KHTN 8 Bài 28: Hệ vận động ở người Giải KHTN 8 Cánh diều trang 131, 132, 133, 134, 135, 136
Giải bài tập KHTN 8 Bài 28: Hệ vận động ở người giúp các em học sinh trả lời các câu hỏi trong SGK Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều trang 131, 132, 133, 134, 135, 136.
Giải Khoa học tự nhiên 8 Bài 28 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 28 Chủ đề 7: Cơ thể người - Phần 3: Vật sống cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Eballsviet.com:
Giải KHTN Lớp 8 Bài 28: Hệ vận động ở người
Trả lời câu hỏi hình thành kiến thức, kĩ năng Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều Bài 28
Câu 1
Quan sát hình 28.2 và cho biết hệ vận động gồm những cơ quan nào.
Trả lời:
Hệ vận động gồm những cơ quan là: xương, khớp và cơ vân
- Xương có chức năng vận động, nâng đỡ cơ thể, bảo vệ các nội quan, sinh ra các tế bào máu, dự trữ và cân bằng chất khoáng.
- Cơ vân là cơ bám vào xương, hoạt động theo ý muốn, có chức năng vận động, dự trữ và sinh nhiệt.
- Khớp là bộ phận kết nối các xương trong cơ thể với nhau, giữ vai trò hỗ trợ cho các chuyển động của cơ thể.
Câu 2
Quan sát hình 28.3, cho biết sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của xương đùi.
Trả lời:
Xương đùi có cấu tạo phù hợp với chức năng nâng đỡ phần trên của cơ thể, giúp quá trình vận động dễ dàng hơn:
- Ở đầu xương có mô xương xốp gồm các tế bào xương tạo thành các nan xương sắp xếp theo hình vòng cung có tác dụng phân tán lực tác động.
- Phần thân xương có mô xương cứng gồm các tế bào xương sắp xếp đồng tâm làm tăng khả năng chịu lực của xương.
Câu 3
Nêu tên, vị trí một khớp trong cơ thể và cho biết sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của khớp đó.
Trả lời:
Tên khớp: Khớp giữa các đốt sống.
Vị trí: Khớp giữa các đốt sống nằm giữa các đốt của cột sống.
Sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của khớp: Các xương đốt sống liên kết với nhau bằng các khớp giữa các đốt sống. Đây là loại khớp bán động được cấu tạo từ một đĩa sụn nên cột sống có thể cử động ở mức độ nhất định và bảo vệ tủy sống.
Câu 4
Quan sát hình 28.5, nêu cấu tạo của một bắp cơ. Từ đó, chỉ ra sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của cơ trong vận động.
Trả lời:
- Cấu tạo của một bắp cơ: Mỗi bắp cơ được cấu tạo từ nhiều bó sợi cơ, mỗi bó sợi cơ gồm rất nhiều sợi cơ, mỗi sợi cơ gồm nhiều tơ cơ.
- Sự phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của cơ trong vận động:
- Hai đầu bắp cơ có gân bám vào các xương qua khớp. Trong bắp cơ, các tơ cơ nằm song song theo chiều dọc của sợi cơ. Mà tơ cơ có khả năng thay đổi chiều dài dẫn đến sự co, dãn của bắp cơ kéo theo sự cử động của xương tạo nên sự vận động.
- Sự thay đổi chiều dài và đường kính của bắp cơ giúp quyết định độ lớn của lực cơ sinh ra, đảm bảo độ lớn của lực phù hợp với cử động.
Câu 5
Quan sát hình 28.6 và dựa vào nguyên tắc đòn bẩy, cho biết cơ, xương, khớp phối hợp với nhau như thế nào khi ta nâng một quả tạ.
Trả lời:
Sự phối hợp của cơ, xương, khớp khi nâng một quả tạ: Xương cánh tay kết nối với xương trụ, xương quay ở cẳng tay thông qua khớp khuỷu tạo thành cấu trúc có dạng đòn bẩy, trong đó, khớp khuỷu đóng vai trò là điểm tựa. Khi thực hiện hoạt động, cơ nhị đầu cánh tay co tạo nên một lực hướng lên (ngược hướng với trọng lực của quả tạ qua điểm tựa là khớp khuỷu), giúp kéo xương quay nâng lên so với xương trụ. Đồng thời, cơ tam đầu cánh tay dãn giúp cố định khớp khuỷu. Nhờ đó, cánh tay co lên giúp quả tạ được nâng lên.
Câu 6
Quan sát hình 28.7 và cho biết tập thể dục, thể thao có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe và hệ vận động. Giải thích.
Trả lời:
Tập thể dục, thể thao vừa sức và đều đặn giúp nâng cao sức khỏe nói chung và sức khỏe của hệ vận động nói riêng:
- Cơ tim và thành mạch khỏe hơn do việc luyện tập giúp tim đập nhanh hơn và máu chảy nhanh hơn khi vận động.
- Khớp chắc khỏe hơn do việc luyện tập giúp màng hoạt dịch tiết chất nhờn đầy đủ, dây chằng vững chắc và dẻo dai hơn.
- Tăng khối lượng và kích thước xương do việc luyện tập giúp kích thích các tế bào tạo xương, sụn ở đầu xương.
- Tăng sức bền của cơ và tăng khối lượng cơ do việc luyện tập giúp kích thích tạo tế bào cơ, tăng hấp thu glucose và sử dụng O2, tăng lưu lượng máu đến cơ.
- Duy trì cân nặng hợp lí do việc luyện tập giúp tăng phân giải lipid.
- Tăng sức khỏe hệ hô hấp do việc luyện tập giúp tăng thể tích khí O2 khuếch tán vào máu và tăng tốc độ vận động của các cơ hô hấp.
- Hệ thần kinh khỏe mạnh do việc luyện tập giúp tăng lưu lượng máu lên não.
Câu 7
Nêu nguyên nhân và cách phòng tránh một số bệnh, tật liên quan đến hệ vận động.
Trả lời:
Tên bệnh, tật | Nguyên nhân | Cách phòng tránh |
Loãng xương | Do cơ thể thiếu calcium và vitamin D, tuổi cao, thay đổi hormone,… | - Duy trì chế độ ăn đủ chất và cân đối, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu. - Thường xuyên rèn luyện thể dục, thể thao, vận động vừa sức và đúng cách. - Tắm nắng. - Đi, đứng, ngồi đúng tư thế. - Điều chỉnh cân nặng ở mức phù hợp. - Tránh những thói quen ảnh hưởng không tốt đến hệ vận động. |
Bong gân, trật khớp, gãy xương | Do bị chấn thương khi thể thao, tai nạn trong sinh hoạt, bê vác vật nặng quá sức, vận động sai tư thế. | |
Viêm cơ | Do nhiễm khuẩn khi bị tổn thương trên da; dụng cụ tiêm truyền, châm cứu, phẫu thuật không đảm bảo vô trùng. | |
Viêm khớp | Do nhiễm khuẩn tại khớp, rối loạn chuyển hóa, thừa cân, béo phì,… | |
Còi xương, mềm xương, cong vẹo cột sống | Do cơ thể thiếu calcium và vitamin D, rối loạn chuyển hóa vitamin D. Do hoạt động sai tư thế, nằm không đúng tư thế, lao động không phù hợp với lứa tuổi. |
Trả lời câu hỏi Luyện tập Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều Bài 28
Luyện tập 1
Thành phần hóa học của xương động vật cũng tương tự xương người. Thực hiện thí nghiệm với ba chiếc xương đùi ếch như sau:
- Xương 1: để nguyên.
- Xương 2: ngâm trong dung dịch HCl 10% khoảng 15 phút.
- Xương 3: đốt trên ngọn lửa đèn cồn cho đến khi không còn thấy khói bay lên.
Tiến hành thí nghiệm, sau đó uốn cong xương, bóp nhẹ đầu xương và quan sát hiện tượng. Kết quả thí nghiệm thể hiện ở bảng 28.1:
Vận dụng kiến thức về phản ứng của acid, phản ứng cháy và thành phần hóa học của xương, giải thích kết quả thí nghiệm.
Trả lời:
Giải thích kết quả thí nghiệm:
- Xương 1 để nguyên nên trong xương vẫn còn các thành phần hóa học là chất hữu cơ và chất vô cơ. Do đó, xương vẫn còn tính đàn hồi, rắn chắc nên không thể uốn cong và xương không bị vỡ vụn khi bóp nhẹ vào đầu xương.
- Xương 2 đã được ngâm trong dung dịch HCl 10%. Khi đó, các chất vô cơ trong xương sẽ phản ứng với HCl khiến xương 2 chỉ còn lại thành phần chất hữu cơ. Việc mất đi các chất vô cơ làm cho xương bị mất tính rắn chắc chỉ còn lại tính mềm dẻo. Do đó, xương 2 có thể uốn cong và không bị vỡ vụn khi bóp nhẹ vào đầu xương.
- Xương 3 được đốt trên ngọn lửa đèn cồn. Khi đó, các chất hữu cơ trong xương bị đốt cháy khiến xương 3 chỉ còn lại thành phần vô cơ. Việc mất đi các chất hữu cơ làm cho xương bị mất tính mềm dẻo, chỉ còn lại tính rắn chắc. Do đó, xương không thể uốn cong và xương vỡ vụn khi bóp nhẹ vào đầu xương.
Luyện tập 2
Khi ngửa đầu và kiễng chân, dựa vào nguyên tắc đòn bẩy:
a) Xác định điểm tựa, lực và trọng lực.
b) Nhận xét về vị trí của điểm tựa so với lực và trọng lực.