Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây Văn mẫu lớp 9 Kết nối tri thức
Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây gồm 3 mẫu hay nhất, cung cấp những thông tin bổ ích, giúp các em học sinh lớp 9 biết cách viết bài văn nghị luận văn học thật hay.
Với 3 bài văn phân tích Bố tôi, Đau gì như thể, Bức tranh của em gái tôi còn giúp các em dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Viết - Phiếu ôn tập số 2 Ôn tập học kì 1 SGK Ngữ văn 9 Kết nối tri thức tập 1 trang 148. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây
Phân tích truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi
Tác phẩm “Bức tranh của em gái tôi” xoay quanh câu chuyện của hai đứa trẻ. Nhưng nó mang tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn, có thể nhận thấy qua câu chuyện tác giả muốn gửi đến chúng ta một thông điệp hãy luôn chiến thắng thói đố kỵ tầm thường bằng lòng khiêm tốn của chính mình.
Qua câu chuyện dù không quá dài nhưng người đọc có thể thấy được tài xây dựng nhân vật và kể chuyện của Tạ Duy Anh vô cùng ấn tượng. Tác giả đã sử dụng ngôi thứ nhất để kể chuyện, tác giả vào vai người anh trai để kể về cô em gái của mình cũng như bộc lộ tâm trạng và tình cảm một cách sâu kín nhất. Đồng thời vẻ đẹp của cô em gái đã được thể hiện một cách rõ nét hơn.
Với ngôi kể thứ nhất diễn biến tâm trạng của anh trai được dẫn dắt rất từ từ và tự nhiên qua từng tình huống làm người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tâm trạng theo mạch của câu chuyện rất cụ thể. Thoạt đầu khi thấy em gái vẽ và tự chế màu vẽ người anh coi đó chỉ là trò nghịch của em mình, sự coi thường đó thể hiện qua từ cách gọi cô em gái của người anh. Khi tài năng vẽ tranh của cô em gái được phát hiện thì tâm trạng người anh trai cũng biến đổi theo. Chú Tiến Lê bất ngờ phát hiện ra tài năng vẽ tranh của em gái, bố mẹ cảm thấy vui mừng, duy chỉ có người anh thấy buồn vì ngay lúc đó người anh nghĩ rằng mình bị cho ra ngoài, cả nhà đã quên mất mình. Chính vì thế tình cảm của người anh trai không còn như trước đến mức chỉ cần em gái mắc một lỗi nhỏ người anh cũng gắt um lên… Đây là một dạng tâm lý thường thấy ở nhiều người đó chính là lòng tự ái khi thấy người khác hơn mình. Chắc chắn Tạ Duy Anh là một người rất am hiểu tâm lý trẻ em nên mới có thể mô tả được tâm trạng của người anh một cách tự nhiên là liên kết như vậy.
Đến cuối truyện khi người anh được tặng bức tranh đoạt giải của người em và điều bất ngờ là người trong bức tranh chính là mình thì người anh trai đã thực sự bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi trong mắt em gái, mình không đáng ghét mà lại rất đỗi thân thương, với đôi mắt như tỏa ra một thứ ánh sáng lạ. Lúc này bỗng chốc con người cậu trở nên mềm nhũn, cậu bé bất ngờ, hãnh diện và rồi tự thấy xấu hổ. Tâm trạng xấu hổ của người anh lúc này cũng chính là lúc để nhân vật tự thức tỉnh con người ích kỷ của mình. Câu hỏi bỏ lửng “dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến kia ư?” như nói lên sự dằn vặt, sự tỉnh giấc trong con người của cậu bé.
Qua câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” ngoài cảm nhận được vẻ đẹp của cô em gái Kiều Phương, sự thức tỉnh của người anh cũng nhắn nhủ chúng ta rằng hãy tự nhìn lại bản thân. Quả là một bài học về nhân cách rất sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt lại.
Phân tích truyện ngắn “Bố tôi”
Nguyễn Ngọc Thuần là nhà văn trẻ đầy triển vọng của nền văn xuôi đương đại. Với ông, văn chương phải đẹp và nhân văn, hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ của đời sống, bồi đắp thế giới, tầm hồn cho con người. Truyện ngắn “Bố tôi” là một câu chuyện về tình cảm gia đình đầy ấm áp và tình thương, tình cha con sâu đậm.
“Nguyễn Ngọc Thuần đến với văn chương chỉ là tình cờ, nhưng sự tính cờ ấy đã đem đến cho nhà văn một cánh cửa mới”. Nguyễn Ngọc Thuần xuất thân là một nhà mỹ thuật tài hoa, thế hệ nhà văn 7X ở Sài Gòn không hẹn mà gặp xuất thân từ mỹ thuật khá nhiều, cứ như học mỹ thuật để viết văn, làm thơ. Văn chương của Nguyễn Ngọc Thuần chạm đến tâm hồn bạn đọc bởi sự trong trẻo, dễ thương, khi viết cho người lớn phải là từ những trải nghiệm thực tế của cuộc sống, còn khi viết cho thiếu nhi, ông thường đặt mình vào đứa trẻ, vẽ nên một thế giới đầy trong sáng và niềm tin.
“Bố tôi” là truyện ngắn về tình cha con ấm áp. Người bố được miêu tả là một người cha yêu thương con hết mực, tận tình chăm sóc con, trân trọng từng món quá, từng bức thư mà con gửi. Ông rất yêu con, yêu từng nét chữ của con dù không biết đó là chữ gì. Dù cuộc sống có thay đổi, thì ông vẫn luôn đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành của mình.
Nhân vật người bố được khắc họa là một người cha yêu thương con hết mực. Vì có cách biệt về địa lý, ông không thể bên cạnh, đồng hành sát bên khi con trưởng thành. Thế nhưng, ông vẫn luôn theo dõi và quan tâm đến cuộc sống của con. Hai cha con giao tiếp với nhau qua từng bức thư con gửi. Ông trân trọng điều đó, trân trọng từng nét chữ của con. Vào mỗi cuối tuần, khi đi nhận thư, ông đều mặc chiếc áo phẳng phiu nhất, đi chân đất xuống núi, nhận bức thư của con. Dù không thể hiểu được nội dung của bức thư, ông vẫn cảm nhận được từng nét chữ, nghĩ suy, tâm tư của con qua từng cái “chạm tay vào nó, ép nó vào khuôn mặt đầy râu”.
Khi người vợ hỏi ông tại sao lại không nhờ người đọc hộ bức thư, ông liền bảo rằng: “Nó là con tôi, nó viết gì tôi biết cả”. Có thể thấy, ông như một người bạn đồng hành của con, tôn trọng quyền riêng tư và độc lập của con. Ông không muốn người khác đọc bức thư của con gửi, vì ông hiểu con hơn bao giờ hết, hiểu con qua từng con chữ giản đơn. Những lá thứ được ông giữ một cách cẩn thận, ngắm nhìn nó từng ngày “những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm vào mặt rồi cất đi, không thiếu một lá, ngay cả những lá thư đầu tiên nét chữ còn non nớt”.
Sau này, trên hành trình trưởng thành của “tôi” đã không còn bố nữa, ngày đầu tiên bước chân vào trường đại học đã không còn bố dìu dắt cạnh bên. Thế nhưng, chỉ riêng “tôi” mới có thể cảm nhận được, rằng bố luôn “đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả cuộc đời”.
Truyện ngắn “Bố tôi” của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần là một câu chuyện nhẹ nhàng mang đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình, sự hy sinh cao của người bố. Ngay cả khi bố không còn bên cạnh, thì tình cảm, sự gắn kết giữa hai bố con vẫn không hề nhạt phai, đồng hành cùng năm tháng trưởng thành của con.
Cha ơi bóng cả cây cao
Chở che con những lao đao cuộc đời
Cha cho con tình yêu thương và cuộc sống
Là mây trời lồng lộng chở che con.
Phân tích truyện ngắn “Đau gì như thể…”
Truyện ngắn “Đau gì như thể…” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lẽ là một truyện ngắn xúc động và xót xa nhất viết về đề tài cha con. Câu chuyện đã xây dựng nên một tình huống truyện thật đặc biệt, từ đó cho chúng ta thấy được những khía cạnh, những hoàn cảnh xót xa của cuộc sống.
Là một nữ nhà văn trẻ của đất nước, những tác phẩm của cô được nhiều người chú ý và yêu thích. Các tác phẩm của cô thường viết về những điều bình dị xoay quanh cuộc sống thường ngày. Giọng văn cô đậm chất Nam bộ, tuy nhẹ nhàng, mềm mại như tâm tình với độc giả nhưng qua đó lại khiến chúng ta cảm nhận được sự sâu cay, éo le của những câu truyện sau đó. Chất tình, chất nghệ của giọng văn nơi miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh. Truyện ngắn “Đau gì như thể…” của cô là một truyện ngắn trong số ít những tác phẩm viết về đề tài tình cha con. Nội dung của tác phẩm là câu truyện của cha con Nga và ông Tư Nhỏ khi ông bị án oan la loạn luân làm cho con mình có bầu. Qua đó, tác giả Vũ Ngọc Tư đã cho chúng ta thấy được sự thiêng liêng của người cha khi sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ con mình.
Tình huống truyện đã khiến chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về thực tế xã hội của chúng ta hiện đại. Chỉ cần có một câu chuyện bất bình được lên tiếng, chưa kể đúng sai người bị lên tiếng vẫn sẽ là người phải hứng chịu những lời chỉ trích. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng tới danh dự, mà còn khiến cho người bị lên án bị tổn thất về tinh thần không hề nhỏ. Tuy vậy, nhân vật chính của câu truyện - ông Tư Nhỏ không vì vậy mà đánh mất đi bản thân mình. Ông vẫn mạnh mẽ chống lại những lời lên án vô căn cứ đó và kêu oan cho bản thân mình. Ông vẫn luôn không ngừng hi vọng vào tương lai khi dù không được bên trên trả lời nhưng ông vẫn kiên quyết kêu oan tới cùng. Đó không chỉ là quyền lợi mà ông xứng đáng được hưởng, đó còn là danh dự của ông đối với mọi người, đối với bà con chòm xóm xung quanh, cũng như là đối với tương lai của cháu ngoại ông.
Trên con đường đi tìm lại công bằng cho bản thân, ông không hề đơn độc một mình. Ông vẫn còn sự ủng hộ, quan tâm cũng như cổ vũ từ phía người thân - cô con gái Nga của mình. Nhìn thấy con và cháu mình sống khỏe mạnh và hạnh phúc có lẽ đã là nguồn động lực sống lớn nhất của ông. Qua đó, ta cũng có thể nhận ra được lời nhắn nhủ của tác giả Nguyễn Ngọc Tư chính là gia đình sẽ là nguồn động lực lớn giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Ngay cả với Nga, khi cô lỡ mang lỗi lầm tuổi trẻ, gia đình vẫn luôn ở bên, động viên và giúp cô vượt qua những lời đàm tiếu từ mọi người xung quanh. Nếu không có sự an ủi, động viên của cha mình, có lẽ Nga cũng đã không có đủ can đảm để sinh con ra và nuôi nấng đứa trẻ ấy lớn lên.
Tình huống truyện cũng đã mở ra cho chúng ta một câu hỏi: Ý nghĩa thật sự của những khó khăn mà chúng ta phải trải qua trong cuộc sống là gì? Có lẽ, đối với những người phải trải qua hoàn cảnh ấy, sự việc ấy họ mới có thể thấu hiểu được nỗi đau đớn ấy. Sự vô tâm, mù quáng của những người xung quanh cũng chính là một nhân tố tác động tiêu cực đến suy nghĩ cũng như cảm xúc của họ. Chính những khó khăn đó là cơ hội để chúng ta trưởng thành, thay đổi bản thân cũng như để bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân mình. Tuy tác giả không có câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra, thế nhưng sau khi đọc xong câu truyện, có lẽ trong suy nghĩ của mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình.
Bằng cách sử dụng kỹ thuật viết tưởng tượng, tác giả đã đưa người đọc vào thế giới tâm lý của nhân vật, để họ có thể cảm nhận được những đau đớn, những mất mát mà nhân vật đang trải qua. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đã đưa độc giả tới gần hơn với những suy nghĩ của những người đã vô tình vướng phải hoàn cảnh éo le giống như vậy.
Truyện ngắn “Đau gì như thể…" của tác giả Nguyễn Ngọc Tư có lẽ đã phản ánh cho chúng ta thấy một cách chân thực và sâu sắc về những đau đớn trong cuộc sống. Cũng như đó là lời nhắc nhở, gửi gắm chúng ta rằng hãy lí trí khi đứng trước một sự việc, cũng như phải mạnh mẽ và bình tĩnh để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.