Soạn bài Thạch Sanh - Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 26 sách Kết nối tri thức tập 2
Eballsviet.com xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn văn 6: Thạch Sanh, thuộc sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 2.
Tài liêu này sẽ giúp các bạn học sinh lớp 6 chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ. Hãy cùng theo dõi chi tiết ngay sau đây.
Soạn văn 6: Thạch Sanh
1. Kiến thức Ngữ Văn
1.1 Truyện cổ tích
Truyện cổ tích là loại truyện dân gian có nhiều yếu tố hư cấu, kì ảo, kể về số phận và cuộc đời của các nhân vật trong những mối quan hệ xã hội. Truyện cổ tích thể hiện cái nhìn về hiện thực, bộc lộ quan niệm đạo đức, lẽ công bằng và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp ơn của người lao động xưa.
1.2 Một số yếu tố của truyện cổ tích
- Truyện cổ tích thường kể về những xung đột trong gia đình, xã hội, phản ánh số phận của các cá nhân và thể hiện ước mơ đổi thay số phận của chính họ.
- Nhân vật trong truyện cổ tích đại diện cho các kiểu người khác nhau trong xã hội, thường được chia làm hai tuyến: chính diện (tốt, thiện) và phản diện (xấu, ác).
- Các chi tiết, sự việc thường có tính chất hoang đường, kì ảo.
- Truyện được kể theo trật tự thời gian tuyến tính, thể hiện rõ quan hệ nhân quả giữa các sự kiện.
- Lời kể trong truyện cổ tích thường mở đầu bằng những từ ngữ chỉ không gian, thời gian không xác định. Tùy thuộc vào bối cảnh, người kể chuyện có thể thay đổi một số chi tiết trong lời kể, tạo ra nhiều bản kể khác nhau ở cùng một cốt truyện.
Soạn bài Thạch Sanh - Mẫu 1
1.1 Thể loại
Truyện cổ tích thần kì: truyện mang nhiều yếu tố thần kì phản ánh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác qua đó thể hiện ước mơ về công lí xã hội và sự đổi đời.
1.2 Tóm tắt
Ngày xưa, ở quận Cao Bình có hai vợ chồng có tuổi mà chưa có con. Thấy họ tốt bụng Ngọc Hoàng sai Thái tử xuống đầu thai làm con. Cậu bé sinh ra đã mồ côi cha, về sau người mẹ cũng qua đời. Từ đó, cậu sống lủi thủi trong gốc đa, cả gia tài chỉ có lưỡi búa cha để lại, người ta gọi cậu là Thạch Sanh. Thấy Thạch Sanh có sức khỏe, Lí Thông mới đến gợi chuyện để hai người kết nghĩa anh em. Sau đó, hắn còn lừa Thạch Sanh đi canh miếu thay để nộp mạng cho chằn tinh. Thạch Sanh giết chết chằn tinh nhưng lại bị Lý Thông lừa gạt, cướp công. Trong ngày kén rể, công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh liền dùng cung tên bắn đại bàng. Thạch Sanh tình cờ gặp Lí Thông, biết được hắn đi cứu công chúa liền xin đi cùng. Nhưng sau đó, Thạch Sanh lại bị bỏ lại dưới hang. Ở đây, Thạch Sanh đã cứu con vua Thủy Tề, được đối đãi rất hậu và đưa về quê nhà. Khi trở về, chàng bị hồn của chằn tinh và đại bàng mưu hại nên bị bắt giam. Trong ngục, chàng lấy cây đàn được vua Thủy Tề tặng ra đánh để bày tỏ nỗi oan khuất. Lí Thông bị trừng trị, còn Thạch Sanh được vua gả công chúa cho. Thấy lễ cưới tưng bừng, hoàng tử các nước chư hầu đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra gảy, tiếng đàn của chàng vừa cất lên đã khiến quân sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay xin hàng. Thạch Sanh sai nấu cơm thiết đãi, quân sĩ ăn mãi không hết niêu cơm bé xíu liền cảm ơn rồi kéo nhau về nước. Về sau, vua không có con trai nên đã nhường ngôi cho Thạch Sanh.
1.3 Bố cục
Gồm 5 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “mọi phép thần thông ”: giới thiệu sự ra đời của Thạch Sanh.
- Phần 2. Tiếp theo đến “phong cho làm Quận công ”: Thạch Sanh chiến thắng chằn tinh nhưng bị Lí Thông cướp công.
- Phần 3. Tiếp theo đến “hóa kiếp thành bọ hung ”: Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng cứu công chúa, sau đó bị hồn đại bàng và chằn tinh hãm hại.
- Phần 4. Tiếp theo đến “hóa kiếp thành bọ hung”: Thạch Sanh đánh đàn minh oan, Lí Thông bị trừng phạt.
- Phần 5. Còn lại: Thạch Sanh cưới công chúa, đánh bại các nước chư hầu.
1.4 Nội dung
Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và khát vọng chống quân xâm lược. Truyện đã thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và tư tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.
1.5 Nghệ thuật
Chi tiết tưởng tượng, kì ảo độc đáo; kết thúc có hậu;…
Soạn bài Thạch Sanh - Mẫu 2
2.1 Trước khi đọc
Câu 1. Trong thế giới tưởng tượng, những con vật kì ảo thường được hình dung là có nhiều đặc điểm kì lạ, biết nói tiếng người, có nhiều phép thần thông, biến hóa, có thể hại người hoặc giúp ích cho con người.
Việc sáng tạo ra những con vật kì ảo thường đem lại sự hấp dẫn, thú vị cho câu chuyện. Hãy tưởng tượng, vẽ một con vật kì ảo và giới thiệu về con vật đó.
Gợi ý: Học sinh có thể vẽ con chằn tinh, đại bàng, rồng…
Câu 2. Em cũng có thể làm tương tự với việc tưởng tượng ra các đồ vật kì ảo, Trình bày về đặc điểm và chức năng của đồ vật đó.
Gợi ý: Học sinh có thể vẽ cung thần - bách phát bách trúng, niêu cơm thần - ăn hết lại đầy…
2.2 Trong khi đọc
Câu 1. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó?
Điều sẽ xảy ra tiếp theo: Thạch Sanh thay Lí Thông đi canh miếu, giết chết chằn tinh.
Câu 2. Thế giới do vua Thủy Tề cai trị có những đặc điểm gì?
Đặc điểm: rộng lớn, lộng lẫy…
2.3 Sau khi đọc
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Em có thích truyện Thạch Sanh không? Vì sao?
- Học sinh lựa chọn: yêu thích/không yêu thích.
- Lí do yêu thích: Truyện kể về chàng dũng sĩ Thạch Sanh hiền lành, tốt bụng, sau khi trải qua nhiều thử thách đã lấy công chúa và lên ngôi vua.
Câu 2. Gia cảnh của Thạch Sanh có gì đặc biệt?
Thạch Sanh mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống một mình lủi thủi trong túp lều cũ dựng dưới gốc đa. Cả gia tài chỉ có một lưỡi búa, hàng ngày lên rừng đốn củi kiếm ăn.
Câu 3. Truyện Thạch Sanh có những con vật kì ảo nào? Chúng có đặc điểm gì khác thường?
- Những con vật kì ảo: chằn tinh, đại bàng.
- Đặc điểm: Chằn tinh có nhiều phép lạ, thường ăn thịt người; Đại bàng khổng lồ, sống trong hang sâu.
Câu 4. Sau khi được Lý Thông kéo lên từ hang của đại bàng và đưa trở lại cung, công chúa đã bị câm. Theo em, điều gì sẽ xảy ra nếu công chúa không bị như vậy?
Nếu như công chúa không bị câm, nàng sẽ nói ra Thạch Sanh mới chính là người đã cứu mình, còn Lý Thông chỉ là kẻ dối trá, cướp công.
Câu 5. Truyện Thạch Sanh có nhiều đồ vật kì ảo. Hãy liệt kê các đồ vật đó và nêu đặc điểm, tác dụng của chúng.
- Cung vàng: Bắn chết đại bàng, bắn tan cũi sắt cứu Thái tử con Vua Thủy Tề.
- Đàn thân: Tiếng đàn giúp Thạch Sanh giải oan, khiến binh sĩ mười tám nước bủn rủn chân tay, không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau.
- Niêu cơm thần: Thạch Sanh sai nấu cơm thiết đãi, đố họ ăn hết được niêu cơm sẽ trọng thưởng. Niêu cơm thể hiện tấm lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.
Câu 6. Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lý Thông luôn đối lập nhau về hành động. Lập bảng so sánh để thấy rõ sự đối lập đó. Qua đó, em có nhận xét gì về đặc điểm của hai nhân vật này.
Thạch Sanh | Lí Thông | |
Tính cách | - Vô tư - Thật thà, tốt bụng - Dũng cảm, tài năng | - Nham hiểm, xảo quyệt - Dối trá, độc ác - Nhát gan, vô dụng |
Hành động | - Giết chằn tinh, cứu giúp nhân dân. - Dẫn đường xuống hang giết đại bàng, cứu công chúa và cả con Vua Thủy Tề. | - Lừa Thạch Sanh trốn đi để mang đầu chằn tinh vào lĩnh thưởng. - Lừa Thạch Sanh xuống hang, lấp miệng hang để giết chàng. |
Câu 7. Kết thúc truyện, Thạch Sanh được nhà vua gả công chúa và nhường ngôi. Qua cách kết thúc này, tác giả dân gian muốn thể hiện điều gì?
Qua các chi tiết kết thúc truyện, nhân ta muốn thể hiện ước mơ về cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, người ở hiền gặp lành.
Câu 8*. Về kết cục của mẹ con Lý Thông, ở văn bản do Huỳnh Lý và Nguyễn Xuân Lân kể có chi tiết: “Mẹ con Lý Thông về quê đến nửa đường thì bị Thiên Lôi giáng sấm sét đánh chết, rồi bị hoá kiếp làm con bọ hung”. Bản của Anh Động (và nhân dân một số vùng Nam Bộ) kể: “Lý Thông được tha nhưng y về dọc đường mưa to, sấm sét đánh tan thây ra từng mảnh, mỗi mảnh hoá thành một con ễnh ương. Cho nên bây giờ mỗi khi có mưa to sấm sét, ễnh ương sợ, kêu lên những tiếng man dã....”. Em có nhận xét gì về những cách kết thúc này?
- Phần kết thúc truyện thể hiện ước mơ về sự công bằng trong xã hội “ác giả ác báo”: Mẹ con Lí Thông tuy được tha chết nhưng sau đó lại bị Thiên Lôi đánh chết và hóa thành bọ hung, đây chính là sự trừng phạt thích đáng cho kẻ tham lam độc ác. Hay Lí Thông bị sấm sét đánh tan thây ra từng mảnh, mỗi mảnh hoá thành một con ễnh ương…
- Đây là kết thúc phổ biến trong truyện cổ tích. Ví dụ: truyện Sọ Dừa, Tấm Cám, Cây bút thần… (các nhân vật như Sọ Dừa và cô út, Tấm, Mã Lương đều sống hạnh phúc còn các nhân vật như hai cô chị, Cám và bà mẹ ghẻ, nhà vua đều bị trừng phạt).
Viết kết nối với đọc
Dũng sĩ là người có lòng dũng cảm, chiến đấu diệt trừ cái ác, bảo vệ cuộc sống của cộng đồng. Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về một dũng sĩ mà em gặp ngoài đời hoặc biết qua sách báo, truyện kể.
Gợi ý:
- Mẫu 1: Vị dũng sĩ ngoài đời mà em muốn kể chính là anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Những ngày vừa qua, trên báo có nhắc đến rất nhiều về anh Mạnh - người đã cứu một bé gái thoát chết trong gang tấc. Ngay khi nhìn thấy bé gái rơi xuống từ tầng 12, anh đã không do dự mà chạy đến đỡ cô bé. Có lẽ hành động này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đếm bằng giây. Qua đây, có thể khẳng định anh Nguyễn Ngọc Mạnh chính là một tấm gương về sự dũng cảm, cũng như lòng tốt bụng mà chúng ta cần phải học hỏi.
- Mẫu 2: Vị dũng sĩ mà em muốn nhắc đến chính là người bạn cùng lớp - Nguyễn Tuấn Anh. Đó là một người bạn rất hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Cậu đã được chúng em đặt cho biệt danh là “dũng sĩ tí hon”. Lý do của biệt danh đó xuất phát từ câu chuyện xảy ra vào chủ nhật tuần trước. Trên đường đi học về, chúng em tình cờ nhìn thấy một bạn nhỏ bị ba anh học sinh cấp hai bắt nạt. Cả nhóm dù cảm thấy rất bất bình nhưng không ai dám ra ngăn vì họ trông rất cao to, hung dữ. Khi cả nhóm còn đang bàn tán xem nên làm gì, thì Tuấn Anh đã bước đến. Cậu đã yêu cầu các anh học sinh dừng lại hành động của mình. Nhưng các anh ấy đã cười, rồi chửi mắng Tuấn Anh là thật to gan và định ra tay đánh cậu. Nhưng Tuấn Anh đã hạ gục họ chỉ bằng vài động tác võ rất mạnh mẽ. Cuối cùng, cả ba anh đó đã phải xin lỗi, trả lại món đồ cho bạn nhỏ. Sau đó, chúng em chạy đến dành cho người bạn của mình những lời ca ngợi. Biệt danh “dũng sĩ tí hon” bắt đầu từ đó. Nhưng dù vậy, điều khiến em cảm thấy ngưỡng mộ chính là tấm lòng dũng cảm của cậu.