Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về danh và thực Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Danh và thực tế là vấn đề mà ai trong chúng ta cũng muốn có được. Trong thực tế đề tài này đang rất nóng hổi bởi hiện nay trong nhiều ngành nghề của nước ta đang xảy ra hiện tượng “Hữu danh vô thực” có danh tiếng có uy tín nhưng thực chất thì lại không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Sau đây mời các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về danh và thực được chúng tôi tổng hợp và đăng tải ngay sau đây. Hy vọng đây là tài liệu hữu ích giúp các bạn hiểu rõ bản chất của danh và thực để có thêm nhiều kiến thức viết cho riêng mình một bài văn hoàn chỉnh.
Dàn ý nghị luận xã hội về danh và thực
1. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề danh và thực trong xã hội
2. Thân bài
- Giải thích: Danh ngoài cái ý nghĩa là tên gọi do cha mẹ đặt cho, còn mang một ý nghĩa khác là những thành quả mà con người gặt hái được như tiếng tăm, tiền bạc, địa vị...Thực là thực lực tự có, tự rèn luyện được của mỗi người. Thực rất đắng cay, gian khổ nhưng danh quả thật vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn. Danh chỉ phát huy đúng ý nghĩa và lợi ích của mình khi nó thật sự là kết quả của thực mà thôi.
- Mặt trái của danh: Con người mờ mắt trước danh vọng, địa vị và sẵn sàng đi đường tắt để đạt được điều đó.
=> Hệ quả: Xuất hiện những kẻ hữu danh vô thực, những vụ tham nhũng, bê bối làm tổn thất cho Nhà nước hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
- Sự đảo lộn danh và thực ấy đã xóa nhòa tính công bằng trong quy luật cuộc sống. Nó đưa những người có tiền và biết đi đường tắt lên tột cùng của danh vọng, đồng thời đã làm lu mờ ý chí phấn đấu, cầu tiến của những ai có thực lực.
- Sự tráo trở giữa danh và thực ấy còn len lỏi vào học đường với căn bệnh thành tích đáng sợ. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nắm bắt được tình hình đó, chúng ta đang thực hiện một cuộc cải cách triệt để không chỉ trong ngành giáo dục mà ở mọi lĩnh vực và toàn xã hội.
- Biểu hiện của quan niệm về chữ danh trong đời sống xã hội hiện nay: Chữ danh thường đi đôi với chữ lợi nên con người ta tìm đến với danh bằng nhiều con đường khác nhau:
+ Có người đạt đến chữ danh bằng tài đức, học hành thi cử, bằng sự nỗ lực phấn đấu của bản thân. Đó là con đường chính danh, được mọi người kính trọng nể phục (dẫn chứng).
+ Có người để đạt được chữ danh phải chạy bằng, chạy chức, chạy học vị, chạy các loại danh hiệu dựa vào tiền tài, thế lực...dù cho có phải vào luồn ra cúi, o bế, bợ đỡ người khác. Đó là con đường hư danh, mất hết danh dự, lòng tự trọng, đáng bị lên án, phê phán (dẫn chứng).
3. Kết bài
- Khẳng định cách sống trong cuộc đời: Hãy sống và cống hiến hết mình, khi ấy "chính danh" sẽ tới, đừng vì danh lợi mà bán rẻ danh dự, lương tâm.
- Hãy tin vào thực lực của mình; bởi nếu có thực lực thì danh tiếng có hay không chỉ còn là chuyện thời gian.
Nghị luận xã hội về danh và thực - Mẫu 1
Từ xưa tới nay, danh và thực là đề tài luôn được quan tâm. Nhiều khi cái danh không đi liền cái thực và ngược lại hữu danh, vô thực trở thành vấn đề bức xúc, lo âu cho cả xã hội. Vậy danh và thực là gì? Vì sao lại có hiện tượng hám danh, háo danh?
Danh ngày xưa là chức tước được vua ban, xứng với tiếng thơm được mọi người tôn vinh, quý trọng. Ngày nay được hiểu là bằng cấp, chức vụ được Nhà nước trao cho. Còn thực là năng lực, trí tuệ, việc làm, hành động của mỗi người. Những đóng góp của họ mang lại lợi ích thực sự cho cá nhân, cộng đồng, cho quê hương, đất nước.
Theo lẽ thường tình, muốn có được danh thì phải có thực tài, có trí tuệ, năng lực mới được cất nhắc. Đúng nghĩa danh và thực phải gắn liền với nhau, bởi thực là bản chất, cốt lõi còn danh là hình thức, bên ngoài. Thực tỏa sáng cho danh, vì thế danh và thực luôn phải thống nhất chứ không thể chênh lệch.
Nhưng danh cũng thường gắn với lợi, bởi thế xưa nay chữ danh và chữ lợi đã trở thành miếng mồi vinh hoa để bao người đua chen, giành giật. Người ta chỉ nghĩ có danh là có lợi, có chức tước là có quyền, có quyền là có tất cả, nên chẳng ngại ngần làm mọi điều để đạt được nó. Nhưng khi đã có chức tước, có vị trí thì chỉ là "tiến sĩ giấy" – hữu danh, vô thực, là trò cười cho thiên hạ
Trong cuộc sống, không phải ai cũng háo danh, hám danh. Từ xưa đã có bao danh nhân nổi tiếng và cả những người bình thường không tên tuổi được mọi người tôn vinh, kính trọng vì thực tài. Bởi họ đã cống hiến vì lợi ích của mọi người: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An....Tuy nhiên, thời đại nào xã hội cũng có vô số kẻ hám danh.
"Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi'
Chỉ vì cái danh có lợi nên khiến nhiều kẻ dốt nát, vô tài phải cố chạy vạy không chỉ bằng tiền mà có khi bằng cả nhân cách để đổi lấy tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay chiếm được vị trí quan trọng nào đó để leo cao, chui sâu đục khoét của dân của nước. Khiến cho xã hội đảo điên, trắng đen, thật giả lẫn lộn.
Bệnh háo danh, hám lợi bất chấp thực tại là căn bệnh thâm căn cố đế của xã hội từ bao đời nay. Xã hội hiện đại đòi hỏi con người phải có thực tài, có trí tuệ. Trí tuệ là nền tảng của con người, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Vậy tại sao nạn háo danh vẫn còn tồn tại mà còn tinh vi hơn, thủ đoạn hơn?
Nhiều cha mẹ học sinh cũng phải chạy vạy cho con được cái giấy khen loại giỏi để khoe với mọi người, được mang đến cơ quan lĩnh thưởng nhưng thực chất chỉ là cái đầu rỗng tuếch. Rồi nhiều học sinh đi thi nhờ quay cóp, chạy chọt nhưng rồi chứng nào tật nấy, vẫn cứ lười học, ham chơi vậy cha mẹ lại phải mất tiền để có được tấm bằng hữu danh vô thực.
Nhiều sinh viên ra trường học cao học, người đi làm tóc "hoa râm" vẫn cố phải đi học lấy tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không phải để nâng cao trình độ, tay nghề mà để tiếp tục leo cao, để kiếm danh.
Sự kém cỏi của bộ máy lãnh đạo còn đáng sợ hơn cả thảm họa thiên tai, địch họa. Bởi đã là thảm họa không lường, ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống xã hội, làm tiêu tan hy vọng, thực tài của bao người, làm mất lòng tin của lớp trẻ, làm rối loạn xã hội, gây bức xúc và bất bình.
Vì thế, cần nhận thức được những mặt sáng – tối của xã hội để từ đó xây dựng được nhân cách của mình. Đừng sa lầy vào bệnh hữu danh, vô thực.
Nghị luận xã hội về danh và thực - Mẫu 2
Danh và thực là vấn đề muôn thuở trong xã hội, được bàn luận và đề cập trong rất nhiều cuộc họp, hội thảo. Trên thực tế đề tài này chưa bao giờ hết nóng bởi rằng nạn "hữu danh vô thực", vì danh mà lu mờ nhân cách chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Danh và thực hiện lên với những đường nét vô hình mà hữu hình khiến con người ta không thể nắm bắt được.
Từ xưa đến nay, danh luôn đi liền với thực, không hề tách rời nhau, chúng cứ bám riết lấy nhau mà tồn tại. Trong thời kỳ phong kiến thì vấn đề danh và thực dường như hiển hiện một cách lố lăng, lộ liễu và đầy bất công. Đặc biệt là những ông quan phong kiến dùng tiền để mua chức quyền địa vị, dùng tiền để "mua" nhân phẩm của một con người. Nguyễn Khuyến từng có một bài thơ nổi tiếng về vấn đề danh và thực rất sâu sắc và ý nghĩa "Tiến sĩ giấy". Ông đã mượn hình ảnh những đồ chơi của trẻ em để nói về những ông có chức có quyền nhưng thực ra ông đang châm biếm mỉa mai đầu óc của những ông đó không có gì, rỗng tuếch như đầu một đứa trẻ.
Danh chính là quyền, địa vị, danh lợi mà một con người có được khiến người khác ngưỡng mộ, khâm phục. Những chức danh và vị thế xã hội mà họ mang trong xã hội giúp họ có một chỗ đứng và sự ưu ái riêng.
Thực chính là sự cố gắng, phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được cái danh vẫn hằng mong muốn. Thực còn hiểu là thực lực vốn có hoặc là do sự nỗ lực hết mình của bản thân để dành lấy thành quả mà bản thân muốn đạt được.
Cái thực lực đó nếu là quá trình không ngừng nghỉ của bản thân, không nhờ cậy ai, không tranh giành, luồn cúi để đạt được thành quả thì cái danh ấy là cái danh đáng trân trọng, khen ngợi. Tuy nhiên mặt trái của danh và thực khiến con người ta mù quáng, quên hết và bất chấp hết. Chính vì mặt tiêu cực ấy đã khiến cho bản thân mỗi con người cũng như xã hội không bao giờ biết tự mình đứng lên, chỉ chìm đắm trong cái "ảo" vô biên, vô tận.
Hiện tường "hữu danh vô thực" trong xã hội đang trở thành vấn nạn cần được giải quyết triệt để thì mới có thể giúp cho cuộc sống này được thanh bạch và sáng trong hơn. Sức hút của danh lợi, của đồng tiền đầy ma lực khiến cho bản thân con người lao vào ngõ cụt, đường cùng của cái xấu. Đồng tiền quan trọng nhưng nếu coi nó quá cần có thể làm mù quáng nhân cách một con người.
Khi xã hội ngày càng phát triển, cái danh lợi phù phiếm trước mắt có thể "mua chuộc" một con người, và nguy hại hơn nữa là cả một đời người. Hệ quả của những kẻ chỉ biết chạy theo cái danh hão và không biết đâu là đúng đâu là sai thì thực sự lầm đường lạc lối là chuyện không thể tránh khỏi.
Con người ta khi có cung thì ắt có cầu và ngược lại; vũng bùn lầy của chữ danh quá lớn, quá sâu khiến con người ta đưa chân vào rồi thì khó mà có thể rút lại được. Bởi rằng không dựa trên chính thực lực của mình để có được chữ danh nhạt nhẽo vô vị đó thì làm sao họ có đủ thực lực và kiên nhẫn để có thể bước ra từ bóng tối đó.
Trong các trường học thì danh và thực diễn biến rất phức tạp, đó chính là hiện tượng "bệnh thành tích" tràn lan trong mọi ngóc ngách của trường học. Học sinh, phụ huynh và cả giáo viên vì một chữ "thành tích" to đùng ấy mà bất chấp hết. Phụ huynh "làm hư" giáo viên, chính giáo viên lại "làm hư" học sinh như một vòng tuần hoàn khép kín. Cuối cùng những học sinh yếu kém bị bệnh thành tích làm cho lu mờ, chỉ cần nghĩ bố mẹ mình có tiền là có thể có bằng này, cấp nọ, lớp này lớp kia. Cuối cùng hại cả một đời học sinh khi xã hội này cần những người có kiến thức, có học vấn sâu rộng chứ không cần những kẻ có bằng cấp nhưng để cho "vui", cho "có" như vậy. Thực trạng này rất đáng buồn.
Trong các lĩnh vực khác có rất nhiều ông này, bà nọ, mang chức danh tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ nhưng đó chỉ là cái danh mà họ dùng tiền để mua, dùng tiền để đổi lấy một chức danh rồi "ra oai" . Kỳ thực rất đáng buồn và đáng thất vọng cho những điều tiêu cực như thế này.
Những người đủ bản lĩnh để vượt qua chữ danh hư vô, nhạt nhẽo đó mà phấn đấu bằng chính thực lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân mình thì thực sự rất đáng quý và đáng trân trọng. Xã hội cần những con người và nhân cách như vậy. Những người không chịu sống luồn cúi, không chịu khuất phục và không chịu để cho đồng tiền làm mờ mắt. Nhân cách ấy, lối sống ấy có thể giúp hoàn thiện một con người.
Sự thành công, cái danh không dễ dàng để có được. Mỗi con người nên trân trọng những gì mà bản thân mình đã cố gắng để có được. Như thế là họ đang trân trọng chính nhân cách của bản thân cũng như trân trọng cái mà xã hội có thể mang lại cho chính bạn.
Danh và thực, những điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ rất nhiều để có thể trở thành những con người chân chính, không bị cái danh ảo mua chuộc, không bị đồng tiền làm lu mờ mắt. Hãy dùng chính thực lực của bản thân mình để đạt được cái mà mình mong muốn.
Nghị luận xã hội về danh và thực - Mẫu 3
Danh và thực tế vấn đề mà ai trong chúng ta cũng muốn có được. Nó được đưa ra để thảo luận trong nhiều hội thảo, nhiều cuộc họp của các bộ ban ngành. Trong thực tế đề tài này đang rất nóng hổi bởi hiện nay trong nhiều ngành nghề của nước ta đang xảy ra hiện tượng “Hữu danh vô thực” có danh tiếng có uy tín nhưng thực chất thì lại không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Đặc biệt là trong những lĩnh vực về khoa học, công nghệ tiên tiến. Chúng ta đang có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ… những người có bằng cấp, học hàm học vị cao, được tu nghiệp từ nước ngoài về. Nhưng trên thực tế chúng ta lại có rất ít các nghiên cứu, sáng tạo, những ứng dụng kỹ thuật thiết thức có thể áp dụng vào đời sống con người.
Danh là gì? Chính là uy tín, danh tiếng, mà một người có được. Nó là thành quả mà người đó nhờ sự nỗ lực vượt bậc của mình mới gây dựng lên, tạo dựng uy tín, tiếng tăm cho mình. Nhờ danh đó mà một con người được yêu mến, được kính trọng.
Thực là gì? Thực chính là những gì xảy ra trong thực tế cuộc sống, là sự kiểm tra, kiểm định danh kia có phải là thật hay không hay chỉ là hư danh, không có thật trong cuộc sống thực tế của con người.
Từ thời xa xưa cho tới nay danh và thực là một cặp trời sinh thân thiết luôn đi cùng với nhau, cùng nhau tồn tại chúng bổ trợ thúc đẩy cho nhau.
Con người khi có danh tiếng thì luôn được người khác nể trọng tạo mọi điều kiện cho công việc trong thực tế. Khi thực tế làm tốt tạo ra nhiều thành tựu thành quả đáng khen ngợi ngưỡng mộ thì danh tiếng lại càng vang xa.
Trong thời kỳ phong kiến thì cũng có những trường hợp đặc biệt. Đó là có danh mà không có thực, nhiều người quyền cao chức trọng nhưng trong thực tế không đáng kính nể. Họ thường dùng sức mạnh của đồng tiền để mua danh lợi rồi khi có danh tiếng rồi họ bắt đầu vơ vét tiền bạc về túi mình. Rồi lại tiếp tục mua danh, mua chức quyền…Một vòng luẩn quẩn. Khiến cho xã hội phong kiến ngày càng trì trệ, thối nát không thể nào tồn tại được mãi.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, cũng vẫn tồn tại tình trạng có danh mà không có thực. Đây là một vấn nạn nhức nhối mà xã hội nước ta cần phải loại bỏ nếu muốn xây dựng một đất nước vững mạnh, tiên tiến.
Trên cả nước ta năm 2016 có 24.000 tiến sĩ đây là một số lượng lớn, gấp nhiều lần các nước khác trên thế. Khiến cho viện Khoa học và Xã hội trở thành lò luyện tiến sĩ vì đào tạo quá nhiều.
Nguyên nhân của việc “hữu danh vô thực” là trong xã hội chúng ta ngày càng coi trọng bằng cấp. Có bằng cấp con người ta mới có cơ hội để tìm được việc làm tốt, được cất nhắc lên giữ những vị trí quan trọng trong công ty cơ quan mình làm, nên nhiều người tìm cách lách luật, làm sai, bằng cách đi mua bằng giả hoặc tìm cách học cấp tốc ở nơi nào có thể cấp bằng cấp dễ dàng mà không cần thực tế nhiều. Không cần đào tạo trình độ chuyên môn cao phù hợp với yêu cầu của bằng cấp mình được trao.
Nên nhiều người sau khi có bằng tiến sĩ, giáo sư nhưng không có lấy một công trình nghiên cứu khoa học nào, hữu ích cho cuộc sống của con người. Họ chỉ là những giáo sư tiến sĩ trên bàn giấy mà thôi, mang học hàm học vị của mình đi để lòe thiên hạ, nhưng thực chất đầu óc rỗng tuếch không có cái gì,
Khi con người bị danh lợi làm cho mờ mắt, hám danh lợi thì khiến người ta có thể làm được rất nhiều việc để thực hiện danh vọng đó của mình. Nhiều vụ báo chí đã phanh phui có những giám đốc cơ quan nhà nước đi mua bằng đại học, bằng này bằng kia để có thể được ngồi vào vị trí cao, nên họ bất chấp thủ đoạn.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “hữu danh vô thực” là do bệnh thành tích trong mọi lĩnh vực của nước ta ngày càng tràn lan, ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người, khiến cho cả xã hội bị chao đảo khi ai cũng mải chạy theo thành tích. Bệnh thành tích tồn tại nhiều và gây ra nhiều hệ lụy nhất đó chính là trường học. Các thầy cô giáo vì sợ ảnh hưởng tới thành tích dạy tốt, học tốt của mình nên học sinh đi học em nào cũng khá giỏi trăm phần trăm.
Nhiều em học sinh học lớp 6 mà không biết cộng trừ hai con số. Nhưng vẫn cứ được lên lớp đều đều. Gia đình khi biết tình hình học tập của con mình quá trì trệ muốn xin cô giáo chủ nhiệm, nhà trường cho con mình được ở lại lớp để học thêm nhưng nhà trường và giáo viên nhất định không chịu. Vì sợ học sinh ở lại lớp sẽ ảnh hưởng tới thành tích của cô, của nhà trường trong việc thi đua dạy tốt, học tốt…
Một môi trường giáo dục mà còn phi giáo dục thì những ngành nghề khác sẽ còn nghiêm trọng như thế nào? Một nơi là cái nôi dạy các em học sinh biết trung thực, thẳng thẳng thì lại làm gian dối thì còn dạy được ai nữa. Chính môi trường giáo dục như thế đã làm hỏng suy nghĩ trong sáng trong tâm hồn trẻ thơ của các em. Các em cũng phải sống gian dối, chạy theo thành tích để phù hợp với lối sống của thời đại.
Một xã hội giàu đẹp vững mạnh là một xã hội mà trong đó mỗi con người, mỗi cá thể đều là một người tốt, có như vậy mới tạo nên một xã hội trong sạch vững mạnh
Con người muốn thành công thì phải nỗ lực cố gắng để đạt được thành công, không nên mua danh bán vị làm cho cuộc sống cái gì cũng giả sẽ khó tồn tại lâu dài.