Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích giá trị nhân đạo trong bài thơ Bánh trôi nước Những bài văn hay lớp 7
Nhằm giúp các bạn học sinh có thể củng cố lại kiến thức môn Ngữ Văn lớp 7 của mình, chúng tôi xin giới thiệu bài văn mẫu lớp 7: Phân tích giá trị nhân đạo trong bài thơ Bánh trôi nước, được chúng tôi sưu tầm và đăng tải tại đây.
Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước để có thể bộc lộ được cuộc sống đầy éo le của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ. Dưới đây là một số bài văn mẫu phân tích giá trị nhân đạo trong bài thơ Bánh trôi nước, mời các bạn cùng tham khảo.
Phân tích giá trị nhân đạo trong Bánh trôi nước - Mẫu 1
Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ với phong cách thơ độc đáo của nền văn học cổ Việt Nam. Bà đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Thơ của bà là tiếng nói bênh vực người phụ nữ và đả kích chế độ nam quyền - thần quyền. Bài thơ Bánh trôi nước thể hiện rõ tiếng nói đồng cảm, tiếng lòng của nữ sĩ với số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước, nhà thơ Hồ Xuân Hương bộc lộ tình cảm về số phận éo le, bạc bẽo của mình đồng thời chính là sự đồng cảm với số phận của người phụ nữ trong xã hội nói chung. Viên bánh trôi trắng mịn, xinh xắn là hình ảnh tượng trưng cho số phận người phụ nữ. Người phụ nữ với hình thể xinh dẹp khoẻ mạnh:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Điệp từ vừa ở đây như muốn nhấn mạnh sự tự hào, kiêu hãnh của cô gái về mình: vừa trắng lại vừa tròn nhưng
Bảy nổi ba chìm với nước non
Cuộc đời của người phụ nữ không yên ả mà số phận chìm nổi lênh đênh. Câu thơ tả hình dạng chiếc bánh trôi và hình dạng ấy tròn méo thế nào là do người nặn. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng thế, được may mắn hay bất hạnh, sống sung sướng hay đau khổ là do những kẻ có quyền thế trong xã hội "thần quyền" nhào nặn. Cảnh chồng chúa vợ tôi trong xã hội phong kiến nó tồn tại hàng nghìn năm, cuộc sống của người phụ nữ xưa là như vậy. Sinh ra là một con người nhưng họ không làm chủ được cuộc đời mình. Nhà thơ Hồ Xuân Hương là nột trong những người chịu nhiều cay nghiệt như vậy, yêu Chiêu Hổ rồi bị phụ tình, làm vợ lẽ Tổng Cóc, làm lẽ Phủ Vĩnh Tường... Cuộc đời không chỉ dừng lại ở bảy nổi ba chìm mà có lẽ là hàng chục, hàng trăm điều cay đắng. Không riêng gì nữ sĩ mà chính Vũ Nương trong chuyện Người con gái Nam Xương cũng đức hạnh, nết na, hiếu thảo, thuỷ chung nhưng vẫn phải chịu kết cục trẫm mình xuống bến Hoàng Giang. Nguyễn Du đã từng chia sẻ, cảm thông với Thuý Kiều hồng nhan bạc phận. Mười lăm năm lưu lạc còn gì là thân phải chăng lời thơ sau đây cũng là lời của mọi người đàn bà trong xã hội cũ:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời ràng bạc mệnh cũng là lời chung
Thương người như thể thương thân, thương cho số phận của mình, thương cho những người cùng cảnh ngộ. Bằng lời thơ tự bạch nữ sĩ đã nói lên những điều bức xúc nhất về cuộc đời của những người phụ nữ. Lời thơ cũng chính là lời phản kháng, lên án xã hội bất công. Đồng thời nữ sĩ còn lên án chế độ nam quyền độc đoán làm cho cuộc đời của họ là những chuỗi ngày đau khổ.
Không những đại diện cho phụ nữ nói lên số phận của mình. Hồ Xuân Hương còn khẳng định phẩm giá của chính họ. Dù cuộc đời chao đảo ra sao nhưng:
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Sự thuỷ chung, đức hạnh, nhân phẩm, tài năng dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn giữ trọn, vẫn sáng ngời, sáng chói như những hạt ngọc long lanh. Hơn thế nhà thơ còn hoàn toàn tin vào bản thân mình, tin vào phụ nữ, bởi họ đã chứng tỏ phẩm chất đáng quý đó.
Như vậy ta thấy rằng bài thơ này không chỉ đơn thuần tả chiếc bánh trôi mà còn tượng trưng cho thân phận người phụ nữ. ẩn trong những dòng thơ đó là tiếng nói phản kháng lại cả một hệ thống chính trị xã hội, cả một ý thức hệ tư tưởng cổ hủ lạc hậu. Đồng thời là tiếng nói cảm thông chia sẻ. Ta nghe trong lời thơ của bà là những "tiếng lòng chung" đầy phẫn nộ. Lời thơ khảng khái, cứng cỏi nhưng tràn đầy tính nhân đạo cao cả.
Phân tích giá trị nhân đạo trong Bánh trôi nước - Mẫu 2
Mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước, nhà thơ Hồ Xuân Hương bộc lộ tình cảm về số phận éo le, bạc bẽo của mình đồng thời chính là sự đồng cảm với số phận của người phụ nữ trong xã hội nói chung.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Bánh trôi nước-một loại bánh dân dã, bình thường thấy quanh năm, được Hồ xuân Hương miêu tả một cách sinh động về màu sắc, hình dáng như là chiếc bánh đang tự nói về chính mình:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
Qua đó, người phụ nữ Việt Nam có thể hóa thân vào những chiếc bánh dân dã đáng yêu ấy. Bà không dùng “khuôn mặt hình trái xoan”, hay “đôi mày hình lá liễu” để mô tả vẻ đẹp quý phái của phụ nữ , trái lại bà dùng hình tượng “tròn”, “trắng” để cho ta có thể liên tưởng đến một vẻ đẹp mạnh mẽ, xinh xắn. Bên cạnh đó, điệp từ “vừa” càng làm tăng thêm sự tự hào về vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam mạnh khỏe, xinh xắn, đáng yêu là thế, còn cuộc đời của họ thì sao? Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ cũng lênh đênh chìm nổi như chiếc bánh trôi nước trong nồi.
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Cuộc đời long đong, gian truân đầy sóng gió dường như đã dành sẵn cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến, nghe như một tiếng than thầm, cam chịu, nhưng cũng phảng phất vẻ cao ngạo của họ. Cũng nổi, cũng chìm, nhưng lại nổi chìm “với nước non”.
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”
Lời thơ có vẻ trở nên cam chịu, người phụ nữ xưa vốn không có một vai trò gì trong xã hội. Họ không tự quyết định được số phận của mình, cuộc đời họ từ khi mới sinh ra cho đến lúc lìa đời là một cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc. Khi còn nhỏ thì phụ thuộc vào cha mẹ, khi lấy chồng thì phụ thuộc vào chồng, chồng mất thì phụ thuộc vào con cái. Họ không có cuộc sống của riêng họ, cuộc sống của họ chỉ để tô điểm thêm cho cuộc sống của người khác. Thế nhưng, thơ của Hồ xuân Hương lại phảng phất chút phớt lờ, bất cần. Thấp thoáng đâu đó trong thơ bà có chút phản kháng, chống cự lại những quan điểm bất công thời ấy. Nếu như trong ca dao, người phụ nữ được ví: “Thân em như tấm lụa đào – Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” chỉ để thể hiện thân phận lênh đênh , thì trong thơ của Hồ xuân Hương ngoài việc miêu tả số phận người phụ nữ còn khẳng định nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Cuộc đời có bạc bẽo, bất công, cuộc sống có gian khổ, long đong như thế nào chăng nữa, người phụ nữ vẫn giữ được sự son sắt, thủy chung cùng những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là sự khẳng định của bà và đó cũng chính là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Với hình tượng cái bánh trôi nước, Hồ xuân Hương đã nói lên được vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ, đồng thời cũng đã đề cập đến một vấn đề xã hội rộng lớn đối với người phụ nữ – sự bình đẳng giới. Đây cũng chính là vấn đề mà xã hội tốt đẹp của chúng ta đang xây dựng. Cám ơn bà đã để lại cho đời một bài thơ thật đẹp.