Soạn bài Chí Phèo Cánh diều Ngữ văn lớp 11 trang 67 sách Cánh diều tập 1
Truyện ngắn Chí Phèo là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao. Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 11: Chí Phèo.
Các bạn học sinh lớp 11 tham khảo để có thể chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ hơn. Nội dung chi tiết được đăng tải ngay sau đây.
Soạn văn 11: Chí Phèo
1. Soạn bài Chí Phèo chi tiết
1.1 Chuẩn bị
- Bối cảnh: làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
- Tóm tắt:
Truyện ngắn “Chí Phèo” là câu chuyện về nhân vật cùng tên “Chí Phèo” - một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong 1 cái lò gạch xa lạ. Hắn được người làng chuyền tay nhau nuôi. Lớn lên, Chí Phèo đi ở hết nhà này tới nhà nọ và làm canh điền cho Lý Kiến. Vì ghen, Lý Kiến đẩy Chí Phèo vào tù, 7 năm sau Chí Phèo trở về làng trong một bộ dạng khác hẳn của một tay anh chị. Hắn bị Bá Kiến lợi dụng và biến thành tay sai. Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, chuyên vạch mặt ăn vạ và gây tai họa cho người trong làng. Mối tình với Thị Nở đã làm Chí Phèo hồi sinh, hắn khao khát làm hòa với mọi người và sống lương thiện. Nhưng bà cô Thị Nở và cái xã hội đương thời đã chặn đứng đường về “cõi người” của Chí Phèo. Tuyệt vọng, hắn tìm giết Bá Kiến và tự sát. Nghe tin Chí chết, Thị Nở nhìn xuống bụng và thầm nghĩ đến một cái lò gạch bỏ không vắng người qua lại.
- Truyện có những nhân vật: Chí Phèo, thị Nở, bá Kiến, lí Cường, bà cô của thị Nở. Nhân vật chính là Chí Phèo.
- Mối quan hệ giữa các nhân vật: Chí Phèo với bá Kiến, Chí Phèo với thị Nở, Chí Phèo với bà cô thị Nở.
- Nghệ thuật được sử dụng: nhân vật điển hình, sử dụng nhiều khẩu ngữ, đa dạng điểm nhìn trần thuật…
- Việc thay đổi điểm nhìn trần thuật giúp cho tác phẩm trở nên hấp dẫn, chân thực hơn.
- Thông điệp: Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thế xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay cả trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính.
- Nội dung tác phẩm: đồng cảm, xót xa cho số phận của những người nông dân lương thiện.
1.2 Đọc hiểu
Câu 1. Chí Phèo chửi những ai? Tiếng chửi cho thấy điều gì ở Chí?
Hướng dẫn giải:
- Chí Phèo chửi: trời, đời, cả làng Vũ Đại, đứa nào không chửi nhau với hắn, cha mẹ.
- Tiếng chửi cho thấy sự uất ức, tức giận của Chí Phèo, nhưng cũng là khao khát giao tiếp với mọi người của Chí.
Câu 2. Ngôn ngữ trong phần 1 là lời của ai?
Hướng dẫn giải:
Ngôn ngữ trong phần 1 là của người kể chuyện.
Câu 3. Trong phần 2, Chí Phèo đã có những hành động như thế nào?
Hướng dẫn giải:
- Ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều, say khướt rồi xách một vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến để chửi.
- Say khướt, xách một cái vỏ chai đến đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra chửi.
- Rạch mặt, ăn vạ bá Kiến.
Câu 5. Những lời nói, cử chỉ của nhân vật bá Kiến góp phần thể hiện đặc điểm tính cách của nhân vật này như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Bá Kiến là người có lòng dạ độc ác, khôn ngoan.
Câu 6. Vì sao có sự thay đổi trong suy nghĩ và tâm trạng của Chí Phèo?
Hướng dẫn giải:
Lòng yêu thương của thị Nở đã làm thay đổi Chí Phèo.
Câu 7. Bà cô thị Nở có thái độ như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Bà cô thị Nở cay nghiệt, phản đối thị Nở với Chí Phèo.
Câu 8. Dự đoán: Chí Phèo sẽ làm gì?
Hướng dẫn giải:
Chí Phèo sẽ đâm chết bá Kiến.
1.3 Trả lời câu hỏi
Câu 1. Tóm tắt nội dung của từng phần đã được đánh số trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
(1). Chí Phèo đi tù trở về. Vừa về, hắn đã say rượu và chửi bới: chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi cha mẹ.
(2). Chí Phèo trở về với bộ dạng khác hẳn, trông đặc như thằng săng đá. Hắn uống rượu say rồi chạy đến nhà bá Kiến để ăn vạ. Bá Kiến mời Chí Phèo vào nhà, rồi dỗ ngọt. Kể từ đó, Chí Phèo trở thành tay sai cho bá Kiến.
(3). Một đêm, Chí Phèo gặp thị Nở ở vườn chuối. Cả hai ăn nằm với nhau. Thị Nở nấu cho hắn một bát cháo hành. Sáng hôm sau, Chí Phèo tỉnh dậy, mong muốn được trở về cuộc sống lương thiện và muốn được sống cùng Thị Nở.
(4). Thị Nở về hỏi bà cô và bị phản đối. Thị Nở đã đến nói với Chí Phèo.
(5). Chí Phèo tuyệt vọng, uống say rồi cầm dao đến nhà bá Kiến đòi lương thiện. Hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Thị Nở nghe tin hắn chết nhìn xuống bụng và nghĩ đến cái lò gạch.
Câu 2. Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ của các nhân vật có ảnh hưởng đến số phận Chí Phèo.
Hướng dẫn giải:
- Chí Phèo - bá Kiến: bá Kiến là người gián tiếp đẩy Chí vào con đường lưu manh, tha hóa.
- Chí Phèo - thị Nở: “Thiên duyên tiền định” - người cứu vớt cuộc đời Chí Phèo
- Chí Phèo - bà cô thị Nở: bà cô thị Nở đại diện cho những định kiến xã hội, tước đi quyền được trở về làm người của Chí.
Câu 3. Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp thị Nở. Vì sao khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo lại xách dao đi giết bá Kiến và tự sát?
Hướng dẫn giải:
- Tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở - đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo:
- Nhận biết được mọi âm thanh trong cuộc sống.
- Nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình và sợ cô đơn, cô độc.
- Chí Phèo thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người.
- Sau khi bị thị Nở từ chối, chí Phèo định đến nhà bà cô thị Nở để trả thù, nhưng lại xách dao đi giết bá Kiến và tự sát. Chí Phèo có hành động dữ dội, bất ngờ như vậy không phải do say rượu mà là do hiểu rõ nguồn gốc bi kịch của cuộc đời mình. Chính bá Kiến là đẩy Chí vào con đường lưu manh, tha hóa (một lần đi ở tù, một lần ở tù trở về).
Câu 4. Theo em, nỗi khốn khổ, tủi nhục lớn nhất của Chí Phèo là gì? Vì sao? Qua nhân vật này, nhà văn thể hiện những tình cảm, tư tưởng nào?
Hướng dẫn giải:
- Nỗi khốn khổ, tủi nhục lớn nhất của Chí Phèo là bị tước đoạt quyền làm người. Chí Phèo từng là người lương thiện, nhưng bị hoàn cảnh đẩy vào con đường lưu manh hóa. Mái ấm gia đình đối với hắn thật xa vời.
- Tư tưởng, tình cảm của nhà văn: nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thế xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay cả trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính.
Câu 5. Phân tích và làm sáng tỏ một số đặc sắc nghệ thuật của truyện Chí Phèo từ các phương diện: cách mở đầu truyện, không gian và thời gian, sử dụng chi tiết, ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, ngôi kể và sự thay đổi điểm nhìn,...
Hướng dẫn giải:
- Cách mở đầu chuyện: vào truyện bằng tiếng chửi của Chí Phèo. Chí Phèo đã chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí.
- Ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng nhiều khẩu ngữ.
- Không gian làng Vũ Đại mang tính biểu tượng, chỉ là một trong những làng quê ở xã hội Việt Nam lúc bấy giờ; thời gian thay đổi linh hoạt, không theo tuyến tính thông thường,...
- Giọng điệu trần thuật có sự kết hợp giữ đối thoại và độc thoại…
- Ngôi kể thứ ba, sự thay đổi điểm nhìn linh hoạt,...
Câu 6. Theo em, truyện Chí Phèo có chủ đề phụ không? Nếu có thì đó là chủ đề gì? Chủ đề phụ này có liên quan gì đến chủ đề chính của tác phẩm?
Hướng dẫn giải:
Truyện Chí Phèo có chủ đề phụ, đó là sức mạnh của tình yêu thương. Chủ đề phụ là một phần quan trọng, giúp nổi bật lên chủ đề chính.
Câu 7. Từ truyện Chí Phèo, có thể nhận thấy những giá trị văn hoá và triết lí nhân sinh nào? Giá trị văn hoá và triết lí nhân sinh có ý nghĩa như thế nào đến cuộc sống ngày nay?
Hướng dẫn giải:
- Những giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh: hiện thực làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, những định kiến trong xã hội phong kiến, ….
- Giá trị văn hoá và triết lí nhân sinh giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống làng quê Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, lời cảnh báo cần phải thay đổi những suy nghĩ định kiến,...
2. Soạn bài Chí Phèo ngắn gọn
2.1 Tác giả
- Nam Cao (1917 - 1951), tên khai sinh là Trần Hữu Tri.
- Quê ở làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam.
- Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về hai mảng đề tài chính: người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo, sống mòn mỏi bế tắc trong xã hội xưa cũ.
- Sau cách mạng, Nam Cao chân thành sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến.
- Ông đã hy sinh trên đường công tác ở vùng sau lưng địch.
- Các tác phẩm chính:
- Truyện ngắn: Chí Phèo (1941), Giăng sáng (1942), Đời thừa (1943), Một đám cưới (1944), Đôi mắt (1948)
- Tiểu thuyết: Sống mòn (1944)
- Thể loại khác: Nhật kí ở rừng (1948), kí sự Chuyện biên giới (1951)...
2.2 Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
Dựa vào những cảnh thật, người thật mà Nam Cao được chứng kiến và nghe kể về làng Đại Hoàng quê mình, bức xúc trước hiện thực tàn khốc, Nam Cao viết thành truyện ngắn Chí Phèo vào tháng 2 năm 1941.
b. Tóm tắt
Truyện ngắn “Chí Phèo” là câu chuyện về nhân vật cùng tên "Chí Phèo" - một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong 1 cái lò gạch xa lạ. Hắn được người làng chuyền tay nhau nuôi. Lớn lên, Chí Phèo đi ở hết nhà này tới nhà nọ và làm canh điền cho Lý Kiến. Vì ghen, Lý Kiến đẩy Chí Phèo vào tù, 7 năm sau Chí Phèo trở về làng trong một bộ dạng khác hẳn của một tay anh chị. Hắn bị Bá Kiến lợi dụng và biến thành tay sai. Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, chuyên vạch mặt ăn vạ và gây tai họa cho người trong làng. Mối tình với Thị Nở đã làm Chí Phèo hồi sinh, hắn khao khát làm hòa với mọi người và sống lương thiện. Nhưng bà cô Thị Nở và cái xã hội đương thời đã chặn đứng đường về "cõi người" của Chí Phèo. Tuyệt vọng, hắn tìm giết Bá Kiến và tự sát. Nghe tin Chí chết, Thị Nở nhìn xuống bụng và thầm nghĩ đến một cái lò gạch bỏ không vắng người qua lại.
c. Bố cục
- Phần 1. Từ đầu đến “cả làng Vũ Đại cũng không ai biết”: Chí Phèo xuất hiện cùng tiếng chửi.
- Phần 2. Tiếp theo đến “không bảo người nhà đun nước mau lên”: Chí Phèo mất hết nhân tính.
- Phần 3. Còn lại: sự thức tỉnh về ý thức bi kịch của cuộc đời Chí Phèo.