Phân tích khổ 2 bài Thơ duyên (Dàn ý + 2 Mẫu) Thơ duyên của Xuân Diệu
Văn mẫu lớp 10: Phân tích khổ 2 Thơ duyên Xuân Diệu bao gồm 2 mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em học sinh có thể vận dụng, điều chỉnh và viết một cách tự tin chính xác hơn.
Phân tích Thơ duyên khổ 2 mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua phân tích Thơ duyên khổ 2 sẽ giúp các em học sinh học tập ngày càng tốt hơn và tự tin với khả năng viết văn của mình. Ngoài ra các bạn xem thêm rất nhiều bài văn như: cảm nhận Thơ duyên, mở bài Thơ duyên, kết bài Thơ duyên và nhiều bài văn hay khác tại chuyên mục Văn mẫu 10 CTST.
Phân tích khổ 2 Thơ duyên hay nhất
Dàn ý phân tích khổ 2 Thơ duyên
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát đôi nét về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát nội dung khổ 2 Thơ duyên
II. Thân bài
1. Khái quát
- Tác giả Xuân Diệu (quê quán, tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật,..)
- Tác phẩm Thơ Duyên ( hoàn cảnh sáng tác, thể loại,…)
2. Phân tích
Khổ thơ tình sau đây là tiêu biểu cho sự tương giao, hòa hợp giữa thiên nhiên, tạo vật và lòng người:
“Con đường nhỏ nhỏ gió siêu siêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều;
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
- Từ láy toàn phần “nhỏ nhỏ”, “siêu siêu”, “lả lả” vừa khắc họa vẻ đẹp duyên dáng tinh tế của cảnh vật, vừa tạo nên nhạc điệu êm dịu, quyến luyến cho câu thơ mà không từ ngữ nào thay thế được.
- Con đường “nhỏ nhỏ” chứ không phải “nho nhỏ”, không miêu tả cụ thể mà thiên về cảm giác, khiến con đường trở nên xinh xắn, thơ mộng hơn.
- Hai tiếng “xiêu xiêu” đã hữu hình ngọn gió vô hình, và cành cây thành “cành hoang” mơ hồ, huyền ảo, tô đậm cái “nắng trở chiều” đang thưa nhạt dần của mùa thu.
- Từ đó, ý niệm về hạnh phúc cũng khơi lên và lan tỏa trong lòng người.
“Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
→ Chính sự sóng đôi của thiên nhiên không chỉ xui khiến lòng người vang ngân, rung động mà còn thức dậy trong tâm hồn niềm khát khao giao cảm, gắn bó.
Những rung động tinh vi trong đoạn thơ là biểu hiện của một sức sống nội tâm mãnh liệt trong hồn thơ Xuân Diệu.
III. Kết bài
Nêu suy nghĩ và tình cảm của em dành cho đoạn thơ, bài thơ
Phân tích Thơ duyên khổ 2
Mỗi khi nhắc đến Xuân Diệu người ta sẽ nhớ ngay tới một thi sĩ với khả năng quan sát tinh tế, tình cảm say mê nồng cháy. Trong các bài thơ của ông, người đọc luôn thấy tình yêu cuộc sống, sự trân quý mọi khoảnh khắc của cuộc đời, của vạn vật và "Thơ duyên" là một trong những bài thơ như vậy. Ở bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được sự tinh tế của thi sĩ trong việc tái hiện sự trôi chảy của thời gian và hồn thu, tình thu cũng được khắc họa rõ nét qua ngòi bút tài hoa này.
"Thơ duyên" là khúc hát say mê, nhạy cảm với cuộc đời. Chữ "duyên" có thể hiểu là sự giao cảm, hòa nhịp với thiên nhiên đất trời, con người. Vốn là một con người dễ rung động trước cái đẹp, lại là người đa sầu đa cảm nên nhà thơ lại càng trân trọng sự chuyển động của thời gian và cụ thể ở bài thơ này là sự chuyển giao giữa hạ sang thu. Không chỉ đến bài thơ này thi sĩ mới viết về mùa thu mà trong tập "Thơ thơ" độc giả cũng đã bắt gặp "nàng thơ" với sự "ngẩn ngơ", u sầu trong "Đây mùa thu tới". Còn "Thơ duyên" bắt đầu với những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng.
Nếu như đối với khổ thơ đầu, tác giả vẽ nên bức tranh thiên nhiên thì khổ kế tiếp nhà thơ đã tinh ý khi lồng vào đó chút tình cảm riêng tư.
"Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu."
Từ tầm nhìn trên cao tác giả "kéo" không gian của mình xuống gần hơn. Thi sĩ liên tiếp sử dụng từ láy hoàn toàn như "nho nhỏ", "xiêu xiêu", "lả lả" gợi sự đáng yêu trên nền nắng chiều. Động từ "trở" đầy sức gợi, mang đến cảm giác chuyển mình. Nếu từ "chiều" ở khổ một còn mang nét huyền huyền ảo ảo thì với khổ thơ này nó mang nét mạnh mẽ, "đậm nắng" hơn. Trong cái sắc hương của trời đất khi sang thu, thi sĩ nhớ lại lần rung động đầu tiên của mình. Thêm một động từ nữa cũng kích thích trí tò mò của độc giả không kém là "nghe". "Nghe" ở nghĩa tường minh tức là sử dụng thính giác để lắng nghe âm thanh của cuộc sống, nhưng ở nhân vật "ta" hành động "nghe" lại chỉ ra được tâm ý, sự thầm thương, phải lòng "cố nhân". Đó là cách dùng từ vô cùng đặc sắc của tác giả.
Bằng ngòi bút giàu nhiệt huyết, tình yêu sôi nổi của một con người luôn trân quý, nắm bắt thời gian nhà thơ Xuân Diệu đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên với nhiều hình ảnh, nhiều sắc thái đặc trưng của mùa thu. Cùng với đó tác giả đã viết nên sự rung động đầu đời của mình - sự giao cảm, kết nối giữa những con người tưởng chừng xa lạ nhưng lại là cái duyên đã được sắp đặt sẵn. Tình duyên nảy nở trong tình thu!
Phân tích khổ 2 Thơ duyên
Xuân Diệu đã viết về mùa xuân với tất cả sự say đắm, nồng nàn:
... "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần...
... Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi"...
Thi sĩ cũng đã đến với mùa thu trong bâng khuâng, man mác. Viết về mùa thu, Xuân Diệu có một lối nói riêng đầy thi vị, tứ thơ mới mẻ, cảm nhận tinh tế nhẹ nhàng cái hồn thu của đất trời, quê hương xứ sở. "Thơ duyên" là một bài thơ thu độc đáo nhận diện cảnh thu, tình thu qua tâm hồn thơ mộng của một chàng trai đa tình và tài hoa lãng mạn. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua khổ 2 bài Thơ duyên.
“Con đường nhỏ nhỏ gió siêu siêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều;
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
Nếu ở khổ 1 Thơ duyên đã vẽ nên bức tranh về một buổi chiều tuyệt đẹp như mộng: có âm thanh ríu rít của tiếng chim, có màu xanh ngọc suốt bầu trời trút qua ngàn lá, có cả đường nét hài hòa. Thì khổ 2 bài thơ chính là những biểu hiện cho sự tương giao, hòa hợp giữa thiên nhiên, tạo vật và lòng người.
Tình yêu chớm nở giữa mùa thu đem đến cho đất trời lung linh những âm thanh tuyệt diệu, náo nức vui tươi, như âm thanh chỉ có thể nghe thấy được bởi trái tim đang rạo rực niềm yêu:
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều,
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,
Lần đầu rung động nói thương yêu
Rõ ràng bức tranh thiên nhiên ở đây không phải là một bức tranh tĩnh mà là một bức tranh động, một bức tranh thiên nhiên biến đổi rất tinh tế. Ngòi bút nhạy bén của Xuân Diệu đã miêu tả rất chính xác những biến thái tinh tế đó. Những từ láy “nho nhỏ”, “xiêu xiêu”? “lả lả” diễn tả sự chuyển động nghiêng nghiêng của cảnh vật dưới một con mắt nhìn say say gần như là chuếnh choáng: phải chăng đó là cái say của tình yêu, độ nghiêng của trái tim trong hạnh phúc? Con đường như nhỏ đi chật hẹp với tình yêu của hai người, gió lướt làm lung lay cành lá, cảnh vật chuyển động thật tự nhiên:
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Hình như người con trai cũng ý thức được rằng người bạn gái đó cũng rất mến mình, dễ chừng trái tim kia cũng dạng hồi hộp “đập”. “Hai trái tim chung một điểm tình” và trái tim anh xao xuyến những nhịp rung của tình yêu đầu: “lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
Có thể nói Xuân Diệu đã rất thành công khi diễn tả tinh tế những biến thái tinh vi của cảnh sắc thiên nhiên và của lòng người. Những hình ảnh từ ngữ mới lạ rất thơ, rất Xuân Diệu đã giúp chủ thể trữ tình tự phân tích thế giới tâm hồn mình một cách tinh tế để biểu hiện một tình yêu chớm nở chưa hẹn thề, còn e ấp nhưng đã tha thiết gắn bó.