Thuyết minh bài thơ Dại khờ của Xuân Diệu Thuyết minh về một tác phẩm văn học

Thuyết minh Dại khờ của Xuân Diệu là một chủ đề rất hay để viết bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học.

Thuyết minh Dại khờ

Thuyết minh Dại khờ mang đến bài văn mẫu hay đạt điểm cao nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó đem lại nhiều tư liệu học tập hữu ích, giúp học sinh củng cố kiến thức, trau rồi ngôn ngữ để biết cách làm bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học. Bên cạnh bài thuyết minh tác phẩm Thu hứng các bạn xem thêm dàn ý thuyết minh về tác phẩm văn học.

Thuyết minh Dại khờ của Xuân Diệu

Xuân Diệu được mệnh danh là "ông hoàng thơ mới" bởi mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Đó không phải là tình yêu thủ thỉ “Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc” mà là thứ cảm xúc dám bộc lộ những khát vọng thành thực đến cháy lòng "Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài". Bên cạnh những dòng thơ tình ấn tượng, Xuân Diệu còn có những áng thơ mang đậm triết lý nhân sinh. “Dại khờ” chính là một tác phẩm như vậy. Bằng đôi mắt cảm quan của người từng trải và sự giác ngộ, Xuân Diệu đã tự mình cắt nghĩa cái khổ do con người tự gây ra thành con đường giải thoát. Dù chưa rõ ràng, dù còn là lời bỏ ngỏ nhưng đủ khiến người ta trăn trở. Đây là một tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo.

Có rất nhiều căn nguyên dẫn đến sự khổ đau của con người. Khổ đau là chân lý thứ nhất trong Tứ Diệu đế. Cũng theo triết lý nhà Phật, khổ đau nằm trong Tam khổ, nói sâu rộng có Bát khổ, đó là: Khổ khổ, hành khổ, hoại khổ. Nôm na, người ta khổ vì những việc trái ý nghịch lòng, khổ vì sinh lão bệnh tử, khổ vì tham sân si, khổ vì ái nộ. Trong "Dại khờ", nhà thơ đã lý giải rõ ràng, lý do đầu tiên dẫn đến nỗi đau khổ của con người nằm ở tình yêu.

Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.

Liệu có gì khổ đau hơn khi "Thương không phải cách”, “yêu sai duyên”, “Mến chẳng nhằm người”? Qua đây, thi nhân ngầm thông báo rằng, cách thể hiện tình cảm mà mọi người vẫn thường dành cho nhau đang thiếu vắng đi sự hiểu biết, cảm thông. Chính vì vậy, không ít người trầm luân trong bi kịch tình ái.

Có lẽ khi viết những vần thơ này Xuân Diệu phần nào liên tưởng tới bi kịch tình yêu của Mỵ Châu - Trọng Thủy:

“…Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim nhầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

Cứ thế cuộc hành trình đi đến nỗi khổ của loài người mãi dài rộng, không hạn lượng. Ngoài tình ái, nỗi đau khổ của con người còn vì nhiều nguyên nhân khác:

“Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ”

Đâu phải chỉ có nghèo khó, túng thiếu mới khổ mà “có kho vàng” đủ đầy, sung túc nhưng “cho không đúng nơi” cũng khổ; cầu xin không phải chỗ cũng chẳng hạnh phúc. Cách chơi chữ khéo léo cùng góc nhìn và quan niệm nhân sinh, suy cho cùng, nhà thơ muốn nhắn nhủ, mọi nỗi khổ đau trong cuộc sống này xuất phát từ chính góc nhìn, tư duy và cách hành xử của mỗi người.

Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lòng không kiềm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.

Biện pháp tu từ ẩn dụ “Đường êm”, “gai nhọn đã vào xương” được Xuân Diệu sử dụng ở đây trở nên hình tượng, giàu tính gợi hình, gợi cảm. Khi đang hạnh phúc, con người ta đâu biết được những tai ương, biến cố đang chờ đợi mình. Đến khi choàng tỉnh mộng, biết được mọi thứ chỉ là phù du thì lúc đó đã chẳng còn đường lui.

Cách sử dụng điệp cấu trúc “Người ta khổ” như nhấn mạnh cảnh ngộ này chẳng riêng ai. Ai cũng rõ đấy nhưng được mấy ai vượt qua? Và cứ thế, ở cuộc hành trình kế tiếp, con người ta phải loay hoay, mang vác những nỗi khổ về ăn năn, về tiếc nuối. Cách lý giải nguyên nhân nỗi khổ của Xuân Diệu ở đây sao mà chân thực, hợp lý đến thế. Có lẽ phải là người tin sâu vào nhà Phật mới thấy được cái đại ý giản đơn mà sâu sa như vậy!

“Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc”

Thế mới thấy! Xuân Diệu không hổ danh là “ông hoàng thơ tình”. Những rung động tâm lý, mảnh vỡ chất chứa từ nỗi lòng của kẻ si tình đã được nhà thơ khéo léo lồng ghép khiến nó càng trở nên da diết. Nỗi khổ dai dẳng nhất của con người nằm ở chính tư tưởng chấp thủ vì "cố chen vào ngõ chật”, vì "cửa đóng chặt cứ cố xông vào”, vì "bị thương mà không muốn chữa, không muốn lành"...

Vì chấp cố muốn mọi thứ phải theo ý mình, thuộc về mình mà con người đã kỳ công biến tấu thế giới vật chất hữu hình và thế giới tình cảm vô tình lên bàn cân một cách phũ phàng. Cũng bởi những ảo vọng vào tương lai, quên đi thực tế mà bao kẻ khờ dại, hoang tưởng. Chính cái sự tham, sân, si ấy trở thành mầm mống, ăn mòn tâm trí người ta.

Tính độc đáo của các phương diện ngôn ngữ được nhà thơ triển khai một cách mạch lạc, rõ ràng ở đây như đang nói hộ nỗi lòng của chúng sinh trong bể dâu. Tại sao cứ phải "cố chen ngõ chật", "cửa đóng bưng quyết xông vào" để rồi nhận về toàn vết thương tê tái do chính ta tạo nên bởi sự ích kỷ?

Để góp phần truyền tải nội dung tư tưởng, xuyên suốt bài thơ "Dại khờ" sử dụng thể thơ 8 chữ nhằm lột tả góc nhìn đầy triết lý. Các thủ pháp nghệ thuật điệp ngữ, liệt kê, hình ảnh ẩn dụ được sử dụng linh hoạt giúp người ta hiểu rõ căn nguyên nỗi khổ của con người khi sa vào tình ái. Họ ảo tưởng, nhầm lẫn, dại khờ. Cùng với ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, tượng hình… tất cả tạo nên một thi phẩm mang góc nhìn đậm chất nhân sinh.

Như một dấu chấm lửng, một khoảng lặng đầy những tiếc nuối, “Dại khờ” của Xuân Diệu khép lại tuy đột ngột nhưng đủ để xoáy sâu vào trái tim, tâm tư người đọc một góc nhìn triết học đầy thi vị. Dưới quan điểm bao quát về tình yêu đậm tính nghệ thuật sáng tạo, bài thơ “Dại khờ” như một lời nhắc nhở của tác giả: Khi đứng bên ngoài con người thường sáng suốt nhưng khi bước vào tình yêu, mấy ai dám chắc mình luôn tỉnh táo? Thế mới thấy, Xuân Diệu đã và mãi là nhà thơ “mới nhất” bởi cách ông bàn về tình yêu chẳng chia kim cổ, nguyên cơ.

Chia sẻ bởi: 👨 Hồng Linh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm