Đoạn văn về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa 6 đoạn văn mẫu lớp 7
Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa.
Tài liệu bao gồm 6 đoạn văn mẫu, dành cho học sinh lớp 7 tham khảo. Hãy cùng theo dõi chi tiết ngay sau đây.
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa nơi em đang sống.
Đoạn văn về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa
Đoạn văn về một nét sinh hoạt - Mẫu 1
Quê hương của em là một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Hằng năm, nhiều lễ hội được tổ chức. Nhưng em cảm thấy ấn tượng nhất là với lễ hội đua thuyền. Lễ hội được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch). Địa điểm diễn ra con sông chảy qua địa phận của quê hương. Trước đó, đoạn sông được lấy làm chặng đua được căng dây đỏ để đánh dấu. Những chiếc thuyền của sáu đội đua đang đỗ ở ven bờ sông. Người dân đến cổ vũ rất đông. Ở trên bờ, các vận động viên đua thuyền đang chuẩn bị để bắt đầu cuộc đua. Mỗi đội đua gồm có mười thành viên. Khoảng mười lăm phút sau, trọng tài thổi còi bắt đầu hiệp đua. Từng chiếc thuyền lao nhanh vun vút trên mặt nước. Mọi người vừa đứng xem, vừa hò reo cổ vũ cho tên đội mà mình yêu thích. Kết thúc cuộc đua, đội tím đã giành chiến thắng. Lễ hội đua thuyền thật thú vị và hấp dẫn. Em mong rằng năm sau có thể tiếp tục được xem lễ hội này.
Đoạn văn về một nét sinh hoạt - Mẫu 2
Vào dịp Tết Nguyên Đán, quê hương của em trở nên thật rộn ràng. Gần đến Tết, khắp nơi đều được trang trí cờ hoa rực rỡ. Không khí vui tươi, rộn ràng tràn ngập khắp mọi nơi. Mọi người cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón chào một năm mới. Chiều ba mươi Tết, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm Tất niên. Mùng một Tết, mọi người cùng nhau đi chúc Tết họ hàng. Mọi người đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Em được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm đem đến sự may mắn. Mỗi người con trên đất nước Việt Tết Nguyên Đán là một dịp lễ lớn, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa. Vì vậy, mỗi con người Việt Nam này hãy biết trân trọng ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Đoạn văn về một nét sinh hoạt - Mẫu 3
Em sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội. Thành phố có nhiều lễ hội truyền thống. Ở nơi em sống có lễ hội đền Voi Phục. Lễ hội diễn ra vào khoảng mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch. Hội được tổ chức ở sân đền Voi Phục (Ba Đình, Hà Nội). Phần lễ được tổ chức với không khí vô cùng trang nghiêm. Những người trong đội nghi thức mặc trang phục truyền thống trang trọng. Mở đầu là lễ dâng hương đọc văn tế, sau đó là lễ rước Thánh đi du xuân. Mọi người thường đến đây để cầu lễ cầu bình an, tiền tài,... Hình ảnh lễ rước kiệu còn mang ý nghĩa kiệu thánh đi vi hành ban lộc ban phúc cho nhân dân. Phần hội sẽ có các hoạt động như biểu diễn văn nghệ hoặc các trò chơi dân gian như thi đấu cờ tướng, biểu diễn võ thuật, thi chọi gà,... Lễ hội đã thể hiện truyền thống văn hóa đặc sắc của quê hương em.
Đoạn văn về một nét sinh hoạt - Mẫu 4
Quê hương của tôi nằm ở ngoại thành Hà Nội. Hằng năm, nơi đây sẽ tổ chức hội chợ hoa xuân, một nét sinh hoạt văn hóa vô cùng đặc sắc. Hội chợ được tổ chức vào từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp (âm lịch). Địa điểm tổ chức là ở sân vận động của huyện. Mọi người đến xem và mua rất đông đúc, tấp nập. Không khí của hội chợ rộn ràng, háo hức. Những chiếc xe ra vào tấp nập. Các gian hàng bày bán nhiều loại cây, hoa. Bên cạnh những gian hàng bán đào và quất là các gian bán hoa tươi như hướng dương, đồng tiền, thược dược, lan,... Tất cả đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho chợ hoa. Người bán hồ hởi mời chào khách. Mọi người đi chợ hoa như đi trẩy hội để mua được loại hoa ưng ý nhất về chơi vào mấy ngày đẹp nhất. Đông đúc nhất là khu bán đào, mai và quất. Những chậu cây được tạo với nhiều hình dáng độc đáo. Những nụ hoa đào, hoa mai đã bắt đầu bung nở trong những cơn mưa xuân. Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của con người Việt Nam. Và những khu chợ hoa cũng đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của dịp Tết.
Đoạn văn về một nét sinh hoạt - Mẫu 5
Quê hương của em là làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng. Hằng năm, hội thi được diễn ra vào ngày rằm tháng giêng (âm lịch). Người tham dự sẽ được tuyển chọn từ các xóm trong làng. Hội thi có nguồn gốc từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Mục đích là để trai gái trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, dịp trai gái thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương. Hội thi phải tuân theo một quy trình cụ thể. Bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Người dự thi các đội leo nhanh lên thân cây chuối rất trơn để lấy được nén hương mang xuống. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương chảy thành ngọn lửa. Những người khác thì giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Sau một giờ, những nồi cơm lần lượt được đem trình bày. Ban giám khảo sẽ chấm điểm theo các tiêu chí gồm gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy. Đội giành chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng. Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân chính là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của quê hương em.
Đoạn văn về một nét sinh hoạt - Mẫu 6
Quê hương của em là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Cứ vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch là quê em lại tổ chức lễ hội Cổ Loa. Hội được tổ chức ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đây là dịp để nhân dân tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương, người đã sáng lập ra nước Âu Lạc, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Hội được tổ chức gồm có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với nhiều nghi thức rất trạng trọng như rước thần, tế lễ. Các nghi thức thể hiện được những nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây. Nhưng phần được nhiều người chờ đợi nhất là phần hội được kéo dài tới rằm tháng giêng. Nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn được tổ chức như: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt… Ngoài ra còn có các buổi biểu diễn văn nghệ như hát quan họ, múa rối nước rất hấp dẫn. Lễ hội Cổ Loa diễn ra đã lưu giữ lại những nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước. Em cảm thấy rất tự hào về quê hương của mình.