Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 năm 2023 - 2024 sách Chân trời sáng tạo Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Có đáp án)
Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 năm 2023 - 2024 sách Chân trời sáng tạo có đáp án, hướng dẫn chấm kèm theo, giúp thầy cô xây dựng đề thi học kì 2 cho học sinh của mình theo chương trình mới.
Với Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 CTST, còn giúp các em học sinh lớp 4 luyện giải đề, nắm vững cấu trúc đề thi để chuẩn bị thật tốt cho bài kiểm tra cuối kì 2 năm 2023 - 2024. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm đề ôn học kì 2 môn Tiếng Việt 4 sách KNTT, Cánh diều. Mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo năm 2023 - 2024
Đề ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo
Trường: Tiểu học…….. | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 |
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
I. Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- GV cho học sinh đọc văn bản bài “Cậu bé gặt gió” (trang 79) Tiếng Việt 4 Tập 2 - (Chân trời sáng tạo)
- Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Theo em, việc chế tạo thành công chiếc cối xay gió đã mở ra những gì cho tương lai của Uy-li-am và những người dân trong vùng?
II. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)
Đọc đoạn văn sau:
TIẾNG HÁT BUỔI SỚM MAI
Rạng đông, mặt trời tỏa những tia nắng dịu dàng xuống muôn vật.
Bên bìa rừng có một bông hoa lạ, năm cánh mịn như nhung. Bông hoa tỏa hương thơm ngát. Quanh nó, thấp thoáng những cánh bướm dập dờn.
Mặt trời mỉm cười với hoa. Thế là bông hoa cất tiếng hát. Nó hát mãi, hát mãi. Cuối cùng, nó hỏi gió xem thích bài hát đó không.
Gió ngạc nhiên:
– Ơ, chính tôi hát đấy chứ. Tôi đã làm những cánh hoa của bạn đung đưa, tạo thành tiếng lao xao nên bạn cứ tưởng mình hát.
Hoa lại hỏi sương. Những hạt sương long lanh trả lời:
– Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi.
Tranh cãi mãi, chẳng ai chịu ai. Hoa, gió và sương quyết định hỏi bác gác rừng. Bác gác rừng ôn tồn giải thích:
– Mỗi buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu sưởi ấm vạn vật, muôn loài đều hân hoan hát ca. Nhưng mỗi loài đều có tiếng hát của riêng mình. Có biết lắng nghe nhau mới hiểu được tiếng hát của nhau, các cháu ạ.
(Theo Truyện nước ngoài)
Câu 1. Hoa hỏi gió điều gì? (0,5 điểm)
A. Bạn có thích bài hát của tôi không?
B. Bạn có thích hát cùng tôi không?
C. Bạn hát hay tôi hát nhỉ?
D. Có phải vừa rồi bạn hát không?
Câu 2. Vì sao hoa, gió và sương đều không nghe được tiếng hát của nhau? (0,5 điểm)
A. Vì mỗi vật đều hát quá to, lấn át tiếng hát của nhau.
B. Vì gió và sương đung đưa, ngân nga hát thánh thót.
C. Vì mỗi vật đều chỉ tập trung vào tiếng hát của bản thân.
D. Vì mỗi vật vừa hát vừa nói chuyện.
Câu 3. Câu chuyện khuyên chúng ta điều gì? (0,5 điểm)
A. Không nên cãi vã với mọi người xung quanh.
B. Loài nào cũng biết ca hát bằng giọng của chính mình.
C. Cần tôn trọng những vẻ đẹp của mọi người xung quanh.
D. Hãy biết lắng nghe để hiểu nhau hơn.
Câu 4. Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong đoạn văn sau: (1 điểm)
Các cô cậu học trò nhìn lên trời và suy nghĩ. Sau vài phút, một em nói:
– Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.
– Vì sao mặt nước lại mệt mỏi? – Thầy hỏi.
– Thưa thầy, mùa hè, nước dạo chơi cùng những làn sóng. Mùa thu, nó mệt nên đứng yên với màu xanh nhạt.
(Theo Xu-khôm-lin-xki)
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
Câu 5. Em hãy tìm thành phần thứ nhất trong các câu sau và điền vào bảng bên dưới: (1 điểm)
(1) Minh chợt nhớ đến ngày giỗ ông năm ngoái. (2) Hôm đó, bà ngoại sang chơi nhà em. (3) Mẹ nấu chè hạt sen. (4) Bà ăn, tấm tắc khen ngon. (5) Lúc bà về, mẹ lại biếu bà một gói trà mạn ướp sen thơm phức.
Câu | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
Chủ ngữ |
Câu 6. Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau và cho biết câu đó nằm ở vị trí nào trong đoạn: (1 điểm)
Những bác ong vàng cần cù tìm bắt từng con sâu trong ngách lá. Kia nữa là họ hàng nhà ruồi trâu có đuôi dài như đuôi chuồn chuồn, đó chính là những “hiệp sĩ” diệt sâu róm. Lại còn những cô cậu chim sâu ít nói, chăm chỉ. Những bác cóc già lặng lẽ, siêng năng. Tất cả đều lo diệt trừ sâu bọ để giữ gìn hoa lá.
(Theo Vũ Tú Nam)
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
Câu 7. Dùng dấu “/” để ngăn cách các thành phần trong câu và ghi “CN” dưới chủ ngữ, “VN” dưới vị ngữ, “TN” dưới trạng ngữ: (1,5 điểm)
a. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi.
................................................................................................
b. Chúng có bộ lông vàng óng.
................................................................................................
c. Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít.
................................................................................................
B. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Nghe – viết (4 điểm)
LENG KENG ĐÀ LẠT
(Trích)
Vó ngựa khua giòn phía trước
Sau lưng lắc lư tiếng cười
Lục lạc leng keng dốc vắng
Quả thông già nào vừa rơi...
Con đường chầm chậm trôi trôi
Thấp thoáng hàng cây, phố xá
Bé thả hồn ra bốn phía
Không say xe mà say sương.
Cao Xuân Sơn
2. Tập làm văn (6 điểm)
Em hãy viết bài văn tả chú chó mà em yêu thích.
Đáp án đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo
A. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
1. Đọc thành tiếng (4 điểm)
- Đọc trôi chảy, lưu loát, ngắt nghỉ hơi đúng chỗ, tốc độ đạt yêu cầu đạt 4 điểm. Tùy theo mức độ đọc của học sinh mà giáo viên cho điểm.
- Trả lời câu hỏi: Việc chế tạo thành công chiếc cối xay gió đã mở ra tương lai của Uy-li-am và những người dân trong vùng: Nó sẽ giúp gia đình Uy-li-am kiếm được nhiều tiền hơn, đồng thời giúp gia đình Uy-li-am cũng như người dân trong làng có điện để sinh hoạt, sản xuất, qua đó gia tăng năng xuất.
2. Đọc thầm và làm bài tập: (6 điểm)
Câu 1. (0,5 điểm)
A. Bạn có thích bài hát của tôi không?
Câu 2. (0,5 điểm)
C. Vì mỗi vật đều chỉ tập trung vào tiếng hát của bản thân.
Câu 3. (1 điểm)
D. Hãy biết lắng nghe để hiểu nhau hơn.
Câu 4. (1 điểm)
Dấu gạch ngang trong đoạn văn trên có tác dụng đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
Câu 5. (1 điểm)
Câu | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
Chủ ngữ | Minh | bà ngoại | Mẹ | Bà | mẹ |
Câu 6. (1 điểm)
- Câu chủ đề là: “Tất cả đều lo diệt trừ sâu bọ để giữ gìn hoa lá.”
- Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn.
Câu 7. (1,5 điểm)
a. Hàng ngàn bông hoa/ là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi.
CN VN
b. Chúng/ có bộ lông vàng óng.
CN VN
c. Mùa xuân/, /cây gạo/ gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít.
TN CN VN
B. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)
1. Chính tả (4 điểm)
- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,5 điểm):
0,5 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.
0,25 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.
- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (3 điểm):
Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 3 điểm
2 điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;
Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.
- Trình bày (0,5 điểm):
0,5 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.
0,25 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.
2. Tập làm văn (6 điểm)
- Trình bày dưới dạng một bài văn, tả chú chó mà em yêu thích, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng: 6 điểm.
- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bày xấu, không đúng nội dung yêu cầu.
Bài tham khảo
Cuối tuần vừa rồi, lúc ở quê lên, mẹ đã mang về cho em một người bạn bốn chân rất đáng yêu. Đó là một chú chó nhỏ vừa đầy hai tháng tuổi. Em đặt tên cho chú là Nấm.
Nấm là một chú chó cỏ bình thường, nhưng vẫn rất là dễ thương. Chú to như một cái bát tô của nhà em. Chú có bộ lông vàng nhạt mềm mại. Cái đầu thì to bằng hai nắm tay của em, điểm trên đó là hai cái tai nhỏ vẫn còn đang cụp xuống. Đôi mắt chú ta thì tròn xoe, đen lay láy, lúc nào cũng nhìn chăm chú vào mọi người với vẻ thơ ngây. Cái mõm ngắn và tròn như quả bầu non mới nhú. Mũi của Nấm thì đen bóng, khi nào cũng ươn ướt.
Nấm tham ăn lắm, nên cái bụng chú lúc nào cũng tròn xoe. Nhìn chú ăn, em thấy vui lắm, cứ đến giờ em lại đem cháo và sữa ra cho chú. Những lúc ấy, cái đuôi nhỏ xíu của Nấm sẽ vẫy vẫy liên hồi như cánh quạt. Yêu nhất ở Nấm là bốn cái chân ngắn cũn, với bàn chân bụ bẫm, mềm mại. Vì chân ngắn quá nên chú di chuyển thật ngộ nghĩnh, nó khiến cái bụng tròn đôi khi chạm vào cả mặt đất. Nấm tuy còn nhỏ vậy thôi nhưng chú ta trông nhà rất tốt đấy, mỗi khi có người lạ tới chú ta lại sủa “gâu gâu” vài tiếng ra oai như thể hiện “tôi làm việc rất chăm chỉ nhé”.
Em yêu Nấm lắm. Em sẽ chăm sóc chú thật tốt để chú lớn nhanh và khỏe mạnh.