Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) về một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam 6 đoạn văn mẫu lớp 8
Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) về một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Nội dung của tài liệu sẽ bao gồm 6 đoạn văn mẫu lớp 8. Các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo ngay sau đây.
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) về một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Viết đoạn văn về một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam
- Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 1
- Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 2
- Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 3
- Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 4
- Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 5
- Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 6
Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 1
Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp, một trong số đó phải kể đến là yêu nước. Từ trong quá khứ, đất nước phải đối mặt với nhiều kẻ thù xâm lược. Nhưng nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường đấu tranh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc. Biết bao thế hệ đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Ở hiện tại, đất nước đã có được độc lập, tự do. Con người được sống trong bình yên. Tinh thần yêu nước được thể hiện qua nhiều hành động. Ví dụ như các bạn trẻ cố gắng học tập để cống hiến, xây dựng đất nước phát triển. Việc hội nhập văn hóa nước ngoài diễn ra nhưng vẫn dựa trên tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Những hoạt động quảng bá du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên cũng thể hiện được lòng yêu nước. Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp chủ quyền, mỗi công dân cũng đều thể hiện được quan điểm cá nhân, yêu cầu tôn trọng chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Dù vậy, một số người lại chạy theo lối sống vật chất, quên đi nguồn cội của bản thân. Họ có những hành vi chống phá, gây tổn hại đến đất nước. Bác Hồ đã từng nhắc nhở tinh thần yêu nước giống như các thứ của quý, mà bổn phận của nhân dân là phải làm cho tinh thần ấy đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến. Mỗi người dân Việt Nam cần giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước vô cùng tốt đẹp của dân tộc.
Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 2
Con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, đó cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta có cùng chung nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”, bởi vậy mà vẫn luôn biết giúp đỡ lẫn nhau. Dù là sự chia sẻ về vật chất (cơm ăn, áo mặc, tiền bạc…) hay sẻ chia về tinh thần (những lời nói động viên, ánh mắt an ủi…) thì cũng đều đáng để người nhận trân trọng, biết ơn. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện chắc chắn đã quá quen thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam. Họ đã bước chân đến những vùng miền xa xôi của tổ quốc để giúp đỡ những người khó khăn (dạy chữ cho trẻ em vùng cao, giúp đỡ người vô gia cư…). Hay những doanh nghiệp sẵn sàng thu mua nông sản để giúp đỡ cho bà con nông dân khi dịch bệnh, thiên tai hoành hành, phá hoại mùa màng và cuộc sống. Cả những phong trào quyên góp, ủng hộ đang diễn ra rộng khắp như “Tết ấm tình thương”, “Quỹ vì người nghèo”, “Ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam”, “Giọt màu hồng trao đi” đều thể hiện sự đồng cảm và làm cho khoảng cách giữa người với người xích lại gần nhau hơn. Hay như năm 2024, miền Bắc vừa phải hứng chịu siêu bão Yagi. Tuy nhiên, người dân đã cùng chung tay với chính quyền để phòng chống bão. Tinh thần sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn để cùng vượt qua thiên tai thật đáng trân trọng. Sau cơn bão qua đi, nhiều người tình nguyện tham gia dọn dẹp đường phố. Những người lính không quản ngại khó khăn giúp ỡ nhân dân trong bão lũ. Mọi người đều phát huy tinh thần tương thân tương ái vì cùng chung dòng máu Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam hãy cùng phát huy truyền thống đẹp đẽ này của dân tộc.
Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 3
Con người Việt Nam vốn có tinh thần đoàn kết. Đây là một trong những truyền thống rất đáng tự hào của dân tộc ta. Trước hết, cần hiểu được đoàn kết là sự liên kết, gắn bó và tương trợ lẫn nhau giữa con người với con người. Đoàn kết có một tác động mạnh mẽ tới hoạt động cũng như ý chí và kết quả của hành động của con người. Lịch sử của đất nước Việt Nam trải qua bao nhiêu năm là gắn với bấy nhiêu năm chiến đấu để bảo vệ đất nước. Có lẽ sẽ không ai quên trang sử vẻ vang với những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược: khởi nghĩa hai bà Trưng; Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân; Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng hay cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt và cả Hưng Đạo vương - Trần Quốc Tuấn ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên;… Đặc biệt, chúng ta phải đến cuộc chiến đấu khốc liệt nhất đó là kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Dù cho là cuộc chiến đấu nào, bên cạnh tài năng lãnh đạo của những con người kiệt xuất, còn có sự đoàn kết từ quân đến dân trên dưới một lòng chống lại kẻ thù. Nhờ vậy, đất nước Việt Nam mới có được nền hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay. Đó là trang sử hào hùng và không ai mãi ngủ quên trong quá khứ. Hiện tại, trong những ngày tháng đầy giông bão của năm 2020 - dân tộc Việt Nam đã biết học tập tấm gương của ông cha ta. Toàn dân đã đoàn kết cùng nhau chống lại dịch bệnh Covid-19 đang kéo dài. Tinh thần tương thân tương ái hỗ trợ giúp đỡ về vật chất dành cho những bác sĩ, y tá tại các bệnh viện. Sự giúp đỡ đến những người khó khăn: cây ATM gạo, ATM khẩu trang, điểm phát đồ ăn miễn phí,... Điều đó cũng thể hiện được tinh thần đoàn kết một lòng của nhân dân. Như vậy, có thể khẳng định, đoàn kết đoàn kết chính là cội nguồn của sức mạnh, cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển của con người.
Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 4
Con người Việt Nam luôn chú trọng việc học tập, bởi vậy mà chúng ta luôn tự hào là một quốc gia giàu truyền hiếu học. Có thể hiểu đơn giản, hiếu học là thói quen ham thích, coi trọng việc học hành được hình thành lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác . Việc học tập không chỉ là khoảng thời gian hữu hạn, mà là một hành trình của con người. Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã phải bắt đầu học lẫy, học nói, học đi. Đến khi trưởng thành, con người bắt đầu với quá trình học tập qua nhiều cấp học. Rồi khi đã đi làm chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi thêm kiến thức, kĩ năng để phục vụ công việc. Một tấm gương tiêu biểu cho truyền thống hiếu học chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Người luôn suốt đời học tập. Từ lúc còn là một chàng thanh niên giàu lí tưởng hay khi đã trở thành một vị lãnh tụ, Bác vẫn tích cực học tập, tìm hiểu. Chúng ta biết được Bác có một vốn am hiểu sâu rộng, uyên bác - điều đó là thành quả của việc không ngừng trau dồi, học hỏi. Việc nỗ lực học tập không ngừng sẽ giúp nâng cao giá trị của bản thân, giúp con người chạm tới thành công. Vì vậy, thế hệ trẻ cần tích cực phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc.
Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 5
Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống, trong đó phải kể đến tình yêu quê hương, đất nước. Trước hết, tình yêu quê hương, đất nước là tình cảm gắn bó, yêu mến và tự hào của con người với quê hương, đất nước của mình. Tình cảm này đã được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành một truyền thống quý giá của dân tộc Việt Nam. Trong quá khứ, dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Suốt quá trình đó, chúng ta đã phải đấu tranh chống lại nhiều kẻ thù xâm lược. Biểu hiện của tình yêu quê hương, đất nước chính là hành động đấu tranh, không ngại hy sinh để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Lịch sử dân tộc chứng kiến hơn một nghìn năm Bắc thuộc với biết bao mất mát, đau thương. Ở bất cứ thời nào cũng có những bậc anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Cùng với đó là sự đồng lòng, chung sức của nhân dân cùng đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc. Nhưng năm tháng hào hùng nhất có lẽ phải kể đến cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Người cũng là tấm gương sáng ngời cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái - họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với mảnh đất quê hương. Ở hiện tại, tình yêu Tổ quốc xuất phát từ những hành động bình dị, nhưng ý nghĩa. Thế hệ trẻ ra sức cố gắng học tập, rèn luyện để xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp. Hay ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia. Tình yêu dành cho từng con đường, ngôi nhà của quê hương, đất nước. Truyền thống yêu nước đã trở thành một nguồn sức mạnh lớn lao để giúp cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, ngày càng vững vàng và phát triển hơn.
Một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam - Mẫu 6
Từ xưa đến nay, con người Việt Nam luôn sống tình nghĩa, coi trọng lòng biết ơn. Điều này đã trở thành một truyền thống đáng tự hào của dân tộc. Từ trong quá khứ, Trong quá khứ, ông cha ta đã có tục thờ cúng tổ tiên hay tổ chức các lễ hội để tưởng nhớ công ơn các bậc anh hùng có công với đất nước như lễ hội đền Hùng, hội Gióng, hội Gò Đống Đa… Đến cả Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc - cũng hiểu rất rõ truyền thống này nên dặn dò thế hệ sau: “Các vua hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác mong rằng nhân dân Việt Nam muôn đời trân trọng, biết ơn với những hi sinh của thế hệ trước, mà cụ thể là vua Hùng để từ đó, soi chiếu vào bản thân, tự hiểu trách nhiệm của mình đối với cuộc đời, dân tộc. Ở hiện tại, Đảng và Nhà nước vẫn luôn dành một sự quan tâm, động viên tới những bà mẹ Việt Nam anh hùng nhằm ghi nhận những hy sinh lớn lao của họ cho nền độc lập của nước nhà ngày hôm nay. Hằng năm, chúng ta có rất nhiều ngày lễ lớn để tri ân những đối tượng, ngành nghề như 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, 27 tháng 2 - ngày Thầy thuốc Việt Nam, 20 tháng 10 - ngày Phụ nữ Việt Nam. Vào những ngày này, mỗi người lại dành cho những con người đó lời cảm ơn, hay những bó hoa tươi thắm để bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng đến những cống hiến, đóng góp ý nghĩa. Thế hệ trẻ cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này của dân tộc. Hãy ghi nhớ câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để biết sống nghĩa tình, trọng ơn nghĩa.