Phân tích Ngày xưa của Vũ Cao Văn mẫu lớp 9 Kết nối tri thức
Phân tích Ngày xưa của Vũ Cao mang tới bài văn hay nhất, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới để viết bài văn phân tích thật sâu sắc.
Bài thơ Ngày xưa của Vũ Cao được sáng tác theo thể thơ lục bát, là câu chuyện về sự thương cảm của người phụ nữ đối với nhân vật Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Eballsviet.com để có thêm nhiều vốn từ hơn:
Phân tích Ngày xưa ngắn gọn
Dàn ý Phân tích Ngày xưa của Vũ Cao
I. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nhà thơ Vũ Cao trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chủ đề trong các tác phẩm của ông là con người Việt Nam.
- Bài thơ “Ngày xưa” nói về sự thương cảm nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
II. Thân bài
- Bối cảnh bài thơ là người bà ru cháu ngủ bằng lời thơ trong Truyện Kiều, thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong cách đặt vấn đề.
- Tác giả sử dụng hai đoạn trích Truyện Kiều là tâm sự trái ngược của hai người đang yêu: Kim Trọng nhớ nhung, lạc quan; Thúy Kiều đau buồn, tuyệt vọng. Qua đó cho thấy bi kịch của đôi lứa yêu nhau trong thời đại cũ.
- Chi tiết đứa bé ngủ ngon lành thể hiện tình cảm giữa người với người là điều có thể cảm nhận được và không phân biệt thế hệ.
- Sử dụng thể thơ lục bát phù hợp để diễn tả tình cảm.
- Bài thơ xót thương số phận người phụ nữ và mong ước một xã hội tươi sáng.
III. Kết luận
- Bài thơ khẳng định sức sống trường tồn của Truyện Kiều.
- Khẳng định những giá trị đạo đức và tình người luôn tồn tại.
Phân tích Ngày xưa của Vũ Cao
Vũ Cao là nhà thơ – nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong các tác phẩm của ông, hình ảnh con người Việt Nam hiện lên thật anh dũng, kiên trung, nhưng đồng thời cũng mang một tâm hồn sâu sắc, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và lòng trắc ẩn cho những thân phận không may. Trong đó, bài thơ “Ngày xưa” là câu chuyện về sự thương cảm của người phụ nữ đối với nhân vật Kiều trong tác phẩm cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Du.
Bài thơ mở đầu với khung cảnh người bà ru cháu ngủ bằng những lời thơ trong truyện Kiều:
“Mẹ tôi ru cháu chiều chiều
Thường là ru mấy câu Kiều cháu nghe”
Thông thường khi ru trẻ thơ ngủ, người lớn sẽ dùng lời hát được lấy từ ca dao, các điệu hò dân gian, nhưng ở đây người bà lại ru bằng thơ, mà lại là Truyện Kiều. Điều này cho thấy sự sáng tạo của tác giả trong cách sử dụng chất liệu để đặt vấn đề, cũng như ý tưởng vận dụng Truyện Kiều rất độc đáo. Ông để Truyện Kiều – nhân vật chính của bài thơ – xuất hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, đó là trong lời ru của người bà. Với cách đặt để đối tượng khác biệt này, ông đã đem đến cảm xúc sự mới lạ thú vị cho người đọc chỉ qua hai câu thơ đầu tiên.
Ở đoạn giữa bài, tác giả sử dụng hai trích đoạn trong tác phẩm của Nguyễn Du:
“Mây Tần khoá kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”
Đây là phân đoạn Kim Trọng nghĩ về Thúy Kiều, diễn tả tâm trạng tương tư khắc khoải nhung nhớ người thương.
Đoạn trích thứ hai thuộc phân đoạn Thúy Kiều ủy thác mối tình của mình cho em gái Thúy Vân trong đêm nàng quyết định bán mình cứu cha, lời dặn dò nhắc đến kỷ niệm hạnh phúc của nàng và Kim Trọng đã từng thề nguyền chuyện trăm năm. Nay Thúy Kiều chỉ có thể nhớ lại với nỗi xót xa:
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này...”
Các trích đoạn là tâm trạng tương phản của những người đang yêu. Nếu đoạn đầu là nỗi tương tư mong nhớ và tràn đầy lạc quan của người con trai thì ở đoạn sau lại là sự đau đớn tuyệt vọng của người con gái. Nỗi niềm trái ngược ở hai giai đoạn khi mới yêu và khi sắp phải chia xa khiến người đọc bùi ngùi thương cảm.
Bi kịch lớn nhất trong tình yêu là những người yêu nhau lại không đến được với nhau. Nhà thơ Nguyễn Du đã xây dựng một tình yêu trong sáng thanh khiết giữa hai con người xứng đôi vừa lứa “trai anh hùng gái thuyền quyên” nhưng phải chấp nhận xa cách bởi hiện thực tàn khốc đầy rẫy những bất công, thối nát.
Trước câu chuyện về cuộc đời long đong đầy thăng trầm của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh, người bà sống hơn nửa đời người cũng phải ngậm ngùi cảm thán:
“Bâng khuâng mẹ nói một điều:
- Nghĩ mà thương phận cô Kiều ngày xưa”
Đây là sự đồng cảm thấu hiểu giữa những người phụ nữ. Trong chế độ phong kiến suy đồi với bộ máy quan lại mục ruỗng, với những con người vô đạo đức, với những định kiến cay nghiệt, với tư tưởng trọng nam khinh nữ đè nặng ấy, họ không được làm chủ cuộc đời mình. Đó là một thời đại mà việc mưu cầu hạnh phúc là một điều quá xa xỉ đối với người phụ nữ.
Dẫu chưa nhận thức được nhưng có lẽ sự thương cảm của người bà đã chạm đến trái tim đứa trẻ, đứa bé “lại ngon giấc ngủ thơ ngây chiều chiều” trong những lời ru của bà. Với chi tiết này, tác giả cho thấy tình thương là điều ai cũng có thể cảm nhận được, như người ta nói điều gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm được đến trái tim. Tình thương, lòng trắc ẩn chính là những giá trị cốt lõi tốt đẹp của con người sẽ được lưu truyền và là sợi dây liên kết các thế hệ dân tộc với nhau.
Hình ảnh đứa bé ngủ ngon trong lời ru truyện Kiều khiến ta liên tưởng đến câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu về tác phẩm kinh điển này:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”
Lời ru luôn gắn liền với những tâm tình, ước mong của người bà, người mẹ. Đó cũng là tiếng lòng của Nguyễn Du và cả Vũ Cao xót thương cho số phận người phụ nữ trong chế độ xưa và mong ước về một xã hội tươi sáng, công bằng.
Tác giả đã sử dụng thể thơ lục bát để phù hợp với những câu trích từ Truyện Kiều vốn viết theo thể lục bát, vô hình chung điều này lại khiến cho cả bài thơ có vần điệu ngân nga tựa như lời hát ru thực thụ. Bên cạnh đó, đây còn là thể thơ hiệu quả để biểu đạt ý tình bởi cách gieo vần, phối thanh, cách ngắt nhịp đặc trưng khiến nhịp điệu bài thơ mang lại cảm giác êm đềm dạt dào tình cảm.
Tác phẩm Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du không chỉ là một tượng đài trong lịch sử văn học Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ khác. Nguyễn Du từng tự vấn “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Người đời ai khóc Tố Như chăng?”, qua bài thơ Ngày xưa, tác giả Vũ Cao đã khẳng định Nguyễn Du, Truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào sẽ luôn trường tồn dù trải qua biết bao thế hệ. Bởi lẽ xã hội phong kiến lạc hậu nhưng tình người thì không bao giờ lỗi thời.