Văn mẫu lớp 9: Suy nghĩ của em về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách
Suy nghĩ của em về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục gồm 6 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 nhanh chóng trả lời câu hỏi trong SGK Ngữ văn 9 Cánh diều tập 1 trang 128.
Tình trạng một số học sinh ngại đọc sách, thiếu chủ động trong việc cập nhật thông tin, kiến thức, tìm hiểu cuộc sống qua sách, báo đang trở thành tiếng chuông đáng báo động. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Eballsviet.com để ngày càng học tốt môn Văn 9 Cánh diều:
Đề bài: Suy nghĩ của em về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục - Ngữ văn 9 Cánh diều tập 1 trang 128.
Suy nghĩ của em về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách
- Dàn ý Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách
- Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 1
- Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 2
- Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 3
- Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 4
- Suy nghĩ về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục
- Nghị luận về hiện tượng nhiều học sinh rất ít đọc sách
Dàn ý Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách
1. Mở bài:
- Giới thiệu về hiện tượng lười đọc sách của con người hiện nay.
2. Thân bài:
- Giải thích:
- Lười đọc sách là thực trạng mọi người không chịu đọc sách, báo để cập nhật thông tin, gia tăng kiến thức của bản thân.
- Hiện tượng này diễn ra ở rất nhiều thế hệ nhưng phổ biến nhất là giới trẻ.
- Thực trạng:
- Các phương tiện truyền thông bằng ngôn ngữ viết không còn được coi trọng.
- Đọc qua loa, đối phó, không hiểu được thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải.
- Internet và mạng xã hội phát triển chóng mặt khiến cho mọi người ngày càng bị cuốn vào những hình thức giải trí khác, dần quên đi việc đọc sách.
- Hệ quả:
- Thiếu kiến thức, hiểu biết nông cạn, khó phát triển và theo kịp thời đại.
- Trở thành người sống vội vàng, qua quýt, không nắm được bản chất của vấn đề.
- Làm giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ của con người.
- Cách giải quyết:
- Tìm hiểu về sở thích của bản thân và tìm kiếm sách viết về chủ đề đó để gia tăng sự hứng thú.
- Chọn những quyển sách thật sự hay, phù hợp với trình độ của bản thân.
- Hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, máy tính bảng để tập trung đọc sách.
- Tạo ra thử thách đọc sách, ngày hội sách mới mẻ, hấp dẫn để mọi người cùng tham gia.
- Gia đình cần phải rèn cho con thói quen đọc sách ngay từ bé, xây dựng tủ sách gia đình.
- Nhà trường cần tổ chức những ngày hội sách, văn hóa đọc, các cuộc thi thuyết trình, giới thiệu sách.
- Bài học nhận thức và hành động:
- Sách là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại, là con đường dẫn ta khám phá những giá trị mới, chân trời mới trong cuộc sống
- Lười đọc sách chính là phá hủy tương lai. Phải cố gắng đọc sách, bắt đầu từ những quyển sách giáo khoa đơn giản. Sau đó, hãy tìm đọc thêm sách về các kiến thức liên quan, các thể loại sách khác.
- Phải biết đọc sách đúng cách để không lãng phí thời gian và sức lực.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về hiện tượng lười đọc sách.
Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 1
Sách là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Ngày nay, do nền công nghệ thông tin phát triển mạnh, sách đã bị xem thường. Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ồ ạt, khiến cho học sinh ngày nay không chịu đọc sách. Một thực tế cần phải xác nhận là học sinh ngày nay không còn yêu mến sách nữa. Việc đọc sách của học sinh vì thế cũng rất hạn chế.
Trước sự phát triển của cuộc sống, con người nguyên thủy nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức. Họ tìm cách lưu giữ những thông tin mình đã nhận thức được để lại cho các thế hệ sau. Và sách đã ra đời. Có thể nói từ khi có sách thì nền văn minh của loài người mới được xác thực.
Hình thức ban đầu của sách là những hình khắc và kí tự lên vách đá, mai rùa, xương thú. Rồi đến thời kì viết chữ lên thẻ tre, thẻ trúc, lên tấm vải. Cuối cùng là viết hoặc in lên trang giấy và đóng thành tập. Trải qua thời gian, hình thức của sách không ngừng thay đổi. Càng thay đổi, sách ngày càng tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản hơn.
Trước đây, sách là phương tiện chính để học tập, giáo dục và phổ biến tri thức trong xã hội. Ngày nay, nhờ các thành tựu của nền khoa học kĩ thuật, các phương tiện truyền thông và thiết bị điện tử gần như đã thay thế vai trò của sách. Con người đã tiến hành ghi chép và lưu trữ tri thức vào các bộ nhớ điện tử. Đồng thời phổ biến nó bằng các định dạng thông qua các ứng dụng điện tử.
Người đọc có thể tiếp cận nguồn tri thức mà không cần phải giở từng trang sách. Công cụ tìm kiếm của Google là một minh chứng rõ ràng cho hình thức này. Bộ lưu trữ điện tử sẽ là hình thức của sách ở tương lai. Có hai hình thức sách cùng tồn tại song song ở nước ta là sách giấy và sách điện tử. Ngoài ra, còn có các ứng dụng cung cấp tri thức một cách phong phú, khá đầy đủ. Sách điện tử luôn tạo được sự tiện lợi và hứng thú cho người đọc.
Theo khảo sát của các tổ chức thế giới, tỉ lệ người đọc sách tại nước ta còn khá cao. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, tỉ lệ này lại khá thấp. Đó cũng là thực trạng chung của các nước trên thế giới. Học sinh Việt Nam ngày nay không có hứng thú đọc sách. Ngoài những quyển sách bắt buộc phải đọc học sinh ít quan tâm đến sách khác. Học sinh thường hay đọc các loại truyện tranh có nội dung nhảm nhí, vô bổ mà ít tìm đến các loại sách khoa học. Những quyển sách văn học tuổi teen với nội dung dễ dãi thường được học sinh lựa chọn đọc. Còn sách lịch sử, sách địa lí, sách khoa học gần như không nằm trong danh mục lựa chọn.
Việc học sinh không muốn đọc những quyển sách có nội dung nghiên cứu khoa học, học thuật, nghệ thuật,… xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi đó là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều công sức. Kéo theo đó là những hậu quả lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và xã hội.
Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không còn hứng thú đọc sách. Trước hết, là phải nói đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Công nghệ điện tử số làm cho hình thức và phương thức đọc sách có nhiều thay đổi. Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Học sinh có thể đọc trang sách điện tử bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Sự phát triển rầm rộ của các ngành công nghệ giải trí với những chương trình mới lạ, đặc sắc thu hút học sinh theo dõi. Từ đó học sinh lơ là việc đọc sách.
Thật không thể nào kể hết được các kênh truyền hình giải trí đang được phát sóng hiện nay. Ngoài những kênh phim truyện còn có những chương trình trực tiếp. Các chương trình này tương tác thực tế, sống động vô cùng. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận với văn bản điện tử hơn. Học sinh hoặc chơi game, hoặc giải trí tầm thường. Từ đó không còn hứng thú với sách. Việc đọc sách trở nên nhàm chán, không còn hấp dẫn nữa.
Học sinh ngày nay với lối sống dễ dãi, yêu thích những thứ tầm thường có tính thuần giải trí như game, facebook, fan cuồng thần tượng, phim kinh dị, và các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, phản cảm… Việc tiếp cận và say mê nguồn thông tin này khiến học sinh suy đồi đạo đức, trở nên lười biếng trong học tập, mất dần các thói quen bổ ích. Chẳng hạn như là việc đọc sách hằng ngày.
Gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm đến việc phát triển tâm hồn và năng lực trí tuệ cho học sinh. Phụ huynh vì bận rộn với công việc mà không quan tâm khuyến khích con cái đọc sách. Nhà trường không có kế hoạch đọc sách, hay không gian đọc sách cho học sinh. Xã hội không có chương trình khuyến khích, cổ động việc đọc sách trong toàn dân để nâng cao dân trí. Và dường như, khôi phục thói quen đọc sách trong toàn dân chỉ nằm trên khẩu hiệu.
Các nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, không chịu đầu tư vào chất lượng và số đầu sách mới. Trên kệ sách hầu như chỉ thấy các tác phẩm quen thuộc được chỉnh sửa bìa sách cho khác đi mà ít thấy những tác phẩm mới có giá trị, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc. Việc kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc khiến cho sách giả, sách kém chất lượng tràn lan trên thị trường làm mất niềm tin ở người đọc.
Tình trạng học sinh ngày nay ít đọc sách đã gây ra những hậu quả lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và ổn định trật tự xã hội. Học sinh không muốn đọc sách khiến cho việc học tập cũng trở nên khó khăn, tri thức hết sức hạn chế, hiểu biết hạn hẹp. Một hậu quả dễ thấy nhất là học sinh ngày nay có năng lực đọc rất kém, viết sai chính tả nhiều, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn đạt vụng về, thô lỗ.
Không đọc sách làm cho tâm hồn học sinh khô héo, thiếu cảm xúc và những rung động chân thành. Học sinh ngày càng trở nên cộc cằn, ăn nói tục tĩu, ứng xử thiếu lịch sự, thường vô lễ với thầy cô và người lớn. Việc ít đọc sách khiến học sinh không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực xảy ra trong học đường.
Không những ít đọc hoặc không đọc sách, thiếu sự tôn trọng đối với sách, nhiều học sinh còn tỏ ra xem thường sách, có hành vi hủy hoại sách. Những người như thế thật đáng chê trách. Nhà trường, gia đình và xã hội cần có những giải pháp và hành động thiết thực để nâng cao năng lực và đam mê đọc sách cho học sinh. Điều đó là rất cần thiết bởi không đọc sách, học sinh không thể tiến bộ, tâm hồn sẽ khô kiệt, hiểu biết hạn hẹp, kĩ năng sống không phát triển được. Điều quan trọng nhất, không đọc sách sẽ không thể có được cuộc sống tâm hồn phong phú, không cảm nhận được cái đẹp và ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống này.
Đối với học sinh, trước hết, hãy chăm chỉ đọc sách mỗi ngày để phát triển trí tuệ và tâm hồn. Hãy quý trọng sách, giữ gìn và bảo vệ sách. Khuyến khích bạn bè, người thân cùng đọc sách. Tổ chức thảo luận, bàn luận về những quyển sách hay, ý nghĩa, có giá trị lớn lao. Vừa đọc sách vừa rèn luyện bản thân mình.
Đối với gia đình, nhà trường, xã hội, cần dành nhiều sự quan tâm đối với việc bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ các em bằng những quyển sách hay, có nội dung trong sáng, lành mạnh. Khuyến khích và tổ chức đọc sách trong trường học và ngoài xã hội, tạo được phong trào đọc sách trong toàn dân.
Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất bản và lưu hành các ấn phẩm sách, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho nhu cầu của người đọc hiện nay.
“Đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã trôi qua”. Đọc sách là thể hiện lòng biết ơn đối với người xưa và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. Sách đối với con người như nước đối với cây cối. Không có nước, cây cối sẽ héo rũ. Không có sách, cuộc sống loài người sẽ buồn chán biết chừng nào. Bởi thế, hãy lựa chọn cho mình những quyển sách hay và đọc nó hằng ngày. Đó chính là con đường đúng đắn dẫn bước ta đến cánh cửa của tương lai.
Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 2
Trong suốt hàng ngàn năm, con người đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm, tri thức quý báu. Những tinh hoa đó được chuyển vào trang sách, trở thành kho tàng của nhân loại. Vậy nên sách chính là món quà vô giá mà đời trước đã ban tặng cho hậu thế. Nhưng hiện nay, con người lại mải đắm chìm vào nhiều thú vui khác mà quên mất đi món quà ấy, ngày càng trở nên lười đọc sách.
Lười đọc sách là một hiện tượng đáng buồn. Đó chính là việc mọi người không chịu tiếp cận sách, báo để cập nhật thông tin, gia tăng kiến thức. Thay vào đó, họ chỉ thích những thứ thuần giải trí như xem tivi, chơi game,... Hiện tượng này diễn ra ở mọi độ tuổi, giới tính, nhưng nhiều nhất là phải kể đến giới trẻ.
Trong thời kì bùng nổ của kỉ nguyên số, con người dần sống nhanh và vội vã hơn. Các phương tiện truyền thông bằng ngôn ngữ viết không còn được coi trọng. Giờ đây, mọi người dần chuyển qua các kênh nghe - nhìn, coi đó như một cách tiết kiệm thời gian. Sách cũng phải chịu tác động của xu hướng này. Con người dần lãng quên việc đọc sách, cho rằng việc đó chỉ gây tốn thời gian mà không mang lại ích lợi gì. Lí do là bởi con người thường chỉ đọc sách theo kiểu qua loa, đối phó vài trang, không thật sự dành thời gian để nghiền ngẫm những thông điệp ý nghĩa mà cuốn sách truyền tải. Cứ như vậy, việc lười đọc tạo nên một thế hệ sống vội vàng, qua quýt, không nắm được bản chất của vấn đề. Ngoài ra, con người cũng sẽ mất đi năng lực tư duy và năng lực ngôn ngữ nếu cứ mãi giữ thái độ hời hợt như vậy.
Đọc sách không hề nhàm chán và tốn thời gian như bạn nghĩ. Hãy thử đến những ngày hội sách, tìm kiếm cho mình những cuốn viết về chủ đề yêu thích. Bạn sẽ nhận ra việc đọc sách thú vị hơn mình nghĩ rất nhiều. Mỗi ngày, hãy dành ra ba mươi phút đến một tiếng để đọc, đồng thời suy nghĩ, chiêm nghiệm về những gì mình tiếp thu được. Đó chính là cách đơn giản và dễ dàng để hình thành thói quen đọc cho bản thân.
Đọc sách là một việc cần thiết. Mỗi người hãy tự có cho mình phương pháp đọc hiệu quả, tránh gây lãng phí thời gian, tiền bạc và sức lực. Hãy chọn những cuốn sách phù hợp với trình độ và sở thích của mình. Không nên mua sách vì vẻ đẹp trang bìa hay dung lượng ngắn vì đó không phải là tiêu chí chọn lựa đúng đắn. Khi đọc cũng cần chậm rãi, nghiên cứu kĩ càng. Nếu thấy kiến thức mới, hãy tìm hiểu và ghi chú lại để tăng thêm "vốn liếng" cho chính mình.
Sách là món quà vô giá của nhân loại. Lười đọc sách cũng đồng nghĩa với việc phá hủy tương lai của bản thân. Nếu mỗi tháng đọc một cuốn sách, sau một năm bạn sẽ nhận ra bản thân đã phát triển tích cực hơn rất nhiều. Hãy để sách là người bạn đồng hành của mình trên con đường trưởng thành nhé.
Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 3
Người ta thường nói “Nhân bất học, bất tri lí. Ấu bất học, lão hà vi” – người không học thì không hiểu đạo lí, trẻ không học thì già khốn khó. Một trong những cách học tập tốt nhất, có khả năng khai sáng con người là đọc sách. Thế nhưng, nhiều học sinh lại ít đọc sách hoặc thờ ơ với sách.
Trải qua quá trình học tập và lao động lâu dài, con người chọn sách vở làm nơi lưu giữ kiến thức, kinh nghiệm sống. Sách chứa đựng nguồn tri thức dồi dào ở mọi lĩnh vực. Nhờ có sách mà tâm hồn của con người trở nên cao đẹp hơn. Với học sinh, đọc sách có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trí tuệ và nhân cách. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều thanh thiếu niên rất lười đọc. Các bạn đắm chìm trong điện thoại, máy tính cùng những trang mạng xã hội nhiều hơn là dành thời gian với sách. Sự phát triển của công nghệ khiến con người trở nên thụ động, lười suy nghĩ. Giới trẻ là lớp người ưa chuộng sự tiện lợi, nhanh chóng nên các bạn ưa thích việc tìm kiếm những thông tin vắn tắt trên Google thay vì nghiên cứu kĩ càng kiến thức trong sách. Bên cạnh đó, nhiều học sinh coi việc đọc sách là phương pháp đối phó với thầy cô hay cha mẹ nên chỉ đọc sách giáo khoa rồi học tủ và học vẹt. Sự sáng tạo của con người đang chết dần, chết mòn với tình trạng này.
Việc lười đọc sách, thờ ơ với sách bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về phía chủ quan, học sinh còn là lứa tuổi ham chơi, chưa trưởng thành nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của đọc và học. Nhiều bạn trẻ lười biếng, luôn có tư tưởng “Ngồi mát ăn bát vàng”, không học tập nhưng lại muốn có thành quả tốt. Về phía khách quan, Internet với sự đa năng của nó đã hấp dẫn các bạn học sinh, khiến học sinh xao nhãng học hành. Ngoài ra, những yếu tố như áp lực thi cử, lịch học dày đặc và sự giáo dục chưa chặt chẽ từ phía gia đình, nhà trường cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thanh thiếu niên lười đọc.
Hiện tượng này có thể không đem lại hậu quả ngay tức khắc nhưng sẽ để lại tai vạ về sau. Ta lãng phí thời gian và tiền bạc, bỏ lỡ cơ hội học tập tốt nhất khi còn ở độ tuổi trẻ trung. Ngoài ra, không đọc sách, con người không có kiến thức nền tảng để áp dụng vào thực tế. Bước ra xã hội, những bạn trẻ vốn quen được bao bọc mới nhận ra bản thân dốt nát và vô dụng đến mức nào. Không chỉ vậy, lười đọc còn khiến tâm hồn con người nghèo nàn và tăm tối. Những đức tính, phẩm chất tốt đẹp không được bồi đắp. Với cộng đồng, việc người trẻ thờ ơ với sách quả thực là tai họa. Học sinh là những chủ nhân tương lai của đất nước. Thật kinh khủng làm sao nếu một quốc gia được lãnh đạo bởi những người mù văn hóa, thiếu kiến thức!
Để khắc phục tình trạng này, ta cần kết hợp giữa bản thân học sinh cùng gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh phải ý thức được tầm quan trọng của sự học, sống có kỉ luật, chủ động tìm tòi tri thức và không ngừng sáng tạo trong học tập. Các bạn trẻ có thể lựa chọn cho mình những thể loại sách yêu thích, phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu học của bản thân. Gia đình, nhà trường cần quan tâm tới sự phát triển tinh thần của học sinh, tránh đặt gánh nặng thành tích lên vai con trẻ và đồng hành cùng các con trên con đường chinh phục sách.
Để sách thực sự là người bạn tốt của con người, hãy chăm chỉ đọc sách hơn. Mỗi ngày một trang sách, cuộc đời sẽ đổi thay.
Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách - Mẫu 4
Sách là nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người chưa biết trân trọng thứ tài sản vô giá ấy, gây ra tình trạng lười đọc sách. Đây là một hiện tượng hết sức đáng buồn. Lười đọc là lười tiếp nhận, cập nhật thông tin dưới dạng ngôn ngữ viết.
Chưa kể đến những cuốn sách chuyên sâu, con người bây giờ thậm chí còn không đọc kĩ sách giáo khoa - nguồn cung cấp kiến thức cơ bản nhất. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chính là do rất nhiều những thú vui trên mạng xã hội. Các bạn dành quá nhiều thời gian cho cuộc sống trên mạng mà quên mất đi thực tế. Việc chạy theo internet gây nên sự mất kiên nhẫn với những con chữ trên trang giấy. Các bạn nghĩ rằng video dài một đến hai phút trên Tiktok có ích hơn việc đọc sách nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Việc đọc giúp con người nâng cao khả năng ngôn ngữ và tư duy logic, khác với việc chắp nhặt kiến thức mà người khác tổng hợp được từ nhiều nguồn không có kiểm duyệt. Lợi ích to lớn nhất của việc đọc sách chính là cung cấp tri thức, giúp mỗi cá nhân tự nâng cao hiểu biết để phát triển bản thân tốt hơn. Ngoài ra, khi nghiền ngẫm một cuốn sách, ta sẽ học được tính kiên nhẫn, sống chậm hơn để ngắm nhìn mọi vật. Vậy nên chúng ta cần phải tổ chức những cuộc thi về văn hóa đọc, giới thiệu sách hay để kích thích sự ham đọc.
Các bậc phụ huynh cũng nên tập cho con thói quen đọc sách từ khi còn bé, nuôi dưỡng tình yêu sách trong con trẻ. Mọi người hãy cùng chung tay đẩy lùi hiện tượng lười đọc sách, xây dựng những thói quen tốt cho cộng đồng.
Suy nghĩ về vấn đề một số học sinh ngại đọc sách và cách khắc phục
Đọc sách luôn là một hành động đẹp của con người và từ lâu việc đọc sách cũng đã được nâng tầm lên thành một nét văn hóa đẹp không chỉ của người Việt mà còn trên toàn thế giới.
Không thể phủ nhận được, ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin dường như cũng đã có những tác động không nhỏ tới giới trẻ. Nếu như xét về mặt tích cực cũng được xem là nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Các bạn có thể đọc rất nhiều thông tin trên mạng xã hội một cách nhanh chóng nhất. Tất cả các thông tin bạn cần cũng sẽ có trên mạng. Một góc tiêu cực mà ta nhận thấy ở đây mà thế giới hiện đại như tác động vào đó chính là văn hóa đọc sách như ngày càng mai một dần đi.
Vậy chúng ta hiểu được văn hóa đọc được nhắc đến ở đây đó chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Con người chúng ta cũng phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sách đúng cách đó chính là “đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức”. Có lẽ rằng, tất cả chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách thực sự được biết đến chính là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức của nhân loại. Việc đọc sách được đánh giá chính là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, đồng thời cũng chính là việc tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy.
Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc đọc sách, thế nhưng ta như cũng đã biết được rằng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ. Họ thậm chí như cũng thật là lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Nguyên do có lẽ rằng chính bản thân họ nghĩ với những thông tin hiện đại đã vậy lại thông dụng cho nên họ không cần tới sách nữa? Nhận định về ý kiến này thì chính nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi đó chính là câu: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và cũng chính bản thân ông cũng đã tự trả lời bằng câu: “có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn nhìn nhận về văn hóa đọc thì ông khẳng định một ý kiến hết sức là sâu sắc đó chính là câu “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.
Trong xã hội hiện đại ngày nay thì văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Có lẽ, ta dường như cũng thấy được cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng, thực sư ta như thấy được rằng chính sự hiện đại, máy móc như lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách đẹp đẽ vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn như trên các phương truyền thông đại chúng như hiện nay. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hiện nay đó chính là việc liệu có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ thông tin không? Ta như cũng thấy được sự khác biệt với vài chục năm về trước, thị trường sách của chúng ta hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Trong khi đó thì giới trẻ ngay nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Thực tế đáng buồn là lại có một bộ phận các bạn trẻ chạy theo phong trào để đọc sách. Họ dường như chỉ có mua sách về và để trưng bày cho đẹp mắt, trông cho có trí thức mà thôi. Còn khi hỏi về nội dung họ cũng chẳng biết cuốn sách họ đã mua, để vào vị trí đẹp nói về điều gì nữa.
Có lẽ rằng, tất cả chúng ta ai mà đã từng yêu sách thì sẽ không thể nào quên được có một thời gian những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20”, hay đó là cuốn “Lê Vân yêu và sống” làm mưa gió trên thị trường. Các cuốn sách kinh điển không thể thiếu trong giá sách của độc giả yêu sách. Thế rồi có cuốn sách hay khó bỏ qua cũng rầm rộ như “Thế giới phẳng” của nhà kinh tế - xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách “Thế giới phẳng” như cũng đã trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa. Thực sự “Thế giới phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, có lẽ phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả gửi gắm qua đó thì các bạn trẻ vẫn cứ mua về cho mình, thể hiện ta là người có học thực, biết nắm bắt thị hiếu của nhân loại.
Sách khác với những thông tin nhanh, vắn tắt trên mạng. Sách đúng là người thầy của mỗi người. Mỗi cuốn sách như thể hiện được một khối lượng kiến thức khổng lồ, đọc lần một ta mới vỡ ra một số điều, nhưng đọc đến nhiều lần sau đó, nhiều năm sau đó thì mới hiểu được biết bao nhiêu điều hay, lẽ phải. Sách cũng có rất nhiều loại khác nhau cho nên là người đọc thông thái thì hãy biết chọn lựa sách đúng và phù hợp với chính mình.
Và tóm lại đọc sách chính là một nét văn hóa đẹp của con người. Có đọc sách thì chúng ta mới có thể tìm hiểu, tích lũy được nhiều kiến thức của nhân loại. Đọc sách để có thể suy ngẫm cũng như chiêm nghiệm về cuộc đời của mỗi người. Sách là người thầy soi đường chỉ lối về tri thức cũng như những kỹ năng cần thiết cho con người. Bạn và tôi trong xã hội ngày nay hãy biết phục dựng lại nét văn hóa đọc tố đẹp của dân tộc ta bạn nhé!
Nghị luận về hiện tượng nhiều học sinh rất ít đọc sách
Ai cũng biết sách có một vai trò quan trọng trong việc hình thành tri thức, nhân cách cho mỗi con người, nhất là đối với các em học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng trên thực tế, học sinh ngày nay rất ít đọc sách, thờ ơ với sách. Vì sao vậy, có phải là các em không yêu sách?
Thứ nhất, muốn học sinh ham đọc sách thì trước hết chúng ta phải tạo cho các em có thói quen yêu sách và tiếp cận với sách báo từ nhỏ. Nhưng, thử hỏi trong gia đình cha mẹ, ông bà đã hướng cho con em mình thói quen đọc sách hay chưa?
Nhiều gia đình cứ mải mê với chuyện cơm áo gạo tiền, rồi ngay từ khi các em còn nhỏ đã định hướng cho con đi theo các môn tự nhiên để sau này ra trường dễ xin việc và có nhiều tiền. Nhiều cha mẹ còn định kiến với con cái khi các em say mê với những tờ báo hay quyển sách trên tay bởi cho đó là điều viển vông, thiếu thực tế...
Chính từ những suy nghĩ như vậy nên bây giờ vào các gia đình ta vẫn thường thấy cha mẹ sắm cho con em mình đồ chơi hiện đại, đắt tiền để chơi hoặc các em cứ cắm cúi vào các game online trên điện thoại của cha mẹ. Trong khi đó lại rất hiếm những gia đình có tủ sách. Còn với các gia đình làm nông thì do điều kiện kinh tế còn khó khăn và cũng ít biết được những giá trị của sách, hoặc có biết nhưng cũng “lực bất tòng tâm” vì sách bây giờ có giá cao quá.
Thứ hai là thư viện nhà trường hiện nay quá thừa nhưng lại rất thiếu sách. Cái thừa là phần lớn sách trong thư viện là sách giáo khoa được cấp về (học sinh không có nhu cầu về sách này), còn lại một số đầu sách thì không phù hợp với lứa tuổi học sinh, hoặc không có liên quan, các em dù có đọc nhưng chưa chắc có thể hiểu được (bởi nhiều sách nghiên cứu). Trong khi những đầu sách dành cho tuổi mới lớn, sách khám phá về khoa học, lịch sử lại ít hoặc không có. Các thư viện nhà trường chưa chú ý đến các đầu sách hữu ích phục vụ cho văn hóa đọc của các em học sinh. Phần lớn sách có ở thư viện hiện nay là sách… từ trên cấp về. Mà sách cấp về thì mục đích của người mua và cấp không dễ gì phù hợp với học sinh và thầy cô giáo!
Thứ ba là hiện nay các đầu sách xuất bản có số lượng rất ít nhưng giá lại quá cao. Sách viết cho thiếu nhi không nhiều và phần lớn viết theo đơn đặt hàng nên nội dung các cuốn sách chưa cuốn hút được các em. Thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những cuốn sách viết và xuất bản cho thiếu nhi, cho lứa tuổi học trò nhưng lại chạy theo thị hiếu thị trường, quá nhiều ngôn ngữ, hình ảnh bạo lực và nhạy cảm…
Thứ tư là hiện nay giới trẻ có rất nhiều kênh thông tin để giải trí, mạng Internet được lắp đặt rộng rãi, báo điện tử ra đời nhiều, mạng xã hội đã thu hút giới trẻ nên một bộ phận học sinh, sinh viên quen dần với thói quen đọc tin tức trên mạng. Những thông tin mới, cập nhật được những vấn đề thời sự, ít tốn kém và phù hợp với lứa tuổi.
Hướng học sinh đến với văn hóa đọc trước hết cần tạo cho các em niềm say mê đọc sách từ nhỏ. Cha mẹ hãy tìm và hướng cho các em loại sách phù hợp với lứa tuổi. Thư viện nhà trường cần được đầu tư về phòng ốc, sách báo đúng nghĩa, khuyến khích các em đến đọc sách. Thầy cô giảng dạy cần khuyến khích những bài viết sáng tạo, hướng các em tìm tòi qua sách báo, tài liệu. Xã hội cần định hướng và xuất bản những đầu sách hay… Đó là những cách tốt để giúp các em tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng học tập, đạo đức của học sinh trong nhà trường mà lại hạn chế được các trò chơi vô bổ khác trong giới trẻ hiện nay.