Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích bài thơ thất ngôn bát cú (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 8
Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích bài thơ thất ngôn bát cú, cung cấp những mẫu tham khảo.
Nội dung bao gồm 2 bài văn mẫu lớp 8. Các bạn học sinh cùng tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Viết bài văn phân tích bài thơ thất ngôn bát cú
Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú - Mẫu 1
Bài thơ Thu điếu thuộc chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến. Qua bài thơ, người đọc thấy được một bức tranh thu của nơi làng quê Bắc bộ.
Tác giả đã sử dụng điểm nhìn một cách linh hoạt từ gần đến xa, từ xa đến gần để khắc họa bức tranh thu. Bức tranh hiện ra với không gian khá hẹp trong một chiếc ao nhỏ bé với một chiếc thuyền câu nhẹ tênh. Mùa thu trong tâm hồn nhà thơ với hình ảnh “ao thu lạnh lẽo” với làn nước “trong veo” giống như một chiếc gương khổng lồ có thể phản chiếu mọi cảnh vật. Chiếc thuyền câu ở đấy rồi nhưng vẫn chưa thấy con người xuất hiện:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Đến hai câu thơ tiếp theo, khung cảnh làng quê lúc này đã không còn tĩnh lặng nữa mà đã bắt đầu có chút âm thanh:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Sóng nhỏ vì ao vốn nhỏ, bởi vậy mới có “theo làn hơi gợn tí”. Kế tiếp là hình ảnh “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” - chỉ một động từ “vèo” thôi nhưng đã gợi ra một chuyển động thật tinh tế của chiếc lá.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Tác giả mở rộng không gian lên tận trời xanh với hình ảnh những đám mây lơ lửng giữa trời. Dường như với hình ảnh này, bức tranh thu trở nên thật lãng mạn và trữ tình. Không gian mở rộng là thế, bỗng chốc lại trở về với cận cảnh. Hình ảnh “ngõ trúc quanh co” chính là con đường làng quen thuộc với bóng tre đã đứng đó từ bao đời. Trời thu lạnh lẽo khiến cho đường làng trở nên vắng vẻ hơn. Vần “eo” (veo - teo - vèo) thật độc đáo, góp phần khắc họa bức tranh mùa thu.
Bài thơ được kết thúc bởi hình ảnh của nhân vật trữ tình:
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Con người đã xuất hiện trong bức tranh thu. Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang câu cá mà dường như chẳng hề chú tâm đến công việc của mình “tựa gối buông cần”. Có lẽ vì đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân để rồi chỉ một âm thanh nhỏ bé của cá đớp động dưới chân bèo lại làm nhà thơ giật mình sực tỉnh. Hai câu cuối đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình - hay cũng chính là nhà thơ trong một tâm thế nhàn nhã trước bức tranh thu nơi quê hương. Từ đó, bài thơ cũng bộc lộ tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, cùng với nỗi lo lắng cho cảnh ngộ đất nước ngay cả khi đã cáo quan về ở ẩn.
Qua bài thơ “Câu cá mùa thu”, tác giả đã khắc họa vẻ đẹp của mùa thu thật đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, cũng như nỗi niềm tâm trạng của tác giả.
Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú - Mẫu 2
Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là “Bạn đến chơi nhà”. Bài thơ đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết:
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
Cụm từ “đã bấy lâu nay” chỉ thời gian rất lâu rồi, người bạn của Nguyễn Khuyến mới đến chơi nhà. Điều đó khiến cho nhà thơ rất vui mừng, hạnh phúc. Cùng với cách xưng hô “bác” thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân mật. Câu thơ đầu như một tiếng reo vui, một lời đón khách đầy cởi mở.
Dẫu vậy thì hoàn cảnh của nhà thơ lúc này cũng thật là éo le. Trẻ em thì đi vắng rồi, không có người để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn được vì chợ ở quá xa. Tưởng rằng như vậy là chưa đủ, nhà thơ còn liệt kê một loạt các sự vật như “ao sâu - khôn chài cá”, “cải chửa ra cây, cà mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”. Thậm chí miếng trầu - ngay cả thứ quan trọng nhất bởi có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ở đây cũng không có. Sự thiếu thốn đã được đẩy lên đến tận cùng. Nhưng sự thiếu thốn đó không khiến cho thi sĩ buồn khổ mà còn đầy lạc quan, yêu đời. Bài thơ mang giọng điệu hóm hỉnh mà lạc quan, yêu đời.
Tuy là vật chất thiếu thốn, nhưng tình cảm bạn bè mới là thứ đáng quý nhất. Câu thơ cuối như một lời khẳng định cho tình bạn tri kỉ của Nguyễn Khuyến: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Bà Huyện Thanh Quan cũng đã từng sử dụng cụm từ “ta với ta” trong bài Qua Đèo Ngang:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Đại từ “ta” ở đây chỉ cùng một người, chỉ chủ thể trữ tình hay chính là tác giả. Lúc này Bà Huyện Thanh Quan đang chỉ có một mình nơi đèo Ngang hoang vu. Thời gian chiều tà gợi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy. Không gian tuy rộng lớn nhưng chỉ toàn những vật vô tri, vô giác. Có xuất hiện hình ảnh đời sống con người nhưng hết sức thầm lặng, nhỏ bé. Âm thanh sự sống đơn điệu, gợi nỗi buồn sâu thẳm. Con người lẻ loi trước vũ trụ mênh mông. Nhớ về quê hương, thương xót cho hoàn cảnh của đất nước, trước thiên nhiên rộng lớn chỉ có mình cô độc.
Ngược lại, trong thơ Nguyễn Khuyến, đại từ “ta” thứ nhất chính là nhà thơ, còn đại từ “ta” thứ hai chỉ người bạn. Từ “với” cho thấy mối quan hệ song hành, gắn bó. “Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. Cuộc sống tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng có bạn lại thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nhà thơ không hề cảm thấy cô đơn, buồn bã mà lại vô cùng vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn tri kỉ thật đáng ngưỡng mộ, cảm phục biết bao nhiêu.
Như vậy, “Bác đến chơi nhà” đã khắc họa một tình bạn chân thành thật đáng ngưỡng mộ. Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Khuyến.