Văn mẫu lớp 9: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về Ý nghĩa văn chương Ý nghĩa văn chương - Hoài Thanh
Viết đoạn văn nêu cảm nhận về Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh thấy được nguồn gốc, tác dụng và ý nghĩa của văn chương đối với đời sống con người.
Văn chương giúp cho con người có thêm tình cảm, lòng vị tha, biết cái đẹp, cái hay của cảnh vật, thiên nhiên. Văn chương còn sáng tạo ra cái đẹp, làm cho chúng ta thấy cuộc đời đẹp hơn, đáng yêu hơn. Mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Eballsviet.com để có thêm nhiều vốn từ:
Viết đoạn văn nêu cảm nhận về Ý nghĩa văn chương
Đoạn văn cảm nhận về Ý nghĩa văn chương - Mẫu 1
Với một lối văn nghị luận kết hợp hài hòa giữa lí lẽ sắc bén với cảm xúc tinh tế, trong văn bản này, Hoài Thanh khẳng định: Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, là lòng vị tha. Văn chương là tấm gương phản ánh cuộc sống muôn hình vạn trạng. Hơn thế, văn chương còn góp phần sáng tạo ra sự sống, gây dựng cho con người những tình cảm không có và luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn, tẻ nhạt.Văn chương nâng cao nhận thức, làm phong phú tâm hồn con người. Văn chương làm đẹp, làm giàu cho cuộc sống trên trái đất này.
Đoạn văn cảm nhận về Ý nghĩa văn chương - Mẫu 2
Văn chương có nguồn gốc cốt lõi là tình cảm, lòng vị tha với con người. Văn chương là hình ảnh của sự sống muôn hình vạn trạng, là những bức tranh thiên nhiên bốn mùa tuần hoàn luân chuyển, là những cảm xúc tinh tế của con người rung động trước thiên nhiên. Qua lăng kính của văn chương, ta cảm nhận được những cái hay, cái đẹp về muôn loài. Văn chương cũng là nơi lòng thi nhân gửi gắm những nỗi sầu bi, uất hận hay những niềm vui, hạnh phúc trước cuộc đời. Những bức tranh tả cảnh ngụ tình, ta từng gặp qua những vần thơ trong “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh, qua bức tranh đêm khuya giữa núi rừng Việt Bắc, Bác đã bày tỏ những lo lắng về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Không những vậy, văn chương còn gây cho ta những tình cảm ta không có, là sự rung cảm, xúc động, xót xa trước những số phận con người, là tấm lòng nhân ái và đồng cảm trước những hoàn cảnh bất hạnh. Văn chương cũng luyện những tình cảm ta sẵn có, đọc “Mẹ tôi”, ai trong chúng ta hẳn cũng có lần lỡ khiến mẹ phải buồn như cậu bé En-ri-cô, qua tác phẩm đó ta trân trọng người mẹ của mình hơn. Như vậy, văn chương làm cho những tình cảm sẵn có trong ta sắc nét và phong phú hơn. Thật không quá khi nói, văn chương chính là món quà, là nguồn nước trong lành tưới mát tâm hồn ta. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương sẽ nghèo nàn biết bao!