Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 20 - Cánh diều 10 Ngữ văn lớp 10 trang 20 sách Cánh diều tập 2
Hôm nay, Eballsviet.com muốn giới thiệu bài Soạn văn 10: Thực hành tiếng Việt trang 20, sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết.
Mời các bạn học sinh lớp 10 cùng tham khảo ngay sau đây. Hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn.
Soạn bài Thực hành tiếng Việt (trang 20)
Câu 1. Hai câu in đậm dưới đây áp dụng biện pháp tu từ nào để khẳng định chủ quyền quốc gia và nền độc lập của nước ta? Tên các triều đại Việt Nam, Trung Hoa được sắp xếp như thế nào?
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi)
Gợi ý:
- Biện pháp tu từ: Liệt kê
- Tên các triều đại Việt Nam, Trung Hoa được sắp xếp theo trình tự thời gian, có sự đăng đối giữa hai đất nước.
Câu 2. Tìm và nêu tác dụng của một số biện pháp tu từ liệt kê mà Nguyễn Trãi đã sử dụng trong văn bản Đại cáo bình Ngô để:
a. Lên án giặc ngoại xâm.
b. Thể hiện quyết tâm giành lại non sông của chủ tướng Lê Lợi.
c. Nói lên khó khăn, thử thách mà nghĩa quân đã trải qua.
d. Miêu tả thất bại thảm hại của quân giặc.
e. Ca ngợi chiến thắng vang dội của quân ta.
Gợi ý:
a. Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh…/Tan tác cả nghề canh cửu
b. Nhân dân bốn cõi một nhà…/Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
c. Tuấn kiệt như sao buổi sớm…/Nơi duy ác hiếm người bàn bạc, Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
d. Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước; Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông…/Cỏ nội đầm đìa máu đen.
e. Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế…/Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn .
=> Tác dụng: Diễn tả một cách đầy đủ, sâu sắc hơn những nội dung được đề cập tới ở trên.
Câu 3. Tìm biện pháp liệt kê trong các câu dưới đây. Ngoài cách sắp xếp từ ngữ trong phép liệt kê của tác giả, em có thể sắp xếp lại như thế nào? Giải thích cách sắp xếp từ ngữ của em.
a. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng người dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. (Phạm Văn Đồng).
b. Kỉ niệm Nguyễn Trãi là nhớ Nguyễn Trãi, nhắc Nguyễn Trãi, làm quen với Nguyễn Trãi hơn nữa: người làm chính trị, người làm quân sự, người nghiên cứu lịch sử nước nhà, người làm văn, làm thơ đều nên hiểu biết, học hỏi Nguyễn Trãi hơn nữa. (Phạm Văn Đồng).
c. Muốn biến hoài bão đó thành hiện thực thì trong hành trang của chúng ta càng cần đến tính cần cù, lòng hiếu học, trí thông minh. (Vũ Khoan).
Gợi ý:
a.
- Liệt kê: Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ,
- Cách sắp xếp khác: Nguyễn Trãi là người đầu đội trời Việt Nam, chân đạp đất Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ…
- Lí giải: Sắp xếp dựa trên câu “đầu đội trời, chân đạp đất”
b.
- Liệt kê: người làm chính trị, người làm quân sự, người nghiên cứu lịch sử nước nhà, người làm văn, làm thơ
- Cách sắp xếp khác: người làm chính trị, người làm quân sự, người làm văn, làm thơ, người nghiên cứu lịch sử nước nhà,
- Lí giải: Theo các lĩnh vực liên quan: chính trị - quân sự, văn - thơ, nghiên cứu.
c.
- Liệt kê: tính cần cù, lòng hiếu học, trí thông minh
- Cách sắp xếp khác: trí thông minh, lòng hiếu học và tính cần cù…
- Lí giải: Các yếu tố trên ngang hàng, quan trọng như nhau.
Câu 4. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng) nêu ý kiến của em về giọng văn hào hùng của Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi); trong đoạn văn có sử dụng biện pháp tu từ liệt kê.
Gợi ý:
“Đại cáo bình Ngô” được coi là một áng thiên cổ hùng văn. Khi đọc tác phẩm, tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng với giọng văn được Nguyễn Trãi sử dụng. Ở mỗi nội dung khác nhau, tác giả lại sử dụng giọng điệu khác nhau. Đó có thể là giọng điệu hùng hồn khi nhắc tới tư tưởng nhân nghĩa, nền văn hiến và chủ quyền dân tộc. Hay còn là giọng điệu căm giận khi nhắc đến tội ác của kẻ thù và xót xa trước những đau thương mà nhân dân ta phải chịu. Kế tiếp là giọng điệu mạnh mẽ, sôi nổi khi nói về những chiến thắng vẻ vang, lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn. Còn khi nói về sự thất bại nhục nhã, thảm hại của kẻ thù thì giọng điệu lại có sự mỉa mai, châm biếm. Với sự linh hoạt trong giọng văn, tác giả đã thể hiện được tư tưởng, nội dung được gửi gắm trong bài cáo.