Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống của cuộc sống hiện đại) 4 bài văn mẫu lớp 8 hay nhất
Tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống của cuộc sống hiện đại).
Các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo để chuẩn bị cho bài nói và nghe. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.
Đề bài: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống của cuộc sống hiện đại)
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống của cuộc sống hiện đại)
Ý kiến về một vấn đề xã hội - Mẫu 1
Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về…
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người có nhiều phương tiện giải trí hơn. Tuy nhiên, trò chơi dân gian vẫn chiếm một phần quan trọng trong tuổi thơ của mỗi người. Một trong những trò chơi có thể kể đến là trốn tìm.
Trốn tìm còn có tên gọi khác là “trò ú tim” (cách gọi ở miền Trung) và “trò năm mươi năm mươi” (cách gọi ở miền Nam). Trò chơi này thường được diễn ra vào buổi chiều tối, tại những không gian rộng lớn nhưng phải có nhiều chỗ ẩn nấp. Điều này sẽ tăng thêm độ khó cho người tìm.
Số lượng người chơi trốn tìm sẽ không bị giới hạn, khoảng từ sáu đến mười người. Đầu tiên, người chơi cần oẳn tù xì. Ai thua sẽ phải đi tìm. Người đó cần bịt mắt lại, đứng im một chỗ và đếm từ một đến ba mươi. Trong khoảng thời gian đó, những người còn lại sẽ đi trốn.
Sau ba mươi giây, người đi tìm sẽ mở mắt, bắt đầu quá trình tìm kiếm. Người bị tìm thấy sẽ thua cuộc. Nếu như toàn bộ người chơi bị tìm ra thì người đi tìm sẽ chiến thắng. Theo luật, người bị tìm thấy đầu tiên sẽ phải là người đi tìm tiếp theo. Còn người đi tìm không thấy mọi người trốn ở đâu, người đó sẽ phải hô “tha gà” và chấp nhận thua cuộc. Ở lượt chơi tiếp theo, người đi tìm này sẽ tiếp tục phải làm. Trong quá trình chơi, người trốn có thể bất ngờ đến đập vào vai người đi tìm. Khi đó, người trốn sẽ thắng và có quyền cứu những người đã bị tìm thấy.
Trò chơi trốn tìm là một trong những trò chơi dân gian thú vị, dễ chơi. Ngày nay, trò chơi này vẫn được mọi người, đặc biệt là trẻ em yêu thích.
Trên đây là ý kiến trình bày của tôi. Xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đến từ thầy cô và các bạn.
Ý kiến về một vấn đề xã hội - Mẫu 2
Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về…
Ngày nay, các lễ hội dân gian vẫn được tổ chức, trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Hằng năm, sau dịp Tết Nguyên Đán, quê hương của tôi có tổ chức nhiều lễ hội. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với lễ hội đấu vật. Lễ hội này được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Các vòng loại sẽ lựa chọn ra năm đô vật mạnh nhất đại diện cho thôn bước vào trận chung kết.
Trận đấu diễn ra vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Sau khi hai đô vật chào hỏi khán giả, trọng tài thổi còi ra hiệu trận đấu bắt đầu . Hai đô vật cởi trần, mặc một chiếc quần đùi, tay buộc một chiếc khăn khác màu sắc để phân biệt. Cả hai đô vật cúi người, nắm vào bắp tay của nhau tạo thành thế đấu vật. Họ di chuyển trên sàn để thăm do đối phương. Đô vật nào cũng ra sức vật ngã đối phương trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem. Phía trên sân khấu, có một người đang đánh trống. Nhịp trống dồn dập khiến không khí càng thêm sôi động. Còn khán giả thì cũng hò reo cổ vũ nhiệt tình. Mười phút thi đấu diễn ra thật căng thẳng.
Khi ban tổ chức thông báo bắt đầu cuộc thi, cả hai bước vào sân cúi chào khán giả. Trọng tài thổi còi và phất cờ ra hiệu trận đấu bắt đầu. Hai đô vật dùng đôi tay chắc khỏe của mình ra múa khởi động. Đôi chân không ngừng giậm nhảy, lùi trước lùi sau để thăm dò đối thủ. Hai đô vật đã tiến sát lại gần nhau, hai tay giữ vào vai đối thủ. Thân hình của họ trông thật dũng mãnh. Còn gương mặt thì đã nhễ nhại mồ hôi. Thoắt cái, đô vật khăn xanh đã vật ngã được đối thủ xuống đất bằng một thế đòn hiểm. Trọng tài ra hiệu thời gian để chờ đô vật khăn đỏ đứng dậy. “Ba… hai… một… Hết giờ!” - đô vật khăn đỏ vẫn nằm dưới sàn nhà. Lúc đó, chiến thắng sẽ thuộc về đô vật khăn xanh. Mỗi một trận đấu vật đều diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.
Lễ hội đấu vật trở thành một nét đẹp, làm nên bản sắc của quê hương. Dù cuộc sống có ngày càng hiện đại, nhưng những lễ hội như đấu vật vẫn sẽ còn mãi. Trên đây là ý kiến trình bày của tôi. Xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đến từ thầy cô và các bạn.
Ý kiến về một vấn đề xã hội - Mẫu 3
Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về…
Mảnh đất Hà Nội đã có nghìn năm văn hiến. Nét của mảnh đất kinh đô có sự kết hợp giữa nét cổ điển và hiện đại, làm nên sự độc đáo.
Hà Nội cổ được biết đến với ba mươi sáu phố phường - một nét đẹp đặc trưng của mảnh đất kinh đô. Phố cổ Hà Nội được đặt tên theo các mặt hàng mà con phố đó buôn bán. Nào là hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,… Ngày nay vẫn còn những tên phố duy trì được đặc trưng này. Có những phố, hầu hết các gia đình đều theo một nghề thủ công. Nghề được cha truyền con nối và tồn tại đến tận ngày nay.
Nét cổ Hà Nội còn được thể hiện qua những công trình kiến trúc đẹp và độc đáo. Nằm giữa lòng thành phố là Hồ Hoàn Kiếm với hai địa danh nổi tiếng là Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn. Khi nhắc đến Hồ Gươm người ta nhớ đến “Truyền thuyết Hồ Gươm” kể về việc vua Lê Lợi được Rùa Vàng cho mượn gươm đánh giặc. Ta cũng không quên nhắc đến Văn Miếu - ngôi trường đại học cổ nhất của Việt Nam. Với những tấm bia tiến sĩ ghi lại tên tuổi các vị tiến sĩ qua từng triều đại. Ngoài ra, đó còn là ngôi chùa Trấn Quốc, nằm trên một dải đất nhỏ trên Hồ Tây. Chùa là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với những bàn thờ các đức Phật uy nghiêm bên trong, cùng lăng tẩm của các vị chân tu qua nhiều đời trụ trì.
Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, Hà Nội còn khoác lên mình một vẻ đẹp hiện đại. Đó chính là vẻ đẹp của kiến trúc Pháp. Với một loạt các công trình mang đậm dấu ấn phương Tây như: Nhà Thờ Lớn, Bắc Bộ Phủ, Nhà Hát Lớn;... Ngoài ra, sự hiện đại của thủ đô cũng thể hiện qua việc ngày càng có nhiều những tòa nhà cao tầng được xây dựng, các con đường rộng lớn, cuộc sống của con người cũng trở nên hiện đại hơn.
Nét đẹp của Hà Nội dù hiện đại hay cổ kính đều có những vẻ đẹp riêng biệt. Chúng ta cần trân trọng, giữ gìn nét đẹp đó.
Trên đây là ý kiến trình bày của tôi. Xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đến từ thầy cô và các bạn.
Ý kiến về một vấn đề xã hội - Mẫu 4
Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ trình bày ý kiến về…
Bánh đa cua được coi là một trong những món ăn đặc sản của thành phố Hải Phòng - quê hương của tôi. Món ăn này được ví von như một thứ quà ngon của người dân Hải Phòng, bởi lúc sáng hay trưa, chiều tối, người ta vẫn có thể thưởng thức thay cơm. Không chỉ vậy, nó còn thể hiện được những nét tinh túy của ẩm thực Hải Phòng.
Nhìn vào một tô bánh đa cua, người sành ăn có thể đoán ra nguyên liệu làm nên món ăn này không có gì là cao sang, đắt đỏ mà chỉ là những sản phẩm của đồng ruộng như cua đồng, rau muống, rau nhút,… Nhưng với sự tỉ mỉ, khéo léo, những nguyên liệu tưởng như quê mùa ấy lại làm nên một món ăn đậm đà tình quê.
Cách chế biến món bánh đa cua vô cùng cầu kì. Một bát bánh đa cua ngon phải hội tụ đủ 5 màu sắc: màu hồng nâu của gạch cua, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của rau muống, rau nhút, rau cần và của miếng chả lá lốt, màu vàng của những tép hành khô giòn rụm, màu đỏ của cà chua, của ớt. Tất cả hoà chung vào một tô bánh đa cua có hương vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn thực khách sẽ không thể không dừng chân ngồi lại thưởng thức. Bánh đa chần sơ bỏ vào trong tô, bày các loại rau, thịt cua, chả lá lốt sao cho đẹp mắt, sau đó chan nước dùng thật nóng là nước xương và nước cua đã gạt hết bọt, mọi người sẽ bị quyến rũ bởi mùi vị của nó.
Món bánh đa cua thường được ăn nhiều trong mùa hè - khi thời tiết nóng bức. Bởi màu xanh mát của các loại rau, và mùi vị béo ngậy của cua đồng. Đã từ lâu, thành phố cảng Hải Phòng đã nổi tiếng với món ăn này. Bất kỳ ai khi đặt chân đến đây cũng đều muốn thưởng thức một bát bánh đa cua mới thỏa lòng mong đợi. Khi thưởng thức bát bánh đa cua đồng, thực khách sẽ cảm nhận được vị thanh của nước dùng, vị béo của chả lá lốt, chả cá và độ ngậy của cua đồng.
Món bánh đa cua kéo người sành ăn trong thời tiết oi bức của mùa hè bởi màu xanh mát rượi của rau muống xanh giòn, vào mùa đông lạnh là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy. Không phải món nào đắt tiền mới ngon, mà cái ngon của món ăn thường là thứ quà quê, vì thế nó mới đủ sức lôi kéo khách phương xa mỗi khi đến thăm vùng đất cảng.
Trên đây là ý kiến trình bày của tôi. Xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đến từ thầy cô và các bạn.