Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) Dàn ý & 24 bài văn mẫu lớp 8
Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật).
Nội dung bao gồm dàn ý và 24 bài văn mẫu lớp 8. Các bạn học sinh cùng tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học
Dàn ý viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học
Phân tích bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật
Bài văn mẫu số 1
Bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” đã thể hiện phong thái ung dung, khí phách kiên cường của người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
Bài thơ được sáng tác khi Phan Bội Châu bị bọn phiệt tỉnh Quảng Đông bắt giam. Trong hoàn cảnh ấy ông đã viết tác phẩm "Ngục trung thư tập" và “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” là bài thơ Nôm nằm trong tập thơ này.
“Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.”
Ở bốn câu thơ đầu, tác giả đã bộc lộ khí phách ngang tàng, bất khuất của nhà chí sĩ khi rơi vào tù ngục. Cụm từ “hào kiệt, phong lưu” chỉ những người có tài năng, có ý chí - những bậc anh hùng có phong thái ung dung, không thay đổi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điệp từ “vẫn” ý nói không thay đổi, thể hiện cách sống đàng hoàng của bậc anh hùng. Đặc biệt là hình ảnh “chạy mỏi chân thì hãy ở tù” khẳng định rằng sự nghiệp cách mạng là một chặng đường dài, nhà tù chỉ là một trạm dừng chân tạm thời, cho thấy tinh thần lạc quan. Ở đây, tác giả đã làm nổi bật tính cách của người tù cách mạng: bình tĩnh, tự tin ngay cả trong nguy nan.
“Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu.”
Người tù cách mạng tự nhận mình là một người tự do đi đây đi đó giữa thế gian rộng lớn. Cách nói “Lại người có tội giữa năm châu” ý chỉ người cách mạng phải rơi vào hoàn cảnh tù đày. Từ đó, Phan Bội Châu cho thấy vẻ đẹp của người tù yêu nước là tinh thần lạc quan, tư thế ung dung trước mọi khó khăn, gian khổ.
“Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.”
HÌnh ảnh “Dang tay ôm chặt bồ kinh tế” mang tính biểu tượng “bồ kinh thế” - sự nghiệp cách mạng lớn lao của dân tộc, thể hiện ước vọng, lý tưởng không thay đổi, bất chấp mọi hoàn cảnh. Cụm từ “Mở miệng cười tan” cho thấy tiếng cười bộc lộ một tinh thần sảng khoái, với mong muốn dẹp tan quân thù.
“Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.”
Cuối cùng, tác giả khẳng định đầy quyết tâm còn sống ngày nào, thì vẫn tiếp tục với sự nghiệp cách mạng. Qua đó, Phan Bội Châu muốn bộc lộ ý chí theo đuổi bất chấp mọi nguy hiểm, đó là một tinh thần đáng nể phục. Hai câu thơ cuối kết tinh cao độ ý chí và cảm xúc của tác giả. Đó là lời khẳng định rằng còn sống ngày nào, thì vẫn tiếp tục với sự nghiệp cách mạng.
Tóm lại, bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác đã thể hiện được tinh thần, ý chí của người chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu.
Bài văn mẫu số 2
Bài thơ Thu điếu thuộc chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Qua bài thơ, người đọc thấy được một bức tranh thu của nơi làng quê Bắc bộ.
Tác giả đã sử dụng điểm nhìn một cách linh hoạt từ gần đến xa, từ xa đến gần để khắc họa bức tranh thu. Bức tranh hiện ra với không gian khá hẹp trong một chiếc ao nhỏ bé với một chiếc thuyền câu nhẹ tênh. Mùa thu trong tâm hồn nhà thơ với hình ảnh “ao thu lạnh lẽo” với làn nước “trong veo” giống như một chiếc gương khổng lồ có thể phản chiếu mọi cảnh vật. Chiếc thuyền câu ở đấy rồi nhưng vẫn chưa thấy con người xuất hiện:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Đến hai câu thơ tiếp theo, khung cảnh làng quê lúc này đã không còn tĩnh lặng nữa mà đã bắt đầu có chút âm thanh:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Sóng nhỏ vì ao vốn nhỏ, bởi vậy mới có “theo làn hơi gợn tí”. Kế tiếp là hình ảnh “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” - chỉ một động từ “vèo” thôi nhưng đã gợi ra một chuyển động thật tinh tế của chiếc lá.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Tác giả mở rộng không gian lên tận trời xanh với hình ảnh những đám mây lơ lửng giữa trời. Dường như với hình ảnh này, bức tranh thu trở nên thật lãng mạn và trữ tình. Không gian mở rộng là thế, bỗng chốc lại trở về với cận cảnh. Hình ảnh “ngõ trúc quanh co” chính là con đường làng quen thuộc với bóng tre đã đứng đó từ bao đời. Trời thu lạnh lẽo khiến cho đường làng trở nên vắng vẻ hơn. Vần “eo” (veo - teo - vèo) thật độc đáo, góp phần khắc họa bức tranh mùa thu.
Bài thơ được kết thúc bởi hình ảnh của nhân vật trữ tình:
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Con người đã xuất hiện trong bức tranh thu. Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang câu cá mà dường như chẳng hề chú tâm đến công việc của mình “tựa gối buông cần”. Có lẽ vì đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân để rồi chỉ một âm thanh nhỏ bé của cá đớp động dưới chân bèo lại làm nhà thơ giật mình sực tỉnh. Hai câu cuối đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình - hay cũng chính là nhà thơ trong một tâm thế nhàn nhã trước bức tranh thu nơi quê hương. Từ đó, bài thơ cũng bộc lộ tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, cùng với nỗi lo lắng cho cảnh ngộ đất nước ngay cả khi đã cáo quan về ở ẩn.
Qua bài thơ “Câu cá mùa thu”, tác giả đã khắc họa vẻ đẹp của mùa thu thật đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, cũng như nỗi niềm tâm trạng của tác giả.
Bài văn mẫu số 3
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Bạn đến chơi nhà”. Bài thơ đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
Cụm từ “đã bấy lâu nay” chỉ thời gian rất lâu rồi, người bạn của Nguyễn Khuyến mới đến chơi nhà. Điều đó khiến cho nhà thơ rất vui mừng, hạnh phúc. Cùng với cách xưng hô “bác” thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân mật. Câu thơ đầu như một tiếng reo vui, một lời đón khách đầy cởi mở.
Dẫu vậy thì hoàn cảnh của nhà thơ lúc này cũng thật là éo le. Trẻ em thì đi vắng rồi, không có người để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn được vì chợ ở quá xa. Tưởng rằng như vậy là chưa đủ, nhà thơ còn liệt kê một loạt các sự vật như “ao sâu - khôn chài cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Thậm chí miếng trầu - ngay cả thứ quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây cũng không có. Sự thiếu thốn đã được đẩy lên đến tận cùng. Nhưng sự thiếu thốn đó không khiến cho thi sĩ buồn khổ mà còn đầy lạc quan, yêu đời. Bài thơ mang giọng điệu hóm hỉnh mà lạc quan, yêu đời.
Tuy là vật chất thiếu thốn, nhưng tình cảm bạn bè mới là thứ đáng quý nhất. Câu thơ cuối như một lời khẳng định cho tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng sử dụng cụm từ “ta với ta” trong bài Qua Đèo Ngang:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Đại từ “ta” ở đây chỉ cùng một người, chỉ chủ thể trữ tình hay chính là tác giả. Lúc này Bà Huyện Thanh Quan đang chỉ có một mình nơi đèo Ngang hoang vu. Thời gian chiều tà gợi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy. Không gian tuy rộng lớn nhưng chỉ toàn những vật vô tri, vô giác. Có xuất hiện hình ảnh đời sống con người nhưng hết sức thầm lặng, nhỏ bé. Âm thanh sự sống đơn điệu, gợi nỗi buồn sâu thẳm. Con người lẻ loi trước vũ trụ mênh mông. Nhớ về quê hương, thương xót cho hoàn cảnh của đất nước, trước thiên nhiên rộng lớn chỉ có mình cô độc.
Ngược lại, trong thơ Nguyễn Khuyến, đại từ “ta” thứ nhất chính là nhà thơ, còn đại từ “ta” thứ hai chỉ người bạn. Từ “với” cho thấy mối quan hệ song hành, gắn bó. “Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng có bạn lại thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhà thơ không hề cảm thấy cô đơn, buồn bã mà lại vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn tri kỉ thật đáng ngưỡng mộ, cảm phục biết bao nhiêu.
Như vậy, “Bác đến chơi nhà” đã khắc họa một tình bạn chân thành thật đáng ngưỡng mộ. Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Khuyến.
Bài văn mẫu số 4
Qua Đèo Ngang là một tác phẩm tiêu biểu của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ gửi gắm tấm lòng yêu nước sâu nặng của nhà thơ.
Mở đầu, tác giả gợi mở về thời gian, không gian cũng như điểm nhìn của bài thơ. Hai từ “bước tới” gợi đến một sự ngạc nhiên khi nhìn thấy hay tiếp cận đèo Ngang. Đó cũng là thời khắc “bóng xế tà” khi ngày đã sắp tàn và màn đêm đang dần buông xuống. Đứng trước đèo Ngang với rừng núi hoang vu xa lạ, những xúc cảm của lòng người đã trào dâng. Tiếng “tà” với âm bằng xuất hiện trong văn cảnh tạo nên giai điệu buồn thương man mác, trở thành “vần” của ý thơ:
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Khung cảnh thiên nhiên hiện lên với sức sống mãnh liệt. Điệp từ “chen”, kết hợp với việc sử dụng vần lưng “đá - lá”, lại vừa sử dụng vần chân “tà - hoa” đã làm cho nhạc điệu thơ du dương và réo rắt. Cảnh đèo hiện lên thật hoang vu và có chút cằn cỗi.
Không chỉ thiên nhiên, con người cũng đã xuất hiện trong bức tranh đó:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Cách sử dụng từ láy “lom khom” và “lác đác” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ nhấn mạnh vào sự nhỏ bé, thưa thớt của con người.
Ngoại cảnh đã hòa hợp với râm cảnh người nữ sĩ trong buổi chiều tà nơi đèo hút hút gió. Nữ sĩ đã sử dụng bút pháp miêu tả tượng trưng và ước lệ của thi pháp cổ (ngư, tiều, canh, mục) kết hợp với cảm hứng đầy thi cảm và sáng tạo.
“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Nghệ thuật đối và đảo ngữ được sử dụng ở phần thực đã tiếp tục được phát huy tác dụng một cách triệt để ở phần luận. Đó là tiếng chim cuốc, chim đa trong bóng chiều tà. Đó là “nhớ nước đau lòng” và “thương nhà mỏi miệng” đã được đặt trong thế đăng đối và hòa hợp. Ý thơ đã thể hiện người nữ sĩ lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm tình. Đây cũng là một nét đặc sắc và nổi bật trong phong cách sáng tác của bà huyện Thanh Quan. Thơ tả cảnh ngụ tình nên nhạc, nên họa đã diễn tả cảnh đèo Ngang lúc hoàng hôn với nỗi niềm thi sĩ làm ta cảm thương, vương vấn.
“Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hai câu thơ kết cuối bài như dồn lại biết bao nhớ thương sâu lắng và dạt dào của người nữ sĩ trong khung cảnh chiều tà. Đứng một mình nơi đèo cao lộng gió trong buổi hoàng hôn, nữ sĩ thấy mình như sống trong tâm trạng lẻ bóng, cô đơn, giữa một khung cảnh thiên nhiên hoang vắng bao la của “trời, non, nước”.
Hai chữ “đứng lại” diễn tả một tư thế, một tâm trạng xúc động và bồi hồi. “Ta với ta” là ba chữ đắt giá kết hợp với điệp ngữ láy âm, đặt trong mối tương phản với “trời, non, nước” đã cho thấy cái mênh mang bao la với sự lẻ loi, đơn côi và nhỏ bé của lòng người. Nó gợi lên một sự trống vắng không thể nào kể xiết.
“Qua Đèo Ngang” là bài thơ Nôm kiệt tác được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ đã cho thấy phong cách sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan.
Bài văn mẫu số 5
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu là một trong những bài thơ trào phúng tiêu biểu của nhà thơ Tú Xương.
Bài thơ còn có tên gọi khác là “Vịnh khoa thi Hương”. Mở đầu, tác giả đã giới thiệu đôi nét về khoa thi Đinh Dậu:
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”
Trong xã hội phong kiến, việc thi cử được tổ chức nhằm tuyển chọn nhân tài ra giúp vua. Nhưng trong hoàn cảnh thực dân Pháp xâm lược, nắm giữ chính quyền thì việc thi cử đã có nhiều thay đổi. Dù vẫn còn thi chữ Hán theo lộ cũ “ba năm mở một khoa” nhưng kì thi lại hết sức hỗn tạp: “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”. Ở Bắc Kì vốn có hai trường thi Hương là “trường Nam” trường thi Nam Định và “trường Hà” - trường thi ở Hà Nội. Nhưng từ lúc thực dân Pháp nắm quyền, trường thi ở Hà Nội đã bị bỏ. Các sĩ tử Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định.
Hai câu thực đã miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh hiện lên vô cùng khôi hài:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”
“Sĩ tử” là tư dùng để chỉ tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, đi theo nghiệp bút nghiên. Họ thường có phong thái nho nhã, điềm tĩnh. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” trong bài thơ lại được miêu hiện lên với vẻ lôi thôi, nhếch nhác. Khung cảnh trường thi vốn là nơi trang nghiêm mà giờ chẳng khác nào cảnh họp chợ, viên quan coi trường thi thì “ậm oẹ” và “thét loa”.
Hai câu luận tiếp tục tô đậm sự nhố nhăng của trường thi bằng việc khắc họa hình ảnh quan sứ và mụ đầm:
“Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.”
Việc tiếp đón những kẻ cướp nước chẳng biết lúc nào lại trở nên trang trọng nhưng khôi hài như vậy. Đặc biệt hơn cả là việc tác giả miêu tả hình ảnh mụ đầm. Theo quan điểm lễ giáo phong kiến thì trọng nam khinh nữ. Phụ nữ không được những nơi trang nghiêm như trường thi. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” khiến ta thêm nức cười đó mà cũng thật xót xa. Xã hội phong kiến đã suy tàn, thoái hóa đến mức nào.
Hai câu thơ cuối là lời bộc tâm trạng của tác giả về cảnh ngộ đất nước lúc bấy giờ:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
Tú Xương đã sử dụng câu hỏi tu từ “nhân tài đất Bắc nào ai đó” nhưng không nhằm mục đích biết câu trả lời. Đó là một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì.
Bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu đã khắc khắc họa khung cảnh trường thi nhốn nháo, để làm bật lên tiếng cười chua chát về cảnh ngộ mất nước trong buổi đầu của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Bài văn mẫu số 6
Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ yêu nước nổi tiếng của cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Không chỉ vậy, ông còn được biết đến với tư cách là một nhà thơ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã thể hiện được tư thế hiên ngang của người chí sĩ cách mạng trước hoàn cảnh chốn lao tù vẫn lạc quan quyết không “sờn lòng đổi chí".
Vào năm 1908, Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân khép vào tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung Kì và bị bắt đày ra Côn Đảo. Tháng 6 năm 1910, ông được tha do có sự can thiệp của Hội nhân quyền (Pháp). Bài thơ được sáng tác khi ông đang cùng những người tù khác lao động khổ sai tại nhà tù ở Côn Đảo (Côn Lôn).
Những câu thơ đầu tiên gợi ra hình ảnh người tù cách mạng với tư thế hiên ngang:
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non”
Tác giả đã cho người đọc thấy được một hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt nơi Côn Đảo - chỉ có núi non hiểm trở, biển cả mênh mông. Nhưng trước hoàn cảnh đó, người tù vẫn giữ được tư thế vững vàng của một đấng nam nhi. Hình ảnh người chí sĩ cách mạng đầu đội trời, chân đạp đất - lừng lẫy, oai phong hiện ra trước mắt người đọc thật đẹp đẽ. Giữa hoàn cảnh sống như vậy, họ phải lao động khổ sai với công việc đập đá. Một công việc mà mới chỉ nghe tên thôi đã thấy được sự nặng nhọc. Công cụ lao động là “búa” và “tay”, cùng với hành động đầy quyết liệt “đánh tan năm bảy đống”, “đập bể mấy trăm hòn” - quả là một sức mạnh phi thường.
Tiếp đến, hình ảnh người tù cách mạng hiện lên với ý chí dẻo dai, bền bỉ và kiên cường:
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son”
Cụm từ “tháng ngày” chỉ thời gian bị tù đày, bị khổ sai kéo dài, còn “mưa nắng” tượng trưng cho gian khổ, cho mọi nhục hình, đày đọa. Trước những thử thách ghê gớm ấy, người chí sĩ “bao quản” chí khí. Cùng với đó, hình ảnh “thân sành sỏi”, “dạ sắt son” là hai ẩn dụ nói lên chí khí bền vững, lòng son sắt thủy chung đối với nước với dân của một đấng nam nhi. có chí lớn, của một kẻ sĩ chân chính: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Đó chính là cốt cách của những bậc trượng phu trong thời xưa. Trong gian khổ, ý chí của người tù cách mạng hiện lên càng đẹp đẽ, sáng ngời.
Hai câu cuối cùng vang lên như một lời thề với non sông, đất nước:
“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể sự con con”
Ở đây, Phan Châu Trinh đã mượn sự tích “vá trời” của bà Nữ Oa trong thần thoại Trung Hoa để nói lên chí lớn làm cách mạng, cứu nước cứu dân. Đối với họ, dù “có lỡ bước” - có gặp khó khăn, có chịu thất bại, dù có nếm trải gian nan cay đắng tù đày thì với nhà chí sĩ chân chính việc “con con” ấy không đáng kể, không đáng nói, không đáng quan tâm. Cùng với đó là niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong tương lai.
Như vậy, bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã khắc họa hình tượng lẫm liệt, ngang tàn của người anh hùng cứu nước dù gặp bước nguy nan nhưng vẫn không sờn lòng đổi chí.
Bài văn mẫu số 7
Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam trung đại. Trong đó, tác phẩm Qua Đèo Ngang đã mang đậm phong cách sáng tác của nhà thơ, cũng như gửi gắm thông điệp giá trị.
Mở đầu bài thơ, Bà Huyện Thanh Quan đã khắc họa thiên nhiên nơi đèo Ngang hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ nhưng vẫn tràn đầy sự sống:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Câu thơ đầu tiên gợi mở về không gian, thời gian. Nhân vật trữ tình đến đèo Ngang khi “bóng xế tà” là thời điểm kết thúc của một ngày. Lúc này, vạn vật đã trở về nghỉ ngơi. Cảnh vật đèo Ngang hiện lên ở câu thơ thứ hai. Cách sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” cho thấy sự sống đang trỗi dậy mãnh liệt.
Ở hai câu thơ tiếp, con người xuất hiện nhưng lại vô cùng nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu thơ “lom khom - tiều vài chú”, “lác đác - chợ mấy nhà” nhấn mạnh vào hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi và vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Con người chỉ là một chấm buồn nhỏ bé giữa vũ trụ rộng lớn.
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.”
Hai câu thơ tiếp bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ở đây, “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa) mà còn gợi tả âm thanh của loài chim này - “quốc quốc”, “đa đa” vang lên nghe sao da diết, xót xa. Không chỉ vậy, khi ghép lại hai từ “quốc” và “gia” lại sẽ thành “quốc gia” như một lời bộc lộ gián tiếp tình yêu dành cho đất nước.
Lúc này đây, nhân vật trữ tình đang đứng một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước. Sự cô đơn bao trùm lấy toàn bộ không gian. Cụm từ “một mảnh tình riêng” ý chỉ tình cảm riêng tư không có ai để chia sẻ:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”
Cái mảnh tình con con ấy cũng chỉ có “ta với ta”. Ta từng bắt gặp trong “Bạn đến chơi nhà”, Nguyễn Khuyến dùng cụm từ “ta với ta” - “Bác đến chơi đây ta với ta” để diễn tả tình bạn tri kỉ, thắm thiết. Còn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” chỉ càng làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng của nhân vật trữ tình hay chính là của tác giả.
Bài thơ Qua Đèo Ngang là lời bộc lộ nỗi nhớ quê hương, đất nước cũng như xót xa trước cảnh ngộ đất nước của Bà Huyện Thanh Quan. Nội dung và nghệ thuật bài thơ khá ấn tượng, mang dấu ấn sáng tác của nhà thơ.
Bài văn mẫu số 8
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Một trong những bài thơ hay của ông có thể kể đến Bạn đến chơi nhà. Bài thơ đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết.
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”
Hai câu thơ mở đầu giới thiệu về việc người bạn đến chơi nhà. Cụm từ “đã bấy lâu nay” cho thấy khoảng thời gian kéo dài, rất lâu. Điều đó khiến cho nhân vật trữ tình rất vui vẻ, mong muốn được tiếp đón bạn thật chu đáo. Cách xưng hô “bác” thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân mật. Nhưng hoàn cảnh lại không cho phép khi trẻ thì đi vắng, không có người để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn mà chợ lại ở quá xa xôi.
Nhưng không dừng lại ở đó, hoàn cảnh của nhân vật trữ tình càng thêm éo le hơn với một loại hình ảnh được khắc họa:
“Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có”
Trong căn nhà của nhân vật trữ tình, mọi thứ đều chưa thể dùng để tiếp khách: “ao sâu - khôn chài cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ”, “bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Ngay cả “miếng trầu” quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây cũng không có. Nhưng dù vậy, sự thiếu thốn đó vẫn không làm tăng thêm khoảng cách giữa những người bạn tri kỉ:
“Bác đến chơi đây ta với ta”
Câu thơ cuối như một lời khẳng định cho tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến. Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Nhưng “ta với ta” trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan chỉ tác giả, đang chỉ có một mình nơi đèo Ngang hoang vu. Từ đó, câu thơ càng làm tăng thêm nỗi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy.
Còn trong thơ của Nguyễn Khuyến, cụm từ “ta với ta” lại mang ý nghĩa khác. Đại từ “ta” thứ nhất chính là nhân vật trữ tình, còn đại từ “ta” thứ hai chỉ người bạn. Từ “với” cho thấy mối quan hệ song hành, gắn bó. “Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng có bạn lại thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn tri kỉ thật đáng ngưỡng mộ, cảm phục biết bao nhiêu.
Bằng những hình ảnh giản dị, giọng thơ dí dỏm, bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến đã gửi gắm được một thông điệp ý nghĩa, giá trị về tình bạn.
Bài văn mẫu số 9
Tú Xương, tên thật là Trần Tế Xương là một nhà thơ khá nổi tiếng. Các tác phẩm của Tú Xương xoay quanh hai mảng trữ tình và trào phúng. Nổi bật trong mảng thơ trào phúng có thể kể đến bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu.
Từ khoa thi Bính Tuất (1886), do thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, trường thi Hương Hà Nội bị bãi bỏ. Thực dân Pháp lo sợ sự bất bình của dân chúng nên đã tổ chức thi chung trường thi Hương Hà Nội với trường Nam Định (Nam Định), gọi chung là là trường Hà - Nam. Bài thơ được sáng tác trong thời gian Tú Xương tham dự kì thi Hương tại trường thi Hà – Nam. Vợ chồng viên toàn quyền Đông Dương Pôn Đu-me (Paul Doumer) và vợ chồng viên công sứ Nam Định Lơ Noóc-măng (Le Normand) có tới dự lễ xướng danh (ngày 27/12/1897).
Hai câu thơ mở đầu, tác giả Tú Xương đã giới thiệu khái quát về khoa thi Đinh Dậu:
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.”
“Trường Nam” là trường thi ở Nam Định, “trường Hà” là trường thi ở Hà Nội. Đó là hai trường thi Hương ở Bắc kì thời xưa. Nhưng khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội thì trường thi ở đây bị bãi bỏ, các sĩ tử ở Hà Nội phải xuống thi chung ở trường Nam Định. Từ “lẫn” cho thấy quang cảnh bát nháo, lẫn lộn của trường thi. Điều đó làm mất đi vẻ trang nghiêm của kì thi Hương.
Tiếp đến là khung cảnh nhập trường và xướng danh hiện lên cũng vô cùng khôi hài:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”
“Sĩ tử” là tư dùng để chỉ tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến, đi theo nghiệp bút nghiên. Họ thường có phong thái nho nhã, điềm tĩnh. Nhưng hình ảnh “sĩ tử” trong bài thơ lại được miêu hiện lên với vẻ lôi thôi, nhếch nhác. Khung cảnh trường thi vốn là nơi trang nghiêm mà giờ chẳng khác nào cảnh họp chợ, viên quan coi trường thi thì “ậm oẹ” và “thét loa” - nhốn nháo không khác gì nơi chợ búa. Một chi tiết nhỏ nhưng cũng phản ánh được hiện thực đất nước lúc bấy giờ.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tính trào phúng còn được đẩy lên khi tác giả miêu tả hình ảnh của “quan sứ” và “mụ đầm”. Một kì thi mang tính trọng đại của đất nước nhưng hình ảnh xuất hiện lại thật khôi hài, nhố nhăng - “lọng cắm rợp trời” gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ” - lũ cướp nước đầy long trọng. Không chỉ vậy, từ xưa, chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, phụ nữ không được đến. Vậy mà bây giờ lại có hình ảnh “mụ đầm ra” với “váy lê quét đất” càng làm tăng thêm sự nực cười. Qua chi tiết này, chúng ta thấy được sự suy thoái của đất nước lúc bấy giờ. Tiếng cười trước cảnh tượng lố lăng nơi trường thi nhưng cũng là tiếc khóc cho cảnh ngộ mất nước lúc bấy giờ.
Hai câu cuối bộc lộ nỗi xót xa trước cảnh ngộ mất nước của tác giả Tú Xương:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
Ở đây, nhà thơ đã sử dụng câu hỏi “nhân tài đất Bắc nào ai đó” như một lời thức tỉnh các sĩ tử về nỗi nhục mất nước. Kẻ thù xâm lược vẫn còn đó, thì đường công danh này có ý nghĩa gì. Đó là nỗi nhục nhã, đau đớn vô cùng của một con người yêu nước.
Bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu mang đậm dấu ấn phong cách sáng tác của Tú Xương, khắc họa được cảnh ngộ đất nước lúc bấy giờ cũng như bộc lộ nỗi niềm đau đớn, xót xa của tác giả trước cảnh ngộ đó.
Bài văn mẫu số 10
Bài thơ Câu cá mùa thu thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi cảm tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc mùa thu đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời, bài thơ cũng cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước của tác giả.
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"
Hai câu đầu nói về bức tranh mùa thu ở đồng bằng Bắc bộ. Tác giả từ đã khéo léo thay đổi điểm nhìn từ gần ra xa để thu vào tầm mắt cảnh vật xung quanh. Nước ao “trong veo” toả ra hơi thu “lạnh lẽo”. Làn sương mờ ảo như bao trùm mọi vật. Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ, được miêu tả với dáng vẻ - “bé tẻo teo”. Cách gieo vần “eo” - vốn là một vần rất khó để vào mạch nhưng lại được Nguyễn Khuyến sử dụng khéo léo, tinh tế. Từ đó, nhà thơ gợi đã ra một không gian vắng lặng, cô quạnh cũng như nỗi lòng đầy uẩn khúc của nhà thơ.
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”
Ở hai câu tiếp, mùa thu được gợi ra qua hình ảnh “sóng biếc, lá vàng” cùng với đường nét “hơi gợn tí, khẽ đưa vèo”. Ở đây, màu “biếc” của sóng hòa hợp với sắc “vàng” của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối vô cùng điêu luyện, góp phần diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên. Hình ảnh “lá vàng ” với “sóng biếc ”, tốc độ “vèo” của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của gợn sóng. Có thể hình dung ra, mùa thu hiện lên không chỉ có màu sắc mà còn có chuyển động, làm tăng thêm vẻ sống động, chân thực. Hai câu thơ giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của hồn thu.
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo."
Ở đây, không gian miêu tả được mở rộng thêm. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời “xanh ngắt” với những tầng mây “lơ lửng” trôi theo chiều gió nhẹ. Từ “xanh ngắt” không chỉ gợi ra màu xanh mà còn cho thấy chiều sâu. Trời thu không mây mà xanh ngắt một màu. Và rồi, nhà thơ đưa điểm nhìn lại gần. Nơi thôn xóm vắng lặng. Mọi con đường quanh co, hun hút và không một bóng người qua lại. Cảnh vật dường như mang chút êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt.
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Đến hai câu cuối, con người đã xuất hiện. “Tựa gối buông cần” là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của một nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Âm thanh “cá đâu đớp động”, thêm từ “đâu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá phải chăng cũng chính là tác giả - một con người yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp nên đã cáo bệnh, từ quan. Và rồi, tâm hồn bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Không gian có lẽ phải vô cùng yên tĩnh mới có thể lắng nghe được tiếng cá đớp động. Nhờ có không gian tĩnh lặng đó đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn bã, cô quạnh trong lòng nhà thơ.
Bài thơ Câu cá mùa thu khắc họa vẻ đẹp của khung cảnh làng quê vào mùa thu cũng như thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, cùng với nỗi lo lắng cho cảnh ngộ đất nước ngay cả khi đã cáo quan về ở ẩn.
Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ tứ tuyệt Đường luật)
Bài văn mẫu số 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài thơ hay. Một trong số đó là bài “Rằm tháng giêng” đã khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên;”
(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất
Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)
Trăng vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca, đặc biệt là trong thơ Bác. Ta đã từng bắt gặp ánh trăng gợi nhớ về quê hương trong thơ Lí Bạch:
“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương”
(Ngẩng đầu ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương)
Hay trong chính thơ của Bác, ánh trăng cũng xuất hiện trong bài thơ Cảnh khuya:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Đến “Rằm tháng giêng”, ánh trăng xuất hiện với nét độc đáo. Trước hết, đây không phải là một đêm trăng bình thường, mà là đêm rằm tháng giêng. Trăng đang ở độ tròn đầy nhất, đẹp nhất và sáng nhất - “nguyệt chính viên”. Bởi vậy, ánh sáng của trăng chiếu xuống cảnh vật khiến cho thiên nhiên tràn đầy sức sống, vẻ đẹp. Đến câu thơ tiếp theo, Bác đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ - từ “xuân” được nhắc lại ba lần. Từ “tiếp” gợi ra cho người đọc cảm nhận rằng dường như trời và đất đang giao hòa gặp gỡ nhau bởi sắc xuân rực rỡ. Thiên nhiên lúc này đang nhuốm đậm sắc xuân. Mọi vật tràn đầy sức sống đang căng mình trỗi dậy giữa đất trời. Như vậy, hai câu thơ đầu đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên đêm trăng vô cùng sinh động.
Đến với hai câu thơ tiếp, con người đã xuất hiện, nhưng với tư cách là chủ thể trữ tình:
“Yên ba thâm sứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”
(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân
Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền)
Trong thơ ca xưa, con người xuất hiện trước thiên nhiên vô cùng nhỏ bé, mờ nhạt:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
Nhưng trong thơ Bác, con người đã xuất hiện với tư cách là chủ thể trữ tình. Mặc dù trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh, mọi hoạt động đều phải diễn ra một cách thầm lặng và kín đáo, nhưng con người vẫn hiện lên với tư cách là trung tâm. Ở đây, Bác Hồ cùng với các chiến sĩ mới lựa chọn thời điểm đêm khuya để bàn bạc việc quân. Đó là những việc quan trọng, có tính quyết định đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Bởi vì quá hăng say bàn bạc việc quân, việc nước mà đến khi công việc xong xuôi thì trời cũng đã về khuya. Bác chợt nhận ra vẻ đẹp thơ mộng của ánh trăng. Hình ảnh “nguyệt mãn thuyền” muốn thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng. Hai câu thơ cuối cho thấy phong thái ung dung, lạc quan, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tâm hồn giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ.
Tóm lại, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã khẳng định tình yêu thiên nhiên, cùng với lòng yêu nước sâu sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài văn mẫu số 2
Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực - miêu tả hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.
Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”. Mở đầu bằng cụm từ “thân em” - đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Hay như:
“Thân em như ớt chín cây
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”
Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.
Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. : Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn.
Bài văn mẫu số 4
Bài thơ Nam quốc sơn Hà là lời khẳng định đanh thép chủ quyền lãnh thổ của quốc gia dân tộc cũng như nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."
Khi kể về sự ra đời của bài thơ, đã có rất nhiều truyền thuyết. Nhưng nổi tiếng nhất là vào năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quan sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em trương Hống và Trương Hát - hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần sông Như Nguyệt - có giọng ngâm bài thơ này.
Trong quan niệm của xã hội xưa thì toàn bộ diện tích lãnh thổ, của cải vật chất, con người của một đất nước đều thuộc về nhà vua. Người có quyền quyết định tất cả mọi thứ, thậm chí cả quyền sinh sát. Cách dùng từ “hoàng đế nước Nam” muốn chỉ người đứng đầu của một quốc gia - thể hiện sự ngang hàng với phương Bắc. Câu thơ thứ hai tiếp tục là một lời khẳng định. Hình ảnh “thiên thư” có nghĩa là sách trời. Lãnh thổ, địa phận của đất nước đã được ghi tại sách trời. Điều này khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể chối cãi và thay đổi được.
Với lời khẳng định đó, hai câu thơ sau tiếp tục khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Câu hỏi tu từ “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” giống như một lời răn đe, cảnh cáo cho những kẻ xâm lược đi xâm lược lãnh thổ là đang làm trái ý trời. Và từ đó, câu thơ cuối cùng vang lên đầy đanh thép. Những kẻ đi xâm lược, cướp nước của dân tộc khác sẽ không có được kết thúc tốt đẹp. Giọng thơ dõng dạc, hùng hồn, đanh thép nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Có thể khẳng định, “Nam quốc sơn hà” được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần yêu nước, cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ của nhân dân ta trước mọi kẻ thù xâm lược.
Bài văn mẫu số 5
Thượng tướng Trần Quang Khải là một vị tướng văn võ song toàn, từng có công rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông- Nguyên. Sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, chiến thắng giải phóng kinh đô năm 1285, ông được cử đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh. Trên đường đi, ông đã sáng tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Đây là khúc khải hoàn đầu tiên của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Hai câu đầu của bài thơ thể hiện chiến thắng hào hùng vang dội của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược.
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
(Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù)
Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thời vua Trần, nhân dân ta đã giành nhiều chiến thắng trong nhiều chiến dịch, nổi tiếng nhất là chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nhưng tại sao Trần Quang Khải chỉ nói đến chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử mà không hề nhắc đến trận Bạch Đằng? Phải chăng đây là hai chiến thắng tiêu biểu, có tính quyết định dứt khoát để giành thắng lợi cuối cùng? Phải chăng nhờ hai chiến thắng này, nhà vua và cả triều đình sau thời gian sơ tán, được trở về kinh đô, trở về nhà trong niềm vui sướng? Trong thực tế lịch sử, chiến thắng Hàm Tử diễn ra trước, chiến thắng Chương Dương sau. Tại sao tác giả lại nói ngược lại, nêu Chương dương trước, sau đó là Hàm Tử? Tìm hiểu lịch sử, ta thấy rằng, người chỉ huy trận Hàm Tử là tướng Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chỉ tham gia hỗ trợ. Còn ở trận Chương Dương, Trần Quang Khải thống lĩnh ba quân, trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi giòn giã, để rồi ngay sau đó được cử hộ giá nhà vua về kinh. Niềm vui chiến thắng, đi liền với niềm vui được “phò giá” dồn dập nối tiếp cộng hưởng cho nhau. Có lẽ vì thế mà trong phút ngẫu hứng, vị tướng đã nhắc ngay đến chiến thắng Chương Dương, rồi mới hồi tưởng Hàm Tử. Trong cả hai chiến dịch, quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm, khí thế, quyết đoán. Song, tác giả chỉ đúc lại trong hai câu thơ ngắn gọn với hai động từ mạnh đó là “đoạt” và “cầm”. “Đoạt” nghĩa là “lấy hẳn được về cho mình qua đấu tranh với người khác”. Như vậy, dùng từ “đoạt sáo”, nhà thơ vừa ghi nhận chiến công vừa ngợi ca hành động chính nghĩa, dũng cảm của quân ta. Ở Chương Dương, ta giành được gươm giáo, vũ khí của giặc thì ở Hàm Tử, ta bắt sống được tướng giặc ngay tại trận. Trong chiến trận chắc chắn có thương vong, tổn hại lực lượng của cả bên ta lẫn bên địch. Nhưng lời thơ không đề cập đến, vì mục đích chiến đấu của dân tộc ta không phải là giết kẻ thù mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải trả lại đất nước cho ta. Giọng thơ khỏe khoắn, hùng tráng, âm điệu tươi vui, rộn ràng làm ta có cảm giác vị tướng ấy đang ngẩng cao đầu, vừa đi vừa cất tiếng ngâm thơ. Có thể nói, hai câu thơ trên đã tái hiện không khí chiến thắng oanh liệt, tình cảm phấn chấn, tự hào của nhà thơ trên đường hộ tống nhà vua về kinh.
Dời xuống hai câu sau, âm điệu thơ như lắng lại. Nhà thơ dường như đang suy nghĩ về tương lai đất nước:
“Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.”
(Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.)
Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng về tương lai của đất nước, cũng là lời nhắn nhủ toàn thể quân dân ta bấy giờ. Tiếng nói, khát vọng của một người đã trở thành động lực, quyết tâm của toàn dân tộc. Trần Quang Khải tự nhắc mình nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng “tu trí lực”, bởi tu dưỡng trí tuệ, rèn luyện sức lực là hai yếu tố tiên quyết của một con người và một dân tộc nếu muốn làm nên chiến thắng, muốn xây dựng hòa bình. Đồng thời, ông động viên quân dân gắng sức, đồng lòng phát huy thành quả chiến thắng để xây dựng đất nước thanh bình, bền vững dài lâu chứ không được ngủ quên trên chiến thắng. Câu thơ cuối vừa chỉ ra cái chặng đường đi tiếp của đất nước vừa bày tỏ lòng mong muốn, niềm khát khao mãnh liệt về một tương lai tươi sáng muôn đời của dân tộc. Nghĩa của thơ biểu ý, nhưng nhạc của thơ lại mang tính biểu cảm. Lời răn dạy hài hòa với niềm tin, niềm hi vọng của quân dân ta.
Hai câu thơ sau là khát vọng hòa bình sau khi giành được chiến thắng vang dội và sự mong muốn xây dựng nền hòa bình cho đất nước lâu dài. Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ với quân dân: chúng ta không được phép ngủ quên trên chiến thắng. Điều đó thể hiện trí tuệ, biết lường trước được mọi việc, tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài ba biết lo cho dân cho nước. Để cho non nước được nghìn thu, hòa bình bền vững, thì khát vọng hòa bình không chỉ là khát vọng của riêng của người lãnh đạo mà còn là khát vọng chung của cả dân tộc.
Bằng cách nói chân thành, với câu chữ giản dị, mộc mạc, “Tụng giá hoàn kinh sư” đã thể hiện hào khí chiến thắng vang dội và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta trong thời đại nhà Trần.
Bài văn mẫu số 6
Lý Bạch được người đời mệnh danh là “thi tiên”. Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Đến với bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”, người đọc sẽ cảm nhận được điều đó:
“Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt, đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương”
Hai câu thơ mở đầu, nhà thơ đã khắc họa vẻ đẹp của ánh trăng. Hai từ “minh ”, “quang”, “sương” đều có nghĩa là “sáng” đã cho thấy rằng ánh trăng trong đêm rất sáng và mở ảo. Khi chiếu xuống mặt đất cứ ngỡ như đang có một làn sương mờ ảo phủ xuống. Cùng với đó là từ “sàng” (giường) nhằm xác định vị vị trí ngắm trăng - ánh trăng xuyên qua khe cửa, chiếu xuống đầu giường chứng tỏ trăng đêm rất sáng và trời cũng đã khuya rồi. Nhưng lúc này, nhà thơ vẫn còn thức để ngắm trăng. Điều đó còn cho thấy tâm trạng của Lí Bạch. Đó là sự thao thức, bâng khuâng trước vẻ đẹp của ánh trăng.
Không dừng lại ở đó, trăng còn gợi nhắc Lí Bạch nhớ về “cố hương” - quê cũ. Từ “vọng” có thể hiểu theo hai cách. Cách hiểu thứ nhất là “nhìn ra xa” cho thấy hành động ngắm trăng của nhà thơ. Còn cách hiểu thứ hai là “ngóng trông” cho thấy hành động nhìn về quê hương ở phía xa. Cùng với đó là hai hành động đối lập “cử đầu” - “đê đầu” (ngẩng đầu - cúi đầu) giúp cho câu thơ trở nên đăng đối nhịp nhàng. Khi bắt gặp ánh trăng, Lí Bạch cứ ngỡ đó là màn sương đêm. Nhưng ngẩng đầu nhìn mới nhận ra đó là trăng chứ không phải sương. Và ánh trăng này khiến ông nhớ đến quê hương. Hành động cuối cùng là cúi xuống giống như là đang kìm nén cảm xúc đang trào dâng trong lòng. Từ đó, người đọc cảm nhận được nỗi nhớ sâu đậm của tác giả dành cho quê hương của mình.
Lí Bạch đã thể hiện tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh qua bài thơ. Đây quả là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của nhà thơ.
Bài văn mẫu số 8
“Cảnh khuya” được Bác Hồ sáng tác khi còn ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Bài thơ đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, cũng như tấm lòng yêu nước sâu nặng của nhà thơ.
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Trong bài “Côn Sơn ca”, Nguyễn Trãi cũng đã có hình ảnh so sánh độc đáo về tiếng suối:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”
Còn trong “Cảnh khuya”, Hồ Chí Minh đã so sánh “tiếng suối” với “tiếng hát xa”. Từ đó, âm thanh tiếng suối trở nên có tâm hồn. Âm thanh tiếng suối trong trẻo, vang vọng tựa như tiếng hát từ xa vọng lại. Cùng với tiếng suối, vẻ đẹp của thiên nhiên còn được khắc họa qua ánh trăng. Trăng vốn quen thuộc trong thơ của Bác. Mỗi bài thơ, ánh trăng đều được khắc họa độc đáo. Câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” gợi ra hai cách hiểu. Ánh sáng của vầng trăng chiếu xuống những bông hoa rừng tạo ra bóng hoa in xuống mặt đất. Hay ánh trăng sáng chiếu xuyên qua từng tán cây cổ thụ, phản chiếu xuống mặt đất tạo ra hình thù như những bông hoa. Mỗi cách hiểu đều có sự độc đáo riêng nhưng đều gợi ra vẻ đẹp đầy thơ mộng của thiên nhiên đêm trăng nơi chiến khu Việt Bắc.
Trong bức tranh thiên nhiên đó, con người đã xuất hiện với nỗi lòng suy tư:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Nếu như trong thơ cổ, con người xuất hiện giữa thiên nhiên chỉ là một chấm buồn nhỏ bé:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)
Thì trong thơ Bác, con người xuất hiện với tư cách là trung tâm trong bức tranh thiên nhiên đó. Nhân vật trữ tình trong “Cảnh khuya” hiện lên với trạng thái “chưa ngủ”. Có lẽ vì bức tranh thiên nhiên quá đỗi thơ mộng? Hay vì nỗi băn khoăn, lo lắng nào khác? Câu thơ cuối cùng đã giải thích lí do - “vì lo nỗi nước nhà”. Bác một lòng lo cho nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cụm từ “chưa ngủ” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh nỗi lo âu, trăn trở của Bác. Từ đó, hình ảnh Hồ Chí Minh hiện lên thật đẹp đẽ, vị đại - một con người luôn vì nước, vì dân.
“Cảnh khuya” miêu tả cảnh ánh trăng ở chiến khu Việt Bắc cũng như thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước của nhà thơ. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh.
Bài văn mẫu số 9
Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kì trung đại. Bài thơ Bánh trôi nước của bà vô cùng nổi tiếng, gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa.
“Thân em vừa trắng, lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ có hai nét nghĩa. Thứ nhất, nghĩa tả thực miêu tả bánh trôi nước từ hình dáng cho đến cách làm. Thứ hai, nghĩa biểu tượng nói về thân phận, cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Về nghĩa tả thực, Hồ Xuân Hương đã thật khéo léo, tài tình khi miêu tả chiếc bánh trôi cũng như cách làm ra một chiếc bánh trôi. Hình ảnh chiếc bánh trôi hiện lên với màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nặn có khéo léo.
Về nghĩa biểu tượng, ở câu thơ đầu, tác giả sử dụng mô típ quen thuộc trong văn học dân gian “thân em”. Hai chữ “thân em” gắn liền với thân phận của người phụ nữ được thể hiện trong ca dao xưa:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.”
Hoặc là:
“Thân em như cánh hoa hồng,
Lấy phải thằng chồng như đống cỏ khô!”
Trong ca dao hay bài thơ của Hồ Xuân Hương, việc mở đầu bằng cụm từ “thân em” đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Mang vẻ đẹp về hình thức, ý thức được vẻ đẹp đó, nhưng số phận của họ lại hết truân chuyên, vất vả:
“Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Người phụ nữ trong xã hội phong kiến không được tự quyết định số phận, hạnh phúc của mình. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã làm rõ hơn về số phận vất vả, gặp nhiều gian truân của họ. Điều đó khiến chúng ta càng thêm thương xót, đồng cảm hơn cho người phụ nữ trong xã hội xưa. Mặc dù cuộc sống không được suôn sẻ, luôn gặp phải những sóng gió nhưng những người phụ nữ ấy lại mang trong mình những phẩm chất hết sức tốt đẹp:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Những người phụ nữ luôn mang trong mình tấm lòng trong trắng, tốt đẹp. Dù gặp cảnh ngộ nào, họ cũng vẫn giữ được tấm lòng son sắt, thủy chung. Chữ son như một điểm sáng, nhãn tự trong bài, làm bừng sáng nét đẹp về nhân cách, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc kết hợp linh hoạt các mô típ của văn học dân gian khiến cho bài thơ vừa giản dị, gần gũi vừa mang dáng dấp uyên bác, tài hoa.
Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Bài thơ giàu giá trị nhân văn, thể hiện tư tưởng tiến bộ của Hồ Xuân Hương.
Bài văn mẫu số 10
Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Một trong những bài thơ giúp người đọc cảm nhận được điều đó là “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư sơn bộc bố):
“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
Mở đầu bài thơ, Lý Bạch khắc họa một thế giới tuyệt đẹp vời của khung cảnh thiên nhiên núi Lư. Ánh mặt trời tươi sáng rọi chiếu xuống núi Hương Lô, tỏa sáng trên khung cảnh núi non kỳ vĩ. Nhà thơ còn điểm xuyết một màu sắc vô cùng rực rỡ, lộng lẫy với làn khói tía bốc lên từ ngọn thác, cùng với từ “sinh” gợi bức tranh thiên nhiên tràn đầy sự sống.
Giữa cảnh núi hùng vĩ, dòng thác hiện lên với những chuyển động tinh tế. Câu thơ “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” có thể hiểu là dòng thác đang treo trên dòng sông phía trước. Dòng thác lớn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống được nhà thơ hình dung như là nó được treo lơ lửng giữa không trung, dựa vào vách núi Hương Lô kỳ vĩ. Lúc này, dòng thác như đang ào ào chảy xuống con sông ở phía dưới từ “ba nghìn thước” - con số mang tính ước lệ gợi một khoảng cách rất cao và xa.
Câu thơ cuối cùng gợi liên tưởng thác nước tựa như một dải ngân hà rộng lớn giữa bầu trời, đầy màu sắc. Thác núi Lư hiện lên không chỉ thơ mộng mà còn hùng vĩ tráng lệ. Qua đó, Lí Bạch muốn gửi gắm tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết, cùng với niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước.
Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” đã khắc họa đẹp độc đáo của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư cũng như bộc lộ tình yêu nước của Lí Bạch.
Bài văn mẫu số 11
Một trong những nữ thi sĩ nổi tiếng phải kể đến Hồ Xuân Hương. Nhiều tác phẩm của bà có giá trị sâu sắc, trong đó có bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống.
“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.”
Ở hai câu thơ đầu, từ ngữ, hình ảnh thể hiện thái độ của tác giả khi đến đền Sầm Nghi Đống là “ghé mắt, trông ngang, kìa, cheo leo”. Những từ ngữ, hình ảnh này đã tước bỏ hết tính chất thiêng liêng cần có của một ngôi đền, thể hiện thái độ của tác giả là bất kính, xem thường và giễu cợt với kẻ xâm lược thất bại. Nguyên nhân của thái độ trên là do Sầm Nghi Đống là tướng giặc, theo Tôn Sĩ Nghị sang xâm lược, chiếm đóng kinh thành Thăng Long, giữ chức thái thú, được giao chấn thủ đồn Ngọc Hồi. Sau khi vua Quang Trung triệt phá đồn Ngọc Hồi (tháng Giêng năm 1978), Sầm Nghi Đống tự vẫn. Sau này, khi việc bang giao trở lại bình thường, vua Quang Trung cho phép Hoa kiều ở Hà Nội lập đền thờ. Tuy nhiên, theo tác giả bài thơ, viên tướng bại trận này không xứng đáng được thờ trong đền.
Trong hai câu thơ cuối, tác giả đã đưa ra một giả định. Nếu Hồ Xuân Hương được làm phận trai, thì chắc chắn sự nghiệp anh hùng sẽ không ít ỏi, thất bại như Sầm Nghi Đống. Giả định cho thấy tác giả không chịu an phận, khao khát được lập nên sự nghiệp vẻ vang như đấng nam nhi. Bên cạnh đó, giả định này cũng bộc lộ sự coi thường, đối với sự nghiệp của viên tướng Sầm Nghi Đống.
Bài thơ được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với giọng điệu, cách nhìn đa chiều cho thấy một lối viết văn trào phúng tài hoa.
Đề đền Sầm Nghi Đống là một tác phẩm hay của Hồ Xuân Hương. Tác phẩm gửi gắm nhiều thông điệp giá trị.
Bài văn mẫu số 12
Lai Tân là một trong những bài thơ thuộc tập thơ Nhật kí trong tù - tập thơ vô cùng nổi tiếng của Hồ Chí Minh.
Lai Tân là nơi mà Bác đã trải qua trên con đường từ Thiên Giang đến Liễu Châu thuộc Quảng Tây (Trung Quốc). Trong hoàn cảnh tù đày, Hồ Chí Minh đã chứng kiến biết bao sự thật về xã hội Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch.
Tác giả đã khắc họa hiện thực xã hội Lai Tân lúc bấy giờ:
“Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ,
Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền;
Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,”
( Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Chong đèn huyện trưởng làm công việc)
Bác không nêu tên gọi cụ thể mà chỉ điểm danh từng chức vụ gắn với trọng trách xã hội trong bộ máy công quyền, họ phải làm gương cho dân chúng trong việc thực thi pháp luật. Cách điểm danh và kể việc rành mạch tưởng như ai lo phận nấy, theo đuổi một cách mẫn cán. Ba nhân vật xuất hiện trong bài thơ là ban trưởng, cảnh trưởng và huyện trưởng. Những tưởng những bậc quan phụ mẫu của dân phải chăm lo công việc quốc gia. Nhưng không, ban trưởng nhà giam thì ngày ngày đánh bạc, cảnh trường thì tìm cách bóc lột các tù nhân, còn huyện trưởng thì chìm đắm trong thuốc phiện. Đó là những hành vi sai trái, cho thấy một bộ mặt xã hội vô cùng thối nát, xấu xa.
Ở đây, Bác đã sử dụng phép liệt kê tăng tiến, từ chức quan nhỏ cho đến lớn, để khẳng định rằng bộ máy chính quyền thối nát từ trên xuống dưới, chức càng cao càng hủ bại. Phép điệp cho thấy công việc của bọn họ khá nhịp nhàng, rành rạch. Nhịp sống vẫn diễn ra bình thường, đều đều. Cái tưởng như bất thường được lặp đi lặp lại hóa ra bình thường. Cái thối nát đến cực đại trở thành sự thường, thành nề nếp quy củ hẳn hoi, họ rất khéo léo che đậy nên cuộc sống vẫn yên ổn. Tiếng cười phê phán châm biếm có chiều sâu trí tuệ là ở đó.
Câu thơ kết bình luận, đánh giá sự việc đã được kể. Theo mạch tự sự thì câu thơ cuối mang nội dung phê phán nhưng tác giả kết luận ngược
“Lai Tân y cựu thái bình yên”
(Trời đất Lai Tân vẫn Thái Bình)
Bộ máy chính quyền thối nát như vậy, mà Lai Tân vẫn “thái bình”. Lời nhận xét thật nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy châm biếm, mỉa mai. Cái xã hội như vậy mà sao nhìn bên ngoài lại thật thái bình. Thế mới thấy rằng, bài thơ mang tính trào phúng, gợi ra tiếng cười mỉa mai, chua chát.
Bài thơ Lai Tân mang một tiếng cười trào phúng độc đáo, thú vị. Hồ Chí Minh đã khắc họa vô cùng chân thực, sinh động hiện thực bộ máy chính quyền của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Bài văn mẫu số 13
Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) của Trần Nhân Tông đã gửi gắm tình yêu thiên nhiên cũng như nỗi nhớ dành cho quê hương.
“Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.”
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.)
Tác giả đã khắc họa bức tranh quê hương trong buổi chiều tà thơ mộng, yên bình. Khung cảnh làng quê được miêu tả trong buổi chiều tà là thời điểm kết thúc của một ngày, khi mọi vật đều đã trở về nghỉ ngơi sau một ngày dài. Cụm từ “bán vô bán hữu” có nghĩa nửa có nửa như không gợi sự mờ ảo, thực đấy mà ảo đấy khiến cho người đọc không rõ cảnh tượng này là mơ hay là thực. Toàn bộ không gian làng quê đều chìm trong làn sương mờ ảo, cảnh tượng tạo nên một khung cảnh mơ hồ, tựa như một bức tranh chứ không có thật.
Tiếp đến, hình ảnh “mục đồng nghịch lý” - cậu bé chăn trâu ngồi thổi sáo là hình ảnh vốn đã quen thuộc ở mỗi làng quê, từ đó gợi cho ông nhớ về kí ức tuổi thơ được chăn trâu, thổi sáo. Trong câu thơ tiếp theo, hình ảnh được gợi ra là từng đôi cò trắng hạ xuống cánh đồng. Hình ảnh này gợi ra cho em tưởng tượng đến cảnh đoàn tụ. Đôi cò trắng sau một ngày kiếm ăn vất vả đã trở về tổ nghỉ ngơi. Không chỉ vậy, qua những hình ảnh này còn cho thấy sự gắn bó, hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Từ đó, chúng ta cũng thấy được tấm lòng yêu quê da diết của nhà thơ.
Qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống được tái hiện trong bài thơ, tác giả đang chìm đắm vào khung cảnh thiên nhiên của làng quê và nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, từ đó có thể thấy được tình yêu mến và gắn bó sâu sắc với quê hương.
Bài văn mẫu số 14
Hạ Tri Chương là một nhà thơ nổi tiếng của thời nhà Đường của Trung Quốc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là bài “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”. Bài thơ được viết với tâm trạng đau xót khi về quê cũ mà lại bị người ở quê coi là “khách xa xứ” do đã lâu không về quê. Đồng thời nhà thơ cũng bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết, sâu đậm:
“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?”
Bài thơ được Hạ Tri Chương sáng tác nhân lúc về thăm quê cũ ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc). Trước hết, ngay từ nhan đề bài thơ đã có sự độc đáo: “Hồi hương ngẫu thư” - Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê. Ở đây, cụm từ “ngẫu nhiên viết” cho thấy không hoàn toàn chủ định viết mà nhân buổi trở về quê hương, đối mặt với sự đổi thay mà viết thành bài thơ bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết.
Hai câu thơ đầu, Hạ Tri Chương đã khắc hoạ sự thay đổi của nhân vật trữ tình khi trở về quê hương. Một nghịch cảnh xảy ra đối với nhân vật trữ tình đó là khi rời khỏi quê hương vẫn còn trẻ, nhưng khi trở về thì đã có tuổi - đã già rồi. Qua đó người đọc thấy được khoảng thời gian xa quê của nhân vật trữ tình là rất dài. Đồng thời thể hiện sự day dứt, nuối tiếc khi đến gần đến cuối cuộc đời mới có thể trở về quê. Suốt nhiều năm bôn ba nơi đất khách quê hương, tuổi tác có thể làm thay đổi vẻ bên ngoài (mái tóc đã bạc trắng) nhưng những gì thuộc về gốc gác quê hương (giọng nói, tấm lòng) vẫn không thể thay đổi. Đó chính là tình cảm thủy chung son sắc của nhà thơ dành cho quê hương. Tác giả đã sử dụng phép đối giữa “thiếu tiểu” - “lão đại” (trẻ - già) và “li gia” - “đại hồi” (đi - về) và phép đối giữa giọng quê không đổi (cái không đổi) - tóc đã điểm bạc (cái đã thay đổi). Từ đó ý muốn nhấn mạnh vào sự thay đổi qua thời gian cũng như khẳng định tấm lòng son sắc với quê hương. Như vậy, hai câu đầu đã khái quát được quãng thời gian đằng đẵng xa quê của nhà thơ. Đồng thời bộc lộ nỗi niềm xót xa, nhớ mong của nhân vật trữ tình.
Tiếp đến, nhà thơ khắc họa sự thay đổi của quê hương sau nhiều năm nhân vật trữ tình trở về quê. Nhiều năm sau trở về quê hương, đáng lẽ ra nhân vật trữ tình phải nhận được sự chào đón của những người dân quê. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Câu hỏi hồn nhiên của đứa trẻ: “Khách tòng hà xứ lai? (Khách ở nơi nào đến?) đã cho thấy điều đó. Thời gian qua đi, giờ đây những bạn bè, người thân cũ không còn tin tức nữa. Khi trở về chỉ có những đứa trẻ ra đón với một câu hỏi vừa ngây thơ vừa chân thật. Từ “khách” đã chỉ ra một thực tế xót xa, một người con của quê hương, sau bao nhiêu năm mới trở về đã trở thành con người xa lạ. Dường như, con người ấy đã trở nên lạc lõng ngay chính trên mảnh đất gắn bó máu thịt của mình. Ở hai câu cuối đã xây dựng tình cảnh của nhân vật trữ tình đầy hóm hỉnh mà cũng thật xót xa.
Tóm lại, bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” đã thể hiện tình yêu sâu sắc của một người con xa quê lâu ngày nay được trở về quê.