Soạn bài Về chính chúng ta - Kết nối tri thức 10 Ngữ văn lớp 10 trang 100 sách Kết nối tri thức tập 2
Văn bản Về chính chúng ta cung cấp những thông tin hữu ích, được học trong chương trình môn Ngữ văn lớp 10, sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 2.
Hôm nay, Eballsviet.com sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 10: Về chính chúng ta. Các bạn học sinh có thể tham khảo bài soạn để có thể chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ hơn. Nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Soạn văn 10: Về chính chúng ta
Soạn bài Về chính chúng ta
Trước khi đọc
Bạn suy nghĩ như thế nào về quan niệm cho rằng con người là chúa tể của tự nhiên?
Gợi ý:
Quan điểm trên là sai lầm, vì con người và thiên nhiên có mối quan hệ gắn bó, ảnh hưởng lẫn nhau, chứ không phải con người chi phối, điều khiển thiên nhiên.
Đọc văn bản
Câu 1. Suy đoán về dụng ý của tác giả khi đặt vấn đề bằng hàng loạt câu hỏi.
Việc đặt vấn đề bằng hàng loạt câu hỏi nhằm dụng ý: Gợi mở vấn đề một cách thú vị, khơi gợi sự tò mò cho người đọc.
Câu 2. Câu nào trong đoạn văn thể hiện quan điểm của tác giả?
Trong bức tranh khoa học rộng lớn ngày nay, có nhiều thứ chúng ta không thể hiểu nổi, và một trong những thứ mà ta hiểu ít nhất là chính chúng ta.
Câu 3. Xác định hai từ khóa nói lên mối quan hệ giữa con người và thế giới trong đoạn văn.
Hai từ khóa: chủ thể, nhà sáng lập tập thể.
Câu 4. Xác định câu văn khái quát ý tưởng chính của đoạn văn.
Chúng ta là một bộ phận hữu cơ của tự nhiên; chúng ta là tự nhiên, là một trong vô số các biểu hiện biến thiên vô cùng vô tận của nó.
Câu 5. Hình ảnh nào được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên?
Hình ảnh: nhà của mình.
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Trong văn bản, tác giả đã trình bày quan điểm về vấn đề gì? Quan điểm ấy đã được triển khai thành những luận điểm chính nào?
- Tác giả đã trình bày quan điểm về vấn đề: Con người, mối quan hệ của con người với thực tại, tự nhiên.
- Những luận điểm chính:
- Sự tồn tại của chúng ta chỉ là một phần của vũ trụ.
- Tri thức của con người phản ánh thế giới.
- Con người là một phần của tự nhiên, gắn với tự nhiên.
Câu 2. Để làm sáng tỏ các luận điểm chính, tác giả đã sử dụng những lí lẽ, bằng chứng nào? Những thông tin khoa học trong văn bản có ý nghĩa gì trong việc làm sáng tỏ những luận điểm chính?
- Những lí lẽ, bằng chứng được tác giả sử dụng:
- Lí lẽ: Chúng ta từng nghĩ rằng mình là thứ tồn tại duy nhất… quanh ta; Bằng chứng: Chúng ta có cùng tổ tiên… chúng ta học được mình là ai.
- Lí lẽ: Chất liệu căn bản làm nên tư duy của chúng ta… kĩ lưỡng; Bằng chứng: “Một giọt mưa chứa thông tin… trải nghiệm của tôi”
- Lí lẽ: Thực tại của chúng ta là những giọt nước mắt… xây đắp”; Bằng chứng:
- Những thông tin khoa học trong văn bản là những bằng chứng làm sáng tỏ cho luận điểm chính. Chúng mang tính khách quan, được kiểm chứng nên có tính thuyết phục cao, đáng tin cậy.
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các yếu tố miêu tả, biểu cảm, các biện pháp tu từ trong văn bản.
- Yếu tố miêu tả: Một giọt mưa chứa thông tin về sự hiện diện của đám mây trên mặt trời…; đại dương mênh mông những gì chưa biết, rực sáng lên vầng hào quang của sự huyền bí…
- Yếu tố biểu cảm: Bày tỏ cảm xúc, quan niệm về con người và tự nhiên, đặt ra những câu hỏi mở đầu vấn đề cũng như suy nghĩ của bản thân về vấn đề này.
- Các biện pháp tu từ: So sánh (thế giới là một một trò chơi ghép hình mênh mông của không gian và các hạt cơ bản, chúng ta giống như đứa trẻ); ẩn dụ (đại đương mênh mông những gì chưa biết); điệp ngữ (chúng ta tin rằng, chúng ta biết rằng)…
=> Tác dụng: Yếu tố miêu tả giúp người đọc hình dung về vẻ đẹp kì diệu của thế giới tự nhiên, yếu tố biểu cảm giúp bộc lộ tình yêu mến của tác giả, còn các biện pháp tu từ giúp lời văn thêm sinh động, uyển chuyển hơn.
Câu 4. Tác giả đã trình bày quan điểm về mối quan hệ giữa con người và thực tại từ góc nhìn nào, với một thái độ như thế nào?
Tác giả đã trình bày quan điểm về mối quan hệ giữa con người và thực tại từ góc độ của một con người, đào sâu những vấn đề bên trong; mang thái độ vừa khách quan với những bằng chứng khoa học, vừa chủ quan với những đánh giá của bản thân.
Câu 5. Tác giả nghĩ gì về khả năng nhận thức thế giới của con người?
Khả năng nhận thức thế giới của con người đang ngày càng tăng lên. Con người nhận ra bản thân chỉ là một phần của vũ trụ, và là một phần rất nhỏ bé trong đó. Điều này khác hẳn với nhận thức con người là trung tâm của vũ trụ trong quá khứ.
Câu 6. “Tự nhiên là nhà của chúng ta, và sống trong tự nhiên nghĩa là chúng ta đang ở nhà của mình”. Bạn nghĩ gì về nhận định của tác giả?
Tự nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Tự nhiên cung cấp cho con người điều kiện để sinh sống và con người cần có trách nhiệm, cư xử đúng đắn với tự nhiên.
Kết nối đọc - viết
Nhận thức nào từ văn bản Về chính chúng ta mà bạn muốn mang theo trong hành trang cuộc sống của mình? Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) để chia sẻ về điều này.
Gợi ý:
Văn bản “Về chính chúng ta” đã giúp tôi nhận thức được về mối quan hệ của tự nhiên và con người. Rõ ràng, tự nhiên và con người có mối quan hệ gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Tự nhiên cung cấp cho con người điều kiện để sinh sống như đất đai, nguồn nước, không khí. Chúng ta khai thác tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình, từ đời sống hằng ngày đến lao động sản xuất. Vì vậy, con người cũng cần có trách nhiệm với tự nhiên như bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lí, sống chan hòa với thiên nhiên. Mỗi hành động nhỏ bé nhưng góp phần ý nghĩa to lớn. Cần hiểu rằng, con người là một phần của thế giới tự nhiên, không thể tách rời, hãy cùng chung tay bảo vệ tự nhiên.