Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học Những bài văn hay lớp 11 Cánh diều
Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học mang đến 4 mẫu khác nhau cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý học tập, trau dồi kiến thức để biết cách viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học lớp 11.
Nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học là chủ đề rất hay nằm trong chương trình Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1. Để viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, các em cần chú ý phân tích đề bài và xác định vấn đề có ý nghĩa đặt ra trong văn bản, đọc kĩ văn bản văn học được nêu trong đề bài. Vậy dưới đây là 4 bài văn mẫu hay nhất mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Viết bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học
- Đề 1: Từ bài thơ Tôi yêu em hãy bàn về một phẩm chất cần có của con người trong tình yêu lứa đôi
- Đề 2: Từ truyện “Chí Phèo” (Nam Cao), em hãy bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
Bàn về một phẩm chất cần có của con người trong tình yêu lứa đôi qua bài Tôi yêu em
Bài làm mẫu 1
Puskin không chỉ là Mặt trời của nền thi ca Nga ở tư cách công dân mà còn là thi sĩ ca hát về tình yêu. Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông.
Bài thơ Tôi yêu em của Puskin đã gây một niềm xúc động lớn lao vì đã vươn tới những giá trị tinh thần chung của loài người: những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời giản dị, trong sáng nhất. Nhân vật tôi chưa thân thiết với cô gái đến mức xưng anh. khi xưng tôi, quan hệ tình yêu lại mang một sắc thái trầm tĩnh, tự tin, được bộc lộ qua hai đại từ nhân xưng tôi và em này.
Tôi yêu em, một lời bộc lộ chân thành xuất phát từ một trái tim trung thực, báo hiệu một tình yêu thực sự. Tôi yêu em, lời lẽ giản dị mà mang bao nỗi quyến rũ:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Lời thơ chậm rãi, tình thơ thâm trầm, kín đáo. Một khẳng định pha chút cân nhắc, dè dặt với những từ có thể, chưa hẳn.Nhân vật trữ tình bày tỏ một tình yêu, một say mê mang dáng vẻ âm thầm, dai dẳng - dấu hiệu của những cảm xúc vững bền, của một trái tim chung thủy.
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gạn bóng u hoài
Câu thơ toát lên cái điềm tĩnh của lí trí. cái dồn nén của cảm xúc. Lời thơ như một lời nhắc nhủ, một sự tự ý thức về tình yêu của mình và cũng như một lời nói bên trong dịu dàng, trân trọng với hồn em. Nhưng đằng sau những lời điềm tĩnh, đúng mực ấy là bao nỗi niềm, bao sắc thái của tình yêu: có cái chua xót của thân phận vì nếu tình yêu không đem lại hạnh phúc, niềm vui mà chi là nỗi băn khoăn, buồn bã cho người mình yêu thì nên chấm dứt tình yêu đó. Tình yêu có thể chấm dứt vì nhiều lí do, nhưng cái lí do đầy dịu dàng, trân trọng và cao thượng ấy đối với người phụ nữ dễ mấy ai có được.
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một. tình yêu âm thầm, không hi vọng, khẳng định lại nét âm thầm nhấn mạnh không chút hi vọng, như tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình thầm lặng này. Sau lớp ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vè ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cố kìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tát chứ không phải là đang bùng cháy mãnh liệt.
Nhân vật trữ tình không ngại ngần mà trung thực bày tỏ: Khi hậm hực lòng ghen, nghĩa là tôi cũng chỉ như muôn người khác, cũng bị những tình cảm khổ đau, u ám muôn thuở trong tình yêu vò xé trong tình yêu.
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Cảm xúc dồn nén được giải tỏa, tuôn trào. Điệp khúc tôi yêu em được láy lại lần thứ ba với một lời khẳng định bản chất của mối tình này: chân thành, đằm thắm. Chính là sự chân thành, đằm thắm không bao giờ nhạt phai ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu này. Và đến cuối bài thơ lại có một lời chúc thiêng liêng, đầy vị tha: tôi cầu mong em có được một người yêu em cùng chân thành đằm thắm như tôi.
Đó là tình yêu của một trái tim chân thật, độ lượng nhân hậu dù bị cự tuyệt, con người vẫn có thể có những xử sự cao thượng. Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng và cao thượng.
Tôi yêu em, bài thơ nổi tiếng của Puskin đã diễn tả một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là sự mãnh liệt và cao thượng của trái tim đang yêu. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, không có biện pháp tu từ nào ngoài điệp ngữ tôi yêu em. Chất thơ của bài thơ toát, ra từ những xúc cảm chân thành, ghìm nén, từ những lời nói giản dị nhưng đầy thiết tha, tế nhị và mãnh liệt.
Bài làm mẫu 2
Trong bài thơ “Tôi yêu em”, Puskin đã chọn miêu tả một phẩm chất vô cùng đặc biệt của con người khi đứng trước tình yêu - sự cao thượng. Từ đó, tác phẩm cho ta thấy ý nghĩa của lòng cao thượng đối với tình yêu đôi lứa ngay trong cuộc sống thực.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ “Tôi yêu em” có một tình yêu tha thiết, mãnh liệt đến vô cùng. Nhà thơ khắc họa sức mạnh của tình yêu thông qua mọi cung bậc từ yêu thương, nhớ nhung đến hờn ghen, thậm chí cả những phút giây tuyệt vọng:
Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Dẫu cho đó là tình yêu đơn phương không được đáp lại thì nhân vật trữ tình vẫn một mực thủy chung. Từng lời thơ đều toát lên sự chân thành, dịu dàng của con người khi đứng trước tình yêu. Điều đau khổ nhất trong tình yêu cũng là yêu mà không được đáp lại. Nỗi buồn trong tình yêu có thể dẫn đến muôn vàn những xúc cảm tiêu cực. Sự cô đơn, tuyệt vọng, ghen tuông có thể bóp nghẹt chính ta và thậm chí cả người mà ta yêu. Thế nhưng, ở đây, từ khi ý thức được tình yêu của mình dành cho cô gái, chàng trai đã chọn một cách yêu vô cùng lý trí:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Sự cao thượng được thể hiện một cách rõ ràng. Chàng trai ý thức được bản thân rất yêu người con gái cũng như thái độ, tình cảm của cô đối với anh. Anh kìm nén ngọn lửa tình yêu trong mình vì “không để em bận lòng thêm nữa”. Tình yêu không chỉ có những cảm xúc mãnh liệt mà còn cần cả sự tinh tế cùng đức hi sinh.
Đến khổ thơ cuối, sự cao thượng được đẩy lên cao hơn khi chàng trai dành cho người con gái mình yêu lời chúc phúc:
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em
Điệp khúc “Tôi yêu em” được lặp lại để nhấn mạnh tình yêu vô bờ. Thế nhưng, tình yêu cũng trở nên vô nghĩa nếu ta ích kỉ, biến tình cảm của mình thành sợi dây trói buộc đối phương. Chính vì thế, anh đã dành cho cô gái lời cầu chúc: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Tình yêu chân thành, đằm thắm ấy không đối lập với sự hi sinh mà nó chính là khởi nguồn cho tấm lòng cao thượng. Chàng trai đã chọn lùi bước để cô gái hạnh phúc với tình yêu của riêng mình, hy vọng rằng cô gặp được người yêu cô như cách anh đã yêu. Sự cao thượng vừa cho thấy tình yêu sâu sắc, đức hi sinh cùng sự tự trọng của con người trong tình yêu.
Không chỉ trên trang sách mà ở trong đời sống thực, cao thượng cũng là phẩm chất mà con người cần có trong tình yêu đôi lứa. Nếu những ngọt ngào hay hờn ghen là gia vị của tình yêu thì tấm lòng cao thượng là điều tiên quyết làm nên tình yêu chân chính. Cao thượng được thể hiện ở việc bao dung trước những lỗi lầm của đối phương, thấu hiểu những khó khăn mà người kia phải trải qua, không vì những ham muốn ích kỉ của bản thân mà làm ảnh hưởng đến người mình yêu,… Hơn hết, cao thượng còn là hạnh phúc khi người mình yêu được hạnh phúc.
Cao thượng mang lại rất nhiều giá trị thiết thực cho tình yêu của mỗi con người. Đức tính này đề ra cho chúng ta một phương cách sống và yêu vô cùng đúng đắn và văn minh. Nhờ có sự cao thượng mà ta biết quan tâm, hi sinh vì người mình yêu. Lòng cao thượng xóa bỏ sự ích kỉ của cái tôi, giúp gắn kết con người. Từ đó mà những người yêu nhau sẽ thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Không chỉ vậy, khi bước vào tình yêu với một tâm thế cao thượng, ta sẽ luôn gìn giữ được lòng tự tôn của chính mình, biết cách giữ cho lòng mình thanh thản. Những trái tim cao thượng sẽ tạo ra một tình yêu có giá trị vững bền. Kể cả khi tình yêu không được như ta hy vọng, ta cũng không đánh mất chính mình. Ngược lại, thiếu đi sự cao thượng, tình yêu trong sáng sẽ bị biến chất, trở thành những toan tính hẹp hòi hoặc sự bi lụy đớn hèn.
Có lẽ, suy nghĩ và hành động cao thượng chính là lời tuyên ngôn trong sáng, chân thành nhất mà mỗi chúng ta có thể dành cho tình yêu của mình. Đó cũng là một cách để trao đi yêu thương và yêu thương chính mình trong cuộc sống.
Từ truyện Chí Phèo bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài:
a. Tình yêu thương giữa người với người được thể hiện trong “Chí Phèo”
- Biểu hiện của tình yêu thương thể hiện ở những hành động của Thị Nở đối với Chí Phèo:
+ Thị Nở vô tư, không sợ hãi Chí Phèo.
+ Thị Nở đỡ Chí Phèo vào nhà và đắp manh chiếu rách cho Chí khi hắn bị cảm lạnh.
+ Thị Nở nấu cháo cho Chí. Bát cháo hành là biểu tượng của tình yêu thương, sự đồng cảm, thương xót.
- Ý nghĩa của tình yêu thương:
+ Chí Phèo bất ngờ khi Thị Nở không sợ hãi mình.
+ Lương tâm Chí Phèo được đánh thức.
+ Chí Phèo khao khát được trở lại làm người lương thiện.
b. Tình yêu thương giữa người với người trong đời sống hằng ngày
- Tình yêu thương là điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người.
- Biểu hiện của tình yêu thương:
+ Quan tâm đến mọi người xung quanh.
+ Thấu hiểu và đồng cảm trước những bất hạnh của con người.
+ Yêu thương, trân trọng vẻ đẹp của người khác.
+….
- Ý nghĩa của tình yêu thương:
+ Đem lại ý nghĩa cho cuộc sống con người.
+ Gắn kết con người.
+ Mang lại niềm tin, cảm hứng sống cho mỗi người.
+ Góp phần xây dựng xã hội văn minh.
+…
c. Bài học nhận thức và hành động:
- Bài học nhận thức:
Tình yêu thương là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Đôi khi chỉ một hành động rất nhỏ cũng có sức ảnh hưởng to lớn đến con người.
- Bài học hành động:
Con người cần trau dồi, lan tỏa tình yêu thương bằng những hành động thiết thực.
3. Kết bài:
Khẳng định lại vai trò của tình yêu thương.
Bài làm mẫu 1
Nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward đã từng chiêm nghiệm: "Yêu không chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hi sinh". Quả thật, tình yêu thương chính là điều khiến thế giới này phát triển bền vững và tiến bộ hơn từng ngày. Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao. Với tác phẩm, nhà văn đã mang đến một thông điệp vô cùng giá trị về sức mạnh của tình yêu thương con người trong xã hội.
Trong "Chí Phèo", nhân vật chính cùng tên hiện lên như "con quỷ" của làng Vũ Đại. Hắn bị dân làng xa lánh, ghẻ lạnh, bị tước đi cái quyền làm người cơ bản. Vào lúc tưởng chừng Chí đã hết cứu chữa rồi, Thị Nở đã xuất hiện tựa một tia sáng rọi vào đời hắn. Người đàn bà xấu xí, "dở hơi" ấy thương hại cho Chí Phèo. Hết đỡ hắn vào lều, Thị lại nấu cho hắn nồi cháo từ sáng sớm. Đây cũng chính là chi tiết thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nam Cao. Qua nhân vật Thị Nở cùng bát cháo hành đơn giản, nhà văn đã thành công thể hiện sức mạnh của tình yêu thương. Đó là thứ đã cứu rỗi linh hồn Chí Phèo, biến hắn từ một tên lưu manh bị tha hóa trở lại làm người lương thiện. Hàng loạt chi tiết miêu tả tâm trạng Chí được tác giả liệt kê: "rất ngạc nhiên", "thấy mắt hình như ươn ướt", "và một cái gì nữa giống như là ăn năn",... Điều đó chứng tỏ Chí Phèo đã thức tỉnh. Giờ đây, anh ta không còn bị bóng tối tội ác che mờ mắt nữa. Anh cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, nhớ lại ước mơ thời trai trẻ. Từ đó, tự xót thương cho chính bản thân mình, rồi lại "thèm lương thiện".
Trên thực tế, lòng nhân ái, yêu thương con người chính là sợi dây liên kết các mối quan hệ xã hội. Nó khiến cho cộng đồng ngày một phát triển văn minh, tiến bộ hơn. Nó đẩy lùi bóng tối của chiến tranh, của tội lỗi. Chúng ta có thể thấy được đức tính đáng quý ấy trong rất nhiều hành động thực tiễn. Nào là những đợt quyên góp ủng hộ bà con đồng bào miền Trung để khắc phục hậu quả sau bão lũ. Nào là hàng loạt cây ATM gạo, oxi, những sạp rau hàng thịt "chỉ cho chứ không bán" trong đợt dịch Covid-19. Hay cả biết bao chuyến từ thiện, giúp đỡ người dân vùng cao có hoàn cảnh khó khăn... Tất cả đều là biểu hiện đáng quý của lòng yêu thương. Chính nó đã giúp bản thân mỗi người phát triển và hoàn thiện về nhân cách, giúp cứu rỗi bao mảnh đời bất hạnh, bị tha hóa bởi cái xấu, cái ác. Từ đó, biến xã hội mà chúng ta đang sống trở nên tốt đẹp hơn, văn minh và tiến bộ hơn.
Tuy vậy, vẫn còn những trường hợp ngược lại. Họ vô cảm, thờ ơ trước bất hạnh của chính đồng bào mình, thấy người gặp nạn mà chẳng giúp đỡ. Giống như những người dân trong làng Vũ Đại. Trước bất hạnh của Chí Phèo, họ không những không giúp đỡ mà còn xa lánh anh ta. Thậm chí, còn có kẻ lợi dụng sự thiếu thốn của người khác để làm lợi cho bản thân như cha con Bá Kiến. Từ đó, gây ra biết bao đau khổ cho xã hội, cộng đồng xung quanh.
Để khắc phục được những tiêu cực kể trên, mỗi người hãy tự biết rèn luyện bản thân. Chúng ta cần sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ người khác. Hãy lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng bằng hành động thực tế, dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, ta cũng cần lên án, phê phán những trường hợp thờ ơ, vô cảm, không biết quan tâm đến mọi người. Chỉ khi biết yêu thương cộng đồng, chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân một cách đầy đủ và chỉn chu nhất.
Như vậy, nhìn vào thực tế và cả truyện ngắn "Chí Phèo", có thể khẳng định tình yêu thương có sức mạnh vô cùng lớn trong việc cứu rỗi con người. Đó chính là yếu tố quan trọng để chúng ta xây dựng nên một xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Bài văn mẫu 2
Tình yêu là một trong những đề tài mà có lẽ dù có đo đếm đến hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của giới sáng tác qua nhiều giai đoạn. Và tác giả Nam Cao cũng hướng ngòi út của mình vào tình yêu. Trong tác phẩm Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu chân thực, ca ngợi sức mạnh tình yêu thương giữa con người với con người.
Tình yêu thương của Thị Nở với một bát cháo hành nóng hổi, ngọt thơm hương vị của tình yêu thương con người đã khiến cho một con người bị tha hóa, biến chất như Chí Phèo thất tỉnh, thay đổi và hồi sinh. Chưa bao giờ hắn lại khao khát được sống lương thiện đến như thế, ý chí muốn được sống cho ra người, tử tế lương thiện đã khơi dậy mạnh mẽ trong hắn một con người từng được xem là một con quỷ của làng Vũ Đại nhưng chính sự hắt hủi, vô tâm của người đời đã lần nữa hắt hủi Chí Phèo ra khỏi xã hội loài người, dồn hắn vào bước đường cùng không lối thoát trên hành trình đi kiếm tình yêu thương đó. Phải chăng con người biết sống vị tha hơn, thấu hiểu hơn, biết yêu thương nhau hơn thì Chí Phèo có lẽ đã được sống hạnh phúc với tình yêu thương của Thị Nở, cuộc đời này trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn biết bao nhiêu.
Ngày nay, tình yêu thương trong xã hội hiện đại lại càng thêm quý trọng, nhất là khi con người ta đang phải chịu nhiều áp lực của công việc, của cơm áo gạo tiền, sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì lại càng cần đến sự yêu thương, một sợi dây để gắn kết lại với nhau để con người gần gũi, gắn bó với nhau hơn thể hiện sự đồng cảm chia sẻ, không ngại hy sinh để cứu vớt lẫn nhau. Nó cũng sẽ mang đến cho ta sức mạnh, ý chí to lớn để vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, thử thách của cuộc đời, giúp ta bù đắp, rèn luyện, tu dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng, yêu mến từ đó giúp xã hội tốt đẹp, văn minh tiến bộ hơn, tình yêu thương chính là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những bất hạnh trong cuộc sống.
Lòng yêu thương con người với nhau thật giản dị hiện diện mọi ngày, mọi nơi, mọi thời điểm nhưng chúng lại có những sức mạnh phi thường. Đó là tình cảm gia đình, tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho con cái, lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Những người hàng xóm láng giềng luôn giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Thầy cô luôn cố gắng dành trọn vẹn kiến thức mình có cho học sinh, luôn đồng cảm giúp đỡ các em khi vấp ngã. Ngày nay, tuy đã hòa bình nhưng đất nước ta vẫn phải chịu đựng thiên tai hoành hành, lòng yêu thương ấy lại được thể hiện qua những cuộc từ thiện từ chiếc quần áo, sách vở hay gói đồ ăn... Chỉ cần có lòng yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, mọi chuyện đều có thể vượt qua được.
Hiểu được rõ ý nghĩ, giá trị của lòng thương người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải trau dồi đức tính ấy, hãy yêu thương con người nhiều hơn, bởi khi ta cho đi tình yêu thương bao nhiêu thì chính bản thân ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tổ chức được mở ra vì con người, vì nhân quyền tất cả đều xuất phát từ lợi ích của mọi người, vì tình yêu thương giữa con người với nhau.
Hãy biết yêu quý bản thân một cách đúng đắn, rồi yêu thương con người khác, cùng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như ông cha ta từ xưa đã dạy:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”