Văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 8
Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, được giới thiệu đến bạn đọc.
Nội dung bao gồm 2 bài văn mẫu lớp 8. Các bạn học sinh cùng tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
Phân tích một bài thơ tứ tuyệt Đường luật - Mẫu 1
Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kì trung đại. Bài thơ Bánh trôi nước của bà vô cùng nổi tiếng, gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa.
“Thân em vừa trắng, lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bài thơ có hai nét nghĩa. Thứ nhất, nghĩa tả thực miêu tả bánh trôi nước từ hình dáng cho đến cách làm. Thứ hai, nghĩa biểu tượng nói về thân phận, cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Về nghĩa tả thực, Hồ Xuân Hương đã thật khéo léo, tài tình khi miêu tả chiếc bánh trôi cũng như cách làm ra một chiếc bánh trôi. Hình ảnh chiếc bánh trôi hiện lên với màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nặn có khéo léo.
Về nghĩa biểu tượng, ở câu thơ đầu, tác giả sử dụng mô típ quen thuộc trong văn học dân gian “thân em”. Hai chữ “thân em” gắn liền với thân phận của người phụ nữ được thể hiện trong ca dao xưa:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.”
Hoặc là:
“Thân em như cánh hoa hồng,
Lấy phải thằng chồng như đống cỏ khô!”
Trong ca dao hay bài thơ của Hồ Xuân Hương, việc mở đầu bằng cụm từ “thân em” đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Mang vẻ đẹp về hình thức, ý thức được vẻ đẹp đó, nhưng số phận của họ lại hết truân chuyên, vất vả:
“Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Người phụ nữ trong xã hội phong kiến không được tự quyết định số phận, hạnh phúc của mình. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” đã làm rõ hơn về số phận vất vả, gặp nhiều gian truân của họ. Điều đó khiến chúng ta càng thêm thương xót, đồng cảm hơn cho người phụ nữ trong xã hội xưa. Mặc dù cuộc sống không được suôn sẻ, luôn gặp phải những sóng gió nhưng những người phụ nữ ấy lại mang trong mình những phẩm chất hết sức tốt đẹp:
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Những người phụ nữ luôn mang trong mình tấm lòng trong trắng, tốt đẹp. Dù gặp cảnh ngộ nào, họ cũng vẫn giữ được tấm lòng son sắt, thủy chung. Chữ son như một điểm sáng, nhãn tự trong bài, làm bừng sáng nét đẹp về nhân cách, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc kết hợp linh hoạt các mô típ của văn học dân gian khiến cho bài thơ vừa giản dị, gần gũi vừa mang dáng dấp uyên bác, tài hoa.
Qua bài thơ, Hồ Xuân Hương cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Bài thơ giàu giá trị nhân văn, thể hiện tư tưởng tiến bộ của Hồ Xuân Hương.
Phân tích một bài thơ tứ tuyệt Đường luật - Mẫu 2
Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Một trong những bài thơ giúp người đọc cảm nhận được điều đó là “Xa ngắm thác núi Lư” (Vọng Lư sơn bộc bố):
“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”
Mở đầu bài thơ, Lý Bạch khắc họa một thế giới tuyệt đẹp vời của khung cảnh thiên nhiên núi Lư. Ánh mặt trời tươi sáng rọi chiếu xuống núi Hương Lô, tỏa sáng trên khung cảnh núi non kỳ vĩ. Nhà thơ còn điểm xuyết một màu sắc vô cùng rực rỡ, lộng lẫy với làn khói tía bốc lên từ ngọn thác, cùng với từ “sinh” gợi bức tranh thiên nhiên tràn đầy sự sống.
Giữa cảnh núi hùng vĩ, dòng thác hiện lên với những chuyển động tinh tế. Câu thơ “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” có thể hiểu là dòng thác đang treo trên dòng sông phía trước. Dòng thác lớn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống được nhà thơ hình dung như là nó được treo lơ lửng giữa không trung, dựa vào vách núi Hương Lô kỳ vĩ. Lúc này, dòng thác như đang ào ào chảy xuống con sông ở phía dưới từ “ba nghìn thước” - con số mang tính ước lệ gợi một khoảng cách rất cao và xa.
Câu thơ cuối cùng gợi liên tưởng thác nước tựa như một dải ngân hà rộng lớn giữa bầu trời, đầy màu sắc. Thác núi Lư hiện lên không chỉ thơ mộng mà còn hùng vĩ tráng lệ. Qua đó, Lí Bạch muốn gửi gắm tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết, cùng với niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước.
Bài thơ “Xa ngắm thác núi Lư” đã khắc họa đẹp độc đáo của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư cũng như bộc lộ tình yêu nước của Lí Bạch.