Bài tham luận về dạy học trực tuyến năm 2021 - 2022 Sáng kiến kinh nghiệm về dạy học trực tuyến

Bài tham luận về dạy học trực tuyến năm 2021 - 2022 giúp thầy cô tham khảo để viết sáng kiến kinh nghiệm về dạy học trực tuyến. Năm học 2021 - 2022, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nên nhiều địa phương đã phải dạy trực tuyến, đặc biệt khi dạy các em lớp 1 thì quả thực rất vất vả, khó khăn.

Vì vậy, bài tham luận dạy học trực tuyến này sẽ giúp thầy cô nêu ra được những khó khăn, thuận lợi khi giảng dạy trực tuyến. Từ đó đưa ra phương hướng, biện pháp khắc phục để dạy học ngày càng hiệu quả.

Sáng kiến kinh nghiệm về dạy học trực tuyến năm 2021 - 2022

Kính thưa lãnh đạo phòng giáo dục đào tạo ..........

Kính thưa Ban giám hiệu các nhà trường Tiểu học ........

Đồng kính thưa toàn thể các thầy cô giáo khối 2 các trường Tiểu học.

Tôi tên là: ………. - giáo viên Trường Tiểu học ……………………

Trong hội nghị hôm nay có rất nhiều thầy cô ở những độ tuổi khác nhau nhưng vì tính chất hội nghị, tôi xin phép được xưng là tôi khi trình bày tham luận. Là một giáo viên trẻ, tôi cảm thấy mình rất vinh dự và may mắn được ti đây, nói lên một số chia sẻ của mình và đồng nghiệp trường mình về việc DẠY HỌC TRỰC TUYẾN SAO CHO HIỆU QUẢ.

Kính thưa thầy cô.

Việc dạy học trực tuyến trong năm học mới đã diễn ra khoảng 1 tháng và bên cạnh những điều hiệu quả mà nó mang lại thì cũng có không ít khó khăn. Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi xin xoay quanh 5 câu hỏi lớn như sau:

  • Làm thế nào để quản lí lớp học tốt hơn?
  • Chuẩn bị gì cho buổi học trực tuyến hiệu quả?
  • Làm thế nào để tăng cường hứng thú cho học sinh hơn?
  • Làm thế nào để dạy viết chữ?
  • Làm thế nào để kiểm soát chất lượng sau khi buổi học trực tuyến diễn ra?

1. Làm thế nào để quản lí lớp học tốt hơn?

- Tìm hiểu kĩ đối tượng học sinh lớp mình: Thu thập thông tin, số điện thoại để tạo nhóm zalo lớp từ sớm. Điều này giúp trao đổi giữa GV và PH được chủ động và kịp thời. Tôi tạo 1 khảo sát google form để gửi link cho phụ huynh để phụ huynh điền tất cả các thông tin về con, hộ nghèo, cận nghèo, sở trường, sở đoản của con, điểm đặc biệt về cơ thể, sức khỏe, tính cách của con, khó khăn của gia đình HS, mong muốn, nguyện vọng của gia đình trong năm học mới với cô giáo.

- Hướng dẫn phụ huynh và cùng con học khi chuẩn bị học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến phụ huynh cần biết sử dụng những loại ứng dụng nào thì tôi đều quay video hướng dẫn của riêng tôi. Tôi đã quay video hướng dẫn phụ huynh cách sử dụng zoom, Azota, padlet và sau này có bổ sung classkick.

- Cùng thống nhất nội quy lớp học với phụ huynh và học sinh ngay từ những buổi đầu. Tôi đã có 1 buổi trao đổi riêng với phụ huynh qua zoom để thống nhất về phương tiện học tập, hướng dẫn các thao tác khi học, cách nộp bài tập, cách tính sao thưởng, trang phục và ngôn từ của phụ huynh, học sinh khi học. Gửi video, ảnh ngộ nghĩnh về nội quy lớp học lên nhóm lớp.

- Có phiếu dặn dò sau mỗi buổi học.

- Xây dựng 1 padlet của lớp. Đưa mọi thông tin, hình ảnh, các cuộc thi lên đó.

2. Cần chuẩn bị gì cho buổi học trực tuyến hiệu quả?

- Chọn lọc nội dung dạy: Vì khối 1, 2 đang thực hiện theo CTGDPT mới nên tôi nghĩ trước hết cần dành thời gian nghiên cứu trước chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, công văn hướng dẫn để rà soát nội dung dạy học sao cho đúng, chọn lọc những kiến thức trọng tâm cần dạy trong buổi học trực tuyến. Những phần nào có thể tích hợp thì tích hợp.

- Xây dựng 1 bài giảng powerpoint theo hướng tinh gọn, đơn giản:

Tập trung vào các kiến thức chính nhất chứ không dùng nguyên bài giảng powerpoint như dạy bình thường trên lớp. Ví dụ như môn Tiếng Việt lớp 1, tôi sẽ thiết kế bài học sau phần Khởi động thì chỉ chia thành 3 phần: Luyện đọc, luyện viết và luyện nói.. Vì thời lượng buổi học trực tuyến không dài nên việc xây dựng bài giảng tinh gọn, tập trung kiến thức chính sẽ giúp chúng ta bớt lan man.

- Làm trước các trò chơi trên các trang web, phần mềm dự kiến sẽ sử dụng trong buổi học và lưu đường link lên 1 slide trong bài dạy. Để tránh việc khi vào bài dạy rồi lại phải mở nhiều trang web, phần mềm ra mất nhiều thời gian thì tôi thiết kế sẵn rồi copy đường link của trò chơi đó, video đó, trang web đó rồi dán vào 1 slide ở phần cuối bài giảng powerpoint. Khi nào cần dùng đến thì tôi chỉ việc đem đường link đó dán vào thanh tiêu đề ở web là dẫn thẳng tới trò chơi tôi đã thiết kế, sẽ không mất thời gian.

- Cài đặt chế độ chỉ trưởng phòng được chia sẻ trên web zoom để tránh các con hoặc bố mẹ các con chia sẻ những thứ không liên quan vào phòng học. Cài đặt chế độ phòng chờ và chỉ duyệt vào lớp cho những học sinh ghi đúng tên của mình.

- Cài đặt chế độ không cho HS vẽ bậy. 

- Chọn chế độ xem lưới để bao quát lớp học khi các con làm bài, viết,

- Nêu rõ quy định: Nếu không bật cam, tắt mic sẽ tính là muộn học hoặc điểm danh nghỉ học.

3. Tăng cường hứng thú cho học sinh trong buổi học trực tuyến.

Theo tôi, đây là điều quan trọng nhất giúp dạy trực tuyến hiệu quả. Dạy trực tuyến khác với dạy trực tiếp ở chỗ các con phải ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại thụ động khiến các con dễ chán, mệt. Vậy tôi đã làm những việc sau và thấy cũng khá hiệu quả.

- Tạo không gian chờ thật thú vị: Trước khi buổi học diễn ra, tôi sẽ vào phòng Zoom sớm hơn tầm 10 phút để duyệt cho các con vào sớm. Khi các con nghe âm thanh sẽ thấy thú vị, mới mẻ và gây chú ý hơn. Tôi mở các bản nhạc, bài hát để cho không khí vui tươi khi chuẩn bị buổi học. Có số ít buổi thì tôi gửi lên zoom 1 bức tranh giấu đồ vật, giấu chữ yêu cầu các con trong lúc chờ sẽ tìm chữ, tìm đồ vật lẫn trong tranh. Việc này giúp to tâm thế vui tươi và hứng thú, thích vào học đúng giờ.

- Phần khởi động không bỏ qua mà cho các con đứng dậy, vận động hình thể theo một bài hát vận động vui nhộn. Các con rất thích.

- Cần to âm thanh cho một số đối tượng trên slide. Để tránh các con chỉ nhìn, buồn ngủ, khi thiết kế slide, tôi cố gắng mỗi slide to một số âm thanh đi kèm cho các đối tượng của slide. Cái này có sẵn trong powerpoint nên rất nhanh và đơn giản. Thầy cô vào phần efect opstion và chọn âm thanh là được.

- Thỉnh thoảng cho học sinh được vẽ lên màn hình để gạch chân, khoanh tròn các âm, tiếng, từ…đáp án. Có thể đồng loạt nhắn vào ô chat. Chú ý từ không có dấu.

- Chú trọng tổ chức cho HS vận dụng kiến thức vào các tình huống và thực tế cuộc sống. Dạy âm, số nào tôi yêu cầu học sinh chạy trong nhà tìm đồ vật có tên chứa âm đó giơ lên cho cả lớp. Nếu có thể đánh vần được thì đánh vần. Thi ai tìm được nhiều nhất. Dạy số thì tìm số lượng đồ vật trong nhà đủ số lượng số đang học. Năng lực giải quyết vấn đề.

- Tăng cường tính tương tác, cho học sinh được hoạt động nhiều.

Tôi cố gắng không để học sinh chỉ nhìn. Tôi cho các con được thao tác, vận động tay chân. Tôi cho các con dùng bộ đồ dùng học Toán, Tiếng Việt để được cài chữ, ghép tiếng, ghép số. Thi tìm tiếng, từ.

