Văn mẫu lớp 8: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (6 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 8

Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi, sẽ được giới thiệu đến các bạn học sinh.

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi
Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi

Mong rằng tài liệu này có thể giúp ích cho các bạn học sinh lớp 8 khi học bài nói và nghe. Nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.

Thảo luận vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - Mẫu 1

- Mở đầu: Xin kính chào thầy cô và các bạn, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… . Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề…

- Nội dung chính:

Ngày nay, con người có rất nhiều phương tiện để giải trí. Một trong số đó trò chơi điện tử.

Trước hết, cần hiểu trò chơi điện tử (game online) là một dạng trò chơi trực tuyến. Nó được sáng tạo ra bởi những người am hiểu công nghệ, có sự sáng tạo và đầu óc tưởng tượng phong phú. Đó không chỉ là trò tiêu khiển của lứa tuổi trẻ em mà còn là người lớn tuổi.

Một thực trạng đang xảy ra là nhiều người rơi vào tình trạng “nghiện game”. Điều đó đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Việc ngồi trước màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe. Ngoài ra, người chơi sẽ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc vào game. Những đối tượng chơi game thường là học sinh, sinh viên - chưa làm ra tiền, vì thế để có tiền chơi điện tử nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như nói dối, trộm cắp, lừa lọc…

Nhưng chơi game không hoàn toàn chỉ có tác hại mà còn mang lại một số lợi ích nhất định. Chơi game giúp thư giãn, giải trí sau những giờ học tập, căng thẳng mệt mỏi. Nhiều nội dung game hấp dẫn giúp người chơi rèn luyện được kĩ năng, kĩ thuật nhanh tay nhanh mắt. Có nhiều game còn có nội dung trò chơi liên quan đến các lĩnh vực khoa học giúp người chơi bổ sung được những kiến thức quý giá. Bởi vậy, mỗi người cần ý thức được tác hại cũng như lợi ích của trò chơi điện tử.

Rõ ràng, chơi game vừa có lợi ích, vừa có tác hại. Người chơi cần biết cần bằng để phát huy được lợi ích, tránh xa những tác hại của trò chơi điện tử.

- Kết thúc: Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp từ thầy cô và các bạn.

Thảo luận vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - Mẫu 2

- Mở đầu: Xin kính chào thầy cô và các bạn, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… . Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề…

- Nội dung chính:

Khi tham gia giao thông, mỗi người cần nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Nhưng hiện nay đang tồn tại hiện tượng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Xe đạp điện là một phương tiện giao thông được sử dụng phổ biến, đặc biệt là đối tượng học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, loại phương tiện này có thể đạt tốc độ lên tới 40 -50 km/giờ, gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Chính vì vậy, theo quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ, người điều khiển xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng hiện nay, có rất nhiều học sinh không chấp hành đúng theo quy định này. Việc đội mũ bảo hiểm thường mang tính chất đối phó, khi có sự giám sát của nhà trường. Một số học sinh đội mũ nhưng không cài quai cẩn thận. Có học sinh chỉ mang theo mũ bảo hiểm để ở giỏ xe, lúc nhìn thấy lực lượng cảnh sát giao thông từ xa mới dừng lại đội mũ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do ý thức của học sinh. Việc thiếu hiểu biết về Luật giao thông đường bộ, không nắm rõ quy định phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện hay nắm rõ quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm do chủ quan, xem nhẹ mức độ nghiêm trọng nếu xảy ra tai nạn. Nhiều bạn cho rằng đội mũ bảo hiểm sẽ làm mất thẩm mĩ, gây nóng bức chật chội hoặc không đội mũ bảo hiểm để gây sự chú ý, thể hiện sự khác biệt. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng xuất phát từ chính nhà trường khi chưa có những biện pháp tuyên truyền một cách hiệu quả để học sinh nghiêm túc chấp hành. Lực lượng cảnh sát cũng chưa xử phạt một cách nghiêm khắc mà đã số chỉ nhắc nhở hay bỏ qua cho những hành vi vi phạm.

Chúng ta cần hiểu rằng, việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu xảy ra tai nạn, bản thân người điều khiển phương tiện sẽ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng đến não bộ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng làm mất đi nét đẹp văn minh đô thị, hoặc tạo thành thói quen xấu trong tương lai.

Chính vì vậy, gia đình và cần có những biện pháp tuyên truyền để học sinh hiểu rõ luật giao thông. Lực lượng chức năng cần xử lí nghiêm các hành vi vi phạm để có tính răn đe. Quan trọng nhất, mỗi học sinh cũng cần có ý thức chấp hành nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện.

Mỗi người hãy nhớ rằng việc đội mũ bảo hiểm - một hành động nhỏ bé nhưng có vai trò vô cùng quan trọng khi tham gia giao thông.

- Kết thúc: Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp từ thầy cô và các bạn.

