Văn mẫu lớp 9: Phân tích Nỗi niềm chinh phụ Trích Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn
Phân tích Nỗi niềm chinh phụ gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới, thấy rõ không khí chia ly nhuốm màu buồn bã, cô đơn của vợ chồng người chinh phụ trong đoạn trích Nỗi niềm chinh phụ.
“Nỗi niềm chinh phụ” trích trong tập “Chinh phụ ngâm”, nguyên tác của Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm, thuộc thể loại thơ song thất lục bát, thể hiện những tình cảm đầy lưu luyến của người chinh phụ khi phải xa cách. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn:
Phân tích Nỗi niềm chinh phụ hay nhất
Trong xã hội phong kiến người phụ nữ phải chịu rất nhiều bất hạnh, khổ cực. Người phụ nữ lúc bấy giờ chưa được xã hội công nhận, họ không có quyền quyết định cuộc đời mình, phải phụ thuộc vào người chồng, người cha. Có rất nhiều tác phẩm nói về số phận người phụ nữ trong giai đoạn này, trong đó phải kể đến đoạn trích Sau phút chia ly trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.
Đoạn trích bày tỏ nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung với sự mong mỏi, da diết của người vợ có chồng ra trận. Bài thơ với thể thơ cổ song thất lục bát. Toàn bài là nỗi nhớ thương ngày một tăng tiến, nâng cao của đôi vợ chồng trẻ, đặc biệt là người vợ - một phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Văn bản "Nỗi niềm chinh phụ" là đoạn trích sau khi người vợ ngậm ngùi tiễn chồng ra miền biên ải, nàng trở về đơn chiếc xót xa.
"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".
Rồi lại:
"Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai".
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật đối giữa các câu thất và sử dụng điệp từ ngữ với những tính từ miêu tả độc đáo, đặc sắc đã toát lên nội dung chính là lên án chiến tranh, đặc biệt là khát vọng hòa bình, được yêu thương của người phụ nữ thời phong kiến.
"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn".
Vì điều kiện đất nước xảy ra chiến tranh người chồng đã phải chia tay người vợ trẻ yêu quý của mình để ra chiến trường. Đó là cuộc chia li buồn và cô đơn của cả hai người. Trong "cõi xa mưa gió" của chàng ẩn chứa bao hiểm nguy, gian nan của hòn tên mũi đạn, của đời sống chốn sa trường. Trong nỗi lòng "buồn cũ chiếu chăn" của thiếp lại đau đớn bao đơn côi phiền muộn, bao khắc khoải đợi chờ. Hai cặp đối "Chàng thì" - "Thiếp thì" ẩn chứa bao chán nản, buồn phiền. Nghĩ đến nhau, họ chỉ còn biết:
"Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".
Khi đã tiễn chồng ra trận, người vợ quay trở về chỉ biết chôn chặt nỗi buồn trong lòng. "Đoái" nghĩa là ngoảnh lại, ngoái lại nhưng dùng từ "đoái" còn hàm ẩn được cái đau đớn, mệt mỏi của tâm trạng người vợ. Nhưng càng đoái theo trông ngóng chỉ càng thấy cách xa nghìn trùng, giữa họ "đã cách ngăn" "mây biếc" "núi xanh" "tuôn màu" "trải ngàn" cách trở. Nỗi buồn của người phụ nữ như đã âm thầm lan thấm vào thiên nhiên cảnh vật. Đoàn Thị Điểm đã dùng cảnh vật thiên nhiên để nói lên tâm trạng người phụ nữ khi xa chồng:
"Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu".
Trong đoạn thơ tiếp, nỗi sầu chia li và lưu luyến chẳng muốn rời của đôi vợ chồng trẻ đã được thể hiện bằng những điển tích cổ, thủ pháp đối, phép điệp ngữ rất độc đáo.
Những địa danh Tiêu Tương, Hàm Dương tác giả mượn trong điển tích Trung Quốc gợi đến sự cách xa, chia lìa: "cách... mấy trùng". Phép đối vừa thể hiện tấm lòng sâu nặng dành cho nhau của đôi vợ chồng người chinh phụ vừa như thể hiện sự rời xa nhau từng giờ từng khắc của họ: "Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại" - "Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang", "Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương" - "Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương". Đặc biệt, phép điệp ngữ khiến những câu chữ như muốn đan quyện vào nhau chẳng muốn rời: Tiêu Tương - Tiêu Tương, Hàm Dương - Hàm Dương, thấy - thấy, xanh xanh - xanh, ngàn dâu - ngàn dâu. Nét đặc sắc đó đã thể hiện thành công tấm lòng lưu luyến chẳng muốn rời xa nhau của hai vợ chồng nàng. Thể thơ song thất lục bát thiết tha đã góp phần thể hiện tâm trạng u sầu nhung nhớ khôn nguôi trong lòng người chinh phụ. Nhưng dầu thế, đất trời như đang đẩy họ xa nhau hơn. Trong hai câu thơ:
"Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu"
Tác giả đã mượn ý câu thành ngữ "Thương hải tang điền" - biển rộng đã biến thành ruộng dâu tít tắp, ý chỉ những dâu bể cuộc đời. Chẳng những vậy, những sắc thái khác nhau của màu xanh được sử dụng trong hai câu thơ này cũng góp phần diễn tả sâu sắc nỗi lòng người chinh phụ. "Xanh xanh" là màu xanh nhẹ, xanh nhạt. "Xanh ngắt" lại là màu xanh đậm. Từ "xanh xanh" đến "xanh ngắt" là sự tăng tiến, màu xanh thể hiện sự chia li, li biệt; sự tăng tiến đó như thể hiện nỗi buồn ngày càng đậm nét, ngày càng quằn quại xót xa.
Đoạn trích đã sử dụng thể thơ song thất lục bát ngắn ngủi cùng khá nhiều những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng thành công, tác giả đã thể hiện sâu sắc nỗi lòng của người vợ "sau phút chia li" tiễn chồng đi chinh chiến. Đó là nỗi buồn tê tái, nỗi nhung nhớ vơi đầy, sự lưu luyến khôn nguôi... Và như thế, văn bản "Nỗi niềm chinh phụ" (trích "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm) đã thể hiện tinh thần nhân đạo rất nhân bản, nhân văn.
Người phụ nữ trong xã hội cũ phải chịu quá nhiều đắng cay tủi nhục, chỉ có người chồng là chỗ dựa tinh thần rồi cũng phải ra đi, chưa biết khi nào mới gặp lại. Sự ác liệt của chiến tranh làm cho nỗi nhớ chồng của người phụ nữ càng nhân ên gấp bội, bởi giữa cái sông và cái chết của con người trong hoàn cảnh đó là quá mong manh.