KHTN Lớp 7 Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp Giải sách Khoa học tự nhiên 7 Kết nối tri thức trang 104

Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp hay nhất, ngắn gọn giúp các em học sinh dễ dàng làm bài tập trong SGK Khoa học tự nhiên 7 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 104, 105, 106, 107.

Với lời giải KHTN 7 chi tiết, còn giúp các em hệ thống lại toàn bộ kiến thức lý thuyết trọng tâm của Bài 23 Chương VII: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật. Bên cạnh đó, cũng giúp thầy cô soạn giáo án cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com:

Phần mở đầu

Cây xanh có ý nghĩa rất lớn đối với sự sống trên Trái Đất. Vậy chúng ta cần trồng và bảo vệ cây xanh như thế nào? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình quang hợp ở cây xanh?

Trả lời:

- Chúng ta cần tích cực trồng và bảo vệ cây xanh bằng cách:

  • Tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người về vai trò to lớn của cây xanh đối với sự sống trên Trái Đất.
  • Thực hiện các hoạt động trồng cây, gây rừng.
  • Trồng cây đúng mùa vụ, phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, bảo vệ cây giúp cây sinh trưởng nhanh và phát triển tốt để nâng cao năng suất cây trồng.
  • Nghiêm cấm và tích cực tố giác các hoạt động chặt phá cây, rừng bừa bãi.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quang hợp:

  • Ánh sáng
  • Nước
  • Khí carbon dioxide
  • Nhiệt độ

I. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp

Câu 1: Hãy kể tên những loài cây ưa bóng và ưa sáng khác mà em biết.

Trả lời:

Một số cây ưa sáng: bàng, nhãn, dâu tây, vải, bưởi, cam, quýt, mít, dừa, mai, đào,..

Một số cây ưa bóng: tú cầu, phát lộc, thường xuân, môn nước, xương rồng, trúc mây, lưỡi hổ, lan như ý, lá lốt, trầu không...

Câu 2: Quan sát hình 23.2 và cho biết ảnh hưởng của nồng độ khí CO2 đến quang hợp có giống nhau ở các loài cây không? Giải thích.

Hình 23.2

Trả lời:

Quan sát biểu đồ ta thấy rằng: Ở cùng nồng độ khí CO2 (%) cây bí đỏ có cường độ quang hợp cao hơn cây đậu.

Giải thích: Cây bí và cây đậu khác nhau về cấu tạo, cũng như mỗi loài cây lại có nhu cầu khác nhau về ánh sáng.

Hoạt động 1: Đọc thông tin trong mục I, thảo luận nhóm và hoàn thành theo mẫu Bảng 23.1.

Bảng 23.1

Yếu tốẢnh hưởng đến quang hợp
Ánh sáng?
Nước?
Khí carbon dioxide?
Nhiệt độ?

Trả lời:

Bảng 23.1

Yếu tố

Ảnh hưởng đến quang hợp

Ánh sáng

- Thông thường, khi cường độ ánh sáng tăng thì hiệu quả quang hợp sẽ tăng ngược lại. Tuy nhiên, ánh sáng quá mạnh sẽ làm lá cây bị “đốt nóng”, làm giảm hiệu quả quang hợp.

- Mỗi loài cây có một nhu cầu ánh sáng khác nhau: cây ưa sáng thường sống nơi có ánh sáng mạnh, cây ưa bóng thường sống ở nơi bóng râm.

Nước

- Nước có ảnh hưởng kép tới quá trình quang hợp vì nước vừa là nguyên liệu của quang hợp, vừa là yếu tố tham gia vào việc đóng, mở khí khổng, liên quan đến sự trao đổi khí.

Khí carbon dioxide

- Thông thường, khi cường độ khí carbon dioxide tăng thì hiệu quả quang hợp sẽ tăng.

- Khi hàm nồng độ khí carbon dioxide tăng quá cao (khoảng 0,2%) hoặc giảm xuống quá thấp (thấp hơn 0,008% - 0,01%), cây sẽ không quang hợp được.

Nhiệt độ

- Nhiệt độ thuận lợi nhất cho hầu hết các loài cây quang hợp là từ 25oC – 35oC.

- Khi nhiệt độ giảm xuống quá thấp (thường dưới 10oC) hoặc tăng lên quá cao (trên 40oC), quá trình quang hợp sẽ giảm dần, thậm trí là dừng hẳn.

Hoạt động 2: Giải thích vì sao nên trồng cây đúng thời vụ và đảm bảo mật độ phù hợp.

Trả lời:

- Nên trồng cây đúng thời vụ vì:

  • Khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng,…) là những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình quang hợp của cây, từ đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
  • Các loại cây khác nhau có nhu cầu khác nhau về khí hậu khác nhau mà khí hậu trong năm không đồng nhất (tùy vào thời vụ).

→ Vì vậy, muốn cho cây sinh trưởng, phát triển tốt thì phải trồng cây vào thời vụ có khí hậu, thời tiết phù hợp nhất đối với cây.

- Nên đảm bảo mật độ phù hợp vì:

  • Cây trồng quá dày sẽ dẫn đến thiếu nước, ánh sáng, các nguyên tố dinh dưỡng khoáng thiết yếu,… để cây có thể tiến hành quá trình quang hợp tích lũy vật chất cho cây, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây (cây còi cọc, năng suất thấp).
  • Cây trồng quá thưa sẽ dẫn đến cây không sử dụng hết các nguồn sống được cung cấp → lãng phí diện tích và nguồn sống → hiệu quả kinh tế thu được không cao.

→ Trồng cây đúng mật độ thì cây mới sử dụng được các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,... của môi trường phù hợp nhất và hiệu quả nhất.

Hoạt động 3: Ở những khu công nghiệp hay nơi có nhiều nhà máy, nồng độ khí carbon dioxide thường tăng cao. Quang hợp của cây trồng tại đó bị ảnh hưởng như thế nào?

Trả lời:

Ở những khu công nghiệp hay nơi có nhiều nhà máy, nồng độ khí carbon dioxide thường tăng cao. Nếu nồng độ khí carbon dioxide cao trong giới hạn cho phép thì cường độ quang hợp của cây trồng tại đó sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nếu nồng độ khí carbon dioxide tăng cao vượt ngưỡng cho phép, hiệu quả quang hợp của cây trồng tại đó thường giảm đi và cây có thể chết do không quang hợp được.

Hoạt động 4: Vào những ngày nắng nóng hoặc trời rét đậm, người làm vườn thường che nắng hoặc chống rét (ủ ấm gốc) cho cây. Em hãy giải thích ý nghĩa của việc làm đó.

Trả lời:

Vào những ngày nắng nóng hoặc trời rét đậm, người làm vườn thường che nắng hoặc chống rét (ủ ấm gốc) cho cây để:

  • Che nắng: giúp giảm cường độ ánh sáng và nhiệt độ đảm bảo cây không bị “đốt nóng” quá mức khiến các hoạt động sinh lí của cây bị ảnh hưởng (khi cây bị “đốt nóng”, cường độ quang hợp giảm, thoát hơi nước mạnh,…).
  • Chống rét (ủ ấm gốc): giúp hỗ trợ nhiệt độ của cây không xuống quá thấp dưới mức chịu đựng của cây.

→ Hai biện pháp trên đều giúp cây phát triển tốt trong những điều kiện nhiệt độ không thuận lợi.

II. Vận dụng những hiểu biết về quang hợp trong việc trồng và bảo vệ cây xanh

Câu 1. Trình bày biện pháp bảo vệ cây xanh trong trường học của em.

Trả lời:

Ở trường em có các biện pháp bảo vệ cây xanh như:

  • Đặt các biển báo cấm ngắt lá bẻ cành trong trường.
  • Thường xuyên và tuyên truyền rộng rãi việc bảo vệ cây xanh.
  • Tổ chức trồng cây xanh trong và ngoài khuôn viên trường học.

Câu 2. Tại sao ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống lại cần trồng nhiều cây xanh?

Trả lời:

Ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư sinh sống sẽ có lượng khí carbon dioxide (CO2), khói bụi và khí thải cao, trồng nhiều cây xanh giúp:

  • Giảm lượng khí CO2 và khí thải, tăng lượng khí Oxygen (O2).
  • Ngăn cảm, giảm lượng khói bụi trong không khí.

Lý thuyết Bài 23: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp

I. MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUANG HỢP

1. Ánh sáng

- Vai trò: Ánh sáng cung cấp năng lượng cho cây thực hiện quá trình quang hợp.

- Ảnh hưởng: Khi cường độ ánh sáng tăng thì hiệu quả quang hợp tăng và ngược lại. Nhưng khi ánh sáng quá mạnh sẽ làm giảm hiệu quả quang hợp do cây bị “đốt cháy”.

- Các loài cây khác nhau có nhu cầu về ánh sáng khác nhau. Dựa vào nhu cầu ánh sáng, người ta chia thực vật thành 2 nhóm:

  • Nhóm cây ưa sáng: sống ở nơi có ánh sáng mạnh. Ví dụ: hoa giấy, hoa hồng, cây phượng,…
  • Nhóm cây ưa bóng: thường sống nơi bóng râm, dưới bóng các cây khác. Ví dụ: cây lá lốt, cây trầu không, cây vạn niên thanh,…

2. Nước

- Vai trò: Nước vừa là nguyên liệu của quang hợp, vừa là yếu tố tham vào việc đóng, mở khí khổng, liên quan đến sự trao đổi khí.

- Ảnh hưởng: Khi cây đủ nước, khí khổng mở ra giúp khí carbon dioxide khuếch tán vào trong lá, tăng hiệu quả quang hợp. Khi cây thiếu nước, khí khổng đóng lại làm lượng khí carbon dioxide đi vào lá giảm dẫn đến quang hợp gặp khó khăn.

3. Carbon dioxide

- Vai trò: Carbon dioxide là nguyên liệu của quá trình quang hợp.

- Ảnh hưởng: Nồng độ carbon dioxide thích hợp để cây quang hợp là khoảng 0,03%.

  • Nếu nồng độ carbon dioxide tăng lên thì hiệu quả của quá trình quang hợp tăng nhưng khi tăng quá cao (khoảng 0,2%) có thể làm cây chết vì ngộ độc.
  • Nếu nồng độ carbon dioxide quá thấp (nồng độ CO2 thấp nhất mà cây quang hợp được là khoảng 0,008% đến 0,01%), quang hợp sẽ không xảy ra.

4. Nhiệt độ

- Nhiệt độ thuận lợi nhất cho hầu hết các loài cây quang hợp là từ 25oC đến 35oC

- Nhiệt độ giảm xuống quá thấp hoặc tăng lên quá cao sẽ làm quá trình quang hợp giảm hoặc ngừng lại. Nhiệt độ thấp nhất hoặc cao nhất mà cây có thể quang hợp khác nhau ở các loài.

II. VẬN DỤNG NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ QUANG HỢP TRONG VIỆC TRỒNG VÀ BẢO VỆ CÂY XANH

- Vai trò của cây xanh đối với môi trường tự nhiên và đời sống con người:

+ Quang hợp ở cây xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường tự nhiên và đời sống con người: Cung cấp chất hữu cơ và năng lượng cần thiết cho mọi sinh vật; cân bằng, điều hòa khí trong không khí;…

+ Ngoài ra, cây xanh còn có nhiều vai trò khác như tạo ra nơi ở, nơi sinh sản cho các loài sinh vật khác; bảo vệ nguồn nước ngầm; bảo vệ đất tránh sạt lở; hạn chế thiên tai;…

→ Việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là rất quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, rộng rãi.

- Con người có thể vận dụng những hiểu biết về quang hợp trong việc trồng và bảo vệ cây xanh nhằm giúp cây sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường:

+ Bảo vệ cây xanh, đặc biệt là bảo vệ bộ lá – bộ máy quang hợp của cây xanh.

+ Cần điều chỉnh hợp lí các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây thông qua chế độ chiếu sáng, tưới nước, bón phân,...

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Xem thêm
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm