Văn mẫu lớp 8: Viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích Dàn ý & 6 bài văn mẫu lớp 8
Bạn đọc yêu sách đều có một cuốn sách mà bản thân cảm thấy tâm đắc, yêu thích nhất. Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích.
Nội dung bao gồm cấu trúc, dàn ý và 6 bài văn mẫu giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích.
Đề bài: Trường em tổ chức cuộc thi giới thiệu sách với chủ đề: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Hãy viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này.
Viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích
- Cấu trúc giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích
- Dàn ý giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích
- Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 1
- Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 2
- Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 3
- Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 4
- Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 5
- Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 6
Cấu trúc giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích
- Phần 1: nêu một số thông tin về tên sách, tên tác giả; nêu cảm nhận hoặc ấn tượng nổi bật về cuốn sách để thu hút người đọc.
- Phần 2: tóm tắt ngắn gọn nội dung và trình bày nhận xét của người viết về giá trị của cuốn sách. Trích dẫn một vài chi tiết từ cuốn sách để làm rõ ý kiến.
- Phần 3: khẳng định giá trị của cuốn sách, khuyến khích/ đề nghị mọi người nên đọc cuốn sách đó (gián tiếp hoặc trực tiếp)
Dàn ý giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích
1. Mở bài
- Tên sách, tên tác giả.
- Cảm nhận hoặc ấn tượng nổi bật về cuốn sách.
2. Thân bài
- Tóm tắt nội dung sách.
- Nhận xét về giá trị (nội dung, nghệ thuật) của cuốn sách
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị của cuốn sách.
- Khuyến khích mọi người nên đọc sách.
Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 1
Sách là kho tàng tri thức quý giá đối với con người. Bởi vậy mà mỗi người đều có một cuốn yêu thích của riêng mình. Và tôi cũng như vậy, đó là cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da.
Về tác giả, Lu-i Xe-pun-ve-da sinh năm 1949, mất năm 2020. Ông là nhà văn nổi tiếng của Chi-lê. Về Chuyện con mèo dạy hải âu bay, tác phẩm gồm có mười một chương. Nội dung kể về việc chú mèo mun Gióc-ba nuôi dưỡng Lắc-ki, một con hải âu mồ côi. Mẹ Lắc-ki bị ngộ độc váng dầu nên đã chết ngay sau khi để trứng. Tình cờ chứng kiến cái chết của hải âu mẹ, Gióc-ba đã hứa ba điều: ấp quả trứng, bảo vệ, nuôi lớn hải âu con và dạy nó bay. Bằng tình yêu thương Lắc-ki và được sự hỗ trợ trợ giúp của các bạn mèo, Gióc-ba đã hoàn thành ba lời hứa của mình.
Qua cuốn sách, Lu-i Xe-pun-ve-da đã giúp người đọc nhận thấy sự chân thành là hương vị quan trọng để cuộc sống ý nghĩa hơn. Đồng thời khi chúng ta biết chấp nhận sự khác biệt sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cả những người bên cạnh. Bắt đầu bằng một lời hứa, nhưng chính trái tim nhân hậu của chú mèo Gióc-ba đã làm lay động trái tim của biết bao độc giả. Bên cạnh đó, nhà văn cũng truyền tải đến người đọc một thông điệp: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn”.
Mỗi cuốn sách hay giống như một người bạn tốt, cần được nâng niu và trân trọng. Và với riêng tôi, Chuyện con mèo dạy hải âu bay cũng là một trong những cuốn sách như vậy.
Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 2
Sách là người bạn lớn của con người. Đọc sách giúp chúng ta học được nhiều điều giá trị. Với những người yêu sách, hẳn đều có một cuốn sách yêu thích. Tôi cũng như vậy, đó là cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”.
Cuốn sách là những dòng ghi chép về những sự việc xảy ra hằng ngày của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong giai đoạn từ năm 1968 - 1970, khi đang làm việc tại bệnh viện huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu là điều trị cho các thương bệnh binh. Tác phẩm được đ ược xuất bản lần đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 2005 (Ngày Thương binh liệt sĩ) . S au một năm, cuốn sách đã bán được hơn 400.000 bản. Đến năm 2007, cuốn sách được phát hành tại Mỹ và nhiều quốc gia khác với tên tiếng Anh là Last night, I dreamed of peace. Ở thời điểm hiện tại, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng. Cuốn nhật kí đã rơi vào tay một người lính Mỹ - có tên là Frederic Whitehurst trong suốt ba mươi lăm năm. Đến năm 2005, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã được trở về Việt Nam trong vòng tay yêu thương của người thân, bạn bè.
Tác giả của cuốn sách là liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Cô sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Bố là bác sĩ ngoại khoa - Đặng Ngọc Khuê. Còn mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội. Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội vào năm 1966 và xung phong vào công tác chiến trường B. Tháng 3 năm 1967, cô vào đến Quảng Ngãi, được phân công làm tại bệnh viện huyện Đức Phổ. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được kết nạp Đảng ngày 27 tháng 9 năm 1968. Trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, cô bị địch phục kích và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ - khi mới chỉ 27 tuổi.
Cuốn sách giống đã tái hiện chân thực nhất một quá khứ đau thương mà hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nhật kí mở đầu vào ngày 8 tháng 4 năm 1968 và kết thúc vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Từng trang nhật kí đã ghi lại những sự việc xảy ra trong khoảng thời gian công tác của Đặng Thùy Trâm:
“23.4.68
Một ngày mệt nhọc vô cùng. Ba cas thương nặng vào một lúc. Suốt một ngày đứng bên bàn mổ đầu óc căng thẳng vì những vết thương, vì tiếng khóc xé ruột xé lòng của chú Công (cha Hường) vì những tin buồn dồn dập.”
…
5.6.69
Địch triển khai thêm, không thể ở đó được nữa, đêm nay đa số cán bộ và thương binh dẫn nhau chạy xuống Phổ Cường. Tối không trông rõ mặt người nhưng có lẽ ai cũng cảm thấy rất đầy đủ những nét đau buồn trên khuôn mặt từng cán bộ và thương binh. Mình lo đi liên hệ giải quyết công tác đến khuya mới về, thương binh đã đi ăn cơm xong, nằm ngổn ngang trên thềm nhà Đáng, một vài người đã ngủ, số còn lại khẽ rên vì vết thương đau nhức.
Còn lại trên đó ba cas cố định chưa có người khiêng, một số cán bộ lãnh đạo còn trên đó, mình cần trở về. Trở về lúc này thật gay go, không hiểu địch nằm ở đâu. Nhưng biết làm sao, yêu cầu công tác đòi hỏi mình phải trở về, dù chết cũng phải đi…”.
Sự tàn khốc của chiến tranh được tái hiện chân thực:
“13.3.69
Một đồng chí bộ đội nữa hy sinh. Anh bị một vết thương xuyên thấu bụng.
…
29.7.69
Chiến tranh thật tàn khốc hết mức. Sáng nay người ta đem đến cho mình một người thương binh toàn thân bị lân tinh đốt cháy. Đến với mình sau cả giờ đồng hồ kể từ lúc bị nạn mà khói vẫn còn nghi ngút cháy trên người nạn nhân. Đó là một cậu bé hai mươi tuổi, đứa con trai duy nhất của một chị cán bộ xã mình ở. Một tai nạn rủi ro làm quả pháo lân tinh nổ khiến cậu bị bỏng nặng. Không ai còn nhận ra cậu bé xinh trai mọi ngày nữa…”
Trước khó khăn, Đặng Thùy Trâm tự dặn lòng:
“Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản. Tinh thần trong suốt như pha lê, rắn chắc như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng. ”;
“Đời người phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố.”;
“Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này.”
Không chỉ viết về ngày tháng công tác ở chiến trường, sự khốc liệt của chiến tranh. Nhật kí còn bộc lộ tâm tư của một đứa con xa nhà, nỗi nhớ người thân, quê hương:
“19.5.70
Địch càn lên súng nổ rần rần con vẫn cười, bình tĩnh ra công sự. Địch tập kích vào căn cứ, vừa chạy địch có đêm phải ngủ rừng con cũng vẫn cười, nụ cười vẫn nở ngay cả khi tàu rọ và HU-1A quăng rocket xuống ngay trên đầu mình…
Vậy mà khi nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu trên cả hai miền, lòng con xao xuyến xót xa và cũng có những lúc những giọt nước mắt thấm mặn yêu thương chảy tràn trên đôi mắt của con.”
Ngày 22.6.1970 - bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh. Cuốn nhật kí dừng lại. Không ai biết rõ hoàn cảnh vị nữ bác sĩ ấy hy sinh như thế nào. Chỉ biết rằng, Đặng Thùy Trâm cũng giống như những người đã lặng lẽ hy sinh vì Tổ quốc.
Cuốn sách Nhật kí Đặng Thùy Trâm đã gửi gắm nhiều bài học giá trị cho người đọc, nhắc nhở bài học về tình yêu nước cũng như trách nhiệm với Tổ quốc.
Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 3
Có người từng nói rằng: “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người”. Câu nói giúp tôi hiểu được giá trị của sách. Với những người yêu thích đọc sách, đều sẽ có một cuốn sách tâm đắc nhất.
Cuốn sách mà tôi yêu thích nhất là “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng. Nội dung của cuốn sách kể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi được sinh ra cho đến trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021), tên đầy đủ là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh tại Diễn Châu (Nghệ An) trong một gia đình nhà nho nghèo. Sơn Tùng được đánh giá là người viết về Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất. Các tác phẩm của ông đều gây được tiếng vang lớn. Tôi có thể kể đến một số tác phẩm như “Búp sen xanh”, “Từ làng Sen”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Bác về”, “Bông sen vàng”, “Bác ở nơi đây”, “Hoa râm bụt”,...
Năm 1981, nhà văn Sơn Tùng đã viết cuốn tiểu thuyết theo lời động viên của người bạn tâm giao là nhạc sĩ Văn Cao. Năm 1982, cuốn sách được xuất bản bởi Nhà xuất bản Kim Đồng. Ngoài ra, Búp sen xanh còn được chuyển thể thành phim điện ảnh có tên “Cuộc chia ly trên bến nhà Rồng”, vở tuồng là “Cậu bé làng Sen” và bảy tác phẩm truyện thơ khác.
Cuốn sách được chia làm ba chương gồm Thời thơ ấu, Thời niên thiếu và Tuổi hai mươi. “Thời thơ ấu” chủ yếu kể về hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của Nguyễn Sinh Côn (tên gọi của Bác Hồ khi còn nhỏ). Cậu bé Côn lớn lên ở làng Sen, chịu sự giáo dục và ảnh hưởng từ những người thân. Tiếp đến, “Thời niên thiếu” nói về việc Côn (nay gọi là Tất Thành) theo học ở trường Quốc học Huế, ngôi trường danh giá nhất Đông Dương bấy giờ. Nhưng do mẹ mất, em mất, cùng với việc tham gia biểu tình chống đối kẻ thù nên anh phải bỏ học, phiêu bạt khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Sau này, anh về dạy tại trường Dục Thanh, được học sinh ở đây vô cùng yêu mến. Cuối cùng, “Tuổi hai mươi” viết về giai đoạn Nguyễn Tất Thành đến mảnh đất Sài Gòn. Anh làm đủ nghề lao động chân tay để kiếm sống. Ở đây, anh nhận ra nhiều điều về cuộc sống của nhân dân lao động, về cảnh ngộ đất nước. Sau đó, anh quyết định ra nước ngoài để tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.
Búp sen xanh là một cuốn sách tiêu biểu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bạn đọc có thể tìm đọc để hiểu hơn về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 4
Mỗi cuốn sách là một kho tàng quý giá của nhân loại. Mỗi người hẳn sẽ có những cuốn sách mà bản thân cảm thấy tâm đắc. Và cuốn sách yêu thích của tôi là Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài.
Dế Mèn phiêu lưu kí được in lần đầu năm 1941, là tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Truyện gồm mười chương, kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính là chú Dế Mèn. Chương một kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn. Từ chương hai tới chương chín kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn, cùng người bạn đường là Dế Trũi. Chương mười kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cho những cuộc phiêu lưu trong tương lai.
Khi đọc tác giả, tôi rất yêu thích nhân vật Dế Mèn. Đó là một chú dế cường tráng, khỏe mạnh. Tuy nhiên, cậu chàng lại có tính kiêu căng, luôn nghĩ mình “có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Dế Mèn luôn coi thường những người xung quanh, đặc biệt là Dế Choắt - người bạn hàng xóm gầy gò và yếu ớt. Một lần, Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc khiến cho Dế Choắt phải chịu oan. Hậu quả là Choắt bị chị Cốc mổ đến kiệt sức. Trước khi chết, Choắt khuyên Dế Mèn bỏ thói kiêu căng của mình. Dế Mèn vô cùng ân hận và nhận ra bài học đường đời đầu tiên của mình. Sau này, Dế Mèn gặp gỡ và quen Dế Trũi, cậu đã bắt đầu hành trình phiêu lưu với người bạn đường của mình. Cả hai đã trải qua nhiều thử thách, gặp gỡ thêm được nhiều bạn mới và nhận ra những bài học bổ ích cho bản thân. Khi trở về, Dế Mèn đã có những suy nghĩ về hành trình phiêu lưu mới trong tương lai.
Dế Mèn phiêu lưu kí được coi là một trong những cuốn sách yêu thích của trẻ thơ. Cuốn sách đem đến cho người đọc nhiều bài học quý giá về cuộc sống.
Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 5
Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả quen thuộc của bạn đọc nhỏ tuổi. Ông là một trong những nhà văn được độc giả lứa tuổi thiếu niên rất yêu thích. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Trước vòng chung kết, Chuyện cổ tích dành cho người lớn, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,... Trong đó, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là cuốn tiểu thuyết tôi rất yêu thích và ấn tượng.
Sách được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Tác phẩm giống như là một cuốn nhật ký của cậu bé Thiều - nhân vật chính của tác phẩm kể về cuộc sống của những đứa trẻ tại một vùng quê nghèo khó. Nổi bật nhất đó chính là tình anh em, tình bạn bè cùng những tâm tư của một đứa trẻ mới lớn. Cuốn sách còn được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn Victor Vũ đã gây được tiếng vang lớn.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là những trang nhật ký về cuộc sống thường nhật của một cậu bé. Thiều đang là học sinh, sống ở một vùng quê nghèo. Cậu cùng với em trai là Tường thường xuyên bày trò quậy phá khiến cha mẹ phiền lòng. Tường là một cậu bé hiền lành, dễ thương và thích đọc sách. Cậu rất yêu thương và ngưỡng mộ anh trai của mình. Hai anh em Thiều thường cùng nhau chơi những trò cảm giác mạnh và Tường luôn là người phải chịu những tai bay vạ gió do anh gây ra.
Ngoài ra chuyện còn kể về mối quan hệ của hai anh em với những người bạn cùng lớp, những người dân trong làng… Biến cố xảy ra khi nhà của Mận - bạn cùng lớp của Thiều bị bốc cháy khiến ba Mận được người ta đoán là đã chết cháy. Mận phải chuyển đến ở nhà nhà của Thiều một thời gian. Trong suốt khoảng thời gian đó, Thiều đã nảy sinh những rung động đầu đời của một cậu bé mới lớn. Một thời gian sau, Mận biết được ba mình còn sống và mẹ sẽ được thả trong một ngày không xa.
Tuy nhiên, sự thân thiết giữa Tường và Mận lại khiến cho cơn ghen tức trong lòng Thiều tăng lên theo thời gian. Sau đó, Thiều đã liên tiếp có những hành động khiến cậu phải cảm thấy hối hận sau đó. Mùa lũ đến, cả làng chìm trong biển nước. Khi cơn lũ qua đi, nước rút cũng là lúc của đói kém, mất mùa. Sự hẹp hòi và đố kỵ trong lòng Thiều đã khiến cậu hiểu lầm và khiến em trai mình bị thương nặng, không thể ngồi dậy được. Thiều càng ân hận hơn khi nghe chính miệng Tường kể rằng người mà Mận thích chơi cùng chính là cậu. Kết thúc câu chuyện, Mận được mẹ đón lên thành phố để tìm cha. Còn Tường nhờ có sự xuất hiện của công chúa cũng dần ngồi dậy và đi được. Thiều đã cùng nhau khám phá ra bí mật về công chúa.
Khi đọc đến từng trang của câu chuyện, người đọc sẽ bị cuốn hút bởi lối kể chuyện vô cùng tự nhiên mà hấp dẫn. Những hình ảnh về tuổi thơ mà có lẽ không ai chưa từng một lần trải qua trong hiện ra trước mắt khiến người đọc. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa chúng ta bước lên chuyến tàu du hành thời gian để tìm về với tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ. Đặc biệt nhất là tình cảm anh em khiến mỗi người cảm thấy thật xúc động.
Câu chuyện kết thúc lại nhưng dường như lại mở ra một câu chuyện mới. Không ai biết rằng rồi Mận có tìm lại được cha của mình. Tường có thật sự khỏe lại. Cũng như Thiều và Mận có gặp lại nhau. Nhưng có lẽ điều đó không quan trọng. Bởi thế giới tuổi thơ mà Nguyễn Nhật Ánh vẽ ra trước mắt chúng ta dường như đẹp đẽ biết chừng nào. Không điện thoại, máy tính - những thiết bị công nghệ hiện đại mà là những cánh diều tuổi thơ, những cánh đồng thơm ngát, rạp xiếc quen thuộc…
Giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích - Mẫu 6
Tác phẩm này là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky (nhà văn người Liên Xô). Nhân vật chính của tác phẩm là Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) là một thanh niên lớn lên trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Anh chơi thân với một cô bạn gái tên là Tonya. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó. Anh muốn cống hiến sức trẻ của mình để phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh, hay đúng hơn là không dám “yêu một lý tưởng”. Đặc biệt, gia đình của cô còn thuộc giai cấp tư sản. Pavel từng nói với cô rằng: “Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”. Sau cùng, Pavel chia tay Tonya để đi theo lý tưởng của mình.
Trước khi tìm đến ánh sáng của cách mạng, Paven đã có một khoảng thời gian phải tham gia xây dựng con đường sắt nhỏ nối khu rừng với thành phố. Công việc ở đây vô cùng nặng nhọc và vất vả trước thiên nhiên khắc nghiệt. Nếu không kịp thì tất cả mọi người trong thành phố này sẽ chết cóng vì không đủ gỗ để sưởi ấm. Trong hoàn cảnh đó, anh gặp lại Tonya, và cô đã suýt không nhận ra anh vì trông anh đã hoàn toàn khác, rách rưới, tím tái vì giá lạnh, gầy gò như một người ăn xin và đang xúc tuyết, tuy có đôi mắt thì vẫn là Pavlusha ngày nào. Tuy nhiên, cô giờ đây đã có chồng và “sặc mùi băng phiến”.
Sau này, trong quá trình lao động và sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Pavel đã gặp Rita. Nhưng tình cảm giữa hai người chỉ giữ ở tình đồng chí. Về sau, có lúc Pavel bị bệnh sốt thương hàn và bị bại liệt, phải ngồi xe lăn. Nhưng anh vẫn không lùi bước trước khó khăn, tin tưởng vào tình yêu mới và chuyển sang viết sách với ngọn lửa và chất thép đã được tôi luyện ngày nào.
Cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” được coi là cuốn sách gối đầu giường của thế hệ thanh niên ở các nước xã hội chủ nghĩa. Paven là một thanh niên giàu lý tưởng, được tôi luyện trong “lò lửa” của cách mạng. Ở Việt Nam, cuốn sách này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ trẻ trong những năm tháng chiến tranh. Nguyễn Văn Thạc có viết trong cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của mình: “Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng…”. Hay như trong nhật ký Đặng Thùy Trâm, chị cũng đã viết rằng trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự “gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Korchagin trong “Thép đã tôi thế đấy”.
Tác phẩm đã giúp bạn đọc hiểu thêm về thế hệ thanh niên nước Nga trong cách mạng. Tác phẩm không chỉ giàu giá trị nhân văn, mà còn mang tính thời đại.