Văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong bài thơ Thu điếu 8 đoạn văn mẫu lớp 8 hay nhất

Thu điếu của Nguyễn Khuyến là bài thơ được tìm hiểu trong chương trình học của môn Ngữ văn lớp 8.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu
Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu

Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong bài thơ Thu điếu.

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong bài thơ “Thu điếu”.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 1

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng, đặc biệt là hai câu thơ cuối:

“Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Hai câu kết thể hiện được tâm trạng của nhân vật trữ tình trước cảnh sắc mùa thu. Con người xuất hiện với hành động là câu cá. Hình ảnh “tựa gối buông cần” gợi ra tâm thế thư thái, nhàn nhã của nhân vật trữ tình. Có lẽ, nhân vật trữ tình đã quá chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân để rồi chỉ một âm thanh nhỏ bé của cá đớp động dưới chân bèo cũng bị giật mình sực tỉnh. Từ đó, tác giả muốn bộc lộ tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, cùng với nỗi lo lắng cho cảnh ngộ đất nước ngay cả khi đã cáo quan về ở ẩn.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 2

Trong bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến, tôi ấn tượng nhất với hai câu thơ:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”

Mùa thu được gợi ra qua hình ảnh “sóng biếc, lá vàng” cùng với đường nét “hơi gợn tí, khẽ đưa vèo”. Ở đây, màu “biếc” của sóng hòa hợp với sắc “vàng” của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối vô cùng điêu luyện, góp phần diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên. Hình ảnh “lá vàng ” với “sóng biếc ”, tốc độ “vèo” của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của gợn sóng. Có thể hình dung ra, mùa thu hiện lên không chỉ có màu sắc mà còn có chuyển động, làm tăng thêm vẻ sống động, chân thực. Hai câu thơ giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của hồn thu.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 3

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh mùa thu thật sinh động, trong đó tôi ấn tượng nhất với hai câu thơ:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”

Cảnh sắc mùa thu được miêu tả qua hình ảnh “sóng biếc, lá vàng” cùng với đường nét “hơi gợn tí, khẽ đưa vèo”. Màu “biếc” của sóng hòa hợp với sắc “vàng” của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện. Hình ảnh “lá vàng ” với “sóng biếc ”, tốc độ “vèo” của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của gợn sóng. Bức tranh thu hiện lên không chỉ có màu sắc mà còn có chuyển động, làm tăng thêm vẻ sống động, chân thực. Có thể thấy rằng, hai câu thơ thực đã làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 4

Khi đọc Thu điếu, tôi cảm thấy thích nhất là hai câu luận:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo."

Không gian miêu tả được mở rộng thêm. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời “xanh ngắt” với những tầng mây “lơ lửng” trôi theo chiều gió nhẹ. Từ “xanh ngắt” không chỉ gợi ra màu xanh mà còn cho thấy chiều sâu. Trời thu không mây mà xanh ngắt một màu. Và rồi, nhà thơ đưa điểm nhìn lại gần. Nơi thôn xóm vắng lặng. Mọi con đường quanh co, hun hút và không một bóng người qua lại. Cảnh vật dường như mang chút êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 5

Cái ý vị của bài thơ “Thu điếu” mà tôi cảm nhận được nằm ở hai câu kết:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

“Tựa gối buông cần” là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của một nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Âm thanh “cá đâu đớp động”, thêm từ “đâu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá phải chăng cũng chính là tác giả - một con người yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp nên đã cáo bệnh, từ quan. Và rồi, tâm hồn bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Không gian có lẽ phải vô cùng yên tĩnh mới có thể lắng nghe được tiếng cá đớp động. Nhờ có không gian tĩnh lặng đó đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn bã, cô quạnh trong lòng nhà thơ.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 6

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến với hai câu đề đã gây cho tôi ấn tượng nhất:

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"

Hai câu đầu nói về bức tranh mùa thu ở đồng bằng Bắc bộ. Tác giả từ đã khéo léo thay đổi điểm nhìn từ gần ra xa để thu vào tầm mắt cảnh vật xung quanh. Nước ao “trong veo” toả ra hơi thu “lạnh lẽo”. Làn sương mờ ảo như bao trùm mọi vật. Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ, được miêu tả với dáng vẻ - “bé tẻo teo”. Cách gieo vần “eo” - vốn là một vần rất khó để vào mạch nhưng lại được Nguyễn Khuyến sử dụng khéo léo, tinh tế. Từ đó, nhà thơ gợi đã ra một không gian vắng lặng, cô quạnh cũng như nỗi lòng đầy uẩn khúc của nhà thơ.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 7

Khi đọc bài thơ Thu điếu, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với hai câu thơ mở đầu: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Tác giả Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh thu nơi làng quê Bắc bộ bằng những hình ảnh giản dị, quen thuộc. Ao thu hiện lên với làn nước trong veo, mang dáng vẻ lạnh lẽo của mùa thu. Nổi bật ở đó là chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. Sự đối lập về kích thước giữa ao thu rộng lớn với chiếc thuyền câu bé nhỏ khiến không gian câu thơ càng thêm rộng mở và trống trải. Điểm nhìn của nhân vật trữ tình từ gần mở rộng ra xa. Trên cao, bầu trời xanh ngắt, cao vợi đem lại cảm giác thoáng đãng vô cùng. Tác giả đã lấy chiếc thuyền câu nhỏ bé làm trung tâm, dường như nhân vật trữ tình đang ở đó để quan sát khung cảnh thiên nhiên, từ đó phóng tầm mắt ra xa là trời cao, ao rộng - các chiều kích không gian đều được khai mở toàn phần. Tất cả kết hợp với nhau, tạo nên bức tranh mùa thu tĩnh lặng đến lạ lùng.

Phân tích hai câu thơ gây ấn tượng nhất trong Thu điếu - Mẫu 8

Bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến để lại cho tôi nhiều ấn tượng, đặc biệt là hai câu thơ cuối: “Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,/Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”. Hai câu kết gợi mở về tâm trạng của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên. Con người xuất hiện với một công việc thật thư thái là câu cá. Hình ảnh “tựa gối buông cần” gợi ra một tâm thế nhàn nhã của nhân vật trữ tình. Có lẽ vì đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man của bản thân. Để rồi chỉ một âm thanh nhỏ bé của cá đớp động dưới chân bèo lại làm nhà thơ giật mình sực tỉnh. Như vậy, hai câu cuối đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình - hay cũng chính là nhà thơ trong một tâm thế nhàn nhã trước bức tranh thu nơi quê hương. Qua đó, tác giả cũng muốn bộc lộ tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, cùng với nỗi lo lắng cho cảnh ngộ đất nước ngay cả khi đã cáo quan về ở ẩn.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 8
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm