Viết bài văn nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống
Viết bài văn nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam là một chủ đề rất hay để Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống.
Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ hiện nay mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo củng cố trau dồi kỹ năng viết văn nghị luận ngày một tiến bộ hơn. Bên cạnh đó các bạn xem thêm Viết đoạn văn bàn về một bài học mà em rút ra được sau khi học truyện Chữ người tử tù.
Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày
Dàn ý nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài
1. Mở bài
- Giới thiệu hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
- Nêu nhận định về hiện tượng này (tích cực hay tiêu cực, cần được nhìn nhận như thế nào).
2. Thân bài
a) Giải thích hiện tượng
- “Tiếng nước ngoài” chỉ chung mọi ngôn ngữ khác không phải tiếng mẹ đẻ, không phải là tiếng nói gốc của ông bà, cha mẹ,... từ ngàn đời xưa.
- Sính dùng tiếng nước ngoài là lạm dụng ngôn ngữ khác một cách tuỳ tiện, thiếu ý thức, trong một câu tiếng Việt thường chêm vào một vài từ nước ngoài...
a) Biểu hiện của hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài
- Lạm dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp, đặc biệt là tiếng Anh.
- Chêm xen tiếng nước ngoài vào tiếng Việt một cách bừa bãi, thậm chí nói hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.
- Sử dụng tiếng nước ngoài để thể hiện đẳng cấp, "sang chảnh".
- Viết tin nhắn, bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng nước ngoài, thậm chí sử dụng tiếng lóng, tiếng viết tắt của nước ngoài.
c) Nguyên nhân của hiện tượng
- Ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
- Ảnh hưởng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, phim ảnh, nhạc nước ngoài.
- Tâm lý sính ngoại, muốn thể hiện đẳng cấp của giới trẻ hay "bắt trend".
- Có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ.
- Làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen "loạn ngữ"
- Hệ thống giáo dục chưa chú trọng việc dạy tiếng Việt.
- Ảnh hưởng từ phim ảnh, mạng xã hội.
d) Hậu quả, tác hại
- Làm méo mó tiếng Việt, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn ngữ.
- Tạo ra sự phân biệt đối xử, đẳng cấp trong xã hội.
- Gây khó khăn cho giao tiếp, đặc biệt là với những người không biết tiếng nước ngoài.
- Làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.
e) Đề xuất giải pháp khắc phục
- Nâng cao ý thức của giới trẻ về tầm quan trọng của tiếng Việt.
- Tăng cường giáo dục tiếng Việt trong nhà trường và xã hội.
- Bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài bởi những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ trẻ sẽ tiếp thu, bắt chước rất nhanh.
- Hạn chế sử dụng tiếng nước ngoài trong các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, phim ảnh, nhạc.
- Khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động giao tiếp, sáng tạo nội dung tiếng Việt trên mạng xã hội.
- Khuyến khích sử dụng tiếng Việt một cách đúng đắn, sáng tạo.
- Tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp của tiếng Việt.
g) Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với cái mới - càng cần tỉnh táo, bản lĩnh trước thời hội nhập, để góp phần giữ vững bản sắc ngôn ngữ dân tộc mình.
- Hành động:
+ Luôn ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp, vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong học tập.
+ Luôn cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới của thời hiện đại; hòa nhập nhưng không “hòa tan”, để giữ được giá trị truyền thống của tiếng Việt.
3. Kết bài
- Khẳng định lại tác hại của hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài.
- Kêu gọi mọi người chung tay gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.
Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài
Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Vấn đề này có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực.
Không ít thanh thiếu niên chúng ta đang có tình trạng sử dụng tùy hứng các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu trong giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp. Giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng lai căng, pha giữa tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) và tiếng Việt. Hiện tượng này không còn ở phạm vi giới trẻ mà đã trở thành “hội chứng” của xã hội. Việc sử dụng từ ngữ ngoại lai theo kiểu vô thức cũng làm cho nhiều đối tượng “quen” đến mức quên mất cả từ tiếng Việt tương ứng.
Giới trẻ chúng ta, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người tiếp xúc với khoa học, công nghệ nhiều và có điều kiện tiếp nhận nhanh, nhất là trong thời kì công nghệ thông tin; Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần vài phút, thông tin về một vụ việc nào đó có thể phát tán tràn lan trên các trang mạng, trong lúc giới trẻ ngày nay, đại bộ phận đều có điện thoại đời mới. Mỗi lúc rảnh rỗi lại lôi ra lướt facebook, xem phim... và thứ “ngôn ngữ mạng” ấy rất dễ thâm nhập vào các đối tượng này. Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc những phong cách sống và văn hóa của các nước khác sẽ thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, mà giới trẻ lại là lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, thích học hỏi và tiếp thu những thứ đó và tạo ra cái của riêng mình, dần dần nó xuất hiện trong lời nói, câu chữ.
Khách quan mà nói, ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được sử dụng nhằm thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay của giới trẻ. Điều này thấy rõ ở ngôn ngữ mạng, một kiểu ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội, có sức lan tỏa rất lớn. Ngôn ngữ trên mạng đôi lúc không câu nệ một sự chuẩn mực nào mà nó đã trở thành một phong cách. Tuy nhiên, nếu dùng mãi sẽ trở thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Xa hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy.
Giới trẻ là những người thích khẳng định mình và muốn thể hiện mình. Họ muốn cho người khác biết mình là một con người rất hiện đại, rất lạ và khác biệt trong cách sống, cách ăn mặc và nói năng; có tri thức và vốn ngôn ngữ phong phú. Bởi vậy, có người đã chạy theo một thứ thị hiếu mang tính cực đoan, cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn đạt ngữ cảnh của lời nói. Thậm chí có người tỏ ra đề cao quá mức các ngôn ngữ ngoại. Họ cho rằng phải dùng tiếng nước ngoài thì lời nói mới “sang”, mới “hiện đại”, mới “đẳng cấp”, mới “hợp mốt”. Quan niệm này đã khiến không ít các bạn trẻ tìm đến và sử dụng kiểu ngôn ngữ “lai tạp” nửa tây nửa ta một cách thản nhiên như vậy.
Nhận thức và trách nhiệm của gia đình cũng chưa theo kịp với những xu hướng của lớp trẻ. Nhiều bậc phụ huynh còn cổ súy cho lối đua đòi vô lối của con cái. Một đứa trẻ tiểu học cũng được sử dụng điện thoại, thậm chí dùng được cả facebook. Một bộ phận không nhỏ tỏ ra thời thượng, chiều con không đúng cách đã vô tình đẩy lớp trẻ vào thế giới ảo không thể kiểm soát.
Nhà trường và các tổ chức xã hội thường không để ý đến những khía cạnh mang tính cực đoan của xu hướng này. Các nội dung giáo dục hầu như chưa hề đả động đến một giải pháp cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà thôi. Thậm chí một số cá nhân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông cũng vô tình “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều từ ngữ (có thể là từ vay mượn) đã được dân ta sử dụng từ bao đời, đã hiểu rất rõ về nghĩa và cả chức năng ngữ pháp, cách biểu hiện trong các tình huống giao tiếp khác nhau… lại được những người làm truyền thông đưa ra những thuật ngữ mới.
Từ thực trạng trên có thể thấy, nếu không có giải pháp chọn lọc, điều chỉnh và phần nào là ngăn ngừa kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu. Những nét đẹp truyền thống được hun đúc, tích tụ hàng ngàn năm của tiếng Việt có thể bị phá vỡ, thay vào đó là một sự pha tạp, lai căng, chắp vá. Vì vậy, thiết nghĩ, từ các cơ quan chức năng của nhà nước đến mỗi người dân đều phải có sự nhận thức đầy đủ, chung tay góp sức giải quyết vấn đề.
Nhà nước cần có các văn bản quy định cụ thể về cách sử dụng tiếng nước ngoài trong các loại hình văn bản, trên các hình thức truyền thông, quảng cáo. Các cơ quan báo chí, truyền thông, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo thì phải làm gương; phải trở thành mẫu mực trong việc sử dụng ngôn từ. Ở nhà trường, bên cạnh việc giáo dục cho học sinh thấy rõ được cái đẹp, cái tinh tế, bản sắc và tiềm năng của tiếng Việt chúng ta, với phương châm: có hiểu mới yêu, có yêu mới trân trọng, mới làm tốt việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các thầy cô giáo phải là tấm gương trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Ngôn ngữ của các thầy cô giáo phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp với quy tắc và phong cách tiếng Việt. Giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ là hiện tượng xã hội.
Để hạn chế những tiêu cực trong tiếp nhận, sử dụng cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội đóng vai trò quan trọng. Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và giáo dục con em mình trong việc sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn mực; cần thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp với nhau giữa các thành viên gia đình, tập thể; không để những hiện tượng xấu trong giao tiếp ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình. Các tổ chức đoàn thể mà hạt nhân là Đoàn thanh niên, tổ chức các diễn đàn, bên cạnh tìm hiểu kiến thức về tiếng Việt còn hướng tới việc tạo môi trường thực hành ngôn ngữ, kịp thời điều chỉnh những sai lạc trong tiếp nhận, sử dụng các ngôn ngữ ngoại lai.
Sử dụng tiếng nước ngoài một cách hợp lý là điều cần thiết trong thời đại hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm.