KHTN Lớp 6 Bài 46: Năng lượng và sự truyền năng lượng Sách Khoa học tự nhiên 6 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 162
Giải KHTN 6 Bài 46 Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các bạn học sinh lớp 6 có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi nội dung bài học Năng lượng và sự truyền năng lượng thuộc Chương IX: Năng lượng.
Soạn KHTN 6 Kết nối tri thức trang 162, 163, 164 được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác bám sát chương trình SGK. Đây sẽ là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 6 trong quá trình giải bài tập. Vậy sau đây là Soạn Khoa học tự nhiên 6 KNTT Bài 46 mời các bạn theo dõi nhé.
Giải KHTN Lớp 6 Bài 46: Năng lượng và sự truyền năng lượng
Phần mở đầu
❓Trong hình trên có những năng lượng nào mà em đã biết?
Trả lời:
Các loại năng lượng trong hình là: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện,…
I. Năng lượng
❓Nếu không có năng lượng của thức ăn, của pin, năng lượng của ánh sáng Mặt Trời thì những hiện tượng nêu trên có thể diễn ra được không?
Trả lời:
- Nếu không có năng lượng của thức ăn, của pin, năng lượng của ánh sáng Mặt Trời thì những hiện tượng nêu trên không thể diễn ra được.
- Vì không có năng lượng thì không thể thực hiện các hoạt động hay xảy ra các hiện tượng được.
II. Năng lượng và tác dụng lực
❓Quan sát và đọc phần mô tả trong Hình 46.1, rồi thảo luận nhóm để làm sáng tỏ hai ý:
- Khi năng lượng càng nhiều thì lực tác dụng có thể càng mạnh.
- Khi năng lượng càng nhiều thì thời gian tác dụng của lực có thể càng dài.
Trả lời:
* Khi năng lượng càng nhiều thì lực tác dụng có thể càng mạnh:
- Để tạo nên gió nhẹ và gió mạnh là sự khác nhau về mức năng lượng: gió mạnh có nhiều năng lượng hơn gió nhẹ.
- Gió nhẹ làm quay chong chóng tức là gió đã tác dụng lực vào chong chóng và làm nó quay.
- Gió mạnh làm quay cánh quạt của tua – bin gió tức là gió đã tác dụng lực vào cánh quạt của tua – bin gió và làm nó quay.
- Lốc xoáy phá hủy công trình, tức là lốc xoáy đã tác dụng vào các công trình một lực và làm cho nó bị đổ vỡ.
- Mà cánh quạt tua - bin nặng hơn cánh chong chóng nhiều, các công trình lại rất kiên cố và nặng hơn cánh quạt tua bin rất nhiều.
- Cho nên, lực tác dụng của gió mạnh cũng lớn hơn lực tác dụng của gió nhẹ và lực của lốc xoáy lớn hơn rất nhiều lực tác dụng của gió mạnh.
⇒ Vậy nên ta có thể thấy, khi năng lượng càng nhiều thì lực tác dụng có thể càng mạnh.
* Khi năng lượng càng nhiều thì thời gian tác dụng của lực có thể càng dài:
- Ta đã biết rằng gió nhẹ, gió mạnh và lốc xoáy có thể hình thành là nhờ năng lượng, và khi hết năng lượng thì các hiện tượng đó cũng sẽ biến mất. Vậy nên còn có gió nhẹ, gió mạnh, lốc xoáy là còn có năng lượng.
- Và ta cũng biết rằng, gió nhẹ (hay là gió thoảng qua) làm cho chong chóng quay trong vài giây là dừng. Gió mạnh thì có thể làm cho chong chóng quay tít và kéo dài trong vài phút. Lốc xoáy, có năng lượng rất lớn và nó thường kéo dài trong hàng phút hay hàng giờ.
⇒ Vậy nên khi năng lượng càng nhiều thì thời gian tác dụng của lực có thể càng dài.
❓Hoàn thành các câu sau đây bằng cách ghi vào vở (hay phiếu học tập) các từ thích hợp trong khung, được đánh số thứ tự từ (1) đến (7). Ví du (1) – ánh sáng.
a) Năng lượng ____ (1) ____ của Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất được các loài thực vật hấp thụ để ____ (2) ____ và ____ (3) ____.
b) ____ (4) ____ dự trữ trong pin của điện thoại di động giúp điện thoại ghi và phát ra âm thanh, hình ảnh. ____ (5) ____ lưu trữ trong xăng, dầu cần cho hoạt động của xe máy, ô tô, máy bay, tàu thủy và các phương tiện giao thông khác.
c) Xăng, dầu và các chất đốt (than, gỗ, rác thải, ...) được gọi là nhiên liệu. Chúng giải phóng ____ (6) ____, tạo ra nhiệt và ____ (7) ____ khi bị đốt cháy.
Trả lời:
(1) - Ánh sáng
(2) - Sống
(3) - Phát triển
(4), (5), (6) - Năng lượng
(7) - Ánh sáng
III. Sự truyền năng lượng
❓Hãy tìm thêm ví dụ về sự truyền năng lượng trong thực tiễn?
Trả lời:
Ví dụ về sự truyền năng lượng trong thực tiễn:
- Qua truyền nhiệt: Nhiệt độ môi trường làm đá tan thành nước.
- Qua tác dụng lực: Cái búa đưa lên càng cao càng làm cho chiếc đinh đâm sâu vào tường.
Em có thể?
❓Trình bày được việc sử dụng năng lượng trong hoạt động hằng ngày của em?
Trả lời:
Các việc sử dụng năng lượng trong hoạt động hằng ngày của em:
- Sử dụng năng lượng hóa học được chuyển hóa từ thức ăn để học bài.
- Đạp xe tới trường đã sử dụng động năng.
❓Nhận biết được sự truyền năng lượng trong một số tình huống đơn giản thường gặp?
Trả lời:
- Đạp xe.
Năng lượng hóa học từ thức ăn:
- Chuyển hóa thành cơ năng dưới dạng động năng để đạp xe đi học.
- Chuyển hóa một phần thành năng lượng nhiệt làm nóng cơ thể.
- Mẹ bế em bé ở một độ cao so với mặt đất.
Năng lượng hóa học từ thức ăn:
- Chuyển hóa thành cơ năng dưới dạng động năng để mẹ có thể nhấc em bé
- Chuyển hóa thành thế năng khi em bé ở yên trên tay mẹ.
- Chuyển hóa một phần sang nhiệt năng làm nóng cơ thể.
Lý thuyết Năng lượng và sự truyền năng lượng
I. Năng lượng
- Mọi biến đổi trong tự nhiên đều cần năng lượng.
- Chúng ta không nhìn thấy năng lượng nhưng có thể cảm nhận được tác dụng của nó.
- Ví dụ:
- Mọi hoạt động hằng ngày của chúng ta đều cần đến năng lượng. Năng lượng được lấy từ năng lượng dự trữ trong thức ăn.
- Cây cối lớn lên ra hoa, kết trái được là nhờ hấp thụ năng lượng của ánh sáng mặt trời.
- Khi lắp pin vào đèn pin và bật công tắc thì bóng đèn pin phát ra ánh sáng. Ánh sáng được tạo ra là nhờ có năng lượng dự trữ trong pin.
II. Năng lượng và tác dụng lực
- Một vật có năng lượng thì có khả năng tác dụng lực lên vật khác. Năng lượng đặc trưng cho khả năng tác dụng lực.
+ Khi năng lượng càng nhiều thì lực tác dụng có thể càng mạnh.
+ Khi năng lượng càng nhiều thì thời gian tác dụng của lực có thể càng dài.
- Đơn vị năng lượng là jun, kí hiệu là: J.
+ 1 J là năng lượng cần để nâng một vật nặng 1 N lên độ cao 1m.
+ 1 kJ = 1000J
+ 1 cal (calo) ≈ 4,2J
III. Sự truyền năng lượng
Năng lượng có thể truyền từ vật này sang vật khác thông qua tác dụng lực, truyền nhiệt.
Ví dụ:
+ Qua tác dụng lực: gió truyền năng lượng cho cánh quạt quay.
+ Qua truyền nhiệt: năng lượng từ bếp truyền cho ấm nước làm cho nhiệt độ của ấm nước tăng lên.