Viết bài văn nghị luận về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống Dàn ý & 18 bài văn mẫu lớp 7
Eballsviet.com muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Nghị luận về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.
Tài liệu sẽ bao gồm dàn ý và 16 bài văn mẫu lớp 7 nghị luận về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn.
Đề bài: Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.
Nghị luận về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống
1. Dàn ý nghị luận về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn
1. Dàn ý nghị luận về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn
1. Mở bài
Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận.
Nêu được ý kiến tán thành hay phản đối vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Giải thích từ ngữ, khái niệm quan trọng.
- Nêu bài viết bàn luận về ý nghĩa của câu tục ngữ, danh ngôn thì cần giải thích ý nghĩa của cả câu.
b. Bàn luận
- Quan điểm tán thành/phản đối của người viết về vấn đề.
- Trình bày lí lẽ, dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến.
c. Lật lại vấn đề
Nhìn nhận vấn đề ở chiều hướng ngược lại, trao đổi với ý kiến trái chiều, đánh giá ngoại lệ, bổ sung ý để vấn đề thêm toàn vẹn.
3. Kết bài
- Khẳng định lại ý kiến của bản thân.
- Đề xuất giải pháp, bài học nhận thức và phương hướng hành động.
2. Nghị luận về một câu tục ngữ
Bài văn mẫu số 1
Cha mẹ là đấng sinh thành. Họ không chỉ nuôi nấng, mà con dạy dỗ chúng ta nên người. Bởi vậy mà ông cha ta có câu:
“Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ chăm đường con hư”
Trong vế đầu tiên, “cá ăn muối” là cá đã được mổ sạch, đem ướp muối để cho thịt cá được ngấm muối, săn chắc và không có mùi tanh. Nếu cá không được ướp muối mà để lâu sẽ dẫn đến bị “ươn” - là cá không còn tươi, đã có mùi hôi. Đến vế tiếp theo, “con cãi cha mẹ” muốn chỉ lời nói hay hành động làm trái lại lời dạy bảo, khuyên nhủ của cha mẹ. Khi đó sẽ trở thành “con hư” chỉ những đứa con bất hiếu, có những lời nói và hành động trái với thuần phong mĩ tục. Như vậy, câu trên muốn khuyên nhủ con người cần sống hiếu thảo với cha mẹ.
Chẳng thể phủ nhận được công lao to lớn của cha mẹ. Họ không chỉ ban cho chúng ta sinh mệnh. Mà còn nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ chúng ta nên người. Trong suốt quá trình trưởng thành, con người luôn có cha mẹ ở bên. Người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày cho đến khi sinh con ra lại lo lắng cho con từ miếng ăn, giấc ngủ. Người cha bảo vệ con trước những cám dỗ của cuộc đời, dạy dỗ con cách sống, cách làm người sao cho đúng đắn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi đứa con đã khôn lớn thì cha mẹ vẫn không hết lo lắng, yêu thương.
Những lời răn dạy của cha mẹ đều nói ra với mong muốn giúp con cái trưởng thành hơn. Bởi vậy, chúng ta cần biết tôn trọng và lắng nghe cha mẹ của mình. Khi cần thuyết phục thì phải khéo léo, tránh có những hành vi như cãi lại, mắng chửi cha mẹ. Đó là hành vi thể hiện sự bất hiếu, cần phê phán.
Như vậy, câu “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” gửi gắm lời khuyên giá trị. Chúng ta cần sống sao cho trọn đạo làm con.
Bài văn mẫu số 2
Người xưa thường đúc kết kinh nghiệm trong những câu tục ngữ. Tuy ngắn gọn, nhưng tục ngữ lại chứa đựng bài học sâu sắc. Và câu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng là một trong số đó.
Câu tục ngữ có hai vế. Trong vế thứ nhất, “tiên” là có nghĩa là ban đầu, còn “lễ” là những lễ nghi hay hiểu đơn giản là cách cư xử của mỗi người trong cuộc sống. Ý nói rằng việc đầu tiên cần phải của con người đó là học cách lễ nghĩa, cách cư xử với những người xung quanh. Còn ở vế câu thứ hai, “hậu” có nghĩa là sau, “văn” là vốn kiến thức có được trong các môn học hay bên ngoài xã hội. Ý nói rằng việc sau đó là học kiến thức. Như vậy, câu tục ngữ muốn những kiến thức.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn coi trọng lễ nghi. Học “lễ” có nghĩa là học cách ứng xử và hành động sao cho chuẩn mực, phù hợp. Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy cách nói năng, ăn uống hay đi đứng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đến khi lớn lên, chúng ta lại học cách ứng xử như kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo… Sau khi học hỏi được những lễ nghi đó thì mới học đến những kiến thức văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về đạo đức. Bác là một nhân cách lớn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn chú ý đến việc rèn luyện đạo đức cá nhân, tu dưỡng tâm chí. Như vậy, việc rèn luyện đạo đức, phép tắc là vô cùng quan trọng. Đạo đức là nguồn gốc con người, những việc làm tốt sẽ tạo nên thói quen tốt. Đầu tiên cần học lễ nghĩa để làm người tốt, sau đó mới học kiến thức để làm người hiểu biết.
Tóm lại, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” tuy ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa. Chúng ta cần tích cực học lễ nghĩa, cũng như kiến thức để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Bài văn mẫu số 3
Câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” đã răn dạy con người phải có tấm lòng nhân ái. Bởi đó là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người.
Câu tục ngữ sử dụng cách nói so sánh con người hãy yêu thương mọi người xung quanh giống như yêu thương chính bản thân mình. Chúng ta cần phải có tấm lòng biết đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh. Đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong một hoàn cảnh tiện nghi, sung sướng. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người.
Cách sống này đã được chứng minh trong cách sống của nhân dân ta trong lịch sử cũng như trong quá khứ. Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Trước hết là quá khứ vẻ vang của dân tộc, nhân dân đã cùng đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, cũng bởi từ một phần không nhỏ lòng yêu thương dành cho nhân dân. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được nêu cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”... của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội…
Với riêng em, một học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước, những học sinh như tôi cần ý thức được bài học về tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.
Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một cách sống tốt đẹp. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” - hãy biết lan tỏa yêu thương để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Bài văn mẫu số 4
Tục ngữ là kho tàng tri thức với những bài học quý giá. Một trong những câu tục ngữ đó là “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” là một lời nhắc nhở đầy giá trị.
Ở đây, câu tục ngữ không hàm ý chỉ sự mua bán thông thường. Việc sử dụng cách nói “bán anh em xa, mua láng giềng gần” có ý nghĩa rằng tình cảm ruột thịt xa xôi không bằng tình cảm láng giềng gần gũi. Câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người ăn ở có tình nghĩa, biết sống chan hòa, yêu thương và giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Anh em máu mủ ruột rà là thứ tình cảm thiêng liêng vô cùng, vô cùng thiêng liêng và trân quý, nhưng anh em họ hàng dù là giọt máu đào với nhau nhưng nếu không ở gần gũi với nhau thì khí có việc khẩn cấp xảy ra, cũng không thể giúp đỡ được. Nhưng những hàng xóm lại ở ngay bên cạnh, có thể giúp đỡ, san sẻ chúng ta. Giữ gìn mối quan hệ hàng xóm láng giềng là một điều thật sự cần thiết trong cuộc sống.
Tục ngữ cũng có câu: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Câu chuyện “Cháy nhà hàng xóm” là một ví dụ điển hình. Trong làng nọ có nhà bị cháy. Cả làng đổ ra, kẻ thùng, người chậu, ai nấy ra sức tìm cách dập đám cháy. Riêng có một người nhà ở ngay bên cạnh vẫn trùm chăn, bình chân như vại, nghĩ: “Cháy nhà hàng xóm, chẳng việc gì mình phải bận tâm”. Nào ngờ, lửa mỗi lúc một to, gió thổi mạnh làm tàn lửa bay tứ tung, bén sang mái nhà ông ta. Lúc bấy giờ người kia mới chồm dậy, cuống cuồng tìm cách dập lửa. Nhưng không kịp nữa rồi. Nhà cửa, của cải của ông ta đã bị ngọn lửa thiêu sạch. Bởi vậy mới thấy rằng, tình làng nghĩa xóm quan trọng như thế nào.
Câu tục ngữ “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” chính là lời răn dạy đáng trân quý của các bậc cha ông về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm để đối nhân xử thế một cách gần gũi và dễ cảm nhận, đồng cảm nhất.
Bài văn mẫu số 5
Dân tộc Việt Nam được biết đến từ xưa đến nay với tinh thần tương thân tương ái. Đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì vậy, ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách” như một lời khuyên nhủ thế hệ sau giữ vững truyền thống tốt đẹp đó.
Đầu tiên, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” mượn hình ảnh tả thực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Những chiếc lá được con người sử dụng trong cuộc sống để gói bánh hoặc gói đồ ăn... Nhưng đó là những vật dễ rách, vì vậy người ta mới dùng nhiều lớp lá bọc lại, lớp lá lành bọc lấy lớp lá rách để không giữ cho đồ ở bên trong nguyên vẹn. Mượn hình ảnh trên để nói về cách ứng xử trong cuộc sống của con người. Những người có cuộc sống tốt đẹp khá giá sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Sự giúp đỡ này không hề có tính toán thiệt hơn hay vụ lợi cho bản thân. Mà điều đó xuất phát từ chính tấm lòng thương người như thể thương thân sâu thẳm bên trong của con người.
Lời răn dạy mà câu tục ngữ muốn gửi gắm là hoàn toàn đúng đắn. Bởi trong cuộc sống, không phải ai sinh ra cũng đều được sống trong hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì điều đó, chúng ta là những người được hưởng cuộc sống ấm no, đầy đủ về vật chất cần biết chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Bởi khi biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương của những người chúng ta giúp đỡ. Bản thân cũng sẽ cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. Có vậy, xã hội sẽ ngày một phát triển hơn. Cũng như bản thân cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.
Ví dụ như vào năm 2020 vừa qua, khi mà đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người trên thế giới. Thì ở Việt Nam, chúng ta thật tự hào khi “chiến thắng đại dịch”. Toàn thể nhân dân đã đoàn kết một lòng và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đầu tiên, đó là những chính sách hỗ trợ đến từ Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, người thất nghiệp… do ảnh hưởng của đại dịch. Tiếp đến là những phát minh đầy sáng tạo và tình người như cây ATM gạo, ATM khẩu trang… - ai cần thì đến lấy, tất cả đều miễn phí. Đó chính là tinh thần “lá lành đùm lá rách” thật đáng quý của con người Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức được tránh đi thái độ coi thường dè bỉu xa lánh những người mang thân phận “lá rách”, thay vào đó là cảm thông và chia sẻ để cuộc sống của họ và bản thân trở nên tốt đẹp hơn.
Tóm lại, câu tục ngữ trên chứa đựng một bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta. Bởi “sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” (Để gió cuốn đi) để lan tỏa những yêu thương tốt đẹp cho cuộc đời.
Bài văn mẫu số 6
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư, trọng đạo. Bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Không thầy đố mày làm nên” như một lời nhắc nhở thế hệ sau bài học về lòng kính trọng người giáo viên.
Đầu tiên, “thầy” ý chỉ thầy, cô giáo - những người có công dạy dỗ, giáo dục chúng ta nên người. Còn “mày” ý chỉ người học trò, “làm nên” là đạt được thành công trong cuộc sống. Từ “không” với ý phủ định, nhưng lại mang ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của những người giáo viên trong cuộc sống. Không có người thầy, cô giáo dạy dỗ, hướng dẫn và định hướng thì mỗi người không thể có được kiến thức, kĩ năng để áp dụng vào cuộc sống, hay lựa chọn được con đường đúng đắn cho bản thân.
Ca dao cũng đã có câu:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Hay J.A. Comenxki cũng đã từng khẳng định: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Từ đó, chúng ta ý thức được tầm quan trọng to lớn của người thầy, cô giáo.
Nếu như cha mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng. Thì thầy cô là những người có công giáo dục mỗi người. Chúng ta đến trường được thầy cô dạy cho những kiến thức bổ ích. Từ những nét chữ, con số đầu tiên đến những trang văn, bài toán. Không chỉ vậy, thầy cô còn giúp rèn luyện cho mỗi người nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Cũng như định hướng cho chúng ta lựa chọn mục tiêu, ước mơ đúng đắn, phù hợp với bản thân.
Ý thức được vai trò của người giáo viên, nước ta đã có hẳn một ngày để tôn vinh các thầy, cô giáo. Ngày 20 tháng 11 hằng năm được lấy là ngày Nhà giáo Việt Nam. Vào ngày này, các trường học trên khắp cả nước lại tổ chức lễ mít tinh. Thầy và trò hân hoan, háo hức tham dự. Đây là dịp để học sinh và phụ huynh tri ân các thầy cô giáo.
Người giáo viên giống như những người lái đò thầm lặng đưa khách qua sông. Như vậy, câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” chính là lời răn dạy sâu sắc, giá trị.
Bài văn mẫu số 7
Tục ngữ được coi là “chiếc túi khôn” của nhân loại. Mỗi câu tục ngữ đều chứa đựng một bài học giá trị. Và câu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” cũng vậy.
Nếu về nghĩa đen thì ý nghĩa của câu tục ngữ trên rất đơn giản. Một cây đơn độc không thể làm nên một khu rừng mà phải cần có nhiều cây tạo thành. Còn về nghĩa bóng, “một cây” chỉ số ít, “ba cây” chỉ số nhiều, “chụm lại” là hành động thể hiện sự đồng lòng, chung sức. Một người không thể giải quyết được những việc khó khăn, to lớn. Chỉ khi mỗi người biết hợp sức, đồng lòng lại cùng nhau mới có thể giải quyết mọi khó khăn. Tóm lại, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người biết đoàn kết.
Tinh thần đoàn kết đã được thể hiện từ trong cuộc sống lao động hàng ngày đến những năm tháng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là sức mạnh tạo nên chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chiến thắng quân Nguyên - Mông, cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp… Đến ngày nay, dân tộc ta đã thể hiện tinh thần đoàn kết trong đại dịch Covid-19. Khi nhiều cường quốc trên thế giới phải điêu đứng trước dịch bệnh, thì Việt Nam vẫn tự hào là nước kiểm soát dịch bệnh tốt. Những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chính sách hỗ trợ người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch… của nhà nước. Những hành động hỗ trợ thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân. Những hành động thể hiện trách nhiệm cộng đồng của các y bác sĩ… Tất cả đều đã thể hiện được tinh thần đoàn kết. Thật tự hào khi Việt Nam là nước dám lựa chọn đánh đổi phát triển kinh tế để bảo vệ tính mạng của người dân.
Như vậy, câu tục ngữ trên là một bài học quý giá về sự đoàn kết đối với mỗi người. Cũng giống như lời răn dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Bài văn mẫu số 8
Con người thường hay chịu tác động từ yếu tố môi trường xung quanh. Bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” gửi gắm đến một bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Câu tục ngữ có hai nét nghĩa. Về nghĩa đen, “mực” là loại chất lỏng có màu, sử dụng cùng với bút để viết được chữ; còn “đèn” là một đồ vật dùng để thắp sáng. Về nghĩa bóng, “mực” chỉ những điều xấu xa; còn “đèn” chỉ những điều tốt đẹp. Như vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ là một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.
Bác Hồ chính là một dẫn chứng điển hình. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi…
Con người cần phải hiểu được rằng cần phải giữ được nhân cách cao đẹp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có thể thấy đây là một lời khuyên giàu giá trị, ngay cả trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Họ có lối sống lệch lạc, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Điều đó thật đáng lên án và tránh xa.
Với một người học sinh, chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm rèn luyện phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Việc học tập phải luôn được đặt lên đầu tiên, để từ đó xây dựng một con đường tương lai vững chắc.
Dù trải qua thời gian, nhưng tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa. Và câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng như vậy.
3. Nghị luận về một câu danh ngôn
Bài văn mẫu số 1
Đối với nhân loại, sách là một kho tàng tri thức vô cùng quý giá. Bởi vậy mà M. Goóc-ki đã khẳng định rằng: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.
Về khái niệm “sách” có thể hiểu đơn giản là một dạng văn bản được in ra thành quyển, chứa đựng một khối lượng thông tin và kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm của người viết. “Những chân trời mới” là hình ảnh mang tính biểu tượng, ý chỉ những nguồn tri thức mới mẻ chưa được khám phá.
Cách nói “sách mở rộng những chân trời mới” có nghĩa là sách giúp mở rộng hiểu biết của con người, khám phá ra những tri thức mới mẻ.
Có thể khẳng định rằng, tri thức của nhân loại giống như một đại dương mênh mông. Còn hiểu biết của con người lại chỉ như một giọt nước nhỏ bé giữa đại đương đó. Nhưng nhờ đọc sách, chúng ta sẽ khám phá, phát hiện thêm được nhiều tri thức mới mẻ. Nhờ có những cuốn sách cũng giúp mỗi người rèn luyện được tư duy, trí tưởng tượng. Bởi vậy việc nói rằng “sách là ngọn đèn trí tuệ” là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.
Thời gian có thể trôi qua hàng nghìn năm, nhưng những sự việc đã xảy ra, kiến thức được phát hiện vẫn được lưu giữ lại trong sách sẽ vẫn còn mãi. Bởi vậy mới nói, sách có thể giúp con người vượt mọi giới hạn về không gian và thời gian. Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI, nhưng vẫn có thể hiểu được con người nguyên thủy sống như thế nào. Cũng như chúng ta là một người Việt Nam nhưng có thể biết được phong tục, tập quán của người dân phương Tây. Không có bất cứ kiến thức nào có thể bị giới hạn, chỉ cần có những cuốn sách.
Tuy nhiên, vẫn có những cuốn sách chứa nội dung độc hại. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải biết cách lựa chọn sách, và phương pháp đọc sách sao cho phù hợp, đúng đắn. Chọn sách phải dựa trên mục đích của người đọc. Đọc sách không nên chú trọng số lượng, mà cần đọc cho tinh, cho kĩ. Có vậy, những cuốn sách mới đem đến hiệu quả tích cực.
Như vậy, lời khẳng định của M. Goóc-ki tuy ngắn gọn nhưng có giá trị lớn. Con người cần trân trọng, giữ gìn sách như một nguồn tài nguyên quý giá của nhân loại.
Bài văn mẫu số 2
Trong cuộc sống, sách có một vai trò vô cùng đặc biệt với đời sống nhân loại. Điều đó được thể hiện qua lời nhận xét: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”.
Hiểu một cách đơn giản, sách là một dạng văn bản được in ra thành quyển, trong cuốn sách đó có chứa đựng những thông tin chính cần đề cập tới, đó là những kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm, của nhiều tác giả hoặc ý kiến cá nhân tác giả. Còn “ngọn đèn” là vật dụng do con người phát minh ra dùng để chiếu sáng. Với “ngọn đèn bất diệt” thì ánh sáng của nó luôn sẽ tồn tại với thời gian, không mất đi. Việc so sánh “sách” với hình ảnh “ngọn đèn bất diệt” nhằm khẳng định giá trị của sách đối với con người.
Câu danh ngôn đưa ra quan điểm hoàn toàn đúng đắn. Trước hết, sách cung cấp cho con người những tri thức khác nhau thuộc mọi lĩnh vực trong đời sống. Sách có thể giúp người đọc vượt qua mọi không gian và thời gian, thậm chí là mọi ngôn ngữ. Khi đọc sách, chúng ta giống như đang được “xuyên không” từ quá khứ đến hiện tại và ngay cả tương lai nữa. Lạc vào thế giới của sách, con người sẽ đến với những chuyến hành trình bất tận, khám phá được nhiều điều mới mẻ và thú vị mà chỉ phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ.
Những quyển sách giống như một người của con người. Khi đọc được một quyển sách tốt, bạn không chỉ học hỏi được những kiến thức mà còn bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Đôi khi, những cuốn sách còn giúp chữa lành đi những vết thương mà bạn trải qua trong cuộc sống. Nhờ có sách, chúng ta cũng nhận ra những phần mà bản thân mình còn khiếm khuyết, để từ đó tự hoàn thiện chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, những cuốn sách vô bổ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn người đọc. Không chỉ vậy, sách còn là nơi giúp con người giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng và mệt mỏi.
Một cuốn sách hay có khả năng giáo dục. Không thể phủ nhận được rằng, sách cũng giống như một người bạn có ảnh hưởng đến mỗi người. Những tác phẩm văn chương giàu giá trị giúp khơi dậy cho chúng ta biết xúc động, biết đồng cảm và chia sẻ. Ví dụ những tác phẩm văn học của nhà văn Thạch Lam: Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê… đã khắc họa cuộc sống của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Những tác phẩm này đã khơi dậy trong lòng người đọc lòng thương cảm, sự sẻ chia với những con người đó. Cùng với đó, sách cũng là một hình thức giải trí phổ biến của con người.
Trong cuộc sống hiện đại là thời đại phát triển của khoa học công nghệ, con người thường thích sử dụng một chiếc điện thoại hay máy tính để xem phim, nghe nhạc hơn là cầm một cuốn sách để đọc. Chính điều đó khiến cho văn hóa đọc đang rơi vào tình trạng đáng báo động. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ - những con người yêu thích công nghệ. Nhiều người không có đủ thời gian để đọc hoàn chỉnh một cuốn sách. Đôi khi, đọc sách cũng không còn là một sở thích được ưa chuộng nữa. Chính vì vậy, mỗi người hãy ý thức được tầm quan trọng của việc sách để từ đó tích lũy cho bản thân nhiều kiến thức hơn.
Như vậy, câu nói “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” là hoàn toàn đúng đắn. Hãy đọc sách để có thể hoàn thiện bản thân, và dần tiến đến con đường thành công.
Bài văn mẫu số 3
Tình bạn đem đến cho con người những điều thật tuyệt vời. Bởi vậy mà: “Không thể sống thiếu tình bạn”.
Hiểu đơn giản rằng tình bạn là tình cảm yêu mến, gắn bó giữa bạn bè - những con người có cùng chung sở thích, lí tưởng, hoàn cảnh. Họ cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Con người không thể sống trong cô đơn. Dù là ai cũng cần có một người bạn ở bên cạnh. Bởi vậy, con người không thể sống thiếu tình bạn.
Tôi cảm thấy lời câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Tình bạn có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó tồn tại giống như một nguồn sống, một chỗ dựa tinh thần cho mỗi người. Bạn bè không thể ở bên chúng ta mỗi ngày, nhưng khi gặp phải bất cứ khó khăn nào, mỗi người bạn thực sự thân thiết đều có thể sẵn lòng giúp đỡ. Chính bạn bè cũng là những người cho ta niềm tin để có thể chia sẻ những niềm vui hay nỗi buồn. Có thể cùng khóc cùng cười. Trong đường đời đầy thử thách, nếu như có một người bạn bên cạnh, có thể đưa ra những lời khuyên răn. Những người bạn tốt sẽ biết bao dung với những sai lầm của chúng ta.
Chắc hẳn không ai là không biết đến câu chuyện tình bạn cảm động của Lưu Bình và Dương Lễ. Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở nhỏ. Nhà Dương Lễ nghèo khó, còn Lưu Bình lại giàu có nên thường đưa bạn về nhà ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn rất gắn bó. Dương Lễ luôn ra sức học, còn Lưu Bình cậy gia đình giàu có nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đỗ. Còn Lưu Bình thì thi trượt nên chán nản và lại càng ăn chơi hơn trước, tiền của dần tiêu hết. Trong hoàn cảnh đó, Lưu Bình đến nhờ cậy Dương Lễ nhưng không gặp được bạn. Dương Lễ cho người dọn cơm hẩm với đĩa cà thâm để tiếp đãi, có vẻ khinh bạc. Lưu Bình tức giận ra về, dọc đường ghé lại quán trọ gặp được Châu Long. Được lời khuyên nhủ của Châu Long, Lưu Bình tu chí học hành và đỗ đạt, lúc trở về quê vinh quy bái tổ thì không thấy Châu Long đâu nữa. Chỉ khi đến nhà Dương Lễ để trút nỗi giận năm xưa mới nhìn thấy Châu Long. Lúc này chàng mới nhận ra Dương Lễ vì muốn mình có thể tu chí học hành mà đã sai người vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ ăn học cho thành tài. Cả hai từ đó lại càng gắn bó khăng khít hơn. Qua câu chuyện này, có thể thấy, chính nhờ tấm lòng lo lắng và sự hi sinh của Dương Lễ dành cho bạn, mà Lưu Bình mới có thể thay đổi thành một người tốt hơn, thành công hơn.
Trong xã hội hiện đại, những giá trị tình cảm đang dần trở nên mai một. Chính vì vậy, con người cần phải biết trân trọng những người bạn luôn ở bên cạnh chúng ta. Tóm lại, con người “không thể sống nếu thiếu tình bạn”.
Bài văn mẫu số 4
“Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” - sách chính là một sản phẩm của trí tuệ con người, kết tinh toàn bộ những giá trị tinh hoa thuộc về tinh thần của con người.
Sách là một dạng văn bản được in ra thành quyển. Trong đó có chứa đựng những thông tin chính cần đề cập tới. Đó là những kho tàng tri thức vô cùng to lớn của nhân loại. Còn “ngọn đèn” là một sản phẩm của trí tuệ con người, dùng để chiếu sáng. Hình ảnh “ngọn đèn bất diệt” tượng trưng cho vai trò của sách đối với tâm hồn và trí tuệ mỗi con người. Những cuốn sách cũng giống như ngọn đèn, tồn tại mãi mãi với thời gian và thắp sáng cho trí tuệ của con người.
Trước hết, sách cung cấp cho con người những tri thức khác nhau thuộc mọi lĩnh vực trong đời sống. Mỗi một cuốn sách thuộc một lĩnh vực khác nhau sẽ giúp người đọc nó có thể kiến thức về lĩnh vực đó. Khi đọc sách, con người dường như có thể vượt qua mọi không gian và thời gian, thậm chí là mọi ngôn ngữ. Khi đọc sách, chúng ta giống như đang được “xuyên không” từ quá khứ đến hiện tại và ngay cả tương lai nữa. Lạc vào thế giới của sách, con người sẽ đến với những chuyến hành trình bất tận, khám phá được nhiều điều mới mẻ và thú vị mà chỉ phải bỏ ra một số tiền rất nhỏ.
“Một cuốn sách hay cũng giống như một người bạn tốt”. Khi đọc được một quyển sách tốt, bạn không chỉ học hỏi được kiến thức mà còn bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Đôi khi, những cuốn sách còn giúp chữa lành đi những vết thương mà bạn trải qua trong cuộc sống. Nhờ có sách, chúng ta cũng nhận ra những phần mà bản thân mình còn khiếm khuyết, để từ đó tự hoàn thiện chính mình trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, những cuốn sách vô bổ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn người đọc.
Tri thức của nhân loại là vô cùng rộng lớn. Và chúng đã được lưu giữ lại nhờ những cuốn sách. Bởi vậy, khi con người đọc sách, họ sẽ nâng cao khả năng hiểu biết của bản thân, rút kinh nghiệm từ những sai lầm của người đi trước. Và từ đó tiến tới con đường của thành công một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, mỗi người cần phải tránh xa những cuốn sách không tốt. Cũng như rèn luyện được kĩ năng đọc sách đúng đắn.
Với một học sinh, em luôn tích cực đọc sách - trước hết là sách giáo khoa cung cấp kiến thức cơ bản nhất, sau đó là các sách tham khảo để bổ sung thêm vốn hiểu biết, kỹ năng cho bản thân. Ngoài ra, em cũng rất thích đọc những cuốn sách văn học bởi nó giúp cho em rèn luyện được cảm xúc, tâm hồn trở nên tốt đẹp hơn.
Quả thật, những cuốn sách chính là ngọn đèn sáng soi rọi trí tuệ của con người. Chúng ta cần phải biết trân trọng những cuốn sách - nguồn tài sản quý giá của nhân loại.
Bài văn mẫu số 5
Cuộc sống là một hành trình không ngừng nghỉ. Và trong hành trình đó, học tập là một điều vô cùng cần thiết. Bởi vậy mà Lê-nin đã khuyên nhủ con người: “Học, học nữa, học mãi”.
Đầu tiên, hiểu đơn giản học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Học không chỉ là đi khám phá cái mới lạ mà còn là sự nối tiếp, nâng cao hơn của những tri thức đã biết, tự tìm tòi để giải quyết các vấn đề dựa trên các kinh nghiệm đã đạt được trước đó. Học tập cũng không phải là một đích đến mà là cả một quá trình dài. Nó không chỉ kết thúc sau khi chúng ta không còn ngồi trên ghế nhà trường nữa. Chính vì vậy, con người cần có ý thức tự giác học tập để hoàn thiện bản thân. Học tập cũng chính là con đường ngắn nhất giúp con người đến với thành công.
Nhà bác học học Charles Robert Darwin từng khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Dù đã trở thành giáo sư, tiến sĩ được mọi người kính trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta hiểu biết tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Câu chuyện kể về một vị tiến sĩ được mọi người nể phục bởi tri thức và tài năng. ông đã đạt được nhiều thành tựu vẻ vang trong lĩnh vực của mình nhưng ông lại hoàn toàn bó tay với việc đi chợ, ông tỏ ra bối rối trước bà bán rau. Ở khía cạnh này có thể nói những bà nội trợ học hành nông cạn cũng có thể giỏi hơn vị tiến sĩ miệt mài đèn sách có những công trình lớn. Vì vậy trong cuộc sống, chúng ta phải luôn linh động để học hỏi và tiếp thu, cần tránh tư tưởng bảo thủ học tập theo lối mòn của bản thân mà không tự thử thách để tìm ra tri thức mới. Tri thức của nhân loại là vô hạn, còn vốn hiểu biết mỗi người chỉ như giọt nước giữa đại dương. Chính vì vậy mà chúng ta phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng học hỏi.
“Học, học nữa, học mãi” - điều đó đã được thể hiện qua tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã tự mình học hỏi để rồi có được một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa các nước. Cũng như am hiểu thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nga… Ngay cả cho đến khi đã trở thành một vị chủ tịch nước, Người vẫn tiếp tục học tập. Quả là một tấm gương đáng ngưỡng mộ biết bao. Kế thừa tinh thần đó của Bác, trong xã hội hiện tại, có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tự mình học hỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để có được kết quả cao trong học tập… Người luôn ý thức việc học không chỉ đối với học sinh, mà học tập là cả một quá trình suốt đời.
Học tập là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ mà nó phải xuất phát từ nhu cầu và mục đích của việc học. Mỗi học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần hiểu được tầm quan trọng của việc học. Từ đó, bản thân cần ra sức học tập, rèn luyện kiến thức và kĩ năng. Con đường thành công nằm ngay ở phía trước.
Như vậy, lời khuyên nhủ của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi” đã để lại một bài học sâu sắc. Thành công chỉ đến với những người biết cố gắng không ngừng nghỉ.
Bài văn mẫu số 6
Có ai đó đã từng nói rằng: “Nơi nào có đoàn kết, nơi đó có chiến thắng” cho thấy được đoàn kết có vai trò to lớn. Bởi vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch”.
Đầu tiên, “đoàn kết” là sự gắn kết, sự liên kết bền chặt giữa các cá nhân trong một tập thể, “sức mạnh” là khả năng tác động mạnh mẽ đến những người khác, đến sự vật, gây tác dụng ở mức cao. “Vô địch” có nghĩa là không có đối thủ nào đánh bại được. Như vậy, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” khẳng định rằng chính nhờ có sự đoàn kết sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Bất cứ công việc nào, nếu chỉ làm một mình, có thể mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành, thậm chí là không thể hoàn thành. Chỉ khi mỗi người biết hợp sức, đồng lòng lại cùng nhau mới có thể giải quyết mọi khó khăn. Mỗi người cùng chung tay sẽ có thể “góp gió thành bão” - làm nên nguồn sức mạnh lớn lao.
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết. Lịch sử của dân tộc Việt Nam trải qua những năm tháng đấu tranh để bảo vệ đất nước. Từ các triều đại phong kiến phương Bắc đến thực dân Pháp, đế quốc Mĩ. Nhưng khi đối đầu với bất cứ kẻ thù nào, nhân dân ta cũng đồng lòng để đánh tan kẻ thù ấy. Cho đến ngày hôm nay, tinh thần đoàn kết còn gắn liền với tấm lòng tương thân tương ái. Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cho thế giới phải gánh chịu nhiều đau thương, trong đó có cả Việt Nam. Dù vậy, chúng ta vẫn vượt qua khi có được tinh thần đoàn kết. Đảng và Nhà nước đã ban hành các quy định để ứng phó với dịch bệnh. Các y bác sĩ xung phong lên tuyến đầu chống dịch không quản ngại cả đều đã thể hiện được tinh thần đoàn kết. Mọi người dân đều nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng chống dịch bệnh. Tất cả đã thể hiện được sự đồng lòng của của toàn thể đất nước, với niềm tin rằng một ngày không xa chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.
Bên cạnh đó, vẫn còn những người có lối sống cá nhân. Họ luôn xa rời với lợi ích của tập thể, sống vị kỉ và không có tinh thần đoàn kết. Chúng ta cần phải lên án, tránh xa những hành động như vậy. Còn đối với một học sinh, việc ý thức được vai trò của đoàn kết là vô cùng quan trọng. Điều đó giúp tôi có thêm sức mạnh từ bạn bè để hoàn thành tốt mục tiêu của thân.
Có thể khẳng định rằng, “Đoàn kết là sức mạnh vô địch” và con người cần hiểu được điều đó để tận dụng tốt sức mạnh đó trong cuộc sống.
Bài văn mẫu số 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về cách sống. Người đã để lại nhiều lời khuyên quý giá, trong đó có câu:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Bác Hồ đã sử dụng cách nói giàu hình ảnh - “đào núi” và “lấp biển” cùng với cách nói phủ định - “Không có việc gì khó” nhằm khẳng định rằng nếu có ý chí, nghị lực thì sẽ vượt qua mọi thử thách để “làm nên” có nghĩa là sẽ gặt hái được thành công.
Lời khuyên của chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện qua nhiều tấm gương trong cuộc sống. Họ là những con người có ý chí kiên cường, không ngại thử thách, dám dấn thân vào khó khăn để theo đuổi đam mê của mình.
Bill Gates - một tỷ phú “lắm tiền nhiều của”. Một doanh nhân thành đạt, nhưng ít ai biết rằng để có thành công ngày hôm nay, ông đã đấu tranh quyết liệt như thế nào để tự khẳng định cái “tôi” của chính mình. Trong hành trình theo đuổi đam mê của mình, ông không bao giờ ngại khó khăn, gian khổ hay thử thách. Ông luôn hiểu được rằng chỉ có cố gắng hết sức mới có thể chạm tay tới thành công. Một tấm gương khác có thể kể đến ở trong lĩnh vực thời trang của Việt Nam. Nếu như theo dõi Vietnam's Next Top Model mùa đầu tiên, chắc chắn không ít người sẽ kinh ngạc vì sự bứt phá quá ngoạn mục của Trang Khiếu. Người từng trở thành trò cười trong phần thi tuyển của cuộc thi, liên tục lọt vào tốp thí sinh nguy hiểm ở các tuần đầu tiên. Nhưng nhờ có sự quyết tâm, không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng cá nhân mà và lòng đam mê với công việc người mẫu mà cô mới có được sự nghiệp thành công như hiện tại.
Đối với tôi, lời khuyên của Hồ Chủ tịch vô cùng quý giá. Nó giúp tôi có thêm sự tự tin, ý chí để bước đi trên con đường chinh phục tri thức phía trước.Để từ đó, trong tương lai tôi có thể trở thành một con người có ích cho xã hội.
Mỗi thành công đều phải trải qua thử thách. Lòng kiên trì, ý chí mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta gặt hái được “quả ngọt” trong hành trình cuộc sống.
......Xem chi tiết tại file tải dưới đây.......