Mở bài Tây Tiến đoạn 1 Cách viết mở bài Tây Tiến
Mở bài Tây Tiến khổ 1 mang đến 5 mẫu siêu hay giúp các bạn học sinh lớp 10, lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo trong quá trình làm bài. Từ đó biết sử dụng vốn từ, kiến thức để nhanh chóng biết cách viết mở bài hay, ấn tượng, cô đọng nhất cho đề văn phân tích đoạn 1 Tây Tiến.
Đoạn 1 Tây Tiến là một trong những đoạn thơ hay nhất viết về người lính kháng chiến chống Pháp. Bức tranh thiên nhiên hoành tráng, trên đó nổi bật lên hình ảnh chiến sĩ can trường và lạc quan, đang dấn thân vào máu lửa với niềm kiêu hãnh. Vậy sau đây là 5 mở bài Tây Tiến đoạn 1 hay nhất mời các bạn cùng đón đọc nhé.
TOP 5 Mở bài Tây Tiến khổ 1 hay nhất
Mở bài đoạn 1 Tây Tiến - Mẫu 1
Có khoảng không gian nào, đo chiều dài nỗi nhớ
Có khoảng mênh mông nào, sâu thẳm hơn tình thương”
Đó là nỗi nhớ thương Hoàng Cầm gửi lại mảnh đất của mình của bài thơ “Bên kia sông Đuống’, là nỗi nhớ thương của những kẻ đi xa qua bài thơ “Bếp lửa” – Bằng Việt, đôi khi là nỗi nhớ của lứa đôi chỉ dám gửi qua “hương bưởi” trong bài thơ “Hương thầm” – Phan Thị Thanh Nhàn. Mỗi nghệ sĩ đều đặt trái tim nơi ngòi bút để viết về nỗi nhớ niềm thương nhiều như vậy. Quang Dũng – người nghệ sĩ đa tình cũng rất mực đa tài cũng để trái tim viết về những người đồng chí, đồng đội qua bài thơ “Tây Tiến”. Đặc biệt là nỗi nhớ cảnh vật thân thương được thể hiện qua đoạn thơ đầu tiên
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
--
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.
Mở bài đoạn 1 Tây Tiến - Mẫu 2
Nhà giáo Đỗ Kim Hồi từng viết “Tây Tiến là hoa thơ vào loại đẹp nhất của thơ ca trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.” Quả vậy, “Tây Tiến” không chỉ là bài thơ tái hiện một vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, mà còn là hành khúc viết nên hình tượng bi tráng nhưng cũng không kém phần lãng mạn của đoàn quân Tây Tiến. Đó là một bức tranh toàn bích của cả cảnh và người, là một hồn thơ rạo rực những âm vang không dứt của một thời kháng chiến. Điều này được thể hiện rất rõ qua khổ 1 bài thơ Tây Tiến.
Mở bài khổ 1 Tây Tiến - Mẫu 3
Nhận xét về Quang Dũng, nhà thơ Vân Long đã sử dụng một cách ví rất thơ: “Nhà thơ Quang Dũng như bóng mây qua đỉnh Việt và là một áng mây bay qua sông núi nước Việt. Mây Quang Dũng bay đến đâu, hoa lá cỏ cây và núi sông như có hồn theo đến đấy”. “Bóng mây” ấy mang dư vị của một hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng, tài hoa và đã nhiệm màu biết bao vần thơ hay, biết bao bài thơ đẹp. Một trong những thi phẩm đặc sắc, mang đậm dấu ấn của hồn thơ Quang Dũng nhất, đó là thi phẩm Tây Tiến với đoạn thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiên cùng người lính vô cùng đặc sắc. (Trích dẫn thơ)
Mở bài Tây Tiến đoạn 1 - Mẫu 4
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất của hồn thơ Quang Dũng và là một trong những bài thơ hay nhất trong số những bài viết về đề tài người lính thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Với sự kết hợp tài tình giữa bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, bài thơ đã khắc hoạ chân thực cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ, sự hy sinh anh dũng và vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người chiến sĩ Tây Tiến. Bức chân dung người lính Tây Tiến oai hùng, lẫm liệt hiện lên rõ ràng qua 14 câu thơ đầu bài thơ.
Mở bài Tây Tiến khổ 1 - Mẫu 5
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đât
Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Người lính cách mạng vẫn thường hiện lên trong ký ức những người con đất Việt với niềm tự hào và xúc động mãnh liệt nhất. Ta đã tìm thấy anh giữa đoàn quân trùng trùng ra trận, ta đã nhận ra anh giữa chiến trường lửa đạn. Có người lính lam lũ, hiền lành trong thơ Chính Hữu, có người lính sôi nổi, trẻ trung trong thơ Phạm Tiến Duật. Nhưng chưa ở đâu, người lính lại hài hòa bi tráng như trong Tây Tiến của Quang Dũng. Cái can đảm, hào hùng của người lính chống Pháp sáng ngời lên giữa âm u, khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là trong khổ thơ đầu.