50 đề đọc hiểu môn Ngữ Văn theo cấu trúc đề thi THPT Quốc gia 2025 (Có đáp án) Ôn thi THPT Quốc gia môn Văn (Có đáp án)
Bộ đề đọc hiểu ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 50 đề đọc hiểu khác nhau có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các em học sinh ôn luyện kiến thức để chuẩn bị thật tốt cho kì thi sắp tới.
TOP 50 Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 bám sát đề minh họa thi THPT Quốc gia 2025. Bộ đề đọc hiểu được biên soạn dưới dạng file Word rất thuận tiện chỉnh sửa và in ra để học tập. Mỗi đề đọc hiểu đều có đáp án giải chi tiết kèm theo, giúp các bạn so sánh đối chiếu với bài làm của mình. Các câu hỏi trong bài đọc hiểu văn bản thường hướng vào các vấn đề nội dung của văn bản, đoạn văn, những vấn đề về hình thức, nghệ thuật của văn bản như: Bố cục văn bản, các phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình ảnh, chi tiết, từ ngữ. Vậy sau đây là nội dung tài liệu mời các bạn theo dõi nhé.
Bộ đề đọc hiểu môn Ngữ Văn 12 theo cấu trúc thi THPT
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(Lược một đoạn: Một buổi trưa nắng và vắng người, một cậu bé ăn mày mù lòa, tay cầm gậy dò đường, vai mang bị đi vào làng Thượng. Một cậu bé khác đang chơi bi dưới gốc cây đa đầu làng, bực mình vì bắn mãi mà viên bi không vào lỗ, đã thế còn lăn đi đâu mất, đã lén đến và giật lấy chiếc gậy của cậu bé ăn mày. Không có gậy để dò đường, cậu bé ăn mày bước nhầm xuống cái giếng làng nằm sát đường, không có bờ gạch bao quanh và bị chết đuối. Người làng đã chôn cất cậu tại khu vực nghĩa địa dành cho người vô gia cư. Lạ là sau đó ngôi mộ của cậu bé ăn mày cứ ngày một phình to ra, rồi làng Thượng bị mất mùa liên tiếp, nhiều người trong làng phải xách bị gậy đi ăn mày. Khi nghề ăn mày đã trở thành một nghề chính của làng, cậu bé ăn mày nọ được tôn làm thành hoàng làng, và làng Thượng dần được dân gian gọi là Làng Ăn Mày).
- Chính tôi là thằng bé chơi bi láo lếu ấy đấy, ông ạ, ông M. thở dài nói.
Ông là hàng xóm của tôi. Hàng xóm với nghĩa nhà cạnh nhau chứ giữa nghề viết lách của tôi và nghề buôn sắt vụn phát đạt của ông chẳng có gì liên quan. Ông quý tôi vì tôi nhiều chữ. Tôi chơi với ông vì ông nhiều tiền mà không hợm mình, và cả vì ông đồng ý để chúng tôi luân phiên nhau trả tiền bia ở quán Gió Mới bên cầu Long Biên. Xưa nay ông nổi tiếng hảo tâm, một nhà từ thiện đích thực. Có lẽ ông đã cúng tới hàng chục, nếu không muốn nói hàng trăm triệu đồng cho mục đích cao cả ấy, mà đối tượng bao giờ cũng là những đứa trẻ mù. Trường Nguyễn Ðình Chiểu coi ông như ân nhân. Một số trường khiếm thị ở các địa phương khác cũng vậy.
- Tất nhiên lúc ấy tôi chẳng dám cho ai biết tôi đã làm thằng bé ăn mày phải chết, - ông nói tiếp sau khi uống một hơi hết sạch vại bia. - Tôi hối hận và sợ lắm. May mà tháng sau bố tôi (một cán bộ có cỡ ở Tổng cục Thống kê) đưa cả nhà lên sống hẳn ở Hà Nội. Từ bấy đến nay tôi chẳng một lần dám trở lại làng Thượng. Vì sao thì ông biết. Tuy vậy, tôi biết hết mọi chuyện xảy ra ở làng. Tôi hỏi thật nhé: Ông có mê tín không?
- Không, tôi đáp.
- Ông có tin vào báo ân, báo oán không?
- Tôi không tin. Sao ông hỏi vậy? Ông tin à?
Ông M. trầm ngâm một chốc rồi nói, vẻ bần thần:
- Cả có mà cả không. Nhưng tôi cứ thấy nó thế nào ấy, nhất là thời gian gần đây. Có lẽ tôi già rồi đâm lẩn thẩn. Nói ông đừng cười, đêm nào nằm ngủ tôi cũng nghe tiếng gõ chiếc gậy trúc của thằng bé kia và tiếng kêu yếu ớt: “Ai đó trả lại gậy cho tôi, đừng đùa”. Tình hình có vẻ như ngày càng tồi tệ. Tôi chẳng biết phải tính sao đây. Ông khuyên tôi làm gì bây giờ?
Tôi ngồi im vì chẳng biết trả lời thế nào.
- Hay ông đi khám bác sĩ thần kinh, - cuối cùng tôi lên tiếng. - Thời này khối người căng thẳng như ông. Tôi cũng chẳng hơn gì. Còn chuyện thằng bé thì chỉ do ông hay nghĩ đến nó mà tưởng tượng ra thôi.
Tôi an ủi, mặc dù tự biết ở đây có cái gì đó nghiêm trọng và đáng sợ hơn nhiều.
Mấy hôm sau, trước lời năn nỉ của ông M., và cũng vì tò mò, tôi nhận lời cùng đi với ông về làng Thượng, Làng Ăn Mày.
Ông M. thắp hương, lầm rầm khấn vái hồi lâu trước bàn thờ thành hoàng làng mình. Trước đấy tôi cũng thắp một nén, gọi là tưởng nhớ vong linh thằng bé xấu số. Tôi tế nhị bỏ ra ngoài để ông được tự nhiên sám hối, hi vọng sẽ thanh thản hơn đôi chút. Bằng đức tính nhân từ vốn có và những việc làm từ thiện xưa nay, ông xứng đáng được hưởng một tuổi già thanh thản.
Tối hôm ấy chúng tôi ngủ lại nhà một người bà con xa của ông M.. Nhà ngói hẳn hoi, có tivi, có đài, anh con trai chủ nhà còn có cả xe máy, xe Nhật chứ chẳng phải Tàu. Từ lâu dân làng Thượng không còn xách bị đi ăn xin, nhưng người ta vẫn thành kính thờ cúng ông tổ ăn mày của làng. Ngôi mộ của ông đã phát càng phát thêm, nay gần giống một cái gò nhỏ, trẻ con không dám cho trâu bò dẫm lên.
Nửa đêm, tôi đang ngủ say sau một ngày đi đường vất vả thì bị ông M. túm tay áo giật mạnh. Ông hoảng hốt thì thầm:
- Ông nhìn kìa. Ngài đấy!
- Ngài nào? Tôi ngạc nhiên hỏi vì chẳng thấy gì.
- Thành hoàng làng Thượng! Ðứa bé ăn mày...
Ông M. không nói hết câu, liền sụp xuống đất, vái lạy liên hồi:
- Con xin ngài tha tội. Dạ, con xin ngài tha tội. Con trót dại... Con chỉ đùa... Lúc ấy con còn nhỏ... Con xin ngài tha tội! Con xin ngài...
- Ông làm sao thế? - Tôi định đỡ ông dậy nhưng ông không chịu. - Tôi có thấy gì đâu! Ông vái lạy ai đấy?
Quả tôi không thấy gì thật. Nhưng ông M. vẫn tiếp tục cầu khẩn van xin. Dẫu chẳng tin ma quỷ và không thuộc loại nhát gan, tôi vẫn thấy ớn lạnh khắp người.
Lát sau, ông M. im lặng ngồi rũ xuống sàn nhà, thở hổn hển:
- Ngài đi rồi. Ði mà chẳng nói gì cả. Nghĩa là ngài không tha thứ cho tôi. Trời ơi, tôi phải làm gì bây giờ?...
Lúc này tôi mới lọ mọ lại gần chiếc công tắc điện để bật đèn. Ông M. mặt cắt không còn hột máu. Ông ngồi yên trong tư thế ấy rất lâu, cuối cùng, như để xác minh về sự hiện diện có thật của ngài, ông quay sang tôi, chìa ra một viên bi thủy tinh bóng loáng dưới ánh đèn.
- Ngài để lại đấy!
***
Sau đó có việc, tôi đi công tác xa ba tháng. Lúc về thì được tin ông M. đã chết. Người ta kể rằng ông hóa điên, đi đâu cũng ngửa tay xin ăn như thằng ăn mày. Bị con cháu nhốt trong nhà và cả ở bệnh viện tâm thần, gặp ai ông cũng xin. Có người cho hòn đá, ông rối rít cảm ơn, xúc động đến rơi nước mắt.
Một hôm, ông khôn khéo trốn khỏi bệnh viện. Ðến tối thì có người thấy ông nằm chết trong chiếc ao nhỏ cạnh Cầu Chui Gia Lâm. Vì ao hầu như không có nước, chỉ toàn bùn, nên ông không chìm. Ấy thế mà ông chết. Một điều lạ nữa là lúc chết ông đeo chiếc bị cói sát nách, tay giữ chặt chiếc gậy trúc già trơn bóng, những thứ trước đấy chưa ai nhìn thấy bao giờ.
Một người nhân đức nhường ấy mà phải chết thế thì thật tội nghiệp, ông trưởng dân phố nơi ông M. sống bùi ngùi nói khi người ta liệm ông vào quan tài.
(Trích “Đứa bé ăn mày” – Thái Bá Tân, in trong Thái Bá Tân - Truyện ngắn chọn lọc, NXB Lao động, Hà Nội, 2013)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Gọi tên và chỉ ra các dấu hiệu giúp anh/chị nhận biết biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: May mà tháng sau bố tôi (một cán bộ có cỡ ở Tổng cục Thống kê) đưa cả nhà lên sống hẳn ở Hà Nội? (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3. Nêu chủ đề của đoạn trích. (1,0 điểm)
Câu 4. Phân tích tác dụng của ngôi kể và điểm nhìn trần thuật được sử dụng trong đoạn trích. (1,0 điểm)
Câu 5. Sau khi đọc đoạn trích trên, anh/chị có suy nghĩ gì về cái giá mà con người phải trả cho những hành động sai lầm của bản thân mình? (1,0 điểm)
ĐÁP ÁN ĐỀ ĐỌC HIỂU
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I |
| ĐỌC HIỂU | 4,0 |
| 1 | - Biện pháp tu từ: chêm xen. - Dấu hiệu nhận biết: + Nằm trong dấu ngoặc đơn. + Giải thích cho đối tượng bố tôi. | 0,5 |
2 | Phương thức biểu đạt chính: Tự sự | 0,5 | |
3 | Chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích đem đến cho ta một bài học thấm thía về luật nhân quả: khi gây ra tội ác, dù vô tình hay hữu ý, con người sẽ luôn phải sống trong tâm trạng dằn vặt, đau khổ, sợ hãi và không sớm thì muộn cũng sẽ phải trả giá cho hành động của mình. | 1,0 | |
4 | - Đoạn trích sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”) và được kể lại qua điểm nhìn của nhân vật này. - Tác dụng: + Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất với điểm nhìn của nhân vật trực tiếp tham gia vào câu chuyện đã tạo nên sự chân thực, độ tin cậy cho câu chuyện được kể. + Tạo điều kiện cho tác giả thâm nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật, miêu tả được những diễn biến tâm lí sâu kín của nhân vật. | 1,0 | |
5 | Suy nghĩ về cái giá mà con người phải trả cho những hành động sai lầm của bản thân mình: - Những hành động sai lầm sẽ khiến con người luôn phải sống trong tâm trạng dằn vặt, hối hận, lo sợ. - Những hành động sai lầm có thể khiến cho con người rơi vào bế tắc, tuyệt vọng, dẫn đến hủy hoại tương lai, thậm chí tính mạng của mình. | 1,0 |
.....................
Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!
Chọn file cần tải:
Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:
