Văn mẫu lớp 11: Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật
Văn mẫu lớp 11: Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích tổng hợp 4 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua bài văn mẫu này các em có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo, biết cách lựa chọn ngôn từ để hoàn thiện bài văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật.
TOP 4 mẫu nghị luận về một bộ phim được viết rất hay, các em tham khảo để hoàn thiện bài viết của mình. Tài liệu viết về bộ phim Người cha và con gái, Nhà bà Nữ, Chuyện tình cây táo gai, Biệt Động Sài Gòn. Vậy sau đây là 4 bài nghị luận về một bộ phim mời các bạn theo dõi. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu suy nghĩ về vẻ đẹp của một bức tranh mà em cho là có giá trị.
Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích
Dàn ý bàn về sức hấp dẫn của bộ phim
1. Mở bài:
- Giới thiệu về bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích.
2. Thân bài:
* Với bài bàn luận về bộ phim yêu thích các em trình bày các ý như sau
- Giới thiệu sơ qua về đạo diễn, điểm đặc biệt của bộ phim.
- Nhận xét về bối cảnh, cốt truyện, kịch bản, nhân vật,...
- Nhận xét về về diễn viên, âm thanh, ánh sáng, góc quay, âm nhạc, vũ đạo,...
- Nếu giá trị của tác phẩm.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về sức hấp dẫn của bộ phim đó.
Viết bài nghị luận về một bộ phim mà em yêu thích
Hiện nay, trên truyền hình có rất nhiều phim hoạt hình hay mà cả người lớn và trẻ em đều có thể xem được. Hầu hết phim hoạt hình chỉ mang tính chất giải trí, mang lại sự thư giãn và tiếng cười cho trẻ em. Nhưng cũng có rất nhiều bộ phim mang tính giáo dục cao và ý nghĩa, một trong số đó là bộ phim Người cha và con gái (Father and Daughter).
Người cha và con gái (Father and Daughter) là một bộ phim hoạt hình ngắn không lời của đạo diễn người Hà Lan Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt (Michael Dudok de Wit) thực hiện năm 2000. Bộ phim chỉ gói gọn trong thời lượng 8 phút 30 giây nhưng đã giành giải Ô-xca) (Oscar) cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2001 cùng rất nhiều giải thưởng khác. Bộ phim là câu chuyện sâu sắc, cảm động về tình cha con.
Phim bắt đầu bằng hình ảnh hai cha con cùng đạp xe trên con đường đồi. Họ dừng lại bên hai gốc cây to đổ bóng, người cha chia tay cô con gái bé nhỏ trong lưu luyến rồi bước xuống con thuyền đậu sẵn dưới bến và chèo đi. Cô con gái đứng mãi trên bờ dốc nhìn theo hút bóng chiếc thuyền. Khi phía trước chỉ còn là mặt nước mênh mông, cô bé lặng lẽ đạp xe ngược trở lại con đường.
Ngày ngày, cô bé vẫn kiên trì đạp xe một mình trở lại nơi bến cũ, mòn mỏi chờ đợi người cha Con đường ngược dốc, ngược gió. Những vòng xe quay đều, quay đều như năm tháng trôi đi.
Mùa nọ nối mùa kia, cô bé xưa nay đã trở thành thiếu nữ, cô lập gia đình, rồi có con... Vẫn con đường ra bến sông, vẫn những vòng xe quay đều, bất chấp thời gian và thời tiết, cô đều đặn đạp xe cùng bạn bè, cùng người yêu, rồi cùng chồng, con,... trở lại tìm cha. Cô vẫn đến hai gốc cây ấy, bờ dốc và bến sông ấy, lại trông ngóng, đợi chờ, rồi lặng lẽ trở về.
Cô gái đã thành bà cụ già. Ngọn đồi nhỏ, con đường dài, hai hàng cây qua bao mùa thay lá, không còn đủ sức để đạp xe, bà lão dắt chiếc xe đạp cũ vượt dốc đổi.
Cái ngõ nhỏ ngày nào giờ đã lùi xa trở thành một vùng lau lách um tùm. Bà lão loay hoay dựng mãi chiếc xe đạp rồi men theo bờ dốc, bước xuống lòng bến cạn. Ở đó, bà đã nhìn thấy con thuyền của người cha năm xưa. Chiếc thuyền cũ kĩ, nằm im trong cát. Bà lão nhẹ nhàng nằm xuống lòng thuyền như muốn tìm lại hơi ấm của người cha.
Và người cha bỗng hiện ra như thuở nào. Bà lão chạy về phía trước để đón cha. Thời gian bỗng như quay ngược trở lại. Bà lão trở thành cô thiếu nữ. Hai cha con dang rộng vòng tay, ôm chặt lấy nhau trong ấm áp, yêu thương, xúc động...
Bộ phim hoạt hình sử dụng hai tông màu chủ đạo là trắng và đen. Đó là màu của thời gian nghiệt ngã, màu của quên lãng. Cảnh vẽ trong phim đơn giản, gợi khung cảnh thời thơ ấu ở một vùng quê của Hà Lan, quê hương của đạo diễn Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt. Bộ phim có những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ: con đường, bến sông, bánh xe đạp đều đặn quay tròn,... Phim không sử dụng lời thoại, chỉ thông qua động tác, cử chỉ, âm nhạc nền, hình ảnh để biểu đạt thông điệp. Bản nhạc Sóng sông Đa-nuýp (Danube) của nhà soạn nhạc người Ru-ma-ni (Roumanie) I-ô-xíp I-va-nô-vích (Iosif Ivanovici) được chọn làm nhạc nền của phim. Âm nhạc cùng với hình ảnh đã thay lời thoại, biểu đạt thành công tâm trạng của nhân vật cảm xúc lưu luyến khi chia tay của hai cha con, tâm trạng phơi phới của cô con gái ngày ngày ngược gió đạp xe đi đón cha, bà lão đạp xe trong mệt mỏi với những hi vọng, đợi chờ không tắt, khoảng lặng chùng xuống khi người con nhìn thấy chiếc thuyền xưa... Và bản nhạc Sóng sông Đa-mộp trào gắn với giai điệu tươi vui, rộn ràng như sống lại tuổi thơ khi người con gái được gặp lại cha mình trong tưởng tượng.
Chỉ trong hơn 8 phút ngắn ngủi, người xem như được sống lại những kỉ niệm thời thơ ấu, được quấn quýt bên cha và được cha bế ẵm. Kí ức giản đơn nhưng cũng đủ cho một đời khao khát chờ đợi....
Dù trong phim hay trong đời thực, người cha vẫn luôn là tượng đài vĩnh cửu, là bến bờ yêu thương của mọi đứa con. Qua bộ phim, chúng ta càng thêm thấm thía sự quý giá vô cùng của tỉnh phụ tử. Hãy trân trọng người cha, người mẹ đang bên bạn, bởi vì có họ ở bên là một niềm hạnh phúc vô giá!
Tôi đã xem phim rất nhiều lần nhưng vẫn không thấy chán. Tôi suy nghĩ và cảm nhận được nhiều cảm xúc sâu sắc qua bộ phim này. Đó là một bộ phim ngắn thực sự hay, ý nghĩa.
Nghị luận về một bộ phim
“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.
Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.
Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.
Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".
Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.
Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.
Sức hấp dẫn của một bộ phim mà em yêu thích
Trung Quốc là một đất nước phát triển về mảng điện ảnh. Những bộ phim nổi tiếng của những đạo diễn lớn mang đậm chất thơ và phong vị Trung Quốc. "Chuyện tình cây táo gai" của Trương Nghệ Mưu là một tác phẩm như thế. Ông đã kể cho chúng ta một câu chuyện tình yêu trong sáng và hết sức sâu sắc.
Bộ phim lấy bối cảnh đất nước Trung Quốc những năm diễn ra Cách mạng văn hóa. Tịnh Thu là một cô bé 16 tuổi, có bố phải đi học tập cải tạo. Mẹ cô đang làm giáo viên cũng phải xuống làm một lao công. Cô theo mọi người về nông thôn sinh sống theo định hướng thời đó của Nhà nước. Kiến Tân là một chàng trai 24 tuổi, xuất thân từ một gia đình có địa vị, bố là cán bộ cấp cao, bản thân anh cũng là chàng trai kĩ sư địa chất có tương lai rộng mở. Hai nhân vật này đại diện cho hai giai cấp khác biệt lúc đó, thế nhưng giữa họ lại nảy nở tình yêu. Bằng tài kể chuyện của mình, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã kể lại chuyện tình trong sáng, sâu sắc, mãnh liệt bị gia đình, xã hội ngăn cấm.
Hai diễn viên chính trong tác phẩm này là Châu Đông Vũ trong vai Tịnh Thu và Đậu Kiêu trong vai Kiến Tân đã thể hiện hết sức tròn trịa. Nhất là Châu Đông Vũ, khuôn mặt nhỏ nhắn, hiền lành đã giúp cô dễ dàng hóa thân vào nhân vật. Lối diễn nhẹ nhàng đầy chất thơ đã dẫn dắt người xem đi qua từng cung bậc cảm xúc của Tịnh Thu. Từ một cô gái mới lớn với những rung động thầm kín đến những khi ghen tuông, trút giận lên chiếc chậu mới mua. Đặc sắc nhất là cảnh Tịnh Thu ngồi ngắm nhìn dòng sông, tuy nhân vật không có biểu hiện gì nhưng ánh nhìn của cô thể hiện rất rõ nội tâm giằng xé, băn khoăn. Những cảnh khóc của nhân vật cũng chạm tới trái tim của người xem, gây cho ta những cảm xúc bâng khuâng, khó nói thành lời.
Một điểm khá ấn tượng trong bộ phim đó là sự đối lập giữa khung cảnh. Hai nhân vật chính thường gặp gỡ nhau ở bờ sông hay cánh đồng hoa. Góc máy lúc này lấy trọn thiên nhiên rộng lớn và sáng trong, như tình yêu đơn thuần, đẹp đẽ của hai người. Thế nhưng, khi quay cảnh gia đình Tịnh Thu, không gian bỗng trở nên u tối, chật hẹp như đại diện cho số phận của đôi uyên ương không thể đến với nhau vì những rào cản xã hội. Sự đối lập này càng làm rõ được thông điệp và ý nghĩa của bộ phim.
Khi mới ra mắt, "Chuyện tình cây táo gai" đã trở thành hiện tượng bởi những thước phim rất thơ mộng và diễn xuất ăn ý của hai diễn viên chính. Tác phẩm này cũng đã xuất sắc giành được hai giải thưởng trong liên hoan phim Quốc tế là Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho phim Châu Á hay nhất và Giải thưởng Điện ảnh Châu Á cho Diễn viên mới xuất sắc nhất.
"Chuyện tình cây táo gai" là một tác phẩm nghệ thuật tái hiện hiện thực xã hội và cũng chứa đầy chất thơ. Nếu có thời gian, bạn hãy xem bộ phim này một lần để thấy được những giá trị mà nó mang lại.
Viết bài nghị luận về một bộ phim mà em yêu thích
Biệt động Sài Gòn là một bộ phim tái hiện lịch sử những năm đấu tranh giải phóng miền Nam. Bộ phim với nhiều tập kịch tính, hấp dẫn, dàn diễn viên ấn tượng đã thực sự để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Dù thời gian kể từ ngày công chiếu đầu tiên của bộ phim đã lùi xa. Ngày nay cũng có rất nhiều những tác phẩm phim mì ăn liền nổi tiếng ra đời, song bộ phim này vẫn là một tác phẩm ấn tượng khiến tôi không thể nào quên.
Biệt động Sài Gòn gồm có 4 phần: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, đạo diễn Long Vân. Bộ phim bắt đầu bấm máy từ năm 1982, không lâu sau ngày hoà bình độc lập. Thực hiện các cảnh quay cuối cùng vào năm 1986. Đây là một bộ phim màu và có nội dung duy nhất phản ánh về lực lượng biệt động Sài Gòn. Vượt trên tất cả những cái đầu tiên ấy bộ phim vẫn mang về doanh thu lớn cho phòng vé và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất về đề tài biệt động lúc bấy giờ. Hơn 10 triệu lượt quan tâm đón xem của khán giả trên màn ảnh rộng, bộ phim này đã tạo nên một cú hích cho lịch sử của phim Việt Nam thời kỳ bấy giờ.
Phải nói đầu tiên của bộ phim này chính là một kịch bản chất lượng, kịch tính. Tiếp đến là tài năng đạo diễn của Long Vân. Bằng tài năng và tư duy nhạy bén Long Vân đã khai thác chân thực trên từng góc quay, với tư cách là người ở giữa hai chiến tuyến. Ông không đứng về bên nào mà chủ yếu chỉ muốn tái hiện lịch sử đấu tranh, hiện thực cuộc chiến để phơi bày cho người xem. Sau đó chính là tài năng diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên thực lực như Thanh Loan, Thương Tín, Thuý An, Quang Thái… họ đều là những diễn viên trẻ đẹp, được tuyển chọn casting kỹ càng. Nhân vật mà họ được chọn mặt gửi vàng như được đo ni đóng giày cho họ. Họ đã lột tả được trọn vẹn cái thần thái, tư tưởng của nhân vật, tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.
Cho đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với phân cảnh diễn viên Ngọc Mai do Hà Xuyên đóng ngồi trước gương, dùng chai nước hoa đập vỡ gương trước mặt. Trên gương mặt của cô là hai hàng nước mắt rưng rưng rơi xuống và chỉ còn sót lại những mảnh gương vỡ. Nhưng cần đó đã đủ để lột tả gương mặt đau khổ của nhân vật khi tình cảm không được đáp lại. Có thể nói diễn viên Hà Phương đã lột tả ấn tượng sự đau khổ, dồn nén của nhân vật, gây ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả.
Song ám ảnh hơn chính là phân đoạn Ni cô Huyền Trang bị bắt vào nhà tù và bị tra tấn dã man. Phân đoạn bọn giặc xung điện áp vào người cô, cô run lên từng tiếng bần bật, đau đớn da thịt, tiếng kêu rên thảm thiết, đau đớn vô cùng nhưng không hề khuất phục. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù trước sau cô chỉ hé một lời “Không biết”, “Tôi không biết” Bọn giặc hoàn toàn bất lực, không thể làm gì được cô gái bé nhỏ, mỏng manh nhưng trái tim kiên trung và bất khuất. Chúng trả cô ra ngoài với bộ dạng tàn tạ, trên người đầy những vết thương, thật xót xa vô cùng.
Biệt động Sài Gòn không giống như bộ đội hay đặc công được đào tạo chính quy, bài bản mà họ làm việc một cách tự nguyện, nương náu trong dân, nhận nhiệm vụ từ cấp trên. Dạng vai khó nhập vì đa phần diễn viên không được đào tạo bài bản về công việc này. Vì thế diễn viên phải có sự tìm tòi, nhập vai và hoá thân vào nhân vật để có thể lột ra được cái thần của các nhân vật trong tác phẩm. Tác phẩm ca ngợi chiến thắng nhưng không hề vụng về mà rất khách quan. Bộ phim như đứng giữa chiến tuyến, ghi lại sự thật một cách chân thành, xúc động
Có thể nói bộ phim kinh điển này đã lột tả chân thực về quá trình hoạt động quả cảm, quên mình của nhóm biệt động trong thành phố Sài Gòn. Đây là một trong những tác phẩm đáng đã làm nên tên tuổi của đạo diễn cùng dàn diễn viên.