Soạn bài Lời của cây - Chân trời sáng tạo 7 Ngữ văn lớp 7 trang 13 sách Chân trời sáng tạo tập 1
Bài thơ Lời của cây sẽ được hướng dẫn tìm hiểu trong chương trình học môn Ngữ văn lớp 7.
Tài liệu Soạn văn 7: Lời của cây, thuộc sách Chân trời sáng tạo, tập 1 sẽ giúp ích cho quá trình chuẩn bị bài của học sinh.
Soạn văn 7: Lời của cây
1. Tri thức Ngữ văn
1.1 Thơ bốn chữ, năm chữ
- Thơ bốn chữ là thể thơ mỗi dòng có bốn chữ, thường có nhịp 2/2.
- Thơ năm chữ là thể thơ mỗi dòng có năm chữ, thường có nhịp 3/2 hoặc 2/3.
1.2 Hình ảnh trong thơ
Hình ảnh trong thơ là những chi tiết, cảnh tượng từ thực tế đời sống, được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ ca, góp phần diễn tả cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ về thế giới con người.
1.3 Vần, nhịp và vai trò của vần, nhịp trong thơ
a. Vần
- Vần trong thơ gồm vần chân và vần lưng:
Vần chân là vần được gieo ở cuối dòng thơ, nghĩa là các tiếng ở cuối dòng với nhau.
Vần lưng là vần được gieo ở giữa dòng thơ, nghĩa là tiếng cuối ở dòng thơ trên vần với tiếng giữa ở dòng dưới, hoặc các tiếng trong cùng một dòng thơ hiệp vần với nhau.
- Vai trò của vần: liên kết các dòng và câu thơ, đánh dấu nhịp thơ, tạo nhạc điệu…
b. Nhịp
- Nhịp thơ được thể hiện ở chỗ ngắt chia dòng và câu thơ thành từng vế hoặc ở cách xuống dòng đều đặn cuối mỗi dòng thơ.
- Nhịp có tác dụng tạo tiết tấu, làm nên nhạc điệu cho bài thơ, góp phần biểu đạt nội dung bài thơ…
1.4 Thông điệp
Thông điệp là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, là cách ứng xử mà tác giả muốn gửi đến người đọc.
1.5 Phó từ
Phó từ là những từ chuyên đi kèm với danh từ, động từ, tính từ.
2. Soạn bài Lời của cây
2.1 Chuẩn bị đọc
Em đã bao giờ quan sát quá trình lớn lên của một cái cây, một bông hoa hay một con vật chưa? Điều đó gợi cho em suy nghĩ và cảm xúc gì?
Hướng dẫn giải:
- Quan sát: Em đã quan sát quá trình hạt đậu nảy mầm, hoa đồng tiền nở, con mèo sinh ra và lớn lên…
- Suy nghĩ và cảm xúc: Quá trình đó cần nhiều thời gian, cảm thấy thích thú khi được quan sát…
2.2 Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1. Em hình dung thế nào về hiện tượng nảy mầm qua hình ảnh “nhú lên giọt sữa”.
Hướng dẫn giải:
Hình ảnh mầm non nhú lên khỏi mặt đất, căng tràn nhựa sống để phát triển.
Câu 2. Chú ý những động từ miêu tả quá trình hạt mầm lớn lên ở khổ 2, 3, và 4.
Hướng dẫn giải:
Các động từ: nhú lên, mở mắt.
2.3 Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1. Năm khổ thơ đầu là lời của ai? Khổ thơ cuối là lời của ai? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?
Hướng dẫn giải:
- Năm khổ thơ đầu là lời của tác giả. Đây là lời kể của tác giả về quá trình nảy mầm của cây.
- Khổ thơ cuối là lời của cây. Dựa vào “Rằng các bạn ơi/Cây chính là tôi”.
Câu 2. Tìm một số hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây và thể hiện quá trình đó bằng sơ đồ.
Hướng dẫn giải:
- Một số hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây: nằm lặng thinh, nảy mầm, nhú lên giọt sữa, thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé.
- Sơ đồ: Hạt lặng thinh - Nhú lên giọt sữa - Mầm mở mắt - Cây đã thành.
Câu 3. Theo em, những dòng thơ như “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt” thể hiện mối quan hệ như thế nào giữa hạt mầm và nhân vật đang “ghé tai nghe rõ”?
Hướng dẫn giải:
Những dòng thơ như “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt” thể hiện mối quan hệ vô cùng gắn bó giữa hạt mầm và nhân vật đang “ghé tai nghe rõ”. Dường như giữa mầm cây và nhân vật có sự giao cảm, thấu hiểu.
Câu 4. Tìm những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho nhưng mầm cây. Hãy cho biết đó là tình cảm gì?
Hướng dẫn giải:
- Những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho nhưng mầm cây là: Hạt nằm lặng thinh, Ghé tai nghe rõ, Nghe bàn tay vỗ, Nghe tiếng ru hời, Nghe mầm mở mắt
- Tình cảm: Yêu mến, trân trọng và nâng niu.
Câu 5. Xác định các biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản. Phân tích tác dụng của chúng.
Hướng dẫn giải:
Các biện pháp tu từ:
- Nhân hóa “nằm lặng thinh”, “ghé tai nghe rõ”... - tạo sự gần gũi giống như con người.
- Điệp ngữ: “nghe” - nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó, giao cảm giữa mầm cây và con người.
Câu 6. Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ trên và cho biết vần và nhịp đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện “lời của cây”.
Hướng dẫn giải:
- Cách gieo vần: vần chân (mình - thinh, mầm - thầm, giông - hồng, thành - xanh, ơi - lớn).
- Cách ngắt nhịp 2/2.
=> Giọng điệu nhẹ nhàng, tâm tình như đang trò chuyện với mầm cây.
Câu 7. Xác định chủ đề và thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.
Hướng dẫn giải:
- Chủ đề: Bài thơ thể hiện sự trân trọng đối với mầm xanh, mở rộng ra chính là cây cối.
- Thông điệp: Con người cần biết lắng nghe để thấu hiểu và biết trân trọng những mầm xanh của sự sống.
Câu 8. Hãy tưởng tượng mình là một cái cây, một bông hoa hoặc một con vật cưng trong nhà và viết khoảng năm câu thể hiện cảm xúc khi mình hóa thân.
Hướng dẫn giải:
Mẫu 1
Tôi chính là loài hoa hướng dương. Vào những ngày nắng rực rỡ, tôi thường hướng về phía mặt trời để đón lấy ánh nắng ấm áp. Màu vàng của tôi cùng với màu vàng của nắng tạo nên màu sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên. Tôi là loài hoa tượng trưng cho niềm tin và hy vọng. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất tự hào.
Mẫu 2
Tôi là cây bàng. Tôi được trồng trên sân trường. Hằng ngày, tôi thức dậy thật sớm, vươn vai đón ánh nắng mai. Sau đó, tôi sẽ đón chào các bạn học sinh tới trường. Tiếng trò chuyện, cười nói của các bạn khiến tôi cảm thấy rất vui vẻ. Tôi tỏa bóng mát cho sân trường, giúp các bạn học sinh có khoảng không gian chơi đùa. Tôi rất hạnh phúc với điều đó.
Mẫu 3
Tôi là một chú mèo. Tôi được gia đình của chị Nhi nuôi lớn. Hằng ngày, công việc của tôi là ăn, ngủ và chơi đùa. Thỉnh thoảng, tôi được chị Nhi đưa đi chơi. Tôi rất yêu quý chị và mọi người trong gia đình. Vì vậy, có lúc, tôi còn giúp bắt chuột nữa, trông nhà. Cuộc sống của tôi rất yên bình và hạnh phúc.
Link Download chính thức:
Các phiên bản khác và liên quan:
- Nghĩa NguyễnThích · Phản hồi · 0 · 12:07 09/09