Văn mẫu lớp 10: Đoạn văn cảm nghĩ về nhân vật đã để lại cho bạn ấn tượng trong Đất rừng phương Nam Những bài văn hay lớp 10
Viết đoạn văn có sử dụng biện pháp liệt kê và chêm xen cảm nghĩ về một nhân vật đã để lại cho bạn ấn tượng rõ rệt khi đọc văn bản Đất rừng phương Nam gồm 3 mẫu siêu hay. Qua đó giúp các bạn học sinh có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, một giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức tâm đắc của chính mình.
Viết đoạn văn cảm nhận nhân vật trong Đất rừng phương Nam dưới đây được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Đồng thời biết cách trả lời câu hỏi từ đọc đến viết trang 78 Ngữ văn 10 Tập 2. Ngoài ra các bạn xem thêm đoạn văn kể lại ấn tượng của bạn về vùng đất đã đi qua.
Viết đoạn văn cảm nhận nhân vật trong Đất rừng phương Nam
Dàn ý viết đoạn văn cảm nhận nhân vật An
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích, nhân vật.
2. Thân đoạn:
- Nêu một số ấn tượng về nhân vật An:
+ An là người yêu thiên nhiên và có những cảm nhận hết sức nhanh nhạy, tinh tế.
+ Ưa khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh.
+ Ngoan ngoãn, tràn đầy tình yêu thương đối với mọi người.
- Nêu đánh giá về nghệ thuật khắc họa nhân vật: Nhân vật được khắc họa chủ yếu qua lời nói, hành động.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định cảm xúc, suy nghĩ về nhân vật.
Đoạn văn cảm nhận nhân vật trong Đất rừng phương Nam
Đất rừng phương Nam - một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người hiếu khách, yêu nước, kiên cường, bất khuất vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Quyển sách đã để lại cho em biết bao những suy nghĩ về vùng đất phương Nam thân yêu. Chỉ khi đọc hết quyển sách, chúng ta mới cảm nhận được cái đẹp và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Với nhân vật chính là một cậu bé tên An. Chính môi trường khắc nghiệt lúc đó đã tôi luyện An – một cậu bé 14 tuổi thành một người can đảm, có chí lớn. An rất thích phiêu lưu mạo hiểm với những trò như đi câu rắn, lấy tổ ong, theo tía săn cá sấu. Tuy nhiên, đôi khi cậu cũng hồn nhiên như chính độ tuổi của mình vậy: mải mê xem hát nên bị thuyền bỏ lại, theo đám bạn mò ốc nên lạc gia đình. Ở An hội tụ đầy đủ những nét chúng của thiếu nhi thời chiến và là tấm gương đáng để học hỏi trong thời đại ngày nay.
- Biện pháp tu từ liệt kê:
- đi câu rắn, lấy tổ ong, theo tía săn cá sấu.
- mải mê xem hát nên bị thuyền bỏ lại, theo đám bạn mò ốc nên lạc gia đình
- Biện pháp tu từ chêm xen:
- một tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An.
- một cậu bé 14 tuổi
Viết đoạn văn cảm nghĩ về nhân vật An
Khi đọc trích đoạn "Đất rừng phương Nam", tôi đặc biệt ấn tượng với nhân vật An bởi vẻ đẹp phẩm chất của cậu bé này. An là một cậu bé yêu thiên nhiên và có những cảm nhận hết sức nhanh nhạy, tinh tế. Qua đôi mắt của An, núi rừng hiện lên thật thơ mộng, trong trẻo "ánh sáng trong vắt", "nắng bốc hương hoa tràm ngây ngất", gió cũng bắt đầu thổi rao rao",.... Tiếp đến, An rất chịu khó học hỏi, ưa khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Trong quá trình đi "ăn ong" với tía nuôi, cậu luôn nhớ về những lời má nuôi kể. Sau đó, đúc rút ra những điểm độc đáo trong cách "thuần hóa" ong rừng của người dân vùng U Minh. Chỉ qua lời nói, hành động, nhà văn Đoàn Giỏi đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất, tính cách của cậu bé An - nhân vật chính cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Thông qua nhân vật, tôi thấy được sự am hiểu cũng như yêu mến của ông đối với thiên nhiên, con người phương Nam.
- Biện pháp tu từ chêm xen: "Chỉ qua lời nói, hành động, nhà văn Đoàn Giỏi đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất, tính cách của cậu bé An - nhân vật chính cũng là nhân vật trung tâm của toàn bộ tác phẩm.".
- Biện pháp tu từ liệt kê: "Qua đôi mắt của An, núi rừng hiện lên thật thơ mộng, trong trẻo "ánh sáng trong vắt", "nắng bốc hương hoa tràm ngây ngất", gió cũng bắt đầu thổi rao rao",....".
Đoạn văn cảm nghĩ về nhân vật Cò
Sau khi đọc đoạn trích "Đất rừng phương Nam", em đặc biệt yêu thích nhân vật Cò. Khác với cậu bé An, Cò hiện lên với vẻ hoạt bát, khỏe mạnh, sáng dạ. Cò có thể "đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.". Sinh ra và lớn lên ở vùng núi U Minh, Cò đã quá quen với địa hình nơi đây nên cậu không hề cảm thấy hề hấn gì, "cặp chân của nó nhu bộ giò nai, lội suốt ngày trong rừng còn chả mùi gì nữa là!". Có thể thấy, Cò cũng là người am hiểu, hiểu biết về rừng. Cậu chỉ cho An về khoảng cách giữa hai cây tràm nhằm giúp An xác định được kèo gác ong trên cành cây. Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" cùng nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua lời nói, hành động, tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Cò - cậu bé tiêu biểu cho con người vùng U Minh.
- Biện pháp liệt kê: "Khác với cậu bé An, Cò hiện lên với vẻ hoạt bát, khỏe mạnh, sáng dạ.".
- Biện pháp chêm xen: "Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" cùng nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua lời nói, hành động, tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Cò - cậu bé tiêu biểu cho con người vùng U Minh.".