Văn mẫu lớp 6: Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất

Eballsviet.com sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 6: Trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc, thuộc sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 2.

 Trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách
Trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách

Tài liệu bao gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu, giúp cho các bạn học sinh lớp 6 có thêm ý tưởng hoàn thiện bài viết của mình. Mời tham khảo nội dung chi tiết bên dưới.

Dàn ý ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách

1. Mở bài

Giới thiệu tên sách, tác giả và hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra.

2. Thân bài

  • Nêu ý kiến (suy nghĩ) về hiện tượng.
  • Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm sáng rõ ý kiến về hiện tượng cần bàn luận.
  • Trình bày cụ thể về chi tiết, sự việc, nhân vật gợi lên hiện tượng cần bàn.

3. Kết bài

Nêu tầm quan trọng, ý nghĩa thực tế của hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách.

Ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách - Mẫu 1

Mỗi cuốn sách đều gửi gắm những bài học giá trị về cuộc sống. Một trong những cuốn sách yêu thích của tôi là Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài.

Truyện được in lần đầu năm 1941, gồm mười chương. Nội dung kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính là Dế Mèn. Chương một kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn. Từ chương hai tới chương chín kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn, cùng người bạn đường là Dế Trũi. Chương mười kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cho những cuộc phiêu lưu trong tương lai. Ở mỗi chương truyện, tác giả lại gửi gắm thông điệp ý nghĩa đến người đọc.

Truyện kể lại theo dòng suy nghĩ của Dế Mèn. Cậu là nhân vật chính, được khắc họa mang đặc điểm của con người. Dế Mèn có ngoại hình khỏe khoắn, đẹp đẽ. Nhưng cậu lại có tính kiêu căng, luôn nghĩ mình “có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Dế Mèn luôn coi thường những người xung quanh, đặc biệt là Dế Choắt - người bạn hàng xóm gầy gò và yếu ớt. Một lần, Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc khiến cho Dế Choắt phải chịu oan. Hậu quả là Choắt bị chị Cốc mổ đến kiệt sức. Trước khi chết, Choắt khuyên Dế Mèn bỏ thói kiêu căng của mình. Dế Mèn vô cùng ân hận và nhận ra bài học đường đời đầu tiên của mình. Sau này, Dế Mèn gặp gỡ và quen Dế Trũi, cậu đã bắt đầu hành trình phiêu lưu với người bạn đường của mình. Cả hai đã trải qua nhiều thử thách, gặp gỡ thêm được nhiều bạn mới và nhận ra những bài học bổ ích cho bản thân. Khi trở về, Dế Mèn đã có những suy nghĩ về hành trình phiêu lưu mới trong tương lai.

Dế Mèn phiêu lưu kí đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa. Truyện nhắc nhở chúng ta rằng Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có đầu óc mà không biết nghĩa sớm muộn rồi cũng mang vạ vào thân mình.

Dế Mèn phiêu lưu ký là một cuốn sách của tuổi thơ, khơi gợi trong mỗi đứa trẻ khao khát được phiêu lưu, khám phá thế giới. Bên cạnh đó, truyện đã nhắc nhở thế hệ trẻ phải ham hiểu biết, trọng lẽ phải, khao khát lý tưởng và quyết tâm hành động cho những mục đích cao đẹp. Chỉ có tuổi trẻ mới mạnh mẽ, sôi nổi, ham hiểu biết, ham cái mới, ham phiêu lưu, khám phá.

Như vậy, Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài là một cuốn sách giàu giá trị. Tôi đã nhận ra được nhiều bài học quý giá cho bản thân.

Ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách - Mẫu 2

Những cuốn sách gửi gắm những thông điệp thật giá trị và nhân văn. Một trong những cuốn sách mà tôi yêu thích nhất là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nội dung của cuốn sách là những dòng nhật ký xoay quanh cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều - mười ba tuổi. Cậu sống ở một vùng quê nghèo, cùng với một người em trai tên Tường - một cậu bé dễ thương, hiền lành, bao dung. Thiều vốn là một người hướng ngoại, hay bày trò nghịch ngợm và thường rủ em trai chơi cùng. Nhưng sau đó, khi bị ba phát hiện, cậu thường để em trai chịu đòn thay. Nhưng sâu trong thâm tâm, cậu vẫn rất yêu em trai của mình.

Truyện cũng mở ra mối quan hệ giữa hai anh em và những người dân trong ngôi làng, gồm cả người thân và những người bạn cùng lớp. Thiều nhận ra mình có tình cảm với Mận - cô bé xinh xắn, học chung lớp nhưng hơn cậu một tuổi. Biến cố xảy ra khi căn gác nhà Mận bốc cháy, gia đình Thiều đã giúp đỡ Mận và đưa cô bé về sống cùng. Tuy nhiên, sự thân thiết của Tường và Mận khiến cho cơn ghen trong Thiều tăng theo thời gian. Khi mùa lũ đến, cả làng chìm trong nước. Đến khi nước rút, người dân phải đối mặt với hậu quả là mất mùa, đói kém. Cùng lúc đó, sự hẹp hòi và đố kỵ trong Thiều được đẩy lên cao, cậu khiến cho em trai mình bị thương nặng, không thể ngồi dậy được. Thiều nhận ra lỗi lầm và vô cùng hối hận. Cậu làm việc nhà, chăm sóc và ở bên cạnh trò chuyện với em trai. Một hôm, Thiều mừng rỡ khi Tường ngồi dậy được và kể cho mình nghe bí mật về công chúa. Thiều tình cờ phát hiện ra bí mật về công chúa và kể cho Tường nghe. Với mong muốn gặp được Nhi, Tường đã có thể đi lại. Cuốn sách có một kết thúc mở, nhưng khá trọn vẹn.

Cuốn sách đã gợi ra cho người đọc những suy nghĩ về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình anh em giữa Thiều và Tường. Dù Thiều có đối xử chưa tốt với em nhưng Tường vẫn luôn thương anh và lo lắng cho anh. Khi đi chơi về, bị ba đánh, Thiều thì vắt chân lên cổ bỏ chạy, còn Tường ở lại chịu trận thay cho anh trai. Tường thay anh làm hết các công việc trong nhà chỉ vì nghe mẹ bảo “để yên cho anh hai học bài”. Chi tiết cảm động nhất có lẽ là khi thấy anh trai bị bạn đánh, Tường đã giúp anh trả thù nhưng lại tự mình chịu đòn. Không chỉ vậy, những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống của Thiều cũng gợi ra một tuổi thơ đầy hồn nhiên, sôi động. Những trò chơi như bắn bi, chọi gà, nhảy dây… chắc hẳn mỗi đứa trẻ nào cũng đã từng chơi. Hình ảnh một vùng quê thanh bình, tươi đẹp cũng gợi cho người đọc cảm xúc đẹp đẽ.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một cuốn sách thú vị, hấp dẫn và giàu giá trị.

Ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách - Mẫu 3

Một trong những cuốn sách tâm đắc nhất với tôi là “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky. Với nhân vật Pavel, tác giả đã đặt ra một vấn đề trong cuộc sống về ý chí nghị lực, nhiệt huyết tuổi trẻ mãnh liệt và lòng yêu nước sâu đậm của con người.

Tác phẩm kể về cuộc đời của Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) - một thanh niên trưởng thành trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Anh chơi thân với một cô bạn gái tên là Tonya, mà sau này trở thành người yêu. Tonya là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó. Đó là ý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh, hay đúng hơn là không dám “yêu một lý tưởng”. Đặc biệt là khi gia đình của cô lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel từng nói với cô rằng: “Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”. Sau cùng, Pavel chia tay Tonya để đi theo lý tưởng của mình.

Pavel trong tác phẩm được khắc họa là một thanh niên giàu lý tưởng, được tôi luyện trong “lò lửa” của cách mạng. Tác giả Nikolai A. Ostrovsky đã gửi gắm qua tác phẩm này một lí tưởng sống cao đẹp: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”. Đó chính là điều mà mỗi thế hệ trẻ cần phải hướng tới dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Như vậy, “Thép đã tôi thế đấy” đã giúp tôi hiểu thêm về thế hệ thanh niên nước Nga trong cách mạng. Đồng thời, tác phẩm còn đặt ra cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước một bài học quý giá về lòng yêu nước, nhiệt huyết tuổi trẻ và nghị lực trong cuộc sống.

Ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách - Mẫu 4

“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da là một cuốn sách giàu giá trị.

Truyện gồm có tất cả là mười một chương. Nội dung kể về việc chú mèo mun Gióc-ba nuôi dưỡng một con chim hải âu tên là Lắc-ki. Mẹ của Lắc-ki bị ngộ độc váng dầu nên đã chết ngay sau khi để trứng. Vô tình chứng kiến cái chết của hải âu mẹ, Gióc-ba đã hứa ba ba điều: ấp quả trứng, bảo vệ và nuôi lớn hải âu con, dạy nó bay. Sau một thời gian sống với họ nhà mèo, Lắc-ki lớn nhanh như thổi. Gióc-ba đã nhờ họ nhà mèo tìm cách dạy Lắc-ki biết bay. Nhưng cậu không thích bay, cũng không thích làm hải âu. Một buổi chiều, Lắc-ki đi tới của tiệm tạp hóa và đụng độ với con đười ươi Mát-thiu. Nó chê Lắc-ki là bẩn thỉu, và họ nhà mèo nuôi Lắc-ki để ăn thịt. Biết chuyện, Gióc-ba nhẹ đã giải thích cho Lắc-ki hiểu ra mọi chuyện. Cuối cùng, họ nhà mèo đã bàn bạc để đưa đến quyết định sẽ nhờ con người giúp đỡ dạy Lắc-ki biết bay. Câu chuyện kết thúc khi Lắc-ki đã học được cách bay.

Truyện đã gợi cho người đọc về tình yêu thương trong cuộc sống. Chúng ta có thể dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn. Gióc-ba và họ nhà mèo, đã vượt qua sự khác biệt, để dành cho Lắc-ki một tình yêu thương sâu sắc. Và chính nhờ có tình yêu thương của Gióc-ba, Lắc-ki mới có thể sống và có dũng cảm sải cánh trên bầu trời. Tình yêu thương giống như một nguồn sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khác biệt.

Có thể thấy rằng, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” viết cho thiếu nhi, nhưng lại gửi gắm bài học sâu sắc, mà người lớn cũng cần phải suy ngẫm.

Ý kiến về một hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách - Mẫu 5

“Cô bé bán diêm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn An-đéc-xen. Truyện đã nói đến tình yêu thương và sự vô cảm trong xã hội.

Câu chuyện kể về một cô bé phải đi bán diêm trong đêm giao thừa lạnh giá. Cô bé mồ côi mẹ và ngay cả bà nội cũng vừa mới qua đời. Em không dám về nhà vì nếu không bán được diêm thì sẽ bị bố đánh. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Những vị khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em, chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Sự vô cảm của mọi người xung quanh khiến cô bé càng trở nên đáng thương.

Qua lạnh, cô bé đã nép vào một góc tường, quẹt một que diêm để sưởi ấm. Lần thứ nhất, cô bé ước có lò sưởi - mong muốn sự ấm áp. Lần thứ hai, cô bé ước một căn phòng có bàn ăn, trên bàn có ngỗng quay - mong muốn được no bụng. Tiếp đến lần thứ ba là mong muốn có cây thông Noel - mong muốn được đón giao thừa như mọi người. Đến lần thứ tư, cô bé mong ước được gặp lại bà, đó là mong muốn được che chở, yêu thương. Cuối cùng cô bé bán còn lại - để gặp lại bà và đi theo bà đến nơi hạnh phúc. Những mong muốn của cô bé là hoàn toàn chính đáng.

Nhưng đến cuối cùng, cô bé bán diêm phải chịu một cái chết thương tâm ở một xó tường lạnh lẽo. Cái chết này đã tố cáo một xã hội với những con người vô cảm, lạnh lùng. Nhưng hình ảnh cô bé khi chết đã được nhà văn miêu tả có đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười nhưng em đã chết cóng. Nhà văn An-đéc-xen đã xây dựng hình ảnh cô bé bán diêm khi chết nhưng vẫn mỉm cười - nụ cười khi được đoàn tụ với bà được tác giả tưởng tượng nhằm giảm bớt nỗi đau cho câu chuyện. Cái kết này đã phản ánh được ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc của con người. Đó chính là tấm lòng nhân đạo của nhà văn.

Như vậy, “Cô bé bán diêm” là một tác phẩm giàu ý nghĩa nhân văn, để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi người đọc.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Tìm thêm: Văn mẫu lớp 6
Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm