Văn mẫu lớp 9: Trình bày sự giống nhau và khác nhau giữa bài Sông núi nước Nam và Nước Đại Việt ta Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến - Cánh diều
Trình bày sự giống nhau và khác nhau giữa bài Sông núi nước Nam và Nước Đại Việt ta gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài nói của mình.
Nhờ đó, các em dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Nói và nghe: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến - Bài 1: Thơ và thơ song thất lục bát SGK Ngữ văn 9 Cánh diều tập 1 trang 27. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn:
Đề bài: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của ý kiến trình bày về sự giống nhau và khác nhau giữa bài thơ “Sông núi nước Nam” và văn bản “Nước Đại Việt ta" (trích “Đại cáo bình Ngô” – Nguyễn Trãi).
Trình bày về sự giống nhau và khác nhau giữa Sông núi nước Nam và Nước Đại Việt ta
Sự giống nhau và khác nhau giữa bài Sông núi nước Nam và Nước Đại Việt ta - Mẫu 1
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, toàn tài hiếm có. Bởi ông không chỉ là một vị tham mưu tài giỏi của Lê Lợi mà ông còn là một nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền văn học trung đại Việt Nam. Bình Ngô đại cáo do ông thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo là bài bài cáo có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập, được công bố sau khi quân ta đại thắng. Bài cáo là ý thức dân tộc được tiếp nối từ thời Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt. Điều ấy được thể hiện rõ qua đoạn trích Nước Đại Việt ta.
Quả thực đúng như vậy. Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta và là sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc từ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt bằng nhiều yếu tố mới, phong phú, toàn diện và sâu sắc hơn. Đồng thời được thể hiện bằng những minh chứng hùng hồn, sự thực hiển nhiên trong thực tế đời sống.
Sự tiếp nối ý thức dân tộc của Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi so với Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt là sự tiếp nối về ý thức dân tộc về chủ quyền lãnh thổ. Trong bài Sông núi nước Nam, Lý Thường Kiệt đã đưa ra một chân lí mà không ai có thể chối cãi được:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”
Dịch thơ:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Cơ sở lí lẽ mà Lý Thường Kiệt đưa ra là đất nào thì vua ấy, sự thực đã được phân định một cách rõ ràng, rạch ròi trong “thiên thư”. Sở dĩ ông sử dụng “thiên thư” - một sự vật liên quan tới nhân vật siêu nhiên là ông trời, để làm cơ sở lí lẽ cho lập luận của mình vì người xưa, họ tin vào thiên mệnh tức là mệnh trời. Đối với người trung đại, đó là một niềm tin bất diệt. Họ tin tưởng rằng, con người sinh ra, lớn lên rồi chết đi như thế nào không phải do mình định đoạt, mà tất cả là do sự sắp đặt của ông trời. Mà đã là sự sắp đặt của ông trời thì không một ai có thể can thiệp thay đổi nó. Còn nếu làm trái số mệnh thì chắc chắn kết cục sẽ không tốt đẹp. Mượn “sách trời” để nêu lên ranh giới lãnh thổ của đất nước mình là một cách để thể hiện sự tự hào dân tộc và khẳng định độc lập chủ quyền về mặt lãnh thổ của ta. Cơ sở mà Lý Thường Kiệt đưa ra là cơ sở lí lẽ vững chắc, đầy thuyết phục.
Bài Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi, ông cũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta, mà chủ quyền ấy của Đại Việt đã có từ lâu đời:
“Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Trong suy nghĩ của con người ấy đã tồn tại sự độc lập dân tộc. Bởi từng câu từng chữ trong bài cáo đều cho thấy điều ấy. Hai câu thơ trên đã cho thấy sự rạch ròi trong ranh giới của núi sông giữa hai nước láng giềng. Đó cũng chính là lời nhắc nhở Trung Quốc về sự tồn tại và phát triển của nước ta. Bách Việt trước đây đã có, đã từng bị xâm chiếm, nhưng chỉ duy nhất Đại Việt vẫn còn độc lập, ranh giới lãnh thổ cũng đã được định hình từ đó. Phía Bắc là Trung Quốc, phía Nam là Đại Việt, không thể lẫn lộn hai miền Nam Bắc, cũng không thể khẳng định Đại Việt ở phía Nam chính là lãnh thổ phía Nam của Trung Quốc được. Quốc gia của ta, đất nước của ta, lãnh thổ của ta vì thế mà được xác định rõ ràng trong tâm thức và suy nghĩ của người Việt để rồi ý thức ấy biến thành sức mạnh của hành động.
Ý thức dân tộc trong Nước Đại Việt ta của Nguyễn Trãi không chỉ dừng lại ở việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà Nguyễn Trãi còn đưa ra hàng loạt những yếu tố khác
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc, Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Cái cốt lõi trong tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi là lấy lợi ích của nhân dân, dân tộc làm gốc và mọi việc làm, mọi cuộc chiến đấu cũng chỉ vì mục đích cuối cùng là đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và đó chính là nền tảng cho những khẳng định của ông sau này. Nước Đại Việt ta vốn đã có nền “văn hiến”. Văn hiến là truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp. Cho nên, không phải đất nước nào cũng có thể có được nền văn hiến ấy mà cần phải có thời gian tích lũy, xây dựng và phát triển. Đâu chỉ thế, Nguyễn Trãi cũng đã khẳng định phong tục, tập quán sinh sống của người phương Bắc và người phương Nam cũng không thể giống nhau do sự khác biệt về thiên nhiên và điều kiện sinh sống của con người. Nhưng dù thế nào thì điều ấy cũng có nghĩa, người Việt không chỉ có một nền văn hiến lâu đời mà ngay cả phong tục, tập quán cũng mang những nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, Nguyễn Trãi còn tự hào khi soi chiếu các triều đại của ta và Trung Quốc như một minh chứng cho dòng chảy trôi lịch sử của nước ta chưa từng bị gián đoạn. Nếu Trung Quốc có Hán, Đường, Tống, Nguyên thì Đại Việt có Triệu, Đinh, Lí Trần. Những triều đại ấy được đặt trong thế so sánh, ngang hàng với nước lớn như Trung Quốc như một cách thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Với lối văn biền ngẫu sóng đôi cùng các hình ảnh mang tính gợi hình và hệ thống từ ngữ chỉ thời gian kéo dài từ quá khứ đến hiện tại (đã lâu, từ trước, đã chia, bao đời, mỗi bên) đã khiến cho bài cáo có những lập luận chặt chẽ, giọng điệu hùng hồn và giàu sức thuyết phục đối với người đọc.
Có thể nói, sự tiếp nối về ý thức dân tộc từ Sông núi nước Nam tới Nước Đại Việt ta (Trích Bình Ngô đại cáo) là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển ý thức độc lập, chủ quyền của nhân dân ta. Đó cũng là lý do vì sao, dù có bị xâm lược, bị đô hộ gần 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói, vẫn giữ được phong tục tập quán và lãnh thổ của mình.
Sự giống nhau và khác nhau giữa bài Sông núi nước Nam và Nước Đại Việt ta - Mẫu 2
“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ra đời sau “Nam quốc sơn hà” mấy trăm năm và quả thực là sự kế thừa và phát triển hoàn thiện ý thức về độc lập chủ quyền, ý thức về quốc gia dân tộc.
“Nam quốc sơn hà” tương truyền là bài thơ thần của nhà thơ, vị tướng quân Lý Thường Kiệt. Bài thơ tứ tuyệt này có thể coi là một trong những bài thơ sớm nhất đề cao tinh thần dân tộc. Lúc ấy khái niệm quốc gia, chủ quyền độc lập còn đơn giản chứ chưa được hiểu sâu sắc và toàn diện như sau này. Tuy nhiên khi bài thơ khẳng định:
Nam quốc sơn Hà Nam đế cư
Thì ý thức dân tộc đã được tiến một bước dài rồi. Thời trung đại, phong kiến Trung Hoa lớn mạnh vô cùng. Người Trung Quốc tự cho rằng họ là tinh hoa của vũ trụ. Chỉ có vua của Trung Hoa mới được xếp vào hạng “đế”, hàng “Thiên tử” có thể thay trời hành đạo. Còn tất cả các nước khác xung quanh chỉ là hàng “man di, mọi rợ” và cùng lắm phong cho vua các nước chư hầu một chữ “vương” thôi. Trong con mắt của phong kiến Trung Hoa, nước ta lúc ấy cũng được coi là một nước chư hầu. Thế nhưng câu thơ trong Nam quốc sơn hờ lại khẳng định vô cùng đanh thép. Nước Nam ta cũng có “hoàng đế” cũng xứng danh “Thiên tử” bởi:
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Rành rành định phận ở sách trời)
Chúng ta có lãnh thổ riêng. Ranh giới Bắc – Nam phân định rõ ràng “tại thiên thư”. Và như vậy người Đại Việt có quyền tự hào và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc ngàn đời.
Từ “Nam quốc sơn hà” đến “Bình Ngô đại cáo” (đoạn trích Nước Đại Việt ta) là một sự phát triển hoàn thiện khái niệm quốc gia dân tộc. Nhà văn Nguyễn Trãi viết:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi lúc này không phải là tranh luận về hai chữ đế, vương, không phải là cái khái niệm mơ hồ về ranh giới lãnh thổ mà là ở truyền thống văn hiến lâu đời. Văn hiến nghĩa là ca ngợi tất cả những giá trị về vật chất và tinh thần mà chúng ta đã làm được trong lịch sử.
Quốc gia, dân tộc, chủ quyển… của Nguyễn Trãi còn là:
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, lý, Trần hao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Chủ quyền dân tộc với tác giả phải là có lãnh thổ rạch ròi, có truyền thống, có phong tục, có những thói quen thẩm mỹ. Nhưng điều nổi bật nhất để khẳng định chủ quyền của quốc gia chính là lịch sử. Lịch sử sẽ là bằng chứng hùng hồn không thể nào chối cãi được. Ớ trong câu văn của Nguyễn Trãi, ta thấy tác giả một lần nữa nhắc đến sự khác biệt đế, vương. So với “Nam quốc sơn hà” thì ở điểm này, “Bình Ngô đại cáo” có sự kế thừa. Dân tộc trong quan niệm của nhà văn còn phải có “anh hùng hào kiệt”. Đó mới là những con người tạo ra lịch sử, vừa là những bằng chứng hùng hồn về truyền thống của nước ta.
Có thể nói, ở đoạn trích “Nước Đại Việt ta” nói riêng và “Bình Ngô đại cáo” nói chung, có một sự chuyển biến lớn về tư tưởng. Ở đây, cái quan niệm về quốc gia dân tộc hoàn thiện hơn nhiều so với “Nam quốc sơn hà”. Trên cơ sở những gì đã có, nhà văn Nguyễn Trãi đã kế thừa trọn vẹn Nam quốc sơn hà để rồi từ đó tạo ra bản anh hùng ca bất hủ, bản “tuyên ngôn độc lập thứ hai” trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của đồng bào ta.