Cách làm đọc hiểu văn bản nghị luận Phương pháp đọc hiểu văn bản nghị luận
Cách làm đọc hiểu văn bản nghị luận là tài liệu vô cùng hữu ích, bao gồm 16 trang toàn bộ kiến thức về thể loại văn bản nghị luận, cách đọc hiểu, một số câu hỏi và cách trả lời kèm đề đọc hiểu minh họa có đáp án giải chi tiết.
Mẹo làm bài đọc hiểu văn bản văn bản nghị luận sẽ là tư liệu cực hay, giúp ích nhiều cho các bạn ôn tập môn Văn trong giai đoạn nước rút này. Đồng thời qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tư liệu học tập, củng cố kiến thức để giải nhanh các bài tập đọc hiểu. Bên cạnh đó các em tham khảo thêm 27 đề đọc hiểu môn Ngữ Văn theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia, cách làm đọc hiểu văn bản thông tin, cách làm đọc hiểu văn bản thơ.
Cách làm đọc hiểu văn bản nghị luận (Đạt điểm cao)
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Văn bản nghị luận
Văn bản nghị luận là loại văn bản thực hiện chức năng thuyết phục thông qua một hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng được tổ chức chặt chẽ. Đề tài của văn bản nghị luận rất rộng, bao gồm mọi vấn đề của đời sống như chính trị, xã hội, đạo đức, triết học, nghệ thuật, văn học, ... Căn cứ vào đề tài được đề cập và nội dung triển khai, có thể chia văn bản nghị luận thành nhiều tiểu loại, trong đó nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai tiểu loại phổ biến, quen thuộc. Ở những bối cảnh văn hóa và thời đại khác nhau, văn bản nghị luận có những đặc điểm riêng. Khi viết văn bản nghị luận, tùy vào tính chất của thể loại được chọn, có tác giả cũng thường chú ý sử dụng yếu tố biểu cảm và tự sự để làm tăng hiệu quả thuyết phục cho văn bản.
2. Các yếu tố chính của văn bản nghị luận
a. Luận đề là vấn đề tư tưởng, quan điểm, quan niệm, ... được tập trung bàn luận trong văn bản. Việc chọn luận đề để bàn luận luôn cho thấy rõ tầm nhận thức, trải nghiệm, sở trường, thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống của người viết. Thông thường, luận đề của văn bản được thể hiện rõ từ nhan đề.
b. Luận điểm là một ý kiến khái quát thể hiện tư tưởng, quan điểm, quan niệm của tác giả về luận đề. Nhờ hệ thống luận điểm (hay còn gọi là hệ thống ý), các khía cạnh cụ thể của luận đề mới được làm nổi bật theo một cách thức nhất định.
c. Luận cứ bao gồm lí lẽ, bằng chứng. Lí lẽ nảy sinh nhờ suy luận logic, được dùng để giải thích và triển khai luận điểm, giúp luận điểm trở nên sáng tỏ và đứng vững. Bằng chứng là những căn cứ cụ thể, sinh động được khai thác từ thực tiễn hoặc từ các tài liệu sách báo nhằm xác nhận tính đúng đắn, hợp lí của lí lẽ.
3. Cấu trúc của văn bản nghị luận
- Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng… Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất.
- Là thành tố có tính chất bao trùm, luận đề có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm. Các luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận.
4. Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận
Để tăng sức thuyết phục cho văn bản nghị luận, ngoài lí lẽ và bằng chứng, người viết còn có thể sử dụng một số yếu tố bổ trợ như: thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm…
- Thuyết minh trong văn bản nghị luận có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực.
- Miêu tả được dùng để tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan.
- Tự sự đảm nhiệm việc kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên.
- Biểu cảm giúp người viết bộc lộ cảm xúc, tình cảm làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.
5. Bài nghị luận xã hội
Bài nghị luận xã hội là một trong nhiều dạng của văn bản nghị luận, đề cập đến các vấn đề xã hội được quan tâm rộng rãi, không đi vào những vấn đề, lĩnh vực quá chuyên sâu, nhằm tạo được sự hồi đáp tích cực, nhanh chóng từ phía người đọc, người nghe. Đề tài của bài nghị luận xã hội rất phong phú, thường được xếp vào hai nhóm chính: bàn về một hiện tượng xã hội, bàn về một tư tưởng đạo lí có tính phổ cập. Đáp ứng yêu cầu chung của một văn bản nghị luận, bài nghị luận xã hội cũng phải xác lập được luận điểm rõ ràng; triển khai bằng hệ thống luận điểm tường minh với lí lẽ thuyết phục và bằng chứng xác đáng; lời văn chính xác, sinh động.
6. Mạch lạc và liên kết trong văn bản, đoạn văn
- Trong một văn bản, các đoạn văn đều phải hướng về chủ đề hoặc luận đề chung, được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, nhằm giải quyết từng mục tiêu cụ thể như: triển khai, mở rộng, khái quát lại vấn đề...
- Trong một đoạn văn, các câu đều phải phục vụ chủ đề của đoạn văn và liên kết với nhau bằng phép lặp, phép thế, phép nối...
II. CÁC DẠNG CÂU HỎI ĐỌC HIỂU THEO CÁC MỨC ĐỘ
1. NHẬN BIẾT
a. Những yêu cầu cơ bản:
- Nhận biết được luận đề chính trong văn bản.
- Nhận biết được luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản.
- Nhận biết được cách sắp xếp, trình bày luận điểm, lí lẽ và bằng chứng của tác giả.
- Nhận biết các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản.
- Nhận biết được một số thao tác nghị luận (chẳng hạn chứng minh, giải thích, bình luận, so sánh, phân tích hoặc bác bỏ).
- Chỉ ra được được các biện pháp tu từ, từ ngữ; câu khẳng định, phủ định trong văn bản.
- Nhận biết được cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm trong văn bản nghị luận.
b. Một số dạng câu hỏi và cách trả lời:
Dạng 1: Nhận biết được luận đề chính trong văn bản/Xác định được vấn đề nghị luận của văn bản.
Đặc điểm nhận biết:
+ Cần đọc kĩ phần Tri thức ngữ văn để nắm được khái niệm, đặc điểm của luận đề (vấn đề nghị luận):
+ Mỗi văn bản nghị luận thường chỉ có một luận đề. Luận đề của văn bản được thể hiện rõ từ nhan đề, ở một số câu hoặc có thể được khái quát từ toàn bộ nội dung văn bản.
Cách trả lời: Luận đề chính (vấn đề nghị luận) của văn bản là: … (có thể dùng từ: biểu hiện, tác dụng, ý nghĩa, hậu quả, tác hại, biện pháp…).
Dạng 2: Nhận biết được luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản.
Đặc điểm nhận biết:
+ Đọc kĩ phần Tri thức ngữ văn để nắm được khái niệm, đặc điểm của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng.
+ Luận điểm thường được triển khai bằng các kiểu đoạn văn: diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, vì thế cần chú ý 1 - 2 câu đầu, 1- 2 câu cuối của đoạn văn (các đoạn văn) để xác định luận điểm; cũng có thể thể hiện qua nội dung của đoạn văn, vì thế cần đọc kĩ đoạn văn, chú ý các từ ngữ được nhắc lại nhiều lần, khái quát được nội dung đoạn văn.
+ Để triển khai luận điểm, chúng ta cần xây dựng hệ thống luận cứ (lí lẽ và bằng chứng). Luận cứ là ý nhỏ triển khai luận điểm. Luận cứ có thể nằm trong đoạn văn chứa luận điểm hoặc được tách ra thành các đoạn văn riêng.
Cách trả lời: Luận điểm được sử dụng trong văn bản là…; lí lẽ và bằng chứng được sử dụng trong văn bản là… (liệt kê luận điểm, lí lẽ và bằng chứng).
Ví dụ:
Đọc đoạn trích sau:
Nhưng nói đến những lực lượng bạo tàn của số mệnh, không thể không nói đến thế lực của đồng tiền. Trong xã hội Truyện Kiều đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái rất ghê. Nguyễn Du không phải không nhắc đến tác dụng tốt của đồng tiền. Có tiền Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau này báo được ơn cho người này, người nọ. Đó là những khi đồng tiền nằm trong tay người tốt. Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn bề mặt tác hại. Vì Nguyễn Du thấy rõ cả một loạt hành động gian ác bất chính đều là do đồng tiền chi phối. Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển, Ưng vì tiền mà làm những điều đại ác. Cả một xã hội chạy theo tiền. Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
Đồng tiền cơ hồ đã thành một thế lực vạn năng. Tài hoa, nhan sắc, tình nghĩa, nhân phẩm, công lí đều không còn có nghĩa gì trước thế lực của đồng tiền. Tài tình, hiếu hạnh như Kiều cũng chỉ còn là một món hàng, không hơn không kém. Ngay Kiều nữa, cái việc dại dột nhất, tội lỗi nhất trong suốt đời nàng, cái việc nghe lời Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng, một phần cũng bởi xiêu lòng vì ngọc vàng của Hồ Tôn Hiến.
(Trích Hoài Thanh toàn tập, tập II)
Trả lời câu hỏi:
Câu hỏi. Chỉ ra luận điểm được nêu trong đoạn trích trên.
Trả lời: Luận điểm được nêu trong đoạn trích trên là Nhưng nói đến những lực lượng bạo tàn của số mệnh, không thể không nói đến thế lực của đồng tiền. Trong xã hội Truyện Kiều đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái rất ghê.
Câu hỏi. Chỉ ra lí lẽ và bằng chứng được nêu trong đoạn tích trên.
Trả lời: Lí lẽ và bằng chứng được nêu trong đoạn trích trên là
+ Lí lẽ: tác dụng tốt của đồng tiền. Dẫn chứng: Có tiền Thúc Sinh, Từ Hải mới chuộc được Kiều, Kiều mới cứu được cha và sau này báo được ơn cho người này, người nọ.
+ Lí lẽ: tác hại của đồng tiền. Dẫn chứng: Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí; sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông; Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người; Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm; Khuyển, Ưng vì tiền mà làm những điều đại ác.
Dạng 3: Cách sắp xếp, trình bày luận điểm, lí lẽ và bằng chứng của tác giả.
Đặc điểm nhận biết: Luận điểm, luận cứ (lí lẽ và bằng chứng) thường được triển khai theo trình tự: các mặt, các khía cạnh, mối quan hệ bên ngoài, bên trong, mối quan hệ trước sau, trên dưới… mối quan hệ nguyên nhân, kết quả, mối quan hệ từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, … theo phương pháp diễn dịch, quy nạp…
Cách trả lời: Cách sắp xếp, trình bày lí lẽ và bằng chứng của tác giả là…
Ví dụ:
Trả lời câu hỏi:
Câu hỏi. Chỉ ra cách sắp xếp, trình bày lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong đoạn trích trên (Ví dụ ở dạng câu hỏi 2).
Trả lời: Cách sắp xếp, trình bày lí lẽ và bằng chứng của tác giả là từ mặt tích cực tác dụng tốt của đồng tiền đến tiêu cực mặt tác hại, từ nguyên nhân (sức mạnh của đồng tiền) đến kết quả (khẳng định thế lực vạn năng của đồng tiền).
Dạng 4: Nhận biết các yếu tố biểu cảm, thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản.
Đặc điểm nhận biết: Cần nắm được khái niệm, đặc điểm các yếu tố biểu cảm, thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận.
- Biểu cảm: bộc lộ cảm xúc của người viết về luận đề, luận điểm… làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục. Yếu tố biểu cảm thường được diễn tả bằng các từ ngữ, câu có chứa thành phần cảm thán như chao ôi, thật; thành phần tình thái trong câu như có lẽ, hình như, chắc là … hoặc câu hỏi tu từ, câu cảm thán, các biện pháp tu từ; giọng điệu…
- Yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm được sử dụng trong văn bản nghị luận có tác dụng tăng sức thuyết phục cho văn bản nghị luận.
+ Thuyết minh trong văn bản nghị luận có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực.
+ Miêu tả được dùng để tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan
+ Tự sự đảm nhiệm việc kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên.
Cách trả lời: Yếu tố… được sử dụng trong đoạn trích trên là…
Lưu ý: Nếu đề hỏi một yếu tố thì chỉ ra một yếu tố; nếu hỏi các yếu tố thì chỉ ra các yếu tố.
Ví dụ:
Đọc đoạn trích sau:
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
(Trích Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995)
Câu hỏi: Chỉ ra yếu tố tự sự trong đoạn trích trên.
Trả lời: Yếu tố tự sự được sử dụng trong đoạn trích trên là Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Chọn file cần tải:
Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Chủ đề liên quan
Có thể bạn quan tâm
-
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 44 Cánh diều
-
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của em về bài thơ Trong lời mẹ hát (7 mẫu)
-
Văn mẫu lớp 9: Phân tích bài Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi
-
Suy nghĩ về hiện tượng rừng bị tàn phá (2 Dàn ý + 12 mẫu)
-
Tổng hợp các dạng bài toán nâng cao lớp 7
-
Nghị luận xã hội về câu chuyện Một người ăn xin (2 Dàn ý + 12 mẫu)
-
KHTN Lớp 6 Bài 21: Thực hành quan sát sinh vật
-
Nghị luận xã hội về gian lận trong thi cử
-
Mẫu tờ khai đăng ký sang tên đổi chủ ô tô, xe máy
-
Bộ đề thi học kì 1 môn Tiếng Anh lớp 5 theo Thông tư 22
Mới nhất trong tuần
-
Cách làm đọc hiểu văn bản nghị luận
100+ -
Cách làm đọc hiểu văn bản Kịch
100+ -
Cách làm đọc hiểu truyện ngắn
100+ -
Cách làm đọc hiểu văn bản thông tin
100+ -
Cách làm phần đọc hiểu thơ
100+ -
Cách làm phần đọc hiểu văn bản Kí
100+ -
Đoạn văn nghị luận về hiện tượng lũ lụt (Dàn ý + 16 Mẫu)
100.000+ 1 -
Đoạn văn nghị luận về tình yêu của tuổi trẻ hiện nay (7 Mẫu)
50.000+ -
Đoạn văn nghị luận về văn hóa ứng xử trong cuộc sống (Dàn ý + 17 Mẫu)
100.000+ -
Đoạn văn nghị luận về tính kỷ luật (Dàn ý + 20 Mẫu)
100.000+