- Tăng cường trò chơi trực tuyến tương tác. Phần này tôi thấy rất hữu hiệu. Không chỉ giúp các con hào hứng hơn hẳn mà còn học kiến thức thông qua trò chơi. Các con được thao tác, kéo thả, ấn chọn ngay trên màn hình nên rất thích. Cụ thể tôi dùng những trò chơi trực tuyến sau:

  • Quizizz: Đây là trò chơi trên web, học sinh không phải cài đặt gì chỉ cần ấn vào link điền tên mình là chơi được. Có nhiều hình ảnh và dạng câu hỏi. Học sinh thao tác trực tiếp lên màn hình. Đặc biệt, việc soạn 1 trò chơi trên quizizz rất nhanh. Trong Quizizz có sẵn kho câu hỏi, bài tập tương tác mà giáo viên cả nước đã làm. Thầy cô gõ tên nội dung mình muốn rồi nhấn tìm kiếm sẽ hiện ra nhiều lựa chọn. Thầy cô thấy câu nào hợp với nội dung mình cần thì ấn nút “add” sẽ tự động đưa câu đó vào bài thầy cô thiết kế. Cứ nhặt như vậy chỉ vài phút là có một trò chơi rất hay, nhiều hình ảnh và thú vị. Khi chơi lại có nhạc, có thứ tự bảng điểm nên các con rất thích, rất thi đua. Khi thi xong, tôi chụp ảnh 3 bạn đứng nhất để nêu tên, tặng sao và đưa ảnh lên nhóm zalo lớp ngay.
  • Dùng menti.com để tạo những câu hỏi tương tác tìm từ ngữ. Tôi vào web, tạo câu hỏi xong gửi link. HS ấn vào link và cấn từ mình tìm được. Màn hình sẽ hiển thị tất cả các câu trả lời ngay tức thì của các con. Giáo viên và các con cùng nhận xét.
  • Dùng classskick để tạo bài tập tương tác. Tôi tạo 1 số bài tập như kéo thả, nối tranh với tiếng, từ, Nhúng link vào ô chát cho học sinh ấn vào là dẫn tới câu hỏi, bài tập tương tác. Tôi có thể nhìn trực tiếp em nào đang làm câu nào, kết quả thế nào.
  • Dùng word wall là 1 trang web cũng có thể tạo trò chơi trực tuyến. Họ đã tạo sẵn hot cảnh và nhân vật, mình chỉ cần thay nội dung. Tuy nhiên, nhược điểm là không nhìn thấy học sinh khi chơi thế nào và chỉ thấy kết quả cuối cùng khi các con thi xong.
  • Dùng blocket, live world sheet Tương tự như quizizz, class click.

Có chế độ thi đua khen thưởng: Tôi thường tặng sao cho các con ngay khi trả lời đúng, có cố gắng, có tiến bộ. Quy định đủ 10 sao thì đổi quà. Quà cô ghi sổ và sẽ gửi lại các con khi quay lại trường. Cuối buổi học, luôn cho học sinh bình chọn 3 bạn tích cực nhất và tặng.

Có chế độ lớp trưởng. Bạn được nhiều sao nhất, tích cực nhất của buổi học trước sẽ được làm lớp trưởng của buổi học hôm sau. Lớp trưởng được những quyền gì. Lớp trưởng được điều hành các bạn luyện đọc ở 1 phần nào đó trong buổi học. Các con hoàn toàn làm được dù là lớp 1. Làm đơn giản thôi. Lớp trưởng được tặng sao cho 1 bạn bất kì trong buổi học. Các con rất thích.

Cố gắng gọi được khá nhiều học sinh. Nhiều bạn không thích học vì cô không gọi.

Khi luyện đọc, cho 1 bạn đọc nhưng cả lớp đều phải chỉ tay vào màn hình và đọc theo. Cô giáo nhắc tên nếu có bạn không đọc. Có thể cho đọc đồng thanh nhưng chọn chế độ tắt mic cả lớp và không cho bật li mic. Không gây tiếng ồn mà các con cả lớp đều được đọc và phải đọc.

Đưa mĩ thuật vào học toán, tiếng việt. Cho vẽ kết hợp khi học toán, chữ. Cho các con vẽ sơ đồ tư duy dạng đơn giản để tìm tiếng, từ rồi tô màu, chụp ảnh lên. Mất nhiều thời gian nhưng hữu ích nên chỉ thỉnh thoảng dùng.

Đưa âm nhạc dạy toán, tiếng việt. Khi các con viết bài, làm bài tập, tôi sẽ phát nhạc không lời nhẹ nhàng, tránh nhàm chán.

Có thư khen cuối tuần đăng lên nhóm lớp có dán ảnh các con. Thiết kế thư khen con tiến bộ, con đọc tốt, con viết đẹp….dán ảnh các con vào gửi nhóm lớp. Phụ huynh cho con xem. Cuối tuần đưa vào slide cho cả lớp xem. Kích thích thi đua.

Có padlet để làm quen học sinh, tổ chức các cuộc thi. Có trao giải thưởng 5 quyển vở. Có yêu cầu chia sẻ, kêu gọi bình chọn để tạo sự lan tỏa.

Chia nhóm luyện nói. Mở cài đặt web zoom chọn chế độ mở breakout. Sẽ xuất hiện biểu tượng 4 ô vuông. Khi cần chia nhóm luyện nói tôi ấn vào biểu tượng. Có thể chia bất kì theo ý. Có thể vào từng nhóm xem thảo luận.

Quay video nội dung trọng tâm bài học thời lượng chỉ 5 – 10 phút đăng kênh Youtube. Ngày nào tôi cũng đăng video dạy viết. Gửi lên nhóm lớp cho HS xem lại nếu sau bài học vẫn chưa nắm chắc kiến thức. Điều này, GV có thể sử dụng luôn tính năng quay video có sẵn trong powerpoint là được.

4. Làm thế nào để dạy viết chữ?

Hướng dẫn viết thế nào? Một câu hỏi đặt ra khi dạy lớp 1 trực tuyến đầu năm là các em chưa biết viết, giáo viên không thể trực tiếp cầm tay các em nắn chữ thì hướng dẫn các em thế nào? Tổ 1 trường Tiểu học ........ cũng có bàn luận và đưa ra 3 phương án như sau:

+ Phương án 1: Dùng 2 thiết bị khi dạy học zoom trực tuyến. 1 máy tính để chia sẻ bài dạy 1 điện thoại đăng nhập như 1 học sinh. Đến phần hướng dẫn viết thì spotlight màn hình điện thoại của mình. Mua giá đỡ điện thoại khoảng 40.000 giữ điện thoại quay camera điện thoại hắt xuống mặt bàn. Đặt bảng con ở bàn viết và hướng dẫn trực tiếp. Khi đó GV vừa viết mẫu, vừa thuyết minh từng thao tác thì HS sẽ nhìn được mẫu, cách viết và lời hướng dẫn như nhìn cô viết bảng lớp.

+ Phương án 2: Quay video màn hình các chữ mẫu cách viết tiếng khóa, từ khóa gửi lên kênh youtube của mình. Dẫn link cho HS xem. nhưng có ghép lời thuyết minh của giáo viên vào. Như thực tiễn lớp tôi thì thấy phụ huynh HS phản hồi là xem video tôi đăng lên kênh youtube sẽ rõ hơn là xem trên nhóm zalo. Bản thân tôi đang tiến hành việc này và khi nào hoàn thiện nếu đồng chí nào cần tôi sẽ gửi tặng.

+ Phương án 3: Dùng bảng điện tử kết nối với máy tính. GV cầm bút viết chữ mẫu lên bảng điện tử thế nào thì nó sẽ hiện lên màn hình cho HS như thế. Giá khoảng 700.000 đ.

5. Làm thế nào để kiểm soát chất lượng sau khi buổi học trực tuyến diễn ra?

- In phiếu luyện đọc bản giấy.

  • Giao bài tập và chấm bài bằng ứng dụng Azota. Phụ huynh không cần tải phần mềm gì chỉ cần ấn vào đường link rồi chụp ảnh bài làm của con gửi lại cho cô giáo theo link là xong. GV thu bài tự động theo tệp, hệ thống tự chấm điểm câu trắc nghiệm còn câu tự luận thì GV chỉ cần chạm nhẹ vào màn hình là chấm đúng sai, chữa lỗi, ghi nhận xét được, có thể cho điểm hoặc ẩn điểm.
  • Kiểm tra đọc của học sinh bằng cách yêu cầu HS đọc bài luyện đọc theo phiếu GV gửi rồi bố mẹ quay video gửi lại cho cô giáo. Có thể theo ngày hoặc vài ngày một để GV nắm được tiến bộ của từng em. Và các em cũng có ý thức phải luyện đọc thật sự hàng ngày để nộp bài.

Trên đây là một số kinh nghiệm do tôi thực hiện và có học hỏi từ các bạn bè đồng nghiệp. Mong được sự trao đổi, góp ý của thầy cô. Xin cảm ơn!

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Ngọc
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm