống giường đon đả: “Ngồi đây!... Ngồi xuống đây, tự nhiên…”
- Thị: ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng,
Câu 5. Việc Tràng chấp nhận hành động “theo về” của một người phụ nữ xa lạ thể hiện nét tính cách gì của nhân vật?
Hướng dẫn giải:
Tính cách của nhân vật: Giàu lòng yêu thương, nhân hậu.
Câu 6. Tình cảm của bà cụ Tứ dành cho người con dâu mới được thể hiện qua giọng điệu và những từ ngữ nào?
Hướng dẫn giải:
Tình cảm của bà cụ Tứ dành cho người con dâu mới: thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà; đối xử ân cần, bao dung với con dâu: chấp nhận con dâu, động viên và bảo ban các con làm ăn…
Câu 7. Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào?
Hướng dẫn giải:
Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật Tràng.
Câu 8. Tại sao bà cụ Tứ ngoảnh mặt vội ra ngoài, “không dám để con dâu nhìn thấy mình khóc”?
Hướng dẫn giải:
Nguyên nhân: Bà không muốn để các con thấy được sự lo lắng, đau buồn.
Câu 9. Tràng có tâm trạng như thế nào khi nghe câu chuyện mà người “vợ nhặt” kể?
Tràng nhớ lại về những người đi phá khó thóc Nhật, cảm thấy hối tiếc và ân hận.
Câu 10. Hình ảnh “cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí của Tràng có ý nghĩa gì?
Hướng dẫn giải:
Hình ảnh “cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí của Tràng có ý nghĩa: Biểu tượng của cách mạng, của Đảng sẽ cứu giúp người dân thoát khỏi cuộc sống nghèo đói; Biểu tượng của niềm tin vào tương lai tươi sáng.
2.3 Sau khi đọc
Câu 1. Nhan đề Vợ nhặt có quan hệ như thế nào với nội dung câu chuyện?
Hướng dẫn giải:
- Trước hết, từ “vợ” là một danh từ thiêng liêng, dùng để chỉ người phụ nữ trong mối quan hệ được pháp luật công nhận với “chồng”. Theo phong tục, vợ chồng chỉ được công nhận khi có sự chứng kiến của họ hàng, làng xóm. Còn “nhặt” là hành động cầm vật bị đánh rơi lên.
- Kim Lân đã sáng tạo ra một nhan đề độc đáo. Vì người ta chỉ nói “nhặt” được một món đồ nào đó. chứ không ai nhặt được một con người về làm vợ bao giờ cả. Nhưng qua đó, nhà văn đã thể hiện được cảnh ngộ thê thảm của con người lúc bấy giờ.
- Nhan đề “Vợ nhặt” trước hết khái quát được tình huống của truyện. Đồng thời đó cũng lời kết án đanh thép của Kim Lân đối với chế độ thực dân đã đẩy người nông dân vào tình cảnh nghèo đói, người “chết như ngả rạ”.
Câu 2. Xác định tình huống truyện và nêu ý nghĩa của nó.
Hướng dẫn giải:
- Tính huống truyện: Tràng là một chàng trai là người dân xóm ngụ cư, có ngoại hình xấu xí, lời ăn tiếng nói cộc cằn, thô lỗ nhưng lại nhặt được vợ.
- Ý nghĩa của tình huống đã thể hiện giá trị của tác phẩm:
- Giá trị hiện thực: tố cáo bọn thực dân xâm lược đã đẩy nhân dân ta vào hoàn cảnh nghèo khổ.
- Giá trị nhân đạo: khát vọng sống, tình yêu thương giữa con người…
Câu 3. Câu chuyện trong Vợ nhặt được kể theo trình tự nào và có thể chia làm mấy phần?
Hướng dẫn giải:
- Câu chuyện Vợ nhặt bắt đầu từ buổi chiều Tràng đưa người vợ nhặt về gặp mẹ, sau đó Tràng hồi tưởng lại việc gặp người vợ nhặt, quay trở về hiện tại cuộc gặp gỡ giữa mẹ chồng với nàng dâu mới…
- Có thể chia văn bản ra làm 4 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”: Tràng dẫn người nhợ nhặt về nhà.
- Phần 2. Tiếp theo đến “đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về”: Tràng nhớ lại việc mình có được vợ.
- Phần 3. Tiếp theo đến “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”: cuộc gặp gỡ của bà cụ Tứ và nàng dâu mới.
- Phần 4. Còn lại: cuộc sống của nàng dâu mới ở nhà Tràng trong buổi sáng hôm sau.
Câu 4. Theo trình tự của câu chuyện, các nhân vật đã có những thay đổi như thế nào từ diện mạo, tâm trạng đến cách ứng xử?
Hướng dẫn giải:
- Người vợ nhặt: trước đó, thị là người phụ nữ xấu xí, không có tên tuổi hay quê quán, vì cái đói mà theo Tràng về làm vợ; từ lúc về nhà Tràng, thị trở thành một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, biết đồng cảm, chia sẻ…
- Tràng: trước khi lấy vợ là một thành niên nghèo, tốt tính nhưng có phần khờ khạo; sau khi lấy vợ trở nên có trách nhiệm, chín chắn hơn
- Bà cụ Tứ: một người mẹ thương con, thấu hiểu và biết đồng cảm, là người thắp hi vọng cho con cái,...
Câu 5. Phân tích những nét đáng chú ý trong cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi của các nhân vật (thể hiện ở các khía cạnh: điểm nhìn, lời kể và giọng điệu).
Hướng dẫn giải:
- Truyện kể theo ngôi thứ ba, cho phép người kể chuyện quan sát cả ba nhân vật cũng như bối cảnh câu chuyện.
- Người kể chuyện thường nương theo điểm nhìn của các nhân vật, đặc biệt là Tràng và bà cụ Tứ.
- Giọng điệu kể chuyện thay đổi linh hoạt, bao trùm là hóm hỉnh, hài hước.
Câu 6. Hãy nêu chủ đề và đánh giá giá trị tư tưởng của tác phẩm.
Hướng dẫn giải:
- Chủ đề: Đề cao sức mạnh của lòng cảm thông giữa con người với con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt; đề cao niềm lạc quan, tin tưởng sự sống.
- Giá trị tư tưởng của tác phẩm:
- Giá trị hiện thực: phản ánh chân thực tình cảnh khốn khổ, thê thảm của nông thôn Việt Nam trong nạn đói 1945; tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
- Giá trị nhân đạo: ngợi ca vẻ đẹp của con người và tình người, hoàn cảnh không thể làm mất đi tình yêu thương, sự lạc quan,...
Câu 7. Có thể xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? Nêu và phân tích quan điểm của bạn về điều này.
Hướng dẫn giải:
- Ý kiến: có/không
- Nguyên nhân: truyện có kết thúc mở về một tương lai tương sáng cho các nhân vật, toát lên tình yêu thương giữa con người,...
2.4 Kết nối đọc - viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về một thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện ngắn Vợ nhặt.
Hướng dẫn giải:
Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân đã gửi gắm nhiều thông điệp giá trị. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với tình yêu thương giữa con người với con người. Trong hoàn cảnh nạn đói, nhưng Tràng vẫn sẵn sàng cưu mang người vợ nhặt. Hay bà cụ Tứ đã cảm thông cho nàng dâu mới và cũng chính bà là người thắp sáng niềm tin cho các con. Và cả người vợ nhặt, dù chấp nhận theo Tràng để thoát khỏi cái đói, nhưng khi theo Tràng về nhà, thấy được hoàn cảnh của Tràng, thị vẫn chấp nhận, trở nên đảm đang, biết vun vún cho gia đình. Tình yêu thương là nguồn sức mạnh vô cùng quý giá để con người có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Và chính tình yêu thương của các nhân vật trong truyện đã thắp lên niềm tin về một tương lai tương sáng hơn.