Thảo luận vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - Mẫu 3

- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề tôn trọng mọi người xung quanh.

- Nội dung chính:

Tôn trọng mọi người là sự hành xử đúng mực, biết coi trọng danh dự, nhân phẩm và quyền lợi của mỗi người trong xã hội. Đồng thời phải biết sống hòa hợp và yêu thương, chia sẻ với người khác. Sống tôn trọng người khác là đối xử một cách công bằng với tất cả mọi người. Không phân biệt địa vị giàu sang, không phân biệt màu da sắc tộc. Cách sống như vậy sẽ thể hiện bạn là một con người văn minh.

Sống tôn trọng người khác đem lại cho bạn những điều tốt đẹp. Khi biết tôn trọng mọi người thì bản thân cũng nhận lại được sự tôn trọng của họ. Chúng ta sống biết tôn trọng tức là chúng ta là người có văn hóa, có lòng tự trọng và giàu lòng trắc ẩn. Sống trong một tập thể, nếu biết tôn trọng những người xung quanh sẽ làm cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và cuộc sống. Và những người biết tôn trọng người khác sẽ luôn khiến cho mọi người tin tưởng, yêu thương.

Con người biết tôn trọng đến từ thái độ và lời nói. Họ luôn cư xử với mọi người một cách bình đẳng mà không phân biệt bất cứ điều gì. Tôn trọng người khác với lời nói là luôn giữ đúng chuẩn mực đạo đức. Khi gặp người lớn tuổi thì chào hỏi lễ phép, khi nói chuyện ở nơi công cộng thì nhẹ nhàng, lịch sử. Khi người khác mắc lỗi thì không nên cáu gắt quát mắng mà cần nhẹ nhàng giảng giải, chia sẻ. Cùng với đó, hành động của họ cũng sẽ tỏ ra mình là người biết tôn trọng người khác. Cư xử đúng phép tắc cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng người khác. Lễ phép chào hỏi khi gặp người lớn tuổi. Giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn với lòng nhiệt tình và sự chân thành chứ không vụ lợi cho bản thân. Khi ở những nơi công cộng như công viên, cơ quan nhà nước hay công ty luôn biết tôn trọng những quy định chung.

Trái ngược với những hành vi trên, những hành vi thiếu tôn trọng diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội. Trong gia đình, chỉ vì không có sự tôn trọng lẫn nhau mà những người vợ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Nỗi đau của họ phải trải qua không chỉ là về thể xác mà còn là những dư chấn về tinh thần. Trong công ty, chỉ vì lợi ích cá nhân, hoặc sự thù ghét mà đồng nghiệp có thể nói xấu, lợi dụng lẫn nhau. Không ít người giàu có tỏ ra coi thường những người nghèo khó, coi họ là một món đồ để tiêu khiển. Những hành động đó đều xuất phát từ sự thiếu tôn trọng giữa người với người.

- Kết thúc:

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Thảo luận vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - Mẫu 4

- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề sống ảo.

- Nội dung chính

Sống ảo là chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội - một thế giới không có thật. Nó đã trở thành một trào lưu trong xã hội hiện đại khi mà ai cũng đều sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Hiện nay, lối sống ảo xuất hiện phổ biến nhất ở giới trẻ.

Một số trang mạng xã hội phổ biến được nhiều người dùng như: Facebook, Instagram, Zalo,... Chúng ta chỉ có một chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng internet là có thể truy cập ngay vào các trang mạng xã hội này - bất cứ khi nào, bất cứ ở đầu. Việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ cuộc sống của bản thân là không sai. Nhưng nếu như, con người quá chìm đắm trong thế giới đó mà quên đi cuộc sống thực tại của mình thì đó chính là sống ảo. Một ngày có 24 giờ nhưng có những bạn trẻ dành đến 18 - 20 giờ để online trên mạng xã hội. Họ đăng một dòng trạng thái, một bức ảnh lên mạng xã hội rồi chờ đợi những “lượt like, comment, share” - càng nhiều càng cảm thấy thích thú. Chỉ cần những có những bức ảnh sở hữu hàng nghìn, trăm nghìn lượt like hay trên Facebook có hàng chục nghìn người theo dõi là các bạn có thể trở thành hot girl, hot boy của cộng đồng mạng. Chẳng cần tham gia bất cứ hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện nào mà những con người ấy nghiễm nhiên trở thành người nổi tiếng. Điều đó sẽ khiến con người tự ảo tưởng về bản thân mình. Điều đó thật nguy hiểm.

Nhiều bạn trẻ có thói quen chuyện gì cũng đăng lên facebook, chuyện gì cũng mang lên mạng xã hội để khoe khoang. Ngay cả chuyện hôm nay ăn uống những gì, đi chơi ở đâu họ cũng đăng lên mạng xã hội. Mạng xã hội còn bị những thành phần chống phá Nhà nước lợi dụng để lan truyền những thông tin thất thiệt. Hay như trong những ngày vừa qua, trong đai ịch Covid-19, nhiều người đã chia sẻ những thông tin sai lệch về dịch bệnh lên mạng xã hội khiến cả cộng đồng hoang mang, cuối cùng nhận hậu quả là bị công an triệu tập lên để xử phạt…

Hiện tượng sống ảo bắt nguồn từ việc con người mong muốn được thể hiện bản thân, khát khao được nổi tiếng, trở thành một hiện tượng xã hội thu hút sự quan tâm của mọi người. Họ không chọn cách nổi tiếng bằng con đường học hành, thi cử hay nổi tiếng bằng những việc làm có ích cho xã hội mà thay vào đó là sự nổi tiếng do những phát ngôn gây sốc, những tấm ảnh chỉnh sửa quá đà… Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bạn trẻ. Vì ngại chia sẻ với những người xung quanh nên họ có thể chia sẻ mọi chuyện với một người xa lạ trên mạng xã hội. Sống ảo cũng bắt nguồn từ sự nhận thức lệch lạc của mỗi người. Họ cho rằng sống ảo là lối sống thời thượng, rất phù hợp với thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Từ những suy nghĩ ấy mà khiến hiện tượng sống ảo ngày càng lan rộng và để lại nhiều hậu quả trong giới trẻ. Sống ảo chiếm khá nhiều quỹ thời gian của họ khiến họ mất tập trung vào học tập, công việc. Họ chỉ quan tâm đến thế giới ảo mà không quan tâm đến cuộc sống ngoài đời thực của mình. Họ thu mình vào một thế giới riêng, thế giới với những ảo mộng mà không giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Điều đó có thể dẫn tới những suy nghĩ và hành động tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến chính bản thân người sống ảo và những người xung quanh.

- Kết thúc:

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Thảo luận vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - Mẫu 5

- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề vai trò ý thức cộng đồng của học sinh.

- Nội dung chính:

Ý thức cộng đồng là gì?

Ý thức vốn là một phạm trù triết học khá trừu tượng và khó hiểu. Nhưng hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp, tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.

Ý thức cộng đồng của học sinh?

Học sinh cần hạ thấp cái tôi để hòa nhập với tập thể (trường, lớp), cùng nhau xây dựng để phát triển. Hoặc như việc giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp, ý thức giữ gìn của công,... Ý thức cộng đồng còn thể hiện ở sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc mọi người xung quanh (bạn bè). Tích cực tham gia các hoạt động tri ân, tưởng niệm của các cá nhân tổ chức, đoàn thể dành cho người có công với cách mạng, các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc cũng được gọi là ý thức cộng đồng. Mỗi học sinh cũng cần có lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần hội nhập cũng có thể xem là một phần của ý thức cộng đồng….

- Kết thúc:

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Thảo luận vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi - Mẫu 6

- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề bạo hành trẻ em.

- Nội dung chính:

Bạo hành là khi con người có những lời nói hoặc hành động có tính chất lăng mạ, xúc phạm hay tấn công, đánh đập một cách dã man, bất chấp vi phạm đạo đức, pháp luật. Những lời nói và hành vi đó có thể gây ra sự tổn thương sâu sắc về tinh thân cũng như thể xác của người bị bạo hành. Một trong những đối tượng dễ chịu bạo hành nhất chính là trẻ em.

Bạo hành trẻ em là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Ngay trong chính gia đình, nhiều bậc phụ huynh cho rằng đánh mắng là một việc làm bình thường để dạy dỗ con cái. Ở trong trường học, nạn bạo hành cũng có thể diễn ra với nhiều biểu hiện như thầy cô giáo đánh mắng học sinh, chính học sinh cũng đánh nhau,...

Bạo hành không chỉ về thể xác mà còn bạo hành về tinh thần. Việc mắng nhiếc, dọa dẫm đã khiến cho các em cảm thấy sợ hãi, đôi khi còn tạo ra những ám ảnh trong tinh thần ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Cũng như dễ dẫn đến gặp phải chướng ngại tâm lý, trầm cảm. Việc bạo hành như vậy tuy không để lại dấu vết, không nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay nhưng để lại hậu khôn lường. Bởi những vết thương về thể xác có thể sẽ lành theo thời gian. Nhưng những vết thương về tinh thần thì sẽ còn ám ảnh con người rất lâu.

Bạo hành là một hành vi vô cùng xấu xa, cần lên án. Bạo hành trong gia đình gây ra mối bất hoà và ảnh hưởng lớn tới sự bền vững của gia đình và xã hội. Còn bạo hành ngoài xã hội thì ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, ứng xử của con người. Mỗi cá nhân hãy nhận thức được tác hại của hành vi bạo hành trẻ em. Từ đó có ý thức bảo vệ và yêu thương trẻ em nhiều hơn.

- Kết thúc:

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 8
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm