Phân tích bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ (Dàn ý + 3 Mẫu) Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ lớp 10

Văn mẫu lớp 10: Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ mang đến gợi ý cách viết kèm theo 3 bài văn mẫu siêu hay. Qua đó gợi mở cho học sinh những ý mới, ý hay, ý đẹp khi làm văn, giúp cho các em có thêm vốn từ phong phú khi diễn đạt.

 Thành phố Hoa phượng đỏ

TOP 3 mẫu phân tích Thành phố Hoa phượng đỏ mà Eballsviet.com đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn mẫu này sẽ giúp các em học sinh học tập ngày càng tốt hơn và tự tin với khả năng viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ lớp 10.

Dàn ý phân tích Thành phố Hoa phượng đỏ

1, Mở bài.

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Đánh giá chung về giá trị của bài thơ: hình ảnh giản dị, gần gũi đã khắc hoạ thành phố Hoa phượng đỏ yêu dấu dưới cái nhìn đầy tin yêu, tự hào của nhà thơ.

2, Thân bài.

- Thời gian nghệ thuật được nhắc đến trong bài thơ: Tháng năm - hoa phượng nở đỏ rực => gợi đến vẻ đẹp đặc trưng của thành phố.

- Tình yêu tha thiết của tác giả thể hiện qua việc liệt kê những địa danh quen thuộc của Hải Phòng; niềm tự hào khôn xiết về cảnh và người Hải Phòng.

- Thành phố hiên ngang trong bom đạn của kẻ thù ; tin tưởng vào một ngày mai huy hoàng của thành phố yêu dấu.

- Thể thơ tự do, triển khai theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, ngôn từ giản dị nhịp điệu hào sảng, trầm hùng => thể hiện khí thế đi lên của thành phố trong kháng chiến và trong hội nhập.

=> Bài thơ khắc hoạ thành phố đẹp trong chiến đấu, trong xây dựng và phát triển. Bộc lộ tình yêu và niềm tự hào tha thiết của tác giả với thành phố Hải Phòng.

3, Kết bài.

- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Phân tích đánh giá Thành phố Hoa phượng đỏ - Mẫu 1

Khắp mọi nơi, khi nghe bài hát “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” thơ của Hải Như, nhạc của Lương Vĩnh, thì ai cũng nhớ tới một thành phố biển, lớn thứ hai ngoài Bắc:

- Tháng Năm rợp trời hoa Phượng Đỏ

- Ôi! Hải Phòng thành phố quê hương…

Quả thật, khi người viết ghé thăm Hải Phòng, thì thấy khắp các con đường phố, trong nội thành cũng như ngoại thành, đều rực màu hoa phượng đỏ, du khách nín thở để cảm thấy không gian đầy cây phượng với hoa phượng đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho màu quốc kỳ . Màu đỏ là màu môi của cô thiếu nữ trong tà áo dài cổ truyền dân tộc. Màu đỏ còn là màu nối tiếp một thời trai trẻ, một thời yêu đương.. Phượng có lá nhỏ, chỉ lớn hơn lá me, lá phượng chằng có công dụng gì ngoài việc tạo “việc làm” cho học sinh thực tập “vệ sinh trường lớp”. Nhưng Phượng có hoa màu đỏ (người ta còn thấy hoa phượng màu hồng , tím, trắng, có lẽ do chiết cành), một màu đỏ tươi thắm tuyệt vời, một màu đỏ trẻ trung vui vẻ, tượng trưng xứng đáng cho tuổi học trò, cho lứa tuổi vừa lớn, “tuổi ô mai”.

Khi phượng “già” đi, màu đỏ có hơi sẫm hơn, cánh hoa trở thành mỏng manh, một cơn gió nhẹ thổi qua có thể làm các cánh hoa rơi lả tả. Phượng lại còn có trái, trái phượng có cánh hình cung, dài chừng 2,3 tấc, khi trái già, bóc ra, bên trong có nhiều hột nằm xếp hàng theo hình cánh cung, ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt. Phượng cũng còn có một nhiệm vụ vô hình nhưng rất là thân thiết với học trò, đó là báo hiệu mùa Hè đã về.

Ai từng đi học mà chẳng mong…Hè về! Vì thế hoa phượng còn được giờ thân thương là “Hoa Học trò”. Cây phượng vĩ có gốc từ đảo Madagascar, thuộc địa cũ của Pháp, nên dân Hải Phòng phải nhớ ơn đảo quốc này.

Phân tích bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ - Mẫu 2

Ði giữa thành phố Cảng rực rỡ hoa phượng đỏ trong những ngày cả nước cùng miền nam đánh Mỹ, Hải Như xuất thần viết bài thơ "Thành phố Hoa phượng đỏ". Qua bài thơ mỗi chúng ta đều thấy được tình yêu và sự gắn bó tha thiết của nhà thơ với thành phố, quê hương thứ hai của ông.

Qua trang thơ của Hải Như, Thành phố Hải Phòng hiện lên rất đáng yêu, ngoan cường, anh dũng lại vừa giản dị vừa nên thơ, thơ mộng, lạc quan.

Tháng Năm, rợp trời hoa phượng đỏ
Ôi Hải Phòng thành phố quê hương
Ta yêu thành phố quê ta
Như yêu chính người thương yêu nhất

Thời gian nghệ thuật được nhắc đến trong bài thơ là tháng 5 - chính giữa mùa hè, lúc phượng vĩ nở rộ. Đó cũng là lúc thành phố đẹp nhất trong mắt của những thi sĩ thơ như Hải Như. Cả thành phố rợp trời trong hoa phượng đỏ, màu đỏ của hoa, màu đỏ của nền trời, tất cả hoà vào nhau thành một màu sắc rực rỡ, hoa lệ. Trong giây phút đó nhà thơ chẳng ngần ngại bộc lộ tình yêu dành cho Hải Phòng “Ta yêu thành phố quê ta”, tình yêu ấy được so sánh với “như yêu chính những người thương yêu nhất” nghĩa là tình yêu ấy gắn bó tự nhiên, giản dị, xuất phát từ chính trái tim của mình. Tình yêu chân thành và tự nguyện. Hẳn đến đây ai cũng nghĩ Hải Phòng chính là quê hương đã sinh ra Hải Như. Nhưng không phải quê hương gốc của nhà thơ là ở Nam Định cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao. Nhưng vì có một tình yêu tha thiết với thành phố Hoa Phượng đỏ nên ông đã chẳng ngần ngại bày tỏ tình yêu với thành phố này.

Theo mạch cảm xúc dạt dào nhà thơ tiếp tục thể hiện tình yêu dành cho đất và người nơi đây:

Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm
Nhưng Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên
Những cái tên nghe chẳng thơ đâu
Nhưng với ta vô cùng thân thiết
Ta tự hào với những cái tên không lẫn ấy của quê hương

Điệp từ “những” kết hợp với phép liệt kê lần lượt trưng ra sự trù phú, giàu có của mảnh đất Hải Phòng. Những địa danh chẳng hay như Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên đi vào trong thơ của Hải Như bỗng trở nên nên thơ và thân thương đến lạ. Nhà thơ nhắc đến nó bằng một niềm tự hào khôn xiết , tự hào vì những cái tên ấy không lẫn vào đâu được.

Sang đến khổ thơ thứ hai là một thành phố Hải Phòng với một nét đẹp khác, đó là vẻ đẹp trong chiến đấu, anh dũng, kiên cường, không khuất phục trước bất kỳ thế lực thù địch nào:

Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt
Cho anh trao chiếc hôn nồng
Chưa giải phóng Sài Gòn, Đà Nẵng ta cần biết xa nhau
Chào phố biển lam lũ nhưng sống có chiều sâu
Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu
Trăm trận thắng quê ta kiên cường – em biết đó

Giọng thơ đi vào chất giọng thủ thỉ, tâm tình, lời chào của nhà thơ gửi đến người em yêu cũng là gửi đến thành phố Hải Phòng yêu dấu. Vì chưa giải phóng, vì đất nước còn chiến tranh nên chúng ta phải xa nhau. Dẫu có bom rơi, đạn lạc thì nhà thơ tin tưởng “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Phép nhân hoá đã thể hiện vẻ đẹp anh dũng, kiên cường của thành phố và cũng là của con người nơi đây. Chính sự bất khuất hiên ngang đó đã làm nên trăm trận thắng trên trăm nẻo đường. Để hôm nay Hải Phòng có thể tự hào sánh ngang với những thành phố, thủ đô nổi tiếng khác như Sài Gòn, Đà Nẵng. Nhà thơ tin tưởng vào ngày mai của thành phố:

Hải Phòng ơi! Hôm nay thành phố quê ta bé nhỏ
Mai – ta đã hình dung thấy tráng lệ rộng dài
Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương
Ơi thành phố tháng Năm hoa phượng đỏ quê hương…
Ta mang người trong giữa trái tim ta

Một tương lai rộng mở đang chờ đón thành phố ở phía trước, đó là một tương lai huy hoàng, tráng lệ rộng dài. Giọng thơ trở nên thật hào sảng, thể hiện niềm tin tích cực vào một tương lai tươi sáng của thành phố và cũng là của đất nước. Đại từ “Người” là hoá thân của thành phố Hải Phòng - mãi trong tim của nhà thơ, đó chính là tình yêu vĩnh cửu, bất diệt gửi đến Hải Phòng.

“Thành phố hoa phượng đỏ” ra đời đã được nhiều năm. Ngày hôm nay Hải Phòng đã phát triển vượt bậc và trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại. Những dấu tích của một thời đạn bom tàn phá đã được thay thế bằng nhịp sống mới mẻ, hiện đại. Nhưng vẫn còn đó những Bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên”, bởi “những hẹn hò bên bờ sông Lấp” mà mỗi lần nhắc đến là biết bao niềm tự hào khôn xiết.

Với tình yêu đặc biệt dành cho Hải Phòng, Hải Như đã nói hộ tình yêu và sự gắn bó tha thiết của mình với thành phố Cảng. Qua bài thơ chúng ta thêm tin yêu và mảnh đất lịch sử này và trân trọng tình yêu của nhà thơ dành cho những miền đất nơi ông đã đi qua.

Phân tích Thành phố Hoa phượng đỏ - Mẫu 3

Đã từ bao thế hệ, trong lòng mỗi người dân thành Hải Phòng ai nấy đều nghe và thuộc bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” của nhạc sĩ Lương Vĩnh, phổ theo bài thơ cùng tên của nhà thơ Hải Như. Bài hát, cũng như bài thơ có ca từ, giai điệu đẹp, đi sâu vào lòng người, gợi bao vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây.

Hoa phượng đỏ đã trở thành biểu tượng của thành phố Hải Phòng. Hoa phượng thường nở vào mùa hè, trùng với thời điểm kết thúc năm học, do đó còn được gọi là “hoa học trò”. Sắc đỏ rực rỡ của phượng vĩ đã đi vào thơ ca và gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân Hải Phòng, khiến khung cảnh hơn đây trở nên đẹp đẽ biết bao.

Tác giả biểu lộ tình yêu tha thiết đối với thành phố biển, đó là những đôi trai gái yêu nhau, là những người thợ ngày đêm hăng say lao động, là những địa danh gợi lên bao khó khăn, lam lũ của người Hải Phòng ngày xưa. Con người Hải Phòng không dũng cảm, kiên cường đánh trả lực lượng không quân Hoa Kỳ ngày đêm bắn phá ác liệt, nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh mà còn xả thân cùng miền Nam đánh Mỹ. Truyền thống kiên cường, trung dũng, quyết thắng của Hải Phòng được nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lương Vĩnh tô đậm từ cao trào của bài ca với âm hưởng anh hùng ca: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu/ Trăm trận đánh quê ta kiên cường”. Đồng thời tác giả mong ước: “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng dài rực sáng/ Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”. Qua đó thể hiện tình yêu tha thiết và niềm tự hào về vùng đất này.

Mỗi dịp tháng năm về nghe bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”, người Hải Phòng lại càng yêu, càng tự hào về quê hương mình; còn khách thập phương thì nô nức đến Hải Phòng để chiêm ngưỡng hoa phượng đỏ rợp trời và chia vui cùng người dân nơi đây.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm