Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống (3 mẫu) Văn mẫu 9 Chân trời sáng tạo

Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống gồm 3 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, đưa ra những ý kiến, lí lẽ, bằng chứng thảo luận về cách hành xử khi bị bắt nạt, cách thể hiện tình cảm với người thân, điều cần làm để nơi ta sống trở nên đẹp hơn thật thuyết phục.

Thảo luận

Đồng thời, cũng giúp các em rèn kỹ năng nói thật tốt, thảo dễ dàng trả lời câu hỏi tiết Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống - Bài 1: Thương nhớ quê hương (Thơ) SGK Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo tập 1 trang 28. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm ý tưởng mới:

Thảo luận về cách hành xử phù hợp khi bị bắt nạt

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………… học sinh lớp ………

Hiện nay, bạo lực, bắt nạt đang là vấn đề nan giải khi tình trạng này đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Bắt nạt học đường có thể ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần của học sinh.

Bắt nạt hiện nay không phải vấn đề có thể coi nhẹ. Một nghiên cứu ở Anh ghi nhận rằng có lẽ hơn 40% số vụ tự sát ở giới trẻ (được đăng trên phương tiện truyền thông lớn trong nước) có liên quan phần nào đến sự bắt nạt.

Bắt nạt không chỉ bao gồm hành hung mà còn là sự tấn công bằng lời nói, sự cô lập tập thể, bắt nạt qua mạng,... Mục tiêu của những kẻ bắt nạt thường là những người hay ở một mình, ít bạn bè; những người bị xem là cá biệt; người thiếu tự tin,...

Vậy chúng ta cần làm gì nếu một ngày trở thành đối tượng của những kẻ bắt nạt?

- Hãy mặc kệ những người bắt nạt, không đáp trả, trả đũa. “Những kẻ bắt nạt đắc chí khi thấy việc chọc ghẹo của chúng thành công. Nếu bạn cứ mặc kệ chúng thì chúng sẽ cụt hứng và bỏ cuộc”.

- Hãy tránh mặt, đi chỗ khác. Nếu được hãy tránh xa những người hay hoàn cảnh có thể khiến mình bị bắt nạt.

- Dùng óc khôi hài. Chẳng hạn, nếu bị kẻ bắt nạt chê mập, bạn có thể đáp: “Mập cũng có cái duyên của mập”.

- Nói với người khác. Theo một cuộc thăm dò, hơn phân nửa nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến không tiết lộ điều đang xảy ra, có thể vì ngượng (nhất là các bạn nam) hoặc sợ bị trả thù. Nhưng hãy nhớ rằng, những kẻ bắt nạt thường sợ bị phát giác. Việc nói ra có thể là bước đầu để chấm dứt cơn ác mộng.

Trên đây là phần trình bày của tôi thảo luận về cách hành xử khi bị bắt nạt. Mong được sự góp ý của thầy cô và tất cả các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Thảo luận về cách thể hiện tình cảm với người thân

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………… học sinh lớp ………

Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Gia đình - hai từ thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc đời con người. Mỗi chúng ta đều có một gia đình nhỏ để làm điểm tựa cũng như một gia đình lớn để yêu thương. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, chúng ta cần làm gì để thể hiện tình yêu thương dành cho những người thân yêu trong gia đình của mình?

Tình cảm trong gia đình là những tình cảm tốt đẹp nhất của con người, giúp cho chúng ta rèn luyện tình cảm và những đức tính tốt đẹp khác và tình cảm gia đình là tiền đề để con người phát triển bởi gia đình là cái nôi đầu tiên và quan trọng nhất để giáo dục một đứa trẻ thành người và giúp ích cho xã hội. Chúng ta trước khi làm cha, mẹ thì đều là những người con, chính vì thế chúng ta cần phải biết kính trọng ông bà, cha mẹ; biết chăm sóc, phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi tuổi già sức yếu; thể hiện tình yêu, sự tôn trọng và hỗ trợ; thể hiện phong cách lễ độ, anh em thuận hòa hiếu nghĩa. Gia đình chỉ có một, cha mẹ cũng thế, thời gian qua đi không lấy lại được, chúng ta cần biết yêu thương gia đình và chăm bón cho tình cảm gia đình ngày càng nồng thắm hơn.

Để tạo nên mối quan hệ bền vững và tốt đẹp trong gia đình, mỗi người cần biết cân bằng, điều chỉnh bản thân và có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc các thành viên khác. Gia đình hạnh phúc thì đòi hỏi mọi thành viên phải bình đẳng, có tâm huyết, có tình cảm và đức hy sinh. Giữ được sự yên ấm và vun đắp hạnh phúc cho gia đình là tạo một nền tảng cho sự phát triển bền vững của con người, của xã hội.

Có rất nhiều cách để mỗi chúng ta thể hiện cảm xúc, tình cảm dành cho những người thân yêu. Các thành viên trong gia đình cần dành thời gian cho nhau. Cho dù bận rộn đến đâu, đừng quên dành thời gian cho những người yêu thương xung quanh. Cha mẹ ở xa cần một cuộc gọi, cần những lời hỏi thăm. Anh chị em cũng thế. Con cần bạn để trò chuyện, vui đùa cùng. Một buổi hẹn hò café, một bữa đi ăn cùng nhau, một chuyến dã ngoại cuối tuần… là những gợi ý để thể hiện tình cảm của mình.

Một trong những cách đơn giản để thể hiện tình thương là lắng nghe. Nhiều người vì bận rộn, nhiều người vì vô tâm, nhiều người vì ưu tiên những việc khác, nên ít có thời gian, ít có khoảng lặng để ngồi cùng và lắng nghe những người thân yêu. Không cần là tâm sự hay bí mật, chỉ cần ngồi đó và lắng nghe những câu chuyện, những cảm xúc, là đủ.

Cha mẹ thích được nói về những vấn đề đâu đâu, và nếu được con lắng nghe, hẳn ông bà hạnh phúc lắm. Các con cũng vậy, chỉ có ba mẹ để trút hết những cảm xúc trong lòng.

Ngoài ra, sự ấm áp đến từ cái ôm thầm lặng rất có sức mạnh đấy, nó sẽ giúp người được ôm cảm nhận được tình yêu thương từ trái tim bạn. Đâu chỉ tình nhân mới hay ôm hôn, cha mẹ, vợ chồng, đặc biệt những đứa con luôn thích được ôm hôn, vì cảm giác che chở.

Không có gì đẹp và đáng quý hơn là được sống trong mái ấm gia đình. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta cần biết nâng niu và trân trọng mái ấm gia đình của chính mình.

Trên đây là phần trình bày của tôi thảo luận về cách thể hiện tình cảm với người thân. Mong được sự góp ý của thầy cô và tất cả các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Thảo luận về Những điều cần làm để góp phần làm cho nơi ta sống trở nên đẹp hơn

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………… học sinh lớp ………

Trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, mỗi con người đều phải gắn bó với một nơi nào đó. Khi sinh ra, chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên với một nơi được gọi là quê hương. Khi đến gần hơn với độ tuổi trưởng thành, chúng ta lại gắn bó với một thành phố nào đó. Và những nơi đó đều được gọi là nơi mình sinh sống. Đó là nơi chúng ta học tập, làm việc, nghỉ ngơi và duy trì sự sống ở đó. Bởi thế, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống và đó cũng là nghĩa vụ của mọi người. Đặc biệt, với học sinh thì trách nhiệm đó lại càng quan trọng hơn nữa.

Nơi con người sinh sống ở mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau, đó có thể là quê hương - nơi mà một người được sinh ra, lớn lên và có mối liên kết tình cảm mạnh mẽ. Quê hương thường được liên kết với một địa điểm cụ thể, thường là quê nhà của gia đình hoặc vùng đất mà người đó có nguyên gốc hoặc đã sinh sống trong một khoảng thời gian dài, gắn liền với những kỉ niệm, nơi có ông bà cha mẹ. Hoặc có thể khi chúng ta lớn lên sẽ sinh sống ở một nơi khác, đó là nơi trú ngụ của bản thân – nơi chúng ta sinh sống, học tập, làm việc trong một khoảng thời gian. Những nơi đó đều có mối liên hệ chặt chẽ đối với chúng ta ở một thời điểm nhất định, đó là nơi chúng ta hay lui tới và đảm bảo sự sống ở đó.

Nơi chúng ta sinh sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chúng ta ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nơi đó có đường xá, nhà cửa, cung cấp cho ta thức ăn, sự sống, nơi có những người thân của chúng ta, có bạn bè và những mối quan hệ khác. Con người sẽ khó có thể sống tốt nếu như không có những mối quan hệ xung quanh mình, đặc biệt là nơi có gia đình. Gia đình luôn là một nơi ấm áp để trở về, nơi có những người luôn dang rộng vòng tay đón chúng ta, nơi sẽ không có những mệt mỏi của cuộc sống ngoài kia. Đó còn là nơi con người xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội, gắn kết với bạn bè và cộng đồng. Nó tạo ra một môi trường để con người giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Môi trường xã hội này cung cấp sự hỗ trợ, an ủi và tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân và tương tác xã hội. Nơi sinh sống cũng cung cấp cho con người những yếu tố cơ bản của cuộc sống như nơi ở, thực phẩm, nước uống, y tế, giáo dục và cơ hội việc làm. Đây là nơi con người cảm nhận sự an toàn và thoải mái về vật chất, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Hơn nữa, nó cũng là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên, không khí trong lành, nguồn nước và đa dạng sinh học. Sự cân bằng và bền vững của môi trường tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của con người. Nơi sinh sống tốt đẹp, trong lành và bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Không những vậy, khi con người gắn bó với một nơi nào đó sẽ có những kỉ niệm về nơi đó, và ở đó sẽ là nơi lưu giữ những kí ức tươi đẹp của con người.

Mỗi người và đặc biệt là học sinh cần có trách nhiệm với nơi mình sinh sống vì nó mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc duy trì một môi trường sống tốt và mang lại lợi ích cho chính bản thân và cộng đồng. Bằng cách chăm sóc và giữ gìn nơi sinh sống, học sinh đóng góp vào việc tạo ra một môi trường sạch sẽ, an lành và đáng sống. Quan tâm đến việc giữ gìn môi trường xung quanh, bảo vệ cây cối, động vật và tài nguyên thiên nhiên sẽ tạo ra một không gian sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Từ đó cũng tạo ra một cảm giác thoải mái khi được sống trong một môi trường như vậy. Hơn nữa, khi học sinh đóng góp vào việc duy trì và cải thiện nơi mình sinh sống, họ sẽ phát triển cho mình lòng tự hào về môi trường xung quanh. Điều này tạo điều kiện cho học sinh cảm thấy có ý nghĩa và trân trọng đối với nơi mình sống, khuyến khích tinh thần hợp tác và tạo ra một cộng đồng phát triển, văn minh. Một môi trường sống sạch sẽ và thoải mái có ảnh hưởng tích cực đến quá trình học tập. Khi không phải lo lắng về môi trường ô nhiễm hoặc rác thải, học sinh có thể tập trung vào việc học hơn, tăng hiệu suất và sự sáng tạo trong quá trình học. Không những vậy, một môi trường sống sạch sẽ còn tác động tích cực đến sức khỏe của mọi người. Bằng cách duy trì vệ sinh cá nhân, quản lý chất thải một cách đúng đắn và hỗ trợ công tác giữ gìn môi trường, học sinh giúp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cả bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, học sinh là thế hệ đang được học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nếu có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, điều đó cho thấy bản thân họ là người có phẩm chất đạo đức tốt, sống có trách nhiệm, biết trân trọng chính cuộc sống của mình, và được mọi người xung quanh yêu mến, tôn trọng. Và đó sẽ là tiền đề cho sự phát triển sau này của họ, họ sẽ trở thành một công dân có ích cho xã hội. Bởi khi họ có trách nhiệm với chính thế giới nhỏ của mình thì họ cũng sẽ có trách nhiệm với một cộng đồng rộng lớn hơn. Mọi đức tính tốt đẹp sẽ được hình thành từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ngược lại, học sinh không có trách nhiệm với nơi mình sinh sống nghĩa là họ thiếu ý thức về bảo vệ môi trường có thể dẫn đến việc học sinh vứt rác lung tung, không phân loại chất thải, hoặc gây ô nhiễm nước và không khí. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của chính họ, ảnh hưởng đến môi trường học tập và tạo ra một không gian không thoải mái, không tạo điều kiện tốt cho việc học và sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên. Họ có thể không chịu trách nhiệm chung trong việc duy trì và cải thiện nơi sống. Điều này dẫn đến thiếu tinh thần đồng đội và khó khăn trong việc xây dựng một cộng đồng hài hòa và phát triển.

Thực tế hiện nay, một bộ phận số đông học sinh đã thể hiện vai trò và trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống qua các hành động cụ thể. Một số học sinh tham gia vào các hoạt động như thu gom rác, phân loại chất thải, trồng cây xanh, tham gia chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Họ nhận thức về tầm quan trọng của môi trường và đóng góp vào việc duy trì và cải thiện nơi sống của mình. Họ tắt đèn khi không cần thiết, tắt nước khi không sử dụng, sử dụng sách giáo trình tái chế và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo. Học sinh tham gia vào các hoạt động xã hội như công tác từ thiện, giúp đỡ cộng đồng, tình nguyện trong các tổ chức phi lợi nhuận. Họ có nhận thức về vai trò của mình trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh và hỗ trợ những người khó khăn. Thật vậy, mỗi năm học ở các trường học, thầy cô luôn phát động các chiến dịch làm sạch khu vực khuôn viên trường học, các bạn học sinh đều rất hưởng ứng tham gia dọn dẹp sạch sẽ theo các khu vực được phân công. Đây cũng là hành động nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn học sinh chưa có ý thức được tầm quan trọng của việc có trách nhiệm với nơi mình sinh sống: xả rác bừa bãi, không dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, trốn tránh tham gia các hoạt động làm sạch môi trường, lãng phí điện, nước khi sử dụng,…Những việc làm đó đều làm ảnh hưởng tới nơi sinh sống của họ. Một nghiên cứu năm 2019 tại một số trường học cho thấy chỉ 30% học sinh có ý thức về việc phân loại chất thải và chỉ 15% học sinh tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom rác.

Về nhận thức, trách nhiệm của học sinh đối với nơi sinh sống là vô cùng quan trọng. Học sinh cần nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và ý thức về hệ thống sinh thái và tài nguyên tự nhiên. Họ nên hiểu rằng hành động cá nhân của mình có thể có tác động đáng kể đến môi trường và cần phải đóng góp vào việc duy trì và bảo vệ môi trường xanh. Học sinh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và vệ sinh trong nơi mình sinh sống, môi trường sạch sẽ và gọn gàng không chỉ tạo điều kiện tốt cho sức khỏe mà còn tăng cường tinh thần làm việc và học tập. Quyền được sống trong một môi trường an lành, sạch sẽ và thoải mái đi đôi với trách nhiệm đảm bảo môi trường đó. Về hành động, học sinh và mọi người cần có những việc làm cụ thể như dọn dẹp vệ sinh khu vực mình sinh sống, tiết kiệm tài nguyên, tôn trọng và đối xử hoà thuận với mọi người sinh sống xung quanh mình.

Để học sinh hiểu và nhận thức rõ được trách nhiệm quan trọng của mình với nơi mình sinh sống, cha mẹ, thầy cô, nhà trường cần có trách nhiệm, định hướng cụ thể cho học sinh. Với gia đình, cha mẹ có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để con cái phát triển ý thức và nhận thức về trách nhiệm của mình đối với nơi mình sinh sống. Họ có thể khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội, giải thích về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và truyền đạt giá trị của việc giữ gìn vệ sinh và trật tự. Cha mẹ cần làm gương cho con bằng cách tự thực hiện những hành động có trách nhiệm đối với nơi sống của mình. Họ có thể hướng dẫn con về việc sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Với nhà trường, nhà trường có trách nhiệm xây dựng chương trình giáo dục nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của học sinh đối với nơi mình sinh sống. Điều này có thể được thực hiện qua các hoạt động giáo dục, bài học, buổi thảo luận, và ví dụ thực tế về trách nhiệm cá nhân và xã hội.

Tóm lại, học sinh nói riêng và mọi người nói chung cần tự nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn nơi mình sinh sống, phải thực hiện những việc làm cụ thể góp phần giúp môi trường xung quanh mình trở nên tốt đẹp, văn minh và đáng sống hơn. Là học sinh, bản thân em nhận thức được vai trò của việc phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, từ đó em sẽ có những việc làm cụ thể để thể hiện điều đó như dọn dẹp môi trường sống của mình, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường sống với mọi người.

Trên đây là phần trình bày của tôi thảo luận về vấn đề Những điều cần làm để nơi ta sống đẹp hơn. Mong được sự góp ý của thầy cô và tất cả các